Thông Điệp Hòa Bình 2018 Và Di Cư Tại Việt Nam

Ngày 13.11.2017, Ðức Thánh Cha Phanxicô ký ban hành Sứ điệp Hòa Bình năm 2018, nhân dịp Giáo Hội Công Giáo cử hành Ngày Thế Giới Hòa Bình 01.01.2018, với chủ đề ‘Di dân và tị nạn: Những con người tìm kiếm Hòa bình’ và đã được công bố hôm 24.11.2017 trong cuộc họp báo tại Văn phòng Báo chí Tòa Thánh.

Cần phân biệt :

- Di dân (sự di cư của người) là sự thay đổi chỗ ở của các cá thể hay các nhóm người để tìm chỗ ở tốt hơn, phù hợp hơn nơi ở cũ để định cư. Thí dụ: Là người Việt, anh A không tìm được một việc làm phù hợp với khả năng chuyên môn của anh ở quê nhà và, sau cùng, anh tìm được một việc như ý tại Paris. Do đó, anh phải xin phép nhà cầm quyền Pháp cho định cư để làm việc, theo qui định bởi Luật nước Pháp và chỉ có hiệu lực trong nước này. Vì không có vấn đề với nhà nước cộng sản, anh A có thể về và rời Việt Nam lúc nào cũng được.

- Tị nạn (hay tỵ nạn) là những người Việt từ chối chế độ cộng sản hay bị chúng đàn áp, không thể sống xứng đáng là công dân trong nước. Ðơn xin định cư theo qui chế này gắt gao hơn được qui định bởi Công ước (Convention) quốc tế Genève ngày 28.07.1951 và các quốc gia tham gia Công ước phải tôn trọng. Người được hưởng Công ước này có nhiều quyền lợi gần như công dân chính quốc. Thí dụ quyền đi làm việc không phải xin giấy phép đặc biệt và nhận những trợ cấp hiện kim, an ninh xã hội và gia cư trong thời gian chưa có việc làm. Trái lại, vì đương sự và nhà nước cộng sản không thừa nhận lẫn nhau, nên việc liên hệ với Tòa Ðại sứ và thăm cố hương là những điều cần tránh, nếu không muốn tư cách tị nạn của mình bị rút lại.

Trong quá khứ, tại Thụy sĩ, một Linh mục tị nạn Việt đã về Quê hương và chủ tọa Thánh Lễ. Khi trở về, viên chức hữu trách Thụy sĩ hỏi ‘Vous có về nước và chủ tọa Thánh Lễ?’. Ðương nhiên, Cha phải xác nhận Sự Thật. Vị này nói ‘Như vậy, vous có tự do tôn giáo trong nước, nên xin trả lại qui chế tị nạn, nhưng vẫn được sống như ngoại kiều ở đây. Hậu quả đầu tiên có thể là phải đóng thuế ngoại kiều, nếu nước này có.

I.- LỜI ÐỨC THÁNH CHA.

1. Những nguyện ước tốt đẹp chân thành đối với Hòa bình.

‘Bình an cho mọi người và cho các quốc gia trên trái đất’, sự bình an mà các thiên thần đã loan báo với những mục đồng trong đêm Giáng sinh, là một khát vọng sâu sắc đối với tất cả mọi người, từng cá nhân, mọi dân tộc, và đặc biệt là đối với những người phải chịu đựng nhiều nhất vì sự vắng mất của nó. Trong lời cầu nguyện của mình, Người nhớ đến hơn 250 triệu người di cư trên thế giới, trong đó có 22,5 triệu là những người tị nạn. Ðức Biển Ðức 16 đã nói về họ như ‘những người nam, nữ, trẻ em, những người đang tìm kiếm một nơi nào đó để được sống trong Hòa bình’. Để có thể tìm kiến sự bình an đó, họ đã mạo hiểm cuộc sống trên một hành trình kéo dài và đầy nguy hiểm, và gặp phải những rào cản được xây lên để giữ họ xa vời với mục tiêu của họ. Với tinh thần bác ái, chúng ta hãy đón nhận tất cả những người phải trốn chạy khỏi cảnh chiến tranh, đói khát, sự kỳ thị, bách hại, nghèo đói và suy thoái môi trường buộc phải rời bỏ quê hương, xứ sở của mình để được trong An bình.

2. Tại sao lại có quá nhiều những người di cư?

Tuy người di cư có những lý do khác, nhưng chỉ vì họ ‘muốn có được một cuộc sống tốt đẹp hơn, và thường cố gắng để tránh ‘sự tuyệt vọng’ về một tương lai không hứa hẹn. Họ gia nhập các gia đình hoặc tìm kiếm các cơ hội nghề nghiệp hay giáo dục, vì những người không thể hưởng các quyền này không sống trong hòa bình. Hơn nữa, như Người đã đề cập trong Thông điệp ‘Laudato Si’ (Ca ngợi Chúa), đã có ‘một sự gia tăng hết sức bi thảm về số người di cư muốn thoát khỏi cảnh nghèo đói ngày càng tăng gây ra bởi vấn đề suy thoái môi trường’.

Ða số người di cư chọn đi bằng các kênh thông thường. Nhưng, một số người đã lựa chọn các tuyến đường khác nhau, chủ yếu để thoát sự tuyệt vọng, khi các quốc gia họ muốn đến không đảm bảo an toàn và cũng như không có cơ hội cho họ, và mọi con đường pháp lý đều trở nên phi thực tế, bị ngăn chặn hoặc quá chậm trễ.

3. Với một sự chiêm ngắm.

Sự khôn ngoan Ðức Tin thúc đẩy một sự hiểu biết và nhìn nhận là tất cả chúng ta ‘thuộc về cùng một gia đình, những người nhập cư và các người dân địa phương chào đón nhau, hầu mọi người đều có quyền như nhau để tận hưởng mọi điều tốt đẹp trên trái đất, như học thuyết xã hội Giáo hội dạy. Do đó, tinh thần liên đới và chia sẻ được hình thành. Những lời này gợi lên hình ảnh của Kinh Thánh về một Giêrusalem mới. Sách tiên tri Isaia (chương 60) và Sách Khải huyền (chương 21) mô tả thành phố với những cánh cổng luôn mở ra cho mọi người thuộc mọi dân tộc. Chúng ta khám phá ra là họ không đến với những đôi bàn tay trắng. Họ mang đến sự can đảm, những kỹ năng, nghị lực và những khát vọng, cùng những kho tàng của nền văn hóa họ; và bằng cách này, họ làm phong phú cuộc sống của các quốc gia tiếp nhận họ…

Những ai nhìn nhận mọi sự việc bằng cách này sẽ có thể nhận ra những hạt giống của hòa bình vốn đang nảy mầm và nuôi dưỡng sự phát triển của chúng. Thành phố chúng ta, thường bị chia rẽ và phân cực bởi các cuộc xung đột liên quan đến sự hiện diện của những người nhập cư, do đó sẽ trở thành những cuộc thảo luận về hòa bình.

4. Bốn điểm quan trọng để hành động.

Việc cung cấp cho những người xin di cư và nạn nhân buôn người một cơ hội để tìm thấy sự bình an đòi hỏi một chiến lược kết hợp bốn hành động:

a. Chào đón bằng các văn kiện pháp lý cho việc nhập cảnh và không buộc những người người này phải trở về nước nguyên quán mà họ phải đối mặt với sự ngược đãi và bạo lực. Điều đó cũng đòi hỏi phải công bằng với các mối quan tâm của chúng ta đối với vấn đề an ninh quốc gia và đến các quyền cơ bản con người.

b. Bảo vệ phẩm giá bất khả xâm phạm của những người phải trốn chạy khỏi tình trạng nguy hiểm thực sự để tìm kiếm nơi ẩn náu an toàn và để ngăn chặn họ khỏi bị bóc lột, đặc biệt nghĩ đến những phụ nữ và trẻ em.

c. Khuyến khích sự hỗ trợ phát triển con người toàn diện của những người di dân. Ðức Thánh Cha nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đảm bảo tiếp cận các cấp độ giáo dục cho trẻ em và thanh thiếu niên để giúp họ không chỉ trau dồi và nhận ra tiềm năng họ mà còn giúp họ trang bị tốt hơn để gặp gỡ người khác và đồng thời thúc đẩy tinh thần đối thoại hơn là việc từ chối hay đối đầu.

d. Hội nhập tức cho phép những người di dân, đặc biệt người tị nạn, tham gia đầy đủ vào cuộc sống của xã hội đón tiếp họ, như một tiến trình làm phong phú lẫn nhau và hợp tác hiệu quả hầu phục vụ sự phát triển con người toàn diện của cộng đồng địa phương.

5. Một đề xuất cho hai Hiệp ước quốc tế.

Ðức Thánh Cha cho biết niềm hy vọng chân thành của Người là, trong năm 2018, Liên Hiệp Quốc tiến tới việc soạn thảo và phê chuẩn hai Hiệp ước Toàn cầu, một về vấn đề di dân an toàn, trật tự và thường xuyên, và một dành cho những người tị nạn. Các Hiệp ước này cần được truyền cảm hứng từ lòng Bác ái, việc nhìn xa trông rộng và tinh thần can đảm, để tận dụng mọi cơ hội nhằm thúc đẩy tiến trình xây dựng hòa bình. Cơ quan Di dân và Tị nạn Thánh Bộ Cổ võ sự Phát triển Con người Toàn diện đã công bố một tập hợp với 20 điểm hành động để chỉ dẫn cụ thể việc thực hiện 4 động từ này trong chính sách công cộng cũng như những thái độ và hoạt động của các cộng đồng Kitô hữu. Sự quan tâm này bắt nguồn từ nguồn gốc Giáo hội và đã liên tục trong nhiều công việc của Giáo hội cho đến thời điểm hiện tại.

6. Đối với ngôi nhà chung của chúng ta.

Thánh Gioan Phaolô II dạy: « Nếu ‘giấc mơ’ về một thế giới hòa bình được chia sẻ bởi tất cả mọi người, nếu sự đóng góp của những người tị nạn và những người nhập cư được đánh giá một cách đúng đắn, thì nhân loại có thể ngày càng trở thành một gia đình phổ quát và trái đất của chúng ta quả thực là một ‘ngôi nhà chung’ thực sự » (Sứ điệp Ngày Người Di cư và Tị nạn Thế giới 2004, số 6). Xưa nay, nhiều người đã tin vào ‘giấc mơ’ này, và các thành tựu của họ là một bằng chứng cho thấy điều đó không chỉ là một sự ảo tưởng.

Trong đó, chúng ta nhớ Thánh Phanxicô Xaviê Cabrini, qua đời cách đây 100 năm, tính đến ngày 13.11.2017. Người đã cống hiến cuộc đời mình cho việc phục vụ những người nhập cư và trở thành vị Thánh bảo trợ họ, đã dạy chúng ta biết chào đón, bảo vệ, khuyến khích và hội nhập các anh chị em chúng ta.

II. BỎ PHIẾU BẰNG CHÂN TẠI VIỆT NAM.

Hai lần người dân Việt đã hành động dứt khoát như vậy để từ chối sự cai trị của Việt cộng, chư hầu của Nga Tàu. Ðồng bào chắc chắn đã ra đi nhiều hơn nữa nếu đã biết : « Ngày nay, chúng hiện nguyên hình ‘hèn với giặc, ác với dân’ ».

A. Di cư từ Bắc vào Nam Quê hương.

Sau khi thất trận Điện Biên Phủ, Pháp ký kết với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Hiệp định Genève ngày 20.07.1954, để chia đôi Việt Nam thành hai Miền tại vĩ tuyến 17. Điều 14.d cho phép người dân ở mỗi Miền di cư đến Miền kia và yêu cầu giới quản lý hai Miền tạo điều kiện cho họ di cư trong vòng 300 ngày sau Hiệp định có hiệu lực, Điều 2, tức chấm dứt ngày 19.05.1955. Miền Nam tiếp tục nhận Quốc hiệu ‘Quốc gia Việt Nam’. Ông Ngô Ðình Diệm là Thủ tướng trọn nước Việt ngày 07.07.1954, vẫn tiếp tục là Thủ tướng Quốc gia Việt Nam. Để giám sát sự thực thi Hiệp định, Uỷ hội Quốc tế Kiểm soát Đình chiến được thành lập, Ðiều 34, với đại diện của ba nước Ấn Độ, Ba Lan, và Gia Nã Ðại.

1./ Nguyên nhân

a. Lý do chính trị. Những người làm việc cho Pháp, giới tư sản không có cảm tình với chính phủ Việt cộng, giới trí thức, văn nghệ sĩ hiểu biết sự độc tài và tàn ác cộng sản, đảng viên các Ðảng không cộng sản. Họ phải ra đi vì sợ bị Việt Minh trả thù.

b. Lý do kinh tế. Không ít người phải di cư vì sợ nạn đói sẽ xảy ra tại đây như năm 1945 và hy vọng khi vào Nam, họ sẽ có cuộc sống khá giả hơn. Một số người khác có họ hàng tại miền Nam.

c. Lý do tôn giáo. Tín hữu Công Giáo lo sợ rằng khả năng thực hành tín ngưỡng sẽ bị hạn chế dưới chính quyền cộng sản. Họ còn lo sợ sự trả thù của nhiều cộng sản cho rằng người Công Giáo thân Tây. Ngoài ra, đã có những sự mâu thuẫn giữa Việt Minh và Giáo Hội Công Giáo. Bên cạnh đó, rất nhiều Phật giáo đồ đã di cư vào Nam. Do đó, cuộc di cư đã được đặt dưới sự lãnh đạo tinh thần của Ðức cha Phêrô Phạm Ngọc Chi và Thượng tọa Thích Tâm Châu.

2/- Tiến trình Di cư.

Vì đã dứt khoát, những người Công Giáo đã hành trang bắt đầu di cư về các thành phố lớn (Hà Nội, Hải Phòng) ngay khi Hiệp định Geneva được công bố. Số người ra đi trên 800 ngàn. Trong đó có khoảng 45.000 người Nùng vùng Móng Cái, 2.000 người Thái và Mèo từ Sơn La và Điện Biên.

Ngày 09.08.1954, Thủ tướng Ngô Đình Diệm thành lập Phủ Tổng ủy Di cư Tỵ nạn, ngang với cấp Bộ với ba nha Ðại diện (ở miền Bắc, miền Trung và miền Nam) để xúc tiến việc tiếp và định cư. Bên cạnh đó, còn có Ủy ban Hỗ trợ Định cư, một tổ chức cứu trợ tư nhân giúp sức. Do rất quan tâm đến việc đào tạo cấp bách nhân tài cho Ðất nước, Thủ tướng Diệm đã yêu cầu Bộ Tư lệnh Quân đội Pháp dành 12 chuyến bay trong hai ngày 12 và 13.08.1954 để đưa khoảng 1.200 sinh viên từ Bắc vào Nam hầu kịp chuẩn bị niên học mới, lối 600 ở lại.

3./ Ðể chào đón đồng bào tìm tự do tại miền Nam, Quốc trưởng Bảo Ðại và Thủ tướng Ngô Ðình Diệm đã kêu gọi các nước khác giúp chuyên chở. Sự đáp ứng thật dồi dào từ các chính phủ Anh, Tây Đức, Ðại Hàn, Hoa Kỳ, Nhật, Phi Luật Tân, Tân Tây Lan, Trung Hoa Dân quốc, Úc Ðại Lợi, Ý… và các tổ chức UNICEF, Hồng Thập Tự, Catholic Relief Services (CRS), Church World Services (CWS), Mennonite Central Committee (MCC), International Rescue Committee (IRC), CARE và Thanh thương Hội Quốc tế (Junior Chamber International, JCI).

Cuộc tiếp đón đồng bào di cư thật khẩn trương. Bản thân chúng tôi nhớ lại, lúc đó, đang học tại trường tiểu học Ðỗ Hữu Phương (sau này là trường Hùng Vương, Quận 5 Sài Gòn), được nghỉ học một thời gian ngắn vì trường được dùng làm nơi tạm trú và, khi đi học lại, các lớp học phải đón ba nhóm học sinh khác nhau : sáng sớm, trưa và chiều tối hầu việc học tập của học sinh địa phương lẫn di cư không bị đình trệ. Thực phẩm cứu trợ mang nhản ‘Mỹ Quốc viện trợ’, đặc biệt là fromage cây lớn như cây savon giặt đồ. Ðồng bào không dùng, đem ra bán chợ trời, chúng tôi ra mua về hơ nóng ăn với bánh mì. Chẳng bao lâu, các xe bình dân bán Phở Bắc, ngon và rẻ vì thời ông Diệm, lạm phát gần như dừng lại.

Số người di cư tạm trú tại nhiều trại tạm cư trong vùng Sài Gòn. Từng nhóm 1.000 đến 3.000 người được đưa về miền quê. Dân làm nghề cá thì được chuyển ra vùng duyên hải. Sự kiện chỉ 300 ngày để di cư với số lượng đồng bào lớn như vậy buộc chính phủ Ngô Đình Diệm phải xây 42 trung tâm tạm cư. Ðó là các công trình công cộng đang có như trại lính Pháp, nhà thờ, một số trường dòng. Phần lớn đã tạm trú trong các lều nhà binh ở sân bay Tân Sơn Nhất và trường đua Phú Thọ.

4./ Việc Định cư cũng không kém phần cấp bách đối với chính phủ Ngô Đình Diệm. Khi đặt chân đến miền Nam, vị thế người miền Bắc di cư đến nơi ở mới được quyết định bởi mối quan hệ giữa họ với chính phủ ông Diệm. Sự hội nhập của người di cư vào miền Nam buổi ban sơ không gây khó khăn cho đôi bên lẫn chính quyền vì chúng ta có cùng một ngôn ngữ và sống đạo Công Giáo hay Phật đều hiện diện tại đây.

Hoa Kỳ trích một số tiền viện trợ qua cơ quan USOM để mua nông cụ, trâu bò và vật liệu xây cất để giúp người di cư ở vùng Cái Sắn. Tính đến giữa năm 1957, 319 làng di cư làm nơi định cư cho khoảng 450.000 người được hình thành. Số còn lại cư ngụ tại Sài Gòn, Thủ đô.

Ðể định cư đồng bào di cư, Tổng thống Ngô Ðình Diệm (từ ngày 26.10.1955 với sự thành lập Cộng hòa Việt Nam) đặt ra những mục tiêu về kinh tế, chính trị và an ninh tại các khu định cư trù phú. Ðồng thời, Tổng thống cổ võ người di cư để xây dựng tiềm lực kinh tế ở những nơi họ đến lập đời mới trong Tự do sẵn sàng chống Cộng. Các khu định cư này được xây dựng ở những vị trí chiến lược, đặc biệt, để giữ Tây Nguyên, như tại gần Buôn Mê Thuột, Pleiku và Đà Lạt. Tại vùng Đồng bằng Sông Cửu Long và Hố Nai (Biên Hòa), các khu định cư cũng được hình thành để tạo ra các vành đai thép bảo vệ Sài Gòn.

Xin nhắc lại. Tháng 05/1953, theo lời mời của một số chính khách Công Giáo có khuynh hướng quốc gia và chống Cộng, ông Diệm bay sang Pháp rồi, sau đó, qua Bỉ trú ngụ tại đan viện Saint–André de Bruges. Tại tu viện dòng Biển Đức này, ngày 01.01.1954, vị sáng lập nền Cộng hòa Việt Nam trong tương lai đã tuyên khấn trong bậc oblat với tên dòng Odilon. Đây là một điều ‘tiên tri’ vì Thánh Odilon là Bổn mạng những người tị nạn mà chính Tổng thống Diệm đã giúp đem hơn 800 ngàn người di cư từ Miền Bắc vào Nam và an cư lạc nghiệp một cách mỹ mãn. Ngoài ra, Thánh Odilon là Linh mục đã bắt đầu cử hành Thánh Lễ Cầu cho các Linh hồn ngày 2 tháng 11 cũng là ngày ông Diệm qua đời năm 1963.

B. Ðào thoát khỏi Quê Hương thân yêu.

Lần đầu tiên, người dân Việt phải gạt nước mắt rời Quê Cha Ðất Tổ, dù trước đó, Ðất Nước đã bị sự đô bởi Tàu hay Pháp và bị chết đói như năm 1945.

Những người khinh miệt chế độ cộng sản được chia làm hai đợt chính: Di tản vì đã rời Việt Nam ngay trong thời gian trước sau ngày 30.04.1975 và Vượt biên, dù bằng đường bộ hay đường biển.

1./ Di tản.

Ngay từ giữa tháng 4/1975, những đợt di tản rời Việt Nam dã bắt đầu với các nhân viên và gia đình làm việc tại các sứ quán, công ty ngoại quốc cùng nhừng người Việt có phương tiện riêng hoặc được các sở Mỹ và các nước đồng minh trợ giúp. Ngày 29.04.1975, Tổng thống Mỹ Gerald Ford chính thức ra lịnh mở chiến dịch ‘Frequent Wind’ để di tản người Mỹ và một số người Việt đã cộng tác hay liên hệ với họ và chính phủ Việt Nam Cộng Hòa rời khỏi Việt Nam để tránh bị Việt cộng trả thù. Lúc 12 giờ ngày 30.04.1975, cộng quân tiến chiếm Sài Gòn. Hôm đó, các phi cơ quân sự và tàu chiến cùng nhau đào thoát… và một thời gian sau đó, rất nhiều vụ di tản vẫn thành công. Tuy nhiên, số người tìm tự do bị chết trên biển cả gia tăng. Con số chính xác không ai biết được, dù các tổ chức phi chính phủ ước tính đến năm 2000, tức sau cuộc Vượt biên đề cập dưới đây.

2. Vượt biên.

Quyết định bỏ cha mẹ, gia đình và Quê hương ra đi là một quyết định sống-chết cho người Việt Nam chúng ta. Những đồng bào còn chút hy vọng là người cộng sản còn chút lương tri không nỡ đối xử với những người miền Nam như kẻ thù không đội trời chung và chính đồng bào cũng sẵn sàng cộng tác với chính quyền mới để cùng xây dựng một Việt Nam Thống nhất trong Hòa bình.

Sau bao hứa hẹn của bọn cộng nô, nhất là vụ lường gạt ‘sĩ quan, công chức đi học tập’, chúng ta bị buộc phải lựa chọn và quyết định. Nhưng lúc đó, biên cương đã bị chúng kiểm soát, nên mới có từ ‘vượt biên’. Nếu may mắn đến bờ Tự Do thì còn có hy vọng sống được một cuộc đời đáng sống.

Sự man rợ của chế độ càng đáng ghê tởm hơn khi chúng tổ chức ‘vượt biên bán chính thức. Năm 1978, khi Trung cộng đe dọa dạy cho Việt cộng một bài học, nhà nước Việt muốn đuổi đi nhóm người Hoa Chợ lớn (nhưng không ít người Việt cũng trong đó), nên đã cho cập bến những tàu buôn cũ kỹ từ Hương cảng mà chiếc Hải Hồng nổi tiếng nhất đã chở nhiều ngàn thuyền nhân đến bến bờ Tự Do. Những người tham dự phải nộp vàng cho công an, giá cao thấp tùy theo phải qua nhiều hay ít trung gian. Số vàng này được đem về lầu 10 Ngân hàng Tp.HCM và gồm nhiều lượng vàng giả. Ngày 17.02.1979, Tàu cộng tấn công toàn biên giới hai nước và tàn sát đồng bào, nhất là phụ nữ.

Trên biển cả, thuyền nhân bị hải tặc cướp của và phụ nữ bị hãm hiếp. Thật là địa ngục trần gian khi vợ bị hãm hiếp trước mặt chồng hay mẹ trước mặt con cái. Khi đến bến bờ Thái Lan, Hương cảng,…, đồng bào ta còn gặp phải đám công chức thanh lọc tư cách tị nạn chính trị. Có dịp du lịch Việt Nam đôi ba ngày, chúng đâu thấu biết nỗi khổ triền miên nơi người bị thống trị. Thấy nhà thờ đông giáo dân là chúng cho là có tự do tôn giáo.

Thông cáo loan đi ‘0 giờ ngày 16.06.1988 mở đầu một định mệnh khác cho những người Việt Nam vượt biển đến Hồng Kông. Họ sẽ bị đối xử như những người nhập cảnh bất hợp pháp và phải chờ chính phủ thanh lọc để xác định tư cách tỵ nạn chính trị, trước khi được cứu xét cho đi định cư ở nước thứ ba’.

Ðó là dấu hiệu sự bất lực của con người trước thảm cảnh của đồng loại, sự hấp hối lương tri trước nỗi khổ của những cuộc khởi hành muộn.

Vài nạn nhân của sự bác tư cách tị nạn chính trị:

- Ngày 20.05.1994, Lê Xuân Thọ, 28 tuổi, tự rạch bụng mình và tự thiêu. Sau đó anh đã chết vì phỏng nặng.

- Phạm Văn Châu, một cựu quân nhân Việt Nam Cộng hòa, đã tự thiêu ở trại tị nạn Galang, Nam Dương ngày 26.04.1994. Anh qua đời hai ngày sau đó.

- Ngày 12.04.1992, Nguyễn Văn Quang, hạ sĩ thuộc Tiểu đoàn 1 Không vận Quân đội Việt Nam Cộng hòa, đã treo cổ tự tử ở trại Galang, Nam Dương, sau khi bị khước từ tư cách tị nạn chính trị, và đơn kháng cáo của anh cũng bị bác. Anh mất đi để lại 1 góa phụ và 3 đứa con còn bé, mồ côi cha.

- Ngày 30.08.1991, tại trại Galang, Nam Dương, cô Trịnh Kim Hương, 28 tuổi, tự thiêu sau khi bị phủ nhận tư cách tị nạn chính trị.

- Chị Hoàng Thị Thu Cúc, 26 tuổi, con một lãnh tụ một chính đảng chống cộng vừa chết trong ‘trại cải tạo’ Việt cộng. Gia đình cô bị trục xuất khỏi nhà, tới trại lao động cưỡng bách. Chị Cúc bị đuổi khỏi trường dạy vì ‘lý lịch gia đình xấu’. Bất kể những sự kiện trên, chị vẫn bị khước từ quy chế tị nạn. Tháng 12/1992, khi đơn kháng cáo bị bác bỏ, chị đã treo cổ tự tử, để lại bốn anh em trai ở trại Sikiew, Thái Lan.

- Vụ tự sát của Lâm Văn Hoàng, 22 tuổi, đã gây nên một cuộc biểu tình phản đối ở trại tị nạn Pulau Bidong, Mã Lai. Anh đã lao mình từ vách đá xuống biển, sau khi bị từ chối tư cách tị nạn chính trị vào tháng giêng năm 1991.

- Trần Văn Minh, cựu Trung úy, treo cổ tự tử ngày 10.10.1992. Ông được cấp quy chế tị nạn chính trị, nhưng con trai là Trần Minh Khôi, 18 tuổi, đã bị rớt ‘thanh lọc’. Vì Khôi không có 3.000 mỹ kim mà các viên chức duyệt xét đòi hỏi, đơn kháng cáo của anh sau đó cũng bị bác.

- Tháng 2/1993, cô Lưu Thị Hồng Hạnh, 16 tuổi không người thân thích, đã tự thiêu sau khi Cao ủy tị nạn Liên Hiệp Quốc rút lại quy chế tị nạn. Cô đã viết: « Chị thương, hôm nay em đã bị từ chối tư cách tị nạn chính trị. Rạng sáng mai, em sẽ treo cổ tự tử để thoát mọi đau khổ. Nhưng lúc nào em cũng sẽ ở bên cạnh chị để che chở cho chị và các cháu ».

- Trịnh Anh Huy, 20 tuổi, tự thiêu ngay trước văn phòng Cao ủy tị nạn Liên Hiệp Quốc ở Galang, Nam Dương, ngày 27.08.1992 đã viết thư tuyệt mạng: « Tôi chết đi không phải vì tuyệt vọng, mà vì tôi muốn đem lại niềm hy vọng và sự sống cho nhiều người khác ».

Chưa hết, để Việt cộng nhận các người vượt biên, các nước thành viên Liên hiệp Âu châu phải cho chúng tiền. Khi về tới Việt Nam, đồng bào đã bị chúng cướp hết ngoại tệ tổ chức này biếu tặng.

Thượng Ðế ơi! Bao giờ Ðồng bào Việt Nam bớt đau khổ bởi cộng đảng Việt ? Quý Vị Lãnh Ðạo dân cử các quốc gia thế giới tự do có biết, hay lờ đi, việc nhà nước Việt Nam không do người dân Việt bầu ? Thế cũng là thành viên dân chủ Liên Hiệp Quốc sao ?

Hà Minh Thảo