GIÁO HỘI LẮNG NGHE THỰC TẠI

4. «Các thực tại lớn hơn các ý tưởng» (xem EG 231-233): trong Phần I, chúng ta được kêu gọi lắng nghe và nhìn vào giới trẻ trong hoàn cảnh thực chất của đời họ, và các hành động của Giáo Hội đối với họ. Đây không phải là việc tích lũy các dữ kiện xã hội học, mà đúng hơn là việc giải quyết các thách thức và cơ may xuất hiện trong các bối cảnh khác nhau dưới ánh sáng đức tin, để chúng thúc đẩy ta một cách sâu xa trogn việc cung cấp một nền tảng cụ thể cho tất cả những gì sẽ tiếp theo sau đây (xem LS 15 ). Vì không gian rõ ràng là hạn chế, nên chúng ta sẽ ngắn gọn đề cập tới các vấn đề rộng lớn và phức tạp: Các nghị phụ THƯỢNG HỘI ĐỒNG được kêu gọi nhận ra các lời kêu gọi phát xuất từ Chúa Thánh Thần trong những vấn đề như vậy.

PHẦN I: NHÌN NHẬN

Chương I: Làm người trẻ hôm nay


5. Ngay lập tức, chúng ta ủng hộ tính năng động mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã đem vào cuộc gặp mặt chính thức đầu tiên của ngài với giới trẻ: «Hành trình đầu tiên này là về việc gặp gỡ giới trẻ, nhưng không phải tách biệt khỏi cuộc sống của họ - tôi muốn được gặp họ trong bối cảnh xã hội của họ, trong xã hội. Bởi vì, khi cô lập giới trẻ, chúng ta gây cho họ một sự bất công; chúng ta lấy đi "việc thuộc về" của họ. Giới trẻ quả có thuộc về, họ thuộc về một gia đình, một quê hương, một nền văn hóa, một đức tin »(Tông du Rio de Janeiro nhân dịp NGÀY GIỚI TRẺ THẾ GIỚI lần thứ 28. Buổi họp của Đức Thánh Cha Phanxicô với các nhà báo trong chuyến bay đến Ba Tây, ngày 22 tháng 7 năm 2013).

Một loạt các bối cảnh đa dạng

6. Có khoảng 1.8 tỷ người ở độ tuổi từ 16 đến 29 trên thế giới, tương ứng với gần một phần tư nhân loại, mặc dù các dự đoán cho thấy sự giảm dần về phần trăm người trẻ trong tổng dân số nói chung. Các tình huống cụ thể của người trẻ thay đổi rất nhiều giữa các quốc gia, như các câu trả lời từ các Hội đồng Giám mục đã làm nổi bật. Ở một số quốc gia, người trẻ chiếm một phần khá lớn dân số (trên 30%), trong khi tỷ lệ này thấp hơn nhiều ở một số quốc gia khác (khoảng 15% hoặc ít hơn); có những quốc gia mà tuổi thọ trung bình không tới 60 và những quốc gia khác có thể vượt quá 80, xét về trung bình. Các cơ hội giáo dục, y tế, tài nguyên môi trường, văn hóa và kỹ thuật, hoặc tham gia vào đời sống dân sự, xã hội và chính trị, thay đổi đáng kể giữa các vùng. Ngay trong cùng một quốc gia, chúng ta cũng có thể tìm thấy nhiều dị biệt, đôi lúc rất đáng kể, giữa các khu vực thành thị và nông thôn.

7. Diễn trình tham vấn trước THƯỢNG HỘI ĐỒNG làm nổi bật tiềm năng mà thế hệ trẻ vốn có, và các niềm hy vọng và mong muốn họ vốn ấp ủ: người trẻ là những người chính đi tìm kiếm ý nghĩa, và được hấp dẫn và thúc đẩy hành động bởi bất cứ điều gì đồng điệu với việc họ tìm cách đem lại giá trị cho đời sống của họ. Các nỗi sợ hãi của họ cũng xuất hiện, cùng với một số động lực xã hội và chính trị nào đó, với cường độ khác nhau ở các nơi khác nhau trên thế giới, cản trở việc họ tiến đến chỗ phát triển đầy đủ và hài hòa, dẫn đến tính dễ bị tổn thương và kém lòng tự trọng. Các điển hình của hiện tượng này là: những bất bình đẳng về kinh tế và xã hội đáng kể tạo ra bầu khí bạo lực phổ biến và đưa đẩy một số người trẻ vào thế giới tội phạm và buôn bán ma túy có tổ chức; một hệ thống chính trị bị thống trị bởi sự tham nhũng, làm suy yếu niềm tin vào các định chế của chúng ta và hợp pháp hoá thuyết định mệnh và chủ trương rút lui; các tình huống chiến tranh và nghèo đói cùng cực khiến mọi người phải di cư để tìm kiếm một tương lai tốt đẹp hơn. Ở một số vùng, giới trẻ thù ghét sự kiện này: các quyền tự do căn bản và tự chủ bản thân không được Nhà nước công nhận, trong đó có tự do tôn giáo; trong khi đó, ở các khu vực khác, việc loại trừ về phương diện xã hội và lo lắng về hiệu suất khiến một số người trẻ phải trải qua các chu kỳ nghiện ngập (ma túy và rượu chè nói riêng) và cô lập xã hội. Ở nhiều nơi, nghèo đói, thất nghiệp và bị cho ra rìa đang gia tăng số người trẻ sống trong điều kiện bấp bênh, cả về mặt vật chất, xã hội và chính trị.

Đương đầu với hoàn cầu hóa

8. Bất chấp các khác biệt trong khu vực, ảnh hưởng của diễn trình hoàn cầu hóa đối với giới trẻ trên toàn thế giới là điều rõ ràng, theo đó họ phải hoạt động ở các mức độ tham gia xã hội và văn hóa khác nhau (tại địa phương, quốc gia và quốc tế, nhưng cũng trong và ngoài Giáo hội nữa). Nói chung, như một số HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC đã tường trình, chúng ta nhận thấy đòi hỏi ngày càng gia tăng về tự do, tự chủ và phát biểu, bắt đầu với việc chia sẻ các kinh nghiệm phát xuất từ thế giới phương Tây, có lẽ qua các phương tiện truyền thông xã hội. Các HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC khác lo sợ rằng, bất chấp các mong ước sâu sắc nhất của giới trẻ, một nền văn hóa lấy cảm hứng từ chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa tiêu thụ, chủ nghĩa vật chất và chủ nghĩa hưởng lạc cuối cùng sẽ chiếm ưu thế.

9. Một số HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC không phải là Tây phương đang tự hỏi làm thế nào họ có thể đồng hành với người trẻ trong việc đối phó với sự thay đổi văn hóa này, một sự thay đổi đã tháo gỡ các nền văn hóa truyền thống vốn giàu tình liên đới, các nối kết cộng đoàn và linh đạo, vì cảm thấy họ không có đủ phương tiện. Hơn nữa, sự gia tốc của các diễn trình xã hội và văn hóa đang mở rộng hố phân cách thế hệ, ngay bên trong Giáo Hội. Các câu trả lời nhận được từ các HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC cũng cho thấy một số khó khăn trong việc hiểu được bối cảnh và nền văn hóa mà giới trẻ hiện đang sống. Một số HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC xem sự khác biệt do người trẻ đem lại như một dấu hiệu suy đồi luân lý để phàn nàn, chứ không phải là một sự phát triển mới mẻ, hữu hiệu.

10. Trong bối cảnh này, quan điểm được Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhắc đến nhiều lần vẫn là một điểm tham chiếu quan trọng: «Đây là lý do tại sao tôi thích nói về một hình ảnh hình học khác, không phải hình khối cầu: mà là hình khối đa diện. Đúng, có một sự hoàn cầu hóa đa diện, có một sự thống nhất, nhưng mọi người, mọi chủng tộc, mọi quốc gia, mọi nền văn hóa luôn nên duy trì được bản sắc riêng của mình. Và đây là sự thống nhất trong đa dạng mà việc hoàn cầu hoá phải cố gắng để có được »(Gặp mặt giới trẻ tại Đại học Roma Tre, ngày 17 tháng 2 năm 2017; Tự do ngôn luận được công bố trong gina.uniroma3.it/download/1491300733.pdf). Điều này được lặp lại bởi những lời nói của các người trẻ, những người coi đa dạng như một kho tàng, và thuyết đa nguyên như một cơ hội trong một thế giới kết nối qua lại với nhau: «Chủ nghĩa đa văn hóa có tiềm năng tạo điều kiện cho môi trường đối thoại và khoan dung. Chúng tôi đánh giá cao sự đa dạng về ý nghĩ trong thế giới hoàn cầu hóa của chúng ta, sự tôn trọng các suy nghĩ và tự do phát biểu của người khác. [...] Chúng ta không nên sợ sự đa dạng của chúng ta nhưng nên cử hành sự khác biệt của chúng ta và bất cứ điều gì làm cho mỗi người chúng ta trở nên độc đáo» (GMTHĐ 2). Tuy nhiên, cùng một lúc, họ tìm cách "duy trì bản sắc văn hóa của họ và tránh sự độc dạng và nền văn hóa vứt bỏ" (GMTHĐ 2).

Kỳ sau: Vai trò các gia đình