SỰ LIÊN HỆ THEO GIÁO LUẬT
GIỮA GIÁM MỤC GIÁO PHẬN VÀ DÒNG TU TRONG ĐỊA HẠT


Khoản luật 383 của Bộ Giáo Luật 1983 dạy rằng Giám Mục Giáo Phận, với tư cách là chủ chăn, phải có trách nhiệm và bổn phận với mọi người cư ngụ hay đang ở trong lãnh địa Giáo Phận của mình. Thế nên, bất luận người đó là tín hữu Công Giáo, hay thuộc tôn giáo khác, bất kể người đó thuộc quốc tịch, màu da, giai cấp nào cũng đều được thụ hưởng sự săn sóc từ Giám Mục Giáo Phận. Nói như thế, các Dòng Tu hay các cộng đoàn tu trì đang cư ngụ và hoạt động trong Giáo Phận thì chắc chắn còn được sự chăm sóc đặc biệt hơn bởi họ là những cánh tay nối dài giúp Giám Mục Giáo Phận trong việc chăm sóc dạy dỗ cho những người đang cần sự giúp đỡ mà một mình Giám Mục không thể chu toàn hết được.

Trách nhiệm của Giám Mục Giáo phận là như thế, nhưng đâu là phạm vi quyền hạn thực sự của Giám Mục Giáo Phận đối với các Dòng Tu đang cư ngụ trong địa hạt. Có phải Giám Mục Giáo Phận có mọi quyền hành trên các Dòng Tu trong dịa hạt của mình? Hay Giám Mục Giáo Phận chỉ được quyền can thiệp trong một vài lãnh vực nào đó mà thôi? Để trả lời những câu hỏi trên, chúng ta cần xem xét hai điểm chính: A) sự khác biệt giữa các Dòng Tu và B) quyền và trách nhiệm giữa Giám Mục Giáo Phận và các Dòng Tu trong địa hạt.

A. Sự khác biệt giữa các Dòng Tu

Sự khác biệt giữa các Dòng Tu là một đề tài lớn, cần nhiều thời gian để nghiên cứu và tìm hiểu. Hy vọng sẽ có dịp trình bày vào một dịp khác. Trong phạm vi bài chia sẻ này, chỉ xin trình bày đôi nét để độc giả có một cái nhìn khái quát trước khi bước vào đề tài chính.

1/ Các hình thức tu trì

Các hình thức tu trì được phân chia thành hai nhóm, đó là: Tu Hội Dòng Tận Hiến và Tu Đoàn Tông Đồ. Trong Tu Hội Dòng Tận Hiến được phân chia làm hai hình thức: Dòng Tu và Tu Hội Đời. Như vậy ta có ba hình thức tu trì chính được nhắc đến trong Bộ Giáo Luật 1983 từ khoản luật 573 đến 746: Dòng Tu, Tu Hội Đời, và Tu Đoàn Tông Đồ. Chúng ta cùng nhau tìm hiểu đâu là sự khác biệt giữa ba hình thức tu trì này.

Dòng Tu là một xã hội trong đó các phần tử tuyên giữ các lời khấn công khai, trọn đời hay tạm thời, và sống chung đời huynh đệ.[1 ] Trong khi đó, Tu Hội Đời là một hội dòng tận hiến, trong đó các phần tử sống giữa đời và tự bó buộc giữ các lời khuyên Phúc Âm.[2 ] Cuối cùng, có thể nói, Tu Đoàn Tông Đồ là sự kết hợp của hai hình thức vừa kể ở trên, các phần tử của Tu Đoàn Tông Đồ không có lời khấn công khai nhưng lại sông chung đời huynh đệ.[3 ]

2/ Các lời khấn

Như đã đề cập ở trên, một trong những điểm để phân biệt các hình thức tu trì là lời khấn. Dòng Tu có lời khấn công khai, còn Tu Hội Đời và Tu Đoàn Tông Đồ không có lời khấn công khai, nhưng một số Tu Đoàn chấp nhận giữ các lời khuyên Phúc Âm.

Khoản luật 1192 §1 định nghĩa rằng một lời khấn được gọi là lời khấn công khai khi được bề trên hợp pháp chấp nhận nhân danh Giáo Hội; ngược lại, là lời khấn tư. Tuy nhiên, chỉ dựa vào định nghĩa trên thì rất khó phân biệt đâu là lời khấn công khai và đâu là lời khấn tư bởi vì trong nghi thức khấn của một số Tu Hội Đời và Tu Đoàn Tông Đồ, các bề trên đều đứng ra nhận lời khấn như các Dòng Tu khác. Do đó, để biết một cách chính xác lời khấn là công hay tư thì phải tìm hiểu trong hiến pháp của Dòng Tu đó.

Lời khấn có hai hình thức : khấn trọng thể và khấn đơn thường. Triệt 2 của khoản luật 1192 phân biệt như sau: lời khấn được gọi là trọng thể nếu được Giáo Hội công nhận như vậy, ngược lại là lời khấn đơn thường. Đọc định nghĩa trên dường như chẳng giúp chúng ta hiểu thêm gì cả. Để cho dễ hiểu, một người khấn trọng thể hay khấn trọn đời nghĩa là người đó quyết định giành cả cuộc đời còn lại của mình cho Dòng Tu, có những quyền lợi và bổn phận nhất định, và không được sở hữu tài sản riêng.[4 ] Người đã công khai khấn giữ khiết tịnh trọn đời không thể kết hôn hữu hiệu, trừ khi đã được giải lời khấn.[5] Ngược lại với người khấn trọn là người khấn tạm, người khấn tạm vẫn được quyền sở hữu tài sản,[6 ] vẫn có quyền và bổn phận trong nhà dòng nhưng bị hạn chế so với người khấn trọn,[7 ] và nếu vì một lý do nào đó mà người khấn tạm kết hôn khi vẫn bị bó buộc bởi lời khấn, thì hôn phối của người đó vẫn hữu hiệu nhưng bất hợp pháp. Nói tóm lại, một lời khấn có thời hạn rõ ràng luôn là lời khấn đơn thường.

3/ Sự khác biệt giữa các Dòng Tu

Khoản luật 589 phân biệt Dòng Tu thuộc luật Giáo Hoàng và Dòng Tu thuộc luật Giáo Phận. Dòng thuộc luật Giáo Hoàng là do Toà Thánh thành lập hoặc phê chuẩn do một sắc lệnh hợp thức. Dòng Tu thuộc luật Giáo Phận là do Giám Mục Giáo Phận thành lập, và chưa được nghị định phê chuẩn của Toà Thánh.

Các hội dòng thuộc luật Giáo Hoàng tuỳ thuộc trực tiếp và duy nhất vào quyền Toà Thánh trong việc cai trị nội bộ và kỷ luật.[8 ] Trong khi các dòng thuộc luật Giáo Phận được đặt dưới sự chăm sóc đặc biệt của Giám Mục Giáo Phận.[8 ]

B. Quyền và trách nhiệm giữa Giám Mục Giáo Phận và các Dòng Tu trong địa hạt

Mối liên hệ giữa Giám Mục Giáo Phận và các Dòng Tu nằm trong địa hạt của Giáo Phận là một vấn đề chẳng có gì mới, nhưng để hiểu rõ trách nhiệm và quyền hạn của mỗi bên là điều cần xem xét và tìm hiểu để có những cách giải quyết vấn đề cho thoả đáng.

Để tránh việc Giám Mục Giáo Phận can thiệp quá sâu vào mọi hoạt động của các Dòng Tu trong địa hạt của mình cai quản, khoản luật 586 đã nhắc nhớ như sau: Giám Mục có bổn phận tôn trọng và bảo đảm quyền tự trị của mỗi hội Dòng về nếp sống, cai trị, hiến pháp, thu nhận và huấn luyện các thành viên,... Vậy đâu là phạm vi quyền hạn mà Giám Mục Giáo phận có thể can thiệp? Chúng ta cùng xem xét quyền và trách nhiệm của Giám Mục Giáo Phận đối với các Dòng Tu thuộc luật Giáo Hoàng, kế đến là quyền và trách nhiệm của Giám Mục Giáo Phận đối với các Dòng Tu thuộc luật Giáo Phận.

1/ Sự liên hệ giữa Giám Mục Giáo Phận và các Dòng Tu thuộc luật Giáo Hoàng

Khoản luật 593 nói rõ rằng “Các hội dòng thuộc luật Giáo Hoàng tuỳ thuộc trực tiếp và duy nhất vào quyền Toà Thánh trong việc cai trị nội bộ và kỷ luật.” Tuy nhiên, vì hiện diện trong phạm vi của một Giáo Phận nào đó nên cũng có liên quan đến Giám Mục Giáo Phận ở một số vấn đề.

a/ Cần sự đồng ý của Giám Mục Giáo Phận

Để thành lập một nhà hay cộng đoàn thì cần có sự đồng ý bằng văn bản cụ thể của Giám Mục Giáo Phận trong địa hạt đó; đối với các Đan Viện Nữ thì cần có thêm phép của Toà Thánh.[10 ] Một khi Giám mục đã đồng ý cho thành lập, nghĩa là Giám Mục phải bảo đảm các quyền lợi của nhà Dòng như: được sống theo đặc tính và mục đích riêng của Dòng; được thi hành các công tác riêng của Dòng hợp với quy tắc của luật; và đối với Dòng giáo sĩ thì được có một nhà thờ và được thi hành các chức vụ chức thánh.[11 ]

Sau khi đã được Giám Mục Giáo Phận đồng ý cho thành lập nhà trong địa hạt của ngài, nhà dòng được thi hành công việc Tông Đồ theo tôn chỉ của hiến pháp như đã thoả thuận với Giám Mục. Tuy nhiên, nếu vì một lý do nào đó mà nhà Dòng muốn thay đổi hay chuyển hướng hoạt động này thì cần phải có sự đồng ý của Giám Mục Giáo Phận.[12 ]

Một điểm khác cần đến sự đồng ý của Giám mục Giáo Phận liên quan đến các Dòng Tu không giáo sĩ. Khi một Dòng Tu không giáo sĩ cần một vị giải tội thường xuyên cho các phần tử của mình trong Dòng, vị giải tội này cần được Giám Mục Giáo Phận phê chuẩn.[13 ]

b/ Cần hỏi ý Giám Mục Giáo Phận

Sau khi nhà đã được thành lập và hoạt động trong Giáo Phận, nhưng vì một lý do nào đó, ví dụ như thiếu nhân sự trầm trọng hay điều kiện kinh tế quá khó khăn không thể tiếp tục duy trì nhà (cộng đoàn) được nữa, thì Bề Trên Tổng Quyền, sau khi đã bàn hỏi với Giám Mục Giáo Phận, có quyền đóng cửa nhà (cộng đoàn) đó. Tuy nhiên, nếu đó là Dòng Nữ Đan Viện tự trị thì thuộc thẩm quyền của Toà Thánh.[14 ]

Nếu có một giáo sĩ triều muốn gia nhập một Dòng nào đó, bề trên Dòng đó không thể chấp nhận cho người đó vào làm tập sinh nếu chưa hỏi ý kiến Giám Mục của đương sự. Việc hỏi ý kiến có thể bằng miệng hoặc văn bản, nhưng khuyến khích thực hiện bằng văn bản để có bằng chứng cụ thể rõ ràng. Trong trường hợp toà Giám Mục đang trống ngôi, nghĩa là không có Giám Mục Giáo Phận, vậy bề trên Dòng phải hỏi ý kiến ai? Bề trên có thể hỏi ý kiến vị Giám Quản hay Tổng Đại Diện (trong trường hợp Giám Mục Giáo Phận bị ngăn trở).

c/ Tu sĩ dưới quyền Giám Mục Giáo Phận

Tu sĩ phải vâng phục bề trên của mình và phải tuân hành những kỷ luật của Hội Dòng. Tuy nhiên khi hoạt động trong một Giáo Phận, tu sĩ còn phải thuộc quyền Giám Mục Giáo Phận trong các lĩnh vực như: coi sóc các linh hồn, cử hành phụng vụ công khai, và các hoạt động tông đồ khác.[15 ]

Một khi Giám Mục Giáo Phận và Bề Trên Dòng thoả thuận để một tu sĩ đảm trách một công việc trong Giáo Phận, thì tu sĩ ấy dưới quyền điều hành và chỉ đạo của Giám Mục Giáo Phận. Bề Trên Dòng có quyền đề cử nhân sự cho chức vụ đó nhưng Giám Mục là người quyết định chọn hay không;[16 ] hoặc nếu Giám Mục chọn nhân sự thì Bề Trên có quyền đồng ý hay từ chối. Nếu vì một lý do nào đó mà Giám Mục muốn bãi chức của tu sĩ thì chỉ cần báo với Bề Trên của đương sự, không cần đợi Bề Trên đồng ý hay không.[17 ]

Nếu một tu sĩ phạm một lỗi trầm trọng, sau khi Bề Trên của đương sự đã được thông tri mà không có biện pháp thoả đáng, thì Giám Mục Giáo Phận có quyền cấm phần tử đó không được lưu trú trong Giáo Phận.[18 ] Còn nếu tu sĩ phạm sai lầm trong các lĩnh vực thuộc quyền Giám Mục Giáo Phận, thì ngài có quyền áp dụng hình phạt trên tu sĩ ấy.[19 ]

Giám Mục Giáo Phận có quyền thanh tra các cơ sở đã được uỷ thác cho các tu sĩ coi sóc như nhà thờ, nhà nguyện, trường học, hay các cơ sở khác, nhưng Giám Mục không được thanh tra các cơ sở của riêng nhà Dòng.[20 ] Giám Mục Giáo Phận chỉ được thăm các phần tử và Dòng Tu thuộc luật Giáo Hoàng trong những trường hợp được luật quy định rõ ràng.[21 ]

2/ Sự liên hệ giữa Giám Mục Giáo Phận và các Dòng Tu thuộc luật Giáo Phận

Khoản luật 594 nói như sau các dòng thuộc luật Giáo Phận được đặt dưới sự chăm sóc đặc biệt của Giám Mục Giáo Phận. Nghĩa là Giám Mục có nhiều quyền hơn đối với các Dòng Tu thuộc luật Giáo Phân. Trong khi đó điều luật 586 nói rõ Bản Quyền sở tại phải tôn trọng quyền tự trị của mỗi Hội Dòng ở trong Giáo Phận mình. Vậy đâu là quyền của Giám mục và đâu là quyền của Hội Dòng thuộc luật Giáo Phận?

a/ Cần sự đồng ý của Giám mục Giáo Phận

Một yếu tố không thể thiếu của mỗi Dòng Tu là hiến pháp. Đối với Dòng Tu thuộc luật Giáo Phận, Giám Mục Giáo Phận có quyền phê chuẩn hiến pháp của Dòng sau khi Toà Thánh đã xác nhận không có gì ngăn trở (nihil obstat). Trong quá trình tồn tại, nếu cần phải tu chính lại hiến pháp, tổng công nghị cần đạt được 2/3 số phiếu để thông qua, và phải được Giám Mục Giáo Phận phê duyệt.[22 ]

Để giải quyết những vấn đề hệ trọng liên quan đến toàn thể hội dòng mà vượt quá thẩm quyền của nhà chức trách nội bộ (Tổng Công Nghị), thì Đức Giám Mục Giáo Phận là người có quyền quyết định. Nếu hội dòng đã phát triển ở nhiều nơi khác nữa thì Giám Mục của nhà chính cần bàn hỏi các Giám Mục của những nơi kia, nhưng Giám Mục nhà chính vẫn là người có quyết định sau cùng.[23 ]

Giám Mục Giáo Phận có quyền can thiệp vào những chi tiêu hay sang nhượng tài sản vượt quá qui định thông thường. Để việc giao dịch được hữu hiệu thì ngoài văn bản đồng ý của Bề Trên và hội đồng cố vấn, cần có sự đồng ý bằng văn bản của Giám Mục. Nhưng nếu tài sản vượt quá mức độ cho phép mà Toà Thánh đã ấn định cho mỗi vùng, hoặc những tài sản có giá trị về mặt nghệ thuật và lịch sử, thì quyền quyết định dành cho Toà Thánh.[24 ]

Ví dụ, ở Hoa Kỳ, mức độ cho phép nhà chức trách có thẩm quyền trong việc chuyển nhượng tài sản của Dòng Tu là từ 500.000 USD đến 3.500.000 USD. Nghĩa là, nếu giá trị nhỏ hơn 500.000 USD được hiểu là những giao dịch thông thường, thì quyền quyết định thuộc nội bộ của Dòng Tu ấy; nếu nằm trong khoảng 500.000 USD đến 3.500.000 USD thì thuộc nhà chức trách có thẩm quyền; nếu trị giá lớn hơn 3.500.000 USD thì thuộc thẩm quyển của Toà Thánh. Vậy, trong phạm vi cho phép chuyển nhượng tài sản, nếu là Dòng Tu thuộc luật Giáo Hoàng, thì quyền quyết định thuộc nhà chức trách có thẩm quyền của Dòng Tu đó, còn nếu Dòng Tu thuộc luật Giáo Phận, thì nhà chức trách có thẩm quyền là Giám Mục Giáo Phận.

Mọi tu sĩ trong Dòng Tu phải giữ đời sống chung với cộng đoàn. Tuy nhiên, sẽ có vài trường hợp tu sĩ phải sống tách rời cộng đoàn, thì tuỳ theo thời gian bao lâu sẽ phải cần sự đồng ý của những người có trách nhiệm khác nhau. Nếu là sự vắng mặt thông thường thì chỉ cần phép của bề trên nhà (cộng đoàn); nếu vắng mặt trong thời gian lâu thì cần có phép của Bề Trên Tổng Quyền, đồng thời với sự đồng ý của ban cố vấn và có lý do chính đáng, nhưng không quá một năm. Nếu vắng mặt hơn một năm thì phải có một trong những lý do như đi học, bệnh tật, hay thực hiện một nhiệm vụ nào đó của Dòng; quyền cho phép thuộc Bề Trên Tổng Quyền, với sự đồng ý của ban cố vấn.[25 ]

Nếu vì một lý do trầm trọng nào đó mà một tu sĩ đã khấn trọn đời muốn tạm thời ra khỏi Dòng, thì Bề Trên Tổng Quyền, với sự đồng ý của ban cố vấn, được quyền cho phép tu sĩ ấy rời khỏi Dòng, nhưng không quá ba năm. Nếu thời gian rời khỏi Dòng vượt quá ba năm thì phải xin phép Toà Thánh nếu là Dòng thuộc luật Giáo Hoàng, còn nếu là Dòng thuộc luật Giáo Phận thì phải xin phép Giám mục Giáo Phận.[26 ]

Nếu một tu sĩ không muốn tiếp tục sống đời ơn gọi nữa và muốn ra khỏi Dòng thì cần phải có phép của những ai? Để bỏ Dòng hữu hiệu khi đang khấn tạm hoặc đã khấn trọn, tu sĩ ấy phải đệ đơn lên Bề Trên Tổng Quyền. Nếu tu sĩ chỉ mới khấn tạm, thì Bề Trên Tổng Quyền, với sự đồng ý của ban cố vấn, có thể ban đặc quyền bỏ Dòng khi đương sự có lý do trầm trọng. Nếu đó là Dòng thuộc luật Giáo Hoàng thì không cần xin phép ai nữa, nhưng nếu đó là Dòng thuộc luật Giáo Phận thì cần có sự xác nhận của Giám Mục Giáo Phận. Khi đó đặc quyền rời bỏ Dòng mới có giá trị.[27 ]

Nếu một tu sĩ đã khấn trọn đời khi có lý do rất trầm trọng muốn rời bỏ Dòng thì đương sự phải đệ đơn lên Bề Trên Tổng Quyền. Bề Trên Tổng Quyền sẽ cho biết ý kiến của riêng mình cùng với ý kiến của ban cố vấn, rồi chuyển toàn bộ hồ sơ lên nhà chức trách có thẩm quyền. Nếu là Dòng thuộc luật Giáo Hoàng thì quyền quyết định dành cho Toà Thánh; nếu là Dòng thuộc luật Giáo Phận thì Giám Mục Giáo Phận có quyền quyết định.[28 ]

Đối với Dòng Tu thuộc luật Giáo Phận, Giám Mục Giáo Phận có vai trò rất quan trọng trong việc đồng ý hay quyết định cho một tu sĩ rời bỏ Dòng. Vậy Giám Mục nào sẽ quyết định? Giám Mục nơi nhà chính của Dòng hiện diện, hay Giám Mục nơi nhà (cộng đoàn) hiện diện? Đương nhiên Giám Mục nơi nhà chính của Dòng sẽ có vài trò lớn hơn, nhưng luật cũng cho phép Giám Mục nơi nhà (cộng đoàn) của Dòng hiện diện cũng có quyền quyết định. Lý do là vì Giám Mục nơi nhà (cộng đoàn) của Dòng đang làm việc sẽ biết rõ về tu sĩ ấy hơn Giám Mục của nhà chính.[29 ]

Đan cử một ví dụ như sau: Tu Hội Nô Tỳ Thiên Chúa trực thuộc Tổng Giáo Phận Sài Gòn. Tu Hội cũng có thành lập cộng đoàn ở vùng Bạch Lâm thuộc Giáo Phận Xuân Lộc. Vậy nếu một tu sĩ của Tu Hội đang phục vụ ở cộng đoàn Bạch Lâm muốn rời bỏ đời tu, đương nhiên Giám Mục Sài Gòn có quyền xác nhận, nhưng Giám Mục Xuân Lộc cũng được quyền đó.

Riêng đối với Đan Viện Nữ đang cư ngụ tại một Giáo Phận, nếu một người không phải là thành viên của Đan Viện muốn vào nội vi của Đan Viện, thì ngoài sự đồng ý của Bề Trên Đan Viện, cũng cần có sự cho phép của Giám Mục Giáo Phận. Cũng vậy, nếu một nữ Đan sĩ muốn ra khỏi nội vi Đan Viện vì lý do thực sự cần thiết cũng cần sự đồng ý của Bề trên và sự cho phép của Giám Mục Giáo Phận.[30 ]

b/ Những quyền khác của Giám mục Giáo Phận

Việc bầu Bề Trên Tổng Quyền là một sự kiện quan trọng trong các Hội Dòng. Do đó, sự hiện diện của Giám Mục là một điều hết sức tự nhiên. Bộ Giáo Luật 1983 chỉ rõ rằng Giám Mục Giáo Phận sẽ chủ toạ việc bầu Bề Trên của các Đan Viện Nữ tự trị và bầu Bề Trên Tổng Quyền của Dòng Tu thuộc luật Giáo Phận. Tuy nhiên cho phép chủ toạ cuộc bầu cử không có nghĩa là cho phép Giám Mục có quyền công nhận hay phủ quyết kết quả bầu cử đó.[31 ] Điều này khác với Bộ Luật cũ 1917. Triệt 4 khoản luật 506 của Bộ Luật 1917 cho phép Giám Mục được quyền đồng ý hay phủ quyết kết quả bầu cử của Dòng Tu thuộc luật Giáo Phận.

Giám Mục Giáo Phận có quyền và nghĩa vụ kinh lý các Đan Viện Nữ tự trị và các nhà (cộng đoàn) thuộc luật Giáo Phận đang hiện diện trong Giáo Phận mình.[32 ] Bên cạnh đó, các Đan Viện Nữ tự trị và các nhà (cộng đoàn) thuộc luật Giáo Phận đang hiện diện trong Giáo Phận phải trình bày sổ sách lên Giám Mục Giáo Phận mỗi năm một lần.[33 ]

Kết Luận

Chúng ta vừa có một cái nhìn khái quát một số quyền hạn và trách nhiệm của Giám Mục Giáo Phận đối với các Dòng Tu đang hiện diện trong Giáo Phận. Giáo Luật cũng chỉ rõ đâu là quyền hạn và đâu là phạm vi thi hành quyền hạn đó. Mỗi bên, Giám mục Giáo Phận và Dòng Tu, đều có quyền hạn của riêng mình, thế nên cần hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau để tránh có những lạm quyền quá đáng xảy ra.

Nói đến sự lạm quyền thì không thể nào người dưới quyền có thể lạm quyền, mà chỉ là người bề trên có quyền. Nếu có lạm quyền xảy ra mà không thể giải quyết được giữa Giám Mục Giáo Phận và Dòng Tu, thì cần phải nại đến sự can thiệp của Sứ Thần Toà Thánh đang hiện diện ở đó, hoặc nếu không thì phải trình bày vấn đề lên Bộ Tu Sĩ ở Rôma. Nhưng nếu sự việc xảy ra đến mức như vậy thì làm sao có thể nhìn mặt nhau trong cùng một Giáo Phận.

Một vấn đề hết sức tế nhị ở đây đó là các Dòng Tu thuộc luật Giáo Phận, vì cả nể hay để dĩ hoà vi quý, mà luôn im lặng, nhẫn nại chịu đựng một số quyết định quá đáng của Giám Mục Giáo Phận, rồi âm thầm nhỏ to với nhau mà không biết chia sẻ cùng ai. Ước mong mỗi bên đều có những cố vấn về Giáo Luật để hành động cho hợp tình hợp lẽ.

Chú thích:
[1] c. 607 §2.
[2] cc. 710, 712.
[3] c. 731.
[4] c. 668 §§ 4-5.
[5] c. 1088.
[6] ibid. §1.
[7] cc. 266 §2: nhập tịch vào Dòng Tu; 623: điều kiện để được bầu làm bề trên; 651 §1: điều kiện để trở thành giám đốc nhà tập.
[8] c. 593.
[9] c. 594.
[10] c. 609.
[11] c. 611.
[12] c. 612.
[13] c. 630 §3.
[14] c. 616
[15] c. 678.
[16] Về luật đề cử, xin xem khoản luật 158 và 161.
[17] cc. 681, 682.
[18] c. 679.
[19] c. 1320.
[20] c. 683.
[21] c. 397 §2.
[22] c. 595.
[23] Ibid.
[24] cc. 638, 1291,1292.
[25] c. 665.
[26] c. 686.
[27] c. 688.
[28] c. 691.
[29] cc. 688, 691.
[30] c. 667 §4.
[31] c. 625 §2.
[32] c. 628 §2.
[33] c. 637.


Tài liệu tham khảo
1. Codex Iuris Canonici auctoritate Ioannis Pauli PP. II promulgates (Vatican City: Libreria Editrice Vaticana, 1983). Bản dịch Việt ngữ của Đức Ông Nguyễn Văn Phương et al.
2. Codex Iuris Canonici Pii X Pontificis Maximi Iussu Digestus Benedicti Papae XV Auctoritate Promulgatus (Rome: Typis Poliglottis Vaticanis, 1917).
3. Beal, John P. et al., eds. New Commentary on the Code of Canon Law. New York/Mahwah, NJ: Paulist Press, 2000.
4. McDermott, Rose, SSJ. “Associations of the Faithful Becoming Religious Institutes or Societies of Apostolic Life: Responsibilities of Diocesan Bishops (Canon 579).” The Jurist 73 (2013) 439-462.
5. Graham, Joanne, OSB. “The Relation between Religious Institutes and the Diocese.” CLSA Proceedings 60 (1998) 82-90.
6. Conn, James J., SJ. “Bishops and the Apostolates of Religious.” CLSA Proceedings 63 (2001) 49-83.
7. McDermott, Rose, SSJ. “Associates and Associations Joined to Religious Institutes.” CLSA Proceedings 60 (1998) 132-149.