Tin Mừng thuật lại hai sự kiện song hành: Chúa Giêsu lên trời và lệnh truyền rao giảng Tin Mừng. Sự kiện Chúa Giêsu lên trời, Tin Mừng thánh Maccô ghi lại rất vắn tắt: Chúa lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa. Tin mừng Matthêu nói đến lệnh truyền: Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Theo sách Công vụ Tông đồ, Chúa Giêsu lên trời sau khi sống lại được 40 ngày, và nơi lên trời là núi Cây Dầu.

Thực ra sau khi Chúa Giêsu sống lại, Người đã lên trời rồi theo kiểu nói của Kinh Thánh, nghĩa là Người bước vào cõi vinh quang của Chúa Cha, Người ngự bên hữu Chúa Cha, mặc lấy vinh quang và quyền năng của Chúa Cha.

Trong 40 ngày sau sống lại, Chúa Giêsu hiện ra nhiều lần để dạy dỗ và cũng cố đức tin của các Tông Đồ. Giáo hội đã được thiết lập nay được cũng cố để được sai đi. Như vậy sự kiện lên trời mà phụng vụ Giáo Hội kính nhớ hôm nay có ý nghĩa sâu xa. Nó chấm dứt thời gian Chúa hiện diện giữa nhân loại bằng thân xác, chấm dứt thời gian huấn luyện các Tông Đồ. Một thời điểm có tính cách quyết định của lịch sử cứu độ là Chúa Giêsu ban những giáo huấn cuối cùng,trao những chức vụ phải thi hành trong Giáo hội, chuẩn bị cho các Tông đồ thi hành sứ mạng chứng nhân của Đấng phục sinh trong thế giới.

Chúa Giêsu lên trời, những chữ lên trời bị chi phối bởi cách suy nghĩ có giới hạn của con người. Theo cách suy nghĩ đó, các biến cố xảy ra luôn luôn được gắn liền với các vị trí trong không gian. Thực ra trời đây không phải là một nơi và lên không có nghĩa là nơi đó ở trên cao. Lên trời ở đây không hiểu theo nghĩa địa lý vì trời hay thiên đàng là một trạng thái hơn là một nơi chốn. Con người đang sống trong không gian và thời gian nên định vị trí mọi sự theo hai trục đó. Trời ở đây không phải là một khoảng không gian rõ rệt, nhưng là một tình trạng (x. Giáo lý Hội Thánh Công Giáo, số 659-667, 2794-2796) mà Chúa Giêsu đi vào trong đó để dẫn chúng ta theo.

Lên trời là giải thích theo ngôn ngữ bình dân của con người cho dễ hiểu. Theo quan niệm phổ biến của Thánh Kinh, trời là chỗ ở của thần minh, do đó cũng được dùng một cách tượng trưng để chỉ Thiên Chúa. Còn đất là nơi loài người cư ngụ. Ngày xưa khi Chúa Giêsu nhập thế thì gọi là ‘xuống trần’. Hôm nay Người trở lại với tình trạng vinh quang thì gọi là ‘lên trời’. “Đấng đã xuống cũng chính là Đấng đã lên cao hơn mọi tầng trời để làm cho vũ trụ được viên mãn” (Eph 4,10). Vì vậy “lên trời” đối với Chúa Giêsu không phải là một hành động bay đến một nơi trên chốn bồng lai tiên cảnh đầy mây, nhưng đó là tình trạng Người đã lấy lại vinh quang. Chúa lên trời, ngự bên hữu Chúa Cha. Theo Thánh Kinh, ngự bên hữu nghĩa là đồng hàng trong danh dự, phẩm vị và quyền năng. Chúa Giêsu lên trời nghĩa là sau khi hoàn tất công cuộc cứu độ, Người lấy lại vinh quang, uy quyền và danh dự của một Thiên Chúa đồng hàng với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Người lấy lại những sự ấy là vì đã tự nguyện trút bỏ nó khi vào trần gian để thực thi chương trình cứu độ. “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế” (Pl 2,6-7).

Điều cốt yếu mà Thánh kinh muốn dạy về mầu nhiệm Thăng Thiên là Đức Giêsu Kitô đã ra khỏi thế giới trần thế bị tội lỗi làm nhiễm độc và một ngày kia sẽ tiêu tan để tiến vào một thế giới mới, trong đó Thiên Chúa ngự trị tuyệt đối và vật chất đã biến đổi, đã thấm nhuần tinh thần. Người chính là “vị Thượng Tế thánh thiện, vẹn toàn, vô tội, tách biệt khỏi đám tội nhân và được nâng cao vượt các tầng trời” (x. Dt 7,26), và đã vào chính cõi trời, để đứng trước mặt Thiên Chúa chuyển cầu cho chúng ta (x. Dt 9,25). Từ nay trở đi, Người sẽ hiện diện với chúng ta một cách vô hình. Với quyền năng của Chúa Thánh Thần, thân xác Chúa Giêsu đã được thần khí hoá và đi vào cõi vĩnh hằng của Chúa Cha. Sự hiện diện này thâm sâu hơn và hiệu năng hơn. Khi còn ở trong thân xác, Chúa Giêsu chỉ ở bên cạnh một số người thôi. Từ nay, với quyền năng Thánh Thần, Người sẽ hiện diện trong lòng con người, trong tâm hồn tất cả những ai tin vào Người (x. Pl 2,10-11).

Chúa Giêsu lên trời, điều đó dạy cho chúng ta biết ngoài cõi đời này còn có một nơi chốn khác. Ngoài cuộc sống này còn có một cuộc sống khác. Ngoài những giá trị đời này còn có những giá trị khác. Con cá sinh ra trong con lạch nhỏ, rồi xuôi dòng nước ra sông lớn, nhưng mùa xuân đến, nó lại về nguồn như là trở về dòng sông quê hương. Con chim làm tổ trên kia, mùa đông nó vỗ cánh bay cả ngàn dặm về phương nam, nhưng khi xuân đến, nó lại tìm về tổ ấm ngày xưa. Làm sao các con vật đó biết đường quay về, trong khi chẳng có bản đồ, không người hướng dẫn? Vì Thiên Chúa đã đặt vào lòng chúng, con đường trở về. Và Ngài cũng không quên đặt vào lòng mỗi người chúng ta con đường cuộc sống và con đường trở về quê trời.

Trời không phải là một nơi chốn xác định, là một không gian vật lý có thể cân đo đong đếm. Nhưng trời là Thiên đàng, là chính sự sống của Thiên Chúa Ba Ngôi, là chính Thiên Chúa Ba Ngôi.Lên trời không phải là bay bổng lên không gian, nhưng là chuyển đổi cấp độ sự sống, là bước vào sự sống siêu nhiên của Thiên Chúa. Lên trời không phải là vắng mặt, là xa cách nhưng lại là một hiện diện vô cùng phong phú, vô cùng mãnh liệt, ở bên cạnh tất cả mọi người, ở mọi nơi và ở mọi thời.

Chúa Giêsu lên trời, một cuộc tạm biệt chứ không ly biệt. Chia tay để rồi sẽ gặp lại nhau trong một tương quan mới.Chúa về trời gợi lên trong tâm hồn chúng ta một khát vọng quy hướng về Người và như thế đối với chúng ta không còn hạnh phúc nào lớn hơn là được ở trong Người, đón nhận sự sống sung mãn Người ban tặng. Nhận thức được niềm hạnh phúc ấy, đời sống cầu nguyện của chúng ta sẽ có một sự thú vị ngọt ngào. Nơi thiên cung, mọi đau khổ, bệnh tật, chiến tranh, khủng bố không còn nữa. Ở đó chỉ có thanh bình, công bằng, và hạnh phúc viên mãn, nhân phẩm và nhân vị con người hoàn toàn được phục hồi trong ánh sáng phục sinh của Chúa Kitô. Từ nay trở đi, Chúa Kitô Phục Sinh sẽ hiện diện trong lòng con người, trong tâm hồn tất cả những ai tin vào Người.

Chúa Giêsu lên trời, đưa mọi người về trời với Người vì chúng ta là những chi thể trong thân thể mầu nhiệm của Người. Thánh Phaolô trong bài đọc II (x.Ep 1,17-23) đã nói, Giáo hội là Hiền thê của Chúa Giêsu, Người là đầu và chúng ta là những chi thể. Khi Chúa Giêsu về trời là mỗi người cũng được chia sẻ thần tính của Người, đi vào một tình trạng kết hợp hoàn toàn mới mẻ với Người. Điều này không phải chỉ xảy ra sau khi ta chết, nhưng có thể thực hiện ngay trong đời sống trần thế như đời sống của nhiều tín hữu đã chứng minh: thánh Phaolô được đưa lên tầng trời thứ ba (x. 2Cr 12,2). Nhiều vị thánh như Phanxicô Assidi, Gioan Thánh Giá, Catarina de Sienna... cảm nghiệm trời trong những lần xuất thần; còn thánh Têrêsa Calcutta lại thấy trời giữa lòng xã hội với những con người khốn khổ, bệnh tật.

Tuy nhiên, trời không phải xây dựng trong mây trong gió, nhưng được xây dựng trong cuộc sống trần gian. Trời không phải là cõi mơ mộng viển vông, nhưng đã bắt đầu ngay trong thực tế cuộc đời hiện tại.

Chính vì thế mà hai thiên thần áo trắng đã bảo các môn đệ đừng đứng nhìn trời mãi làm chi, nhưng phải trở về mà lo chu toàn nhiệm vụ.

Chính vì thế mà trước khi lên trời, Chúa căn dặn các môn đệ hãy đi làm việc cho Nước Chúa. Sống và làm việc ở trần gian, đó là một nhiệm vụ phải chu toàn. Hoàn thành nhiệm vụ ở trần gian, đó là điều kiện để đạt tới hạnh phúc nước trời.

Chính Chúa Giêsu cũng đã chu toàn nhiệm vụ ở trần gian rồi mới lên trời. Nhiệm vụ đó là đi gieo Tin Mừng khắp nơi. Đi đến đâu là thi ân giáng phúc đến đó. Đi đến đâu là làm cho hạt yêu thương nảy mầm lên màu xanh sự sống đến đó.

Chúa Giêsu lên trời, mở ra sứ vụ mới cho các Tông đồ. Đó là khai trương công cuộc truyền giáo toàn cầu với lệnh truyền: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin mừng cho mọi loài thọ tạo”. Nội dung của việc truyền giáo được chỉ định rõ ràng: “Làm cho muôn dân trở thành môn đệ của Thầy. Làm phép rửa cho họ.Dạy bảo họ tuân giữ những điều Thầy truyền cho anh em”. Bảo chứng cho sứ vụ truyền giáo là: “Có Chúa cùng hoạt động với các ông, và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng”. Nhờ việc sai đi và uỷ quyền cho các Tông đồ, qua các Tông đồ rồi đến các môn đệ, Chúa Giêsu trở thành người sống đương thời với chúng ta “và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế”.

Chúa Giêsu lên trời, hướng chúng ta đến cái nhìn lên trời cao và cái nhìn về trần thế.

- Hướng lên trời cao để biết rằng quê hương vĩnh cửu của ta ở trên trời, nơi đó có Chúa Giêsu đang ngự bên hữu Chúa Cha, để ta biết “ái mộ những sự trên trời” và biết sống niềm hy vọng một ngày nào đó sẽ được trở về với nguồn cội của mình là thiên đàng vĩnh phúc.

- Hướng về trần thế để biết chu toàn bổn phận xây dựng cuộc sống trong giây phút và hoàn cảnh hiện tại của mỗi người, để biết thực thi sứ mạng loan báo Tin mừng mà Chúa đã trao phó với một thái độ tin tưởng là có Chúa luôn đồng hành.

Nếu bám vào một thứ vật chất nào đó, như những người nghiện ma túy, rượu bia, phim đồi trụy hay tìm thỏa mãn dục vọng, người ta có thể cảm thấy sung sướng như được lên trời trong giây lát. Nhưng đó không phải là trời thật sự vì chúng làm cho người ta bất an, lệ thuộc, tàn tạ, chết chóc. Còn khi vượt lên trên những vật chất, tham vọng, dục vọng, để gắn bó mật thiết với Chúa, chúng ta sẽ được Người chuyển thông sự sống kỳ diệu, hạnh phúc vô biên, niềm vui vô tận, quyền năng lạ lùng. Lúc đó chúng ta cảm thấy mình lên trời với tâm trí nhẹ nhàng, thanh thoát.

Lễ Chúa Giêsu lên trời, Giáo Hội chọn làm ngày Quốc tế Truyền thông. Ngày nay, các phương tiện truyền thông, các trang mạng xã hội phát triển rất nhanh. Trong thế giới kỹ thuật số, Giáo Hội khuyến khích con cái mình vận dụng những phương tiện truyền thông hiện đại nhất để thi hành sứ vụ loan báo Tin mừng.

Chủ đề của Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông xã hội năm 2018 là “Tin giả và một nền báo chí vì hòa bình: Sự thật sẽ giải thoát anh em!”. Tin giả là những thông tin sai lạc dựa trên những dữ liệu không tồn tại hoặc bị bóp méo để lừa dối và thao túng độc giả. Tin giả thường dẫn đến việc làm mất uy tín của người khác, trình bày những người ấy như kẻ thù, thậm chí như ma quỷ, và nung nấu lòng căm thù họ. Tin giả là một dấu chỉ của thái độ thiếu khoan dung, quá nhạy cảm, kiêu căng và thù hận.

Chứng kiến tình hình tin giả đang lan rộng trong một thế giới chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi sự thay đổi nhanh chóng các kỹ thuật truyền thông, ĐGH Phanxicô muốn đưa ra một sứ điệp để cộng tác với mọi người trong nỗ lực ngăn chặn sự lan rộng của tin giả, đồng thời tái khám phá phẩm giá của báo chí cũng như trách nhiệm của các nhà báo trong việc truyền đạt sự thật.

Thuốc giải độc hiệu nghiệm nhất cho vi khuẩn giả dối là luôn biết thanh lọc mình trong sự thật. Theo Kitô giáo, sự thật không chỉ là điều được đưa ra ánh sáng sau khi bị che giấu, mà là nơi chúng ta có thể dựa vào để cuộc đời của ta không bị sụp đổ. Và nơi đó chính là Đức Kitô, như lời Ngài xác định: “Ta là sự thật” (Ga 14, 6). Và sự thật này sẽ cho ta được tự do: “Sự thật sẽ giải thoát anh em” (Ga 8,32). Thuốc giải độc hiệu nghiệm nhất cho vi khuẩn giả dối chính là kết hiệp với Đức Kitô và thực hiện Lời Ngài.

Các nhà báo có trách nhiệm và sứ mạng rất lớn trong việc bảo vệ tin tức. Sứ mạng này đòi hỏi họ phải luôn ý thức rằng: Thông tin cho người khác chính là đào tạo người khác, vì thế các nhà báo phải luôn quảng bá sự thiện, tạo ra lòng tin, mở đường cho sự hiệp thông và hoà bình.

Truyền thông chính là chia sẻ niềm vui Tin mừng cứu độ. Truyền thông có đặc điểm là khiêm tốn, nhẹ nhàng, nên mọi sự cho mọi người và xây dựng một nền văn hóa gặp gỡ yêu thương. Từ đó giúp con người nhận ra tình yêu của Chúa. Đây là sứ vụ Chúa trao phó cho mỗi người tín hữu trong thời đại hôm nay.

Cảm tạ Thiên Chúa đã ban những phương tiện truyền thông hiện đại.

Ước mong mỗi người tín hữu biết sử dụng các phương tiện truyền thông với đức tin, trong sự tuân phục sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, góp phần loan báo Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô.