Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây


Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô. VietCatholic xin kính chào quý vị và anh chị em trong tình yêu thương của Chúa Kitô và Mẹ Maria. Kính thưa quý vị và anh chị em, chương trình Truyền Hình của chúng tôi hôm nay gồm có các tin chính như sau:

1- Tiếp Kiến Chung với Đức Thánh Cha, thứ Tư 24 tháng 1.

2- Đức Thánh Cha trả lời phỏng vấn báo chí trên chuyến bay từ Lima trở về Rôma.

3- Đức Thánh Cha cử hành thánh lễ trước 1 triệu 300 ngàn tín hữu tại Lima, Peru trước khi đáp máy bay trở về Roma.

4- Nhà thờ kính Đức Mẹ đầu tiên trên thế giới.

5- Ơn gọi gia tăng tại giáo phận Lincoln, tiểu bang Nebraska, Hoa Kỳ.

6- Việt Nam đứng hạng 18 trong 50 quốc gia có thành tích bách hại Kitô giáo tồi tệ nhất thế giới.

7- Trưởng Hướng Đạo lão thành Ông Mai Ngọc Liệu tạ thế tại Newport Beach, California.

Xin mời qúi vị theo dõi phần tin chi tiết

1- Tiếp Kiến Chung với Đức Thánh Cha, thứ Tư 24 tháng 1.

Tin Vatican, Đức Thánh Cha mới tông du hai nước Chile và Peru về chiều thứ Hai vừa qua, vì thế trong buổi tiếp kiên chung hơn 15 ngàn tín hữu và du khách hành hương sáng thứ tư 24 tháng 1, ngài đã chia sẻ với mọi người những gì đã sống khi viếng thăm hai quốc gia này. Ngài cũng mời mọi người vỗ tay chào hai dân tộc Chile và Peru mà ngài vừa viếng thăm về. Ngài khen: “Hai dân tộc này rất giỏi, rất giỏi”. Đức Thánh Cha đã cám ơn Chúa, cũng như chính quyền đạo và đời hai quốc gia, cũng như mọi cộng sự viên và thiện nguyên viên, vì đã cho ngài có dịp gặp gỡ dân Thiên Chúa tại đây, đã được tiếp đón nồng hậu, và chuyến viếng thăm đã diễn ra thật tốt đẹp.

Trong cuộc gặp gỡ hàng lãnh đạo chính trị và dân sự của quốc gia Chilê tôi đã khích lệ con đường dân chủ Chile như không gian của cuộc gặp gỡ liên đới, có khả năng bao gồm các khác biệt. Cho mục đích này tôi đã chỉ ra phương pháp của con đường lắng nghe: đặc biệt lắng nghe dân nghèo, giới trẻ và người già, người di cư, và cả lắng nghe trái đất nữa.

Với các linh mục, các người sống đời thánh hiến, và với các Giám Mục Chile tôi đã sống hai cuộc gặp gỡ sâu đậm, được phong phú hơn vì việc chia sẻ nỗi khổ đau của vài vết thương gây đớn đau cho Giáo Hội nước này. Tôi đã đặc biệt củng cố các anh em mình trong việc khước từ mọi giàn xếp với các lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên, đồng thời tin tưởng nơi Thiên Chúa là Đấng canh tân các thừa tác viên của Ngài qua thử thách thanh tẩy đớn đau này.

Thánh lễ cử hành tại miền nam trong vùng Araucania, là nơi các thổ dân Mapuche sinh sống, đã biến các thảm cảnh và mệt nhọc của dân tộc này thành niềm vui, bằng cách gióng lên lời kêu gọi cho hoà bình, hoà hợp giữa các khác biệt, và cho việc khước từ mọi bạo lực. Thánh lễ cử hành tại miền bắc ở Iquique, giữa đại dương và sa mạc, đã là một thánh ca gặp gỡ giữa các dân tộc, được diễn tả ra một cách đặc biệt trong lòng đạo đức bình dân.

Các cuộc gặp gỡ với giới trẻ và Đại học Công Giáo của Chile đã trả lời cho thách đố định đoạt cống hiến một ý nghĩa lớn lao cho cuộc sống của các thế hệ mới.

Tiếp tục bài huấn dụ ĐTC nói: tại Perù khẩu hiệu chuyến viếng thăm đã là: “Hiệp nhất cho hy vọng”. Hiệp nhất không phải cho một sự đồng nhất khô cằn, nhưng hiệp nhất trong tất cả sự phong phú của các khác biệt, mà các dân tộc đã thừa hưởng được từ lịch sử và nền văn hoá. Cuộc gặp gỡ với các dân tộc vùng Araucania bên Perù đã chứng tỏ điều này một cách biểu tượng, và đã khai mào cho lộ trình của Thượng Hội Đồng Giám Mục Toàn Amazzonia được triệu tập vào tháng 10 năm 2019.

Nói chuyện với các giới chức chính trị và dân sự Perù tôi đã đánh giá cao gia tài môi sinh, văn hoá và tinh thần của đất nước này, và tôi đã nêu bật hai thực tại đe dọa nó nhất: đó là sự đồi tệ môi sinh xã hội và nạn gian tham hối lộ. Gian tham hối lộ làm hư hỏng trái tim. Vì thế xin làm ơn, đừng gian tham hối lộ.

Tại đền thánh nổi tiếng nhất của Perù trong đó có ảnh Thánh Giá gọi là “Chúa làm phép lạ”, tôi đã gặp gỡ khoảng 500 nữ tu dòng kín của đời chiêm niệm: một lá phổi đích thực của đức tin và lời cầu nguyện cho Giáo Hội và toàn xã hội. Đây đã ít nhiều là tóm tắt chuyến công du này. Chúng ta hãy cầu nguyện cho hai quốc gia anh em là Chile và Perù để Chúa chúc lành cho hai nước.

Sau đó, Đức Thánh Cha đã chào các đoàn hành hương đến từ các nước khắp nơi trên thế giới. Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lậy Cha và phép lành tòa thánh Đức Thánh Cha ban cho mọi người

2- Đức Thánh Cha trả lời phỏng vấn báo chí trên chuyến bay từ Lima trở về Rôma.



Trên chuyến bay từ Lima, thủ đô của Peru, trở về Rôma hôm Chúa Nhật ngày 21 tháng Giêng, Đức Thánh Cha đã dành cho các nhà báo một cuộc phỏng vấn. Ngài đã trả lời khoảng 15 câu hỏi phỏng vấn trong gần một giờ. Sau đây, chúng tôi xin tóm lược một vài vấn đề chính đã được Đức Thánh Cha đề cập đến trong cuộc phỏng vấn này: …

Trả lời câu hỏi về trường hợp của Đức Cha Juan Barros, giám mục giáo phận Osorno của Chí Lợi, Đức Thánh Cha nói: “Tôi xin lỗi nếu tôi đã làm tổn thương các nạn nhân bị lạm dụng bằng những lời của tôi trong trường hợp của Đức Cha Barros”. Đức Thánh Cha thừa nhận rằng ngài đã dùng sai từ ngữ khi trình bày về trường hợp của Đức Cha Juan Barros. Đức Cha Barros bị các nhóm tín hữu trong giáo phận của ngài chống đối với cáo buộc cho rằng ngài biết rõ những lạm dụng tình dục của “cha bố” là linh mục Fernando Karadima, nhưng đã bao che cho những tội ác này của vị linh mục này. …

Tưởng cũng cần nhắc lại, vào ngày thứ Năm tuần trước (18-1-2018) ở Iquique, Chile, khi trả lời câu hỏi của một phóng viên địa phương về những cáo buộc liên quan đến Đức Cha Juan Barros, Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Ngày nào họ mang đến cho tôi một chứng cớ chống lại Đức Cha Barros, tôi sẽ xem xét; chẳng có một thứ ‘chứng cớ’ nào chống lại Đức Cha Barros, toàn là những lời vu cáo.” Những lời này, đặc biệt là từ “chứng cớ” đã gây ra phản ứng mạnh mẽ từ các nạn nhân của nạn lạm dụng ở Chí Lợi. Đức Hồng Y Sean O 'Malley, chủ tịch Ủy Ban Giáo Hoàng Bảo Vệ Vị Thành Niên, đã ra một tuyên bố về vấn đề này, trong đó ngài cho rằng các câu tuyên bố của Đức Thánh Cha là một nguồn gây ra sự đau đớn lớn lao cho các nạn nhân bị một số giáo sĩ lạm dụng tình dục hay các kẻ vi phạm khác. Tuy nhiên, ĐHY cho biết Đức Thánh Cha nhìn nhận đầy đủ các thất bại của Giáo Hội trong việc hàng giáo sĩ đã lạm dụng các trẻ em và tác động tàn hại do các tội ác này gây ra cho các người sống sót và người thân của họ. Và ĐHY nhấn mạnh rằng: “tôi đã mục kích nỗi đau đớn của (Đức Giáo Hoàng) khi biết chiều sâu và chiều rộng của các vết thương tạo nơi những người bị lạm dụng và diễn trình phục hồi có khi cần cả một đời người. Các câu tuyên bố của Đức Giáo Hoàng rằng không có chỗ nào trong đời sống Giáo Hội cho những người lạm dụng trẻ em và chúng ta phải duy trì chính sách tuyệt đối không khoan dung cho các tội ác này đều chân thực và là các cam kết của ngài.”

Trong cuộc phỏng vấn, Đức Giáo Hoàng cũng đã nói về đám cưới giờ đây đã trở thành thời danh xảy ra trên chuyến bay từ Santiago đến Iquique. Theo tin tức đã được phổ biến rộng rãi trong vài ngày qua, trên chuyến bay trong ngay đầu tiên của chuyến tông du từ Rôma đến ChiLê, Đức Thánh Cha đã bất ngờ làm phép hôn phối cho một đôi nam nữ tiếp viên hàng không theo lời yêu cầu của họ. Đôi nam nữ cho biết họ đã kết hôn dân sự và dự định làm phép cưới trong nhà thờ nhưng trận động đất năm 2010 đã hủy hoại nhà thờ giáo xứ của họ ở Santiago de Chile. Nhiều giới chức trong giới Công Giáo đã lên tiếng chỉ trích quyết định của Đức Thánh Cha, cho rằng, Ngài làm phép hôn phối cho đôi nam nữ nói trên khi họ chưa được chuẩn bị đầy đủ theo giáo luật. Đức Thánh Cha Phanxicô đã biện minh cho sự lựa chọn của ngài bằng cách giải thích rằng, đôi hôn phối này đã được chuẩn bị tốt, đã theo các khóa học trước hôn nhân và đã lãnh nhận bí tích hòa giải. …

Khi được hỏi Ngài đã có ấn tượng gì về chuyến công du Nam Mỹ vừa qua, Đức Thánh Cha trả lời: “Đó là ấn tượng về một dân tộc trung tín, những người đã trải qua và vẫn còn đang trải qua nhiều khó khăn nhưng vẫn có một đức tin gây ấn tượng mạnh đối với tôi. Một dân tộc đã thể hiện được niềm vui và niềm tin của mình. Họ là một dân tộc “insantata”, là một dân tộc Mỹ Latinh có nhiều vị thánh hơn cả. Từ Peru, tôi mang theo tôi một ấn tượng về niềm vui, niềm tin, hy vọng, và trên hết là tôi đã thấy nhiều trẻ em! Tôi thấy những hình ảnh đã từng thấy ở Phi Luật Tân và Colombia khi các bà mẹ và các ông bố giơ cao con mình lên... Điều này nói về tương lai, nói về hy vọng. Đó là bảo chứng cho sự thịnh vượng...”

3- Đức Thánh Cha cử hành thánh lễ trước 1 triệu 300 ngàn tín hữu tại Lima trước khi đáp may bay trở về Roma.

Chiếc máy bay Boeing 767 của hãng hàng không Latam đã cất cánh lúc 7 giờ 10 phút, giờ địa phương tối Chúa Nhật ngày 21 tháng 1 năm 2018, đưa Đức Thánh Cha trở lại Rôma sau chuyến tông du Nam Mỹ kéo dài một tuần lễ từ ngày 15 đến ngày 21 tháng 1 năm 2018, gồm 3 ngày đầu tiên ở Chi lê và 3 ngày kế tiếp tại Peru. 3 phi cơ Mirage 2000 của không quân Peru đã bay tháp tùng để tiễn biệt Đức Thánh Cha cho đến khi ngài rời khỏi không phận nước này. Vào lúc 4 giờ chiều cùng ngày, trước khi Đức Thánh Cha khi lên máy may từ giã Peru, Ngài đã chủ sự thánh lễ trước 1 triệu 300 ngàn tín hữu tại thủ đô Lima, Peru. Đồng tế với Ngài có hơn 60 Giám mục cùng với hàng trăm Linh mục. Trong số các tín hữu dự lễ có Ông Kuszinski Tổng thống Peru, và 7 vị đại diện của các Giáo Hội và cộng đoàn Kitô không Công Giáo. Đây là thánh lễ đông người tham dự nhất trong chuyến viếng thăm 6 ngày của Đức Thánh Cha tại 2 quốc gia: Chile và Peru. …

Trong bài giảng thánh lễ, ĐTC đã quảng diễn các bài đọc của Chúa Nhật thứ 3 thường niên, đặc biệt là sách Giona nói về sự tích ngôn sứ, khi được Chúa bảo tới thành Nivive rao giảng thống hối cho dân thành, thì ông bỏ trốn vì dân thành này nổi tiếng là gian ác, sa đọa. ĐTC nói: ”Nhiều khi (điều này) cũng xảy ra với chúng ta như xảy ra cho Giona. Các thành thị của của chúng ta, với những tình cảnh đau thương và bất công hằng ngày tái diễn, có thể khiến chúng ta bị cám dỗ chạy trốn, ẩn núp và rút lui… Khi nhìn thành thị và những khu phố của chúng ta, những nơi lẽ ra phải là môi trường gặp gỡ và liên đới, vui mừng, nhưng chúng lại tạo nên điều mà chúng ta có thể gọi là ”hiệu chứng Giona”: một nơi khiến người ta phải trốn chạy và không còn tín thác” (Xc St 1,3)

ĐTC nhận xét rằng, trong Tin Mừng, khi Gioan Tẩy Giả bị bắt, thì Chúa Giêsu đến miền Galilea để rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa. Khác với Giona, Chúa Giêsu, khi đứng trước một biến cố đau thương và bất công như vụ bắt Gioan Tẩy giả, Chúa Giêsu vào thành, vào miền Galilea và bắt đầu từ nhóm dân nhỏ ấy, gieo vãi điều sẽ là khởi đầu của một niềm hy vọng lớn hơn, đó là ”Nước Thiên Chúa đã gần, Thiên Chúa ở giữa anh chị em”…

Từ những điều trên đây, ĐTC nói: ”Chúa Giêsu đã kêu gọi các môn đệ của Ngài sống trong hiện tại một điều có hương vị vĩnh cửu: đó là tình yêu đối với Thiên Chúa và tha nhân… Và Ngài kết luận rằng ”ngày hôm nay, Chúa cũng đang kêu gọi anh chị em đi với Ngài, trong thành thị của anh chị em. Chúa gọi anh chị em hãy trở thành môn đệ thừa sai của Ngài, và qua đó tham gia vào tiếng thì thầm lớn mà Ngài muốn nó tiếp tục âm vang trong mọi góc của đời sống chúng ta, đó là: “Anh chị em hãy vui lên, Chúa đang ở cùng anh chị em!”

Cuối thánh lễ, Đức Thánh Cha đã cám ơn Đức Hồng Y, các anh em Giám mục, Tổng thống Kuszinski và chính quyền Peru, cũng như hàng ngàn người thiện nguyện đã làm việc âm thầm và hy sinh để cuộc viếng thăm của ngài có thể tiến hành được. Đức Thánh Cha nói thêm: Peru là miền đất hy vọng vì các truyền thống phong phú và các phong tục của dân tộc này. Đây là miền đất hy vọng cho người trẻ, không những là tương lai nhưng còn là hiện tại của Peru. Hãy bảo tồn niềm hy vọng. Không có cách nào tốt hơn để giữ gìn hy vọng cho bằng tiếp tục đoàn kết hiệp nhất với nhau, để tất cả những lý do nâng đỡ niềm hy vọng được tăng trưởng thêm mỗi ngày”. Kết thúc thánh lễ vào lúc gần 6 giờ chiều, Đức Thánh Cha đã ra phi trường quốc tế Lima trở về Roma. Tại đây Tổng thống cùng với phu nhân và các quan chức đạo đời đã có mặt để tiễn biệt Đức Thánh Cha, trước sự hiện diện của đội quân danh dự. Chiếc Boeing 767 chở Đức Thánh Cha đã đáp xuống phi trường Ciampino, Roma, vào lúc 2 giờ15 chiều ngày thứ Hai, ngày 22 tháng 1 năm 2018.

4- Nhà thờ kính Đức Mẹ đầu tiên trên thế giới.

Tin Ấn Độ - Ngày 21 tháng Giêng vừa qua, Đức Hồng Y George Alencherry, thủ lãnh Giáo Hội Công Giáo Syro-Malabar, đã trao tặng danh hiệu “Trung tâm Hành hương Tổng Giám mục trưởng” cho nhà thờ cổ nhất Ấn Độ và được coi là đền thờ kính Đức Mẹ đầu tiên trên thế giới. Nhà thờ Đức Maria ở thành phố Kuravilangadu, được xây năm 105, nhưng được trùng tu nhiều lần. Nhà thờ hiện tại được hoàn tất vào năm 1960. Tượng Đức Mẹ được kính ở bàn thờ bên cạnh. Những người sùng kính gọi là tượng “bà”. …

Đây là lần đầu tiên Giáo hội Syro-Malabar trao danh hiệu như thế này cho một nhà thờ giáo xứ. Theo sắc lệnh được Đức Hồng Y tuyên bố ngày 14/11, với danh hiệu mới này, nhà thờ có các quyền và nghĩa vụ theo luật của một trung tâm hành hương. Công đồng Giáo hội Syro-Malabar diễn ra từ ngày 8-13 tháng 1 và đã quyết định tặng tước hiệu đặc biệt cho các nhà thờ và các trung tâm hành hương có ý nghĩa lịch sử quan trọng thu hút nhiều khách hành hương.

Tài liệu của nhà thờ này ghi nhận lần hiện ra đầu tiên của Đức Mẹ là ở Kuravilangad. Đức Mẹ hiện ta với một số trẻ em đang chăn súc vật trong bụi rậm. Đức Mẹ yêu cầu xây một nhà thờ ở nơi sẽ có một suối nước xuất hiện như phép lạ và chảy không ngừng; dòng suối này vẫn còn đến ngày nay. Các trẻ em đã kể lại các sự kiện cho người lớn và một nhà thờ được xây ở đó.

Theo niềm tin truyền thống, pha trộn giữa các sự kiện lịch sử và huyền thoại, nhà thờ Kuravilangad là quê hương của các con cháu người Ấn độ được thánh Tôma tông đồ giảng đạo ở Palayur, gần Trichurch.

5- Ơn gọi gia tăng tại giáo phận Lincoln tiểu bang Nebraska, Hoa kỳ.

Tin Hoa Kỳ - Tại hội nghị Tình bạn Sinh viên Công Giáo (gọi tắt là FOCUS) lần thứ 18 được tổ chức tại Chicago hôm đầu tháng 1, Đức cha James Conley, Giám mục Giáo phận Lincoln từ năm 2012, đã cho biết nguyên nhân của sự gia tăng ơn gọi trong Giáo phận.

Từ những năm gần đây, Giáo phận Lincoln, thuộc tiểu bang Nebraska, Hoa kỳ, là một Giáo phận nhỏ nhưng trở nên nổi tiếng với việc gia tăng ơn gọi. Giáo phận Lincoln là một Giáo phận nhỏ với hơn 90 ngàn tín hữu, nhưng hiện giờ có 39 chủng sinh, 146 Linh mục đang làm việc với độ tuổi trung bình là 41. Trong vòng hai năm qua, Giáo phận Lincoln có 17 tân linh mục, vượt xa các Tổng giáo phận lớn hơn như Los Angeles, California. Giáo phận Lincoln cũng nổi tiếng là pháo đài của sự chính thống và phụng vụ theo nghi lễ Latinh. …

Theo Đức cha Conley, có nhiều lý do giải thích về sự bùng nổ ơn gọi tại Giáo phận và rõ ràng đó là do nhiều ơn phúc. Nhưng ngài muốn đề cập đến một lý do đóng góp trực tiếp đến sự gia tăng ơn gọi, đó là sự lãnh đạo của các Giám mục. Đức cha đặc biệt nhắc đến hai vị tiền nhiệm của ngài, Đức cha Fabian Bruskewitz và Đức cha Glennon Flavin. Trong những năm hoang mang sau công đồng Vatican II, hai Đức cha này luôn rất rõ ràng trong giáo huấn và rất trung thành với Huấn quyền và gia sản của Giáo hội. Các ngài đã lèo lái Giáo phận trên con đường chắc chắn và do đó đã không có sự sai lầm về phụng vụ.

Đức cha cũng đề cập đến vai trò của các nữ tu, hiện là hiệu trưởng các trường và dạy học. Trong Giáo phận có 37 nữ tu mặc tu phục dạy tại các trường và 48 Linh mục tham gia vào việc điều hành và dạy tại các trường của Giáo phận. Ngài nói giáo dục Công Giáo có một vai trò quan trọng về sự thành công của Giáo phận trong lãnh vực Ơn gọi.

6- Việt Nam đứng hạng 18 trong 50 quốc gia có thành tích bách hại Kitô giáo tồi tệ nhất thế giới.

Có đến 215 triệu người Kitô hữu đang sống dưới các chế độ bách hại tôn giáo trên thế giới, đó là kết luận cuả “2018 World Watch List” (Bản Danh Sách đáng quan tâm năm 2018) của cơ quan “Open Doors USA”. “Open Doors” tạm dịch là “Những cánh cửa rộng mở”, là một cơ quan từ thiện liên tôn được thành lập 60 năm trước ở Hà Lan, chuyên lo việc giúp đỡ các kitô hữu bị bách hại trên toàn thế giới. “Open Doors USA” là chi nhánh cuả “Open Doors” ở Hoa Kỳ. …

Trong Bảng danh sách liệt kê 50 quốc gia tồi tệ nhất do bạo lực và khủng bố chống lại Kitô hữu, Việt Nam đứng hạng khá cao, thứ 18, trong khi đó Trung Hoa thì chỉ đứng hạng 43 mà thôi. Bản báo cáo cho thấy rằng cứ 12 người kitô hữu trên thế giới thì có 1 người đang là nạn nhân của bạo lực đàn áp. Theo “Open Doors USA” thì hai lý do chính là sự lây lan của Hồi giáo cực đoan và sự gia tăng cuả chủ nghĩa tôn giáo dân tộc. Tại Mexico và Colombia thì lý do là tổ chức tội phạm, còn ở Việt Nam, Bắc Triều Tiên và Trung Hoa thì lý do là chủ nghiã Cộng Sản.

Bắc Triều Tiên Cộng Sản đứng đầu danh sách cuả các quốc gia tội phạm tồi tệ nhất, và tiếp tục đứng đầu như vậy trong 16 năm qua. Chưa có một người Kitô hữu nào có thể công khai hành đạo tại đây mà không bị cưỡng bức đi lao động trong một trại cải tạo, hoặc, trong một số trường hợp, đã bị xử tử. Cho dù như thế, trong hai thập kỷ qua, Thiên Chuá Giáo vẫn tăng trưởng một cách ngấm ngầm và lớn lao tại Bắc Triều Tiên. Bản báo cáo ước tính có thể có đến 300.000 Kitô hữu đang sống “chui” ở Bắc Triều Tiên ngày nay.

Afghanistan, với 99 phần trăm dân số là người Hồi giáo đứng thứ hai trong danh sách. Họ cấm cải đạo qua Kitô giáo, những ai bỏ đạo qua một tôn giáo khác bị kết tội là ‘giáo gian’ đáng chết (apostasy) và thường bị chính gia đình cuả họ xử tử để làm gương và để bảo vệ tiếng thơm cho gia đình. Những bạo lực thê thảm nhất cũng đã xảy ra cho người Kitô hữu là ở Pakistan. Các chiến binh hồi giáo ở đây đặc biệt nhắm mục tiêu vào Kitô hữu. Nạn Hồi Giáo cực đoan cũng có vẻ đang gia tăng ở Somalia, nơi mà Kitô hữu, nếu bị phát hiện, sẽ bị hành quyết ở giữa chợ. Dấu hiệu gia tăng cũng xảy ra ở các nước Ai Cập, Ấn Độ, Libya và Kazakhstan.

7- Trưởng Hướng Đạo lão thành Mai Ngọc Liệu tạ thế tại Nam Cali.

Trưởng Hướng Đạo Mai Liệu đã tạ thế ngày 16 tháng 1 năm 2018 tại Newport Beach, California Hưởng đại thọ 100 tuổi.

Lễ phát tang và thăm viếng sẽ được tổ chức tại Nhà thờ Đức Mẹ La Vang, ở Santa Ana, trong 2 ngày Thứ Năm và thứ Sáu, ngày 1 và 2 tháng 2, 2018 từ 1:00 trưa đến 7:00 chiều. Thánh Lễ An Táng sẽ được cử hành vào lúc 10:00 giờ sáng ngày Thứ Bảy, 3 tháng 2, 2018 cũng tại Nhà thờ Đức Mẹ La Vang. Sau đó là hỏa táng.

Trưởng Mai Ngọc Liệu, anh chị em Hướng Đạo thường gọi một cách âu yếm là Trưởng Mai Liệu, sinh năm 1918 tại Nam Định, Bắc Phần. Trưởng tham gia sinh hoạt Hướng Đạo từ năm 1936, liên tục cho đến ngày lìa rừng, 16 tháng 1 năm 2018.

Trưởng Mai Liệu là một trong những Hướng đạo sinh tiền phong thuộc Phong trào Hướng Đạo Công Giáo Việt Nam và có công rất lớn trong việc phát huy tinh thần Hướng đạo không những trong giới Công Giáo mà còn ngòai xã hội. Trưởng Mai Liệu bắt đầu làm việc ở miền bắc trước 1954, song song với những sinh hoạt của phong trào Hướng Đạo. Ông là sáng lập viên và là chủ nhiệm của tờ báo Công Giáo Cứu Quốc. Ông từng giữ các chức vụ Tổng Thanh Tra Hành Chính Bắc Việt, kiêm Tỉnh Trưởng Kiến An dưới thời Thủ Hiến Bắc Việt Lê Quang Luật. Trưởng Liệu cũng là người Quốc Gia rời miền Bắc cuối cùng sau khi Việt Cộng tiếp thu cơ sở ở Kiến An năm 1955.

Di cư vào Nam năm 1954-1955, trưởng Mai Liệu đã nắm giữ nhiều chức vụ quan trong chính quyền cả hai thời Đệ Nhất và Đệ Nhị Cộng Hòa miền Nam Việt Nam. Trưởng cũng tiếp tục sinh hoạt tích cực trong Phong trào Hướng Đạo Việt Nam, từng là Trại Trưởng Trại Trường Quốc Gia Hướng Đạo Việt Nam, Tùng Nguyên Đà Lạt trong các năm 1967, 1972-1975, và là Dịch giả của nhiều sách và tài liệu Hướng Đạo như cuốn Nghề Trưởng, Hướng Đạo Cho Trẻ Em, Đường Thành Công...

Di tản qua Hoa Kỳ năm 1975, Trưởng Mai Liệu được mời làm Giáo sư thỉnh giảng của Viện Nghiên Cứu Ngữ Học (Việt) tại Đại Học Harvard, và CSU of Fresno, USA.

Năm1983, Trưởng cùng các Trưởng HĐVN thành lập Hội Đồng Trung Ương HĐVN tại hải ngoại và giữ vai trò Trưởng Cố Vấn HĐTƯ-HĐVN từ 1983-2018. Trưởng là Sáng Lập Viên Phong Trào Hướng Đạo Trưởng Niên HĐVN tại hải ngoại (từ giữa thập niên 90). Ngoài ra, Trưởng còn là Tiên Chỉ Làng Bách Hợp Hướng Đạo Trưởng Niên Bắc Cali (1996-2014).

Trăm tuổi già rồi cũng về với tổ tiên, lúc sinh thời Trưởng Mai Liệu đã đóng góp rất nhiều cho phong trào HĐVN suốt một phần lớn của chiều dài cuộc đời mình, tới những 82 năm; ngoài ra Trưởng còn có những công trình nghiên cứu về Ngữ Học (Việt) rất có giá trị đóng góp cho ngành giáo dục và sinh hoạt cộng đồng Việt Nam.