S.O.S! Ra tay cứu Trợ hàng Triệu Nạn Nhân Động Đất -Sóng Thần

“Có lẽ nào chúng ta, những người Kitô hữu,

có thể mừng lễ Giáng Sinh trước nỗi thống khổ của kẻ khác?”

Lm. Stêphanô Bùi Thượng Lưu

Stuttgart - Những ngày mừng lễ Giáng Sinh an bình với cộng đoàn giáo xứ Việt Nam trong giáo phận của tôi đã qua đi trong niềm vui. Trời năm nay thật đẹp, không có tuyết trắng (làm buồn lòng những người Đức chung quanh tôi vì không có Giáng Sinh trắng), nhưng lại giúp các gia đình Công Giáo Việt Nam ở các cộng đoàn xa có dịp chở con cái đến tham dự Lễ Giáng Sinh. Chưa bao giờ mà nhà thờ đông đảo như vậy. Tôi thấy có rất nhiều anh chị em thuộc các tôn giáo khác cùng đến tham dự mừng Chúa Giáng Sinh với cộng đoàn.

Tổng ca đoàn của gíao xứ với gần 50 ca viên nam nữ đã dâng lên Chúa những bài hát thánh ca đầy cung điệu Quê hương như “Đêm đông lạnh lẽo Chúa sinh ra đời”… nhưng cũng không thiếu bài ca bất hủ “Đêm Thánh Vô Cùng”… Gần 200 em thiếu nhi đã nhận được quà của giáo xứ qua hai Ông Già Noel, các em cũng đã nhận thật nhiều quà của cha mẹ và của bà con thân thuộc…

Trong bài chia sẻ Lời Chúa trong các thánh lễ cho các cộng đoàn trong Lễ Đêm, trong ngày Lễ Giáng Sinh cũng như Chúa Nhật Lễ Thánh Gia Thất, tôi đã mời gọi các bậc làm cha làm mẹ trong Năm Mới 2005, Năm Thánh Thể, hãy bắt đầu chiến dịch cầu nguyện cho con cái của mình, hãy cầu nguyện với con cái của mình, hãy dẫn con cái của mình đến viếng Chúa Thánh Thể, hãy dẫn con cái của mình đến để Chúa Giêsu Thánh Thể chúc lành cho các em mỗi khi cha mẹ lên rước lễ, hãy cùng với con cái của mình cung kính bái quỳ hoặc cúi đầu thờ lậy Chúa Giêsu Thánh Thể, hãy tích cực cộng tác để chuẩn bị cho các em được học hỏi thêm giáo ký, đào sâu đức tin trước và sau khi rrước lễ lần đầu. Chúa Giêsu phải là món quà lớn lao nhất mà mỗi cha mẹ phải trao ban cho con cái của mình qua đời sống cầu nguyện trong gia đình, qua việc học hỏi giáo lý, qua việc trao tặng các em các cuốn sách đạo đức chẳng hạn như hạnh các Thánh, các tranh vẽ về Kinh Thánh, về cuộc đời của Chúa….

1. Khó lòng cầm được nước mắt!

“Có lẽ nào chúng ta, những người Kitô hữu,

có thể mừng lễ Giáng Sinh trước nỗi thống khổ của kẻ khác?”

Buổi chiều tối Chúa Nhật 26.12.2004, sau thánh lễ mừng Thánh Gia Thất với các gia đình trong cộng đoàn Thánh Tôma Thiện (Reutlingen), trở về nhà, tôi thật sự xúc động và kinh hoàng chứng kiến tận mắt những hình ảnh vô cùng bi thương của hàng vạn, hàng ngàn gia đình đang gào khóc con cái bị sóng thần do động đất gây ra.

Những cơn sóng cao đến hơn 10m đã đánh vào bờ biển của 9 quốc gia, để lại những tang thương kinh hoàng cho bao nhiêu gia đình! Khó lòng cầm được nước mắt trước cảnh bà mẹ Ấn Độ ôm xác con khóc ngất đi, bên cạnh đó người cha nghẹn ngào không nói lên lời; hay cảnh một thiếu phụ ôm xác người chồng Indonesia và những đứa con đã một sớm một chiều vĩnh biệt chị.

Xin trích lại đây bản tin VnMedia - Theo báo The Age của Uc Châu ngày 28/12 đã ghi lại như sau: Số người thiệt mạng do sóng thần có thể tăng đến 50.000?

Theo báo cáo mới nhất tính đến 24h ngày 27/12, gần 24.000 người đã thiệt mạng vì thảm hoạ sóng thần và động đất tại châu Á. Tuy nhiên, với việc hàng chục nghìn người vẫn đang còn mất tích và nhiều nơi vẫn đang bị mất liên lạc, báo The Age của Australia dự đoán, tổng số người thiệt mạng trong vụ thảm hoạ này có thể vượt quá con số 50.000.

Phỏng đoán trên không phải không có cơ sở khi chỉ tính riêng hai hòn đảo Andaman và Nicobar của Ấn Độ, hiện vẫn còn 30.000 người đang mất tích. Ngoài ra, có khoảng 5 ngôi làng đã bị cuốn trôi với số người thiệt mạng ước tính ít nhất là 3.000 người. Thêm vào đó, hiện vẫn còn 5 hoặc 6 đảo nhỏ vẫn chưa có liên lạc. Những đảo này rất gần với trung tâm của trận động đất mạnh 8,9 độ richter xảy ra tại Indonesia, nguồn gốc gây ra các cơn sóng thần cực mạnh nên số thương vong sẽ rất lớn.

Cho tới nay, các báo cáo cho biết ít nhất 23.675 người đã thiệt mạng do động đất và sóng thần. Sri Lanka và Ấn Độ là hai nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với 11.000 người chết tại Sri Lanka và 6.823 người chết tại Ấn Độ. Con số thiệt mạng tại Indonesia cũng tăng tới 4.725 người. Tại Thái Lan, có thêm 866 người được xác định là đã chết. Số người thiệt mạng tại Myanmar là 56, tại Maldives là 52, tại Malaysia là 51 và tại Bangladesh là 2 người.

Mức độ thiệt hại của trận động dất và sóng thần thật khủng khiếp… hàng ba chục ngàn người vẫn còn mất tích, hàng bao triệu người bị mất nhà mất cửa vì trận động đất và sóng thần khủng khiếp nhất từ gần một nửa thế kỳ qua! Ít nhất 10 quốc gia đã bị ảnh hưởng, trong đó có Sri Lanka, Indonesia (Nam Dương), An Độ và Thái Lan là những nước hứng chịu nhiều thiệt hại nhất.

Tại Sri Lanka, nhiệm vụ hỗ trợ cho 375.000 người mất nhà cửa cũng không phải là dễ dàng. “Chúng tôi chưa có cách nào để giải quyết với tình hình thảm hoạ như hiện tại”, một quan chức cấp cao cho biết khi Chính phủ nước này tuyên bố tình trạng thảm hoạ cấp quốc gia và kêu gọi cộng đồng quốc tế cứu trợ.

Tổng thống Sri Lanka, Chandrika Kumaratunga đã thống thiết kêu gọi thế giới “mức độ thiên tai thật khủng khiếp. Sri Lanka chưa bao giờ bị sóng thần và động đất trong lịch sử, cho nên chúng tôi không được chuẩn bị.”

Còn ở phía nam Ấn Độ, những người may mắn sống sót qua cơn nguy khốn đã vội vàng chôn cất và hoả táng cho những nạn nhân xấu số. Con số thiệt mạng đã tăng lên hơn 6.500 người và hàng nghìn người khác vẫn còn đang mất tích.

Tại Thái Lan, hiện vẫn còn khoảng 1.200 người đang mất tích, trong số đó có rất nhiều khách du lịch nước ngoài. Hơn 29.000 người hiện đã được đưa ra khỏi khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là đảo Phukhet và Phi Phi, nơi có hàng nghìn khách du lịch châu Âu đang thưởng thức kỳ nghỉ của mình.

Các đội cứu trợ của LHQ đã nhanh chóng đến Nam Á và Đông Nam Á. Chính phủ các nước Pháp, Nga, Australia và Mỹ cũng đã cam kết sẽ hỗ trợ và sẽ điều động máy bay, đội ngũ y bác sĩ và các chuyên gia cứu trợ thảm hoạ đến những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

Số người nước ngoài thiệt mạng tại các nước hiện vẫn chưa có thống kê chính thức. Sau đây là con số do các Bộ Ngoại giao, các đại sứ quán và báo chí cung cấp:

Italy - 13 người chết, nhiều người mất tích và hàng chục người đang được điều trị trong bệnh viện

Anh - 11 người chết, nhiều người mất tích, 69 người bị thương.

Na Uy - 10 người thiệt mạng

Thuỵ Điển - 9 người thiệt mạng, hàng trăm người mất tích

Mỹ - 8 người chết

Pháp - 6 người chết

Australia - 6 người chết, 11 người mất tích

Đan Mạch - 3 người chết

Bỉ - Hai người chết

Nam Phi - 2 người chết

Phần Lan - 1 người chết

New Zealand - 1 người chết, 180 mất tích

Malaysia - 3 người chết (Báo cáo chưa được xác nhận)

Hàn Quốc - 1 người chết (Báo cáo chưa được xác nhận)

Thuỵ Sĩ - 1 người chết, 41 người mất tích

Ba Lan - 1 người chết, 3 người bị thương, hàng chục người mất tích

Nhật Bản - 15 thi thể được tìm thấy ở Sri Lanka có thể là người Nhật Bản

Nga - Khoảng 120 người được báo là mất tích

Israel - Hàng chục người mất tích, 28 người bị thương

Thổ Nhĩ Kỳ - Bộ Ngoại giao cho biết con số thiệt mạng không thể lên đến 23 người, báo chí cho biết ít nhất 15 người mất tích.

Hà Lan - 19 người mất tích, 53 người bị thương

Tây Ban Nha - 12 người bị thương

Bồ Đào Nha - 3 người mất tích, hai người bị thương

CH Czech - Nhiều người mất tích, ít nhất 5 người bị thương

Tầm vóc thiệt hại của cơn sóng thần này làm choáng váng các quốc gia và con số nạn nhân đông đảo này là do cơn sóng thần đã không hề được báo trước. Tính chất bất ngờ của cơn sóng đã là yếu tố chính gây ra thiệt hại cực kỳ nghiêm trọng về nhân mạng.

Trận động đất tại Sumatra đo được ở mức 9.0 độ Richter, là trận động đất lớn nhất từ năm 1509 đến nay trong khu vực Ấn Độ Dương. Tuy nhiên, vào năm 1964, ngoài khơi Alaska cũng đã xảy ra một trận động đất lên đến 9.2 độ Richter, nhưng chỉ có 122 người thiệt mạng. Khác biệt không phải là 9 chấm hay 9.2 chấm mà là có được báo trước hay không? Vào năm 1960, một trận động đất 9.5 độ Richter đã xảy ra tại Chilê và lan đến tận Nhật Bản nhưng thiệt hại cũng chỉ ở mức vài trăm người. Trong khi đó, đúng ngày 26/12 năm ngoái trận động đất ngoài khơi thành phố Bam của Iran chỉ có 6.6 độ Richter đã tiêu diệt 41.000 người. Cũng là yếu tố bất ngờ.

Ông Waverly Person thuộc cơ quan Vật Lý Địa Chất Hoa Kỳ U.S. Geological Survey, cho biết Thái Lan, Nam Dương và các nước Á Châu không có kế hoạch phòng thủ vì “chi phí bảo dưỡng quá cao so với những gì họ gặt hái được”. Ông lạnh lùng bình luận: “Vụ này là một bài học dành cho họ. Họ có quá nhiều những trận động đất lớn có khả năng gây ra sóng thần”.

Cơ quan Vật Lý Địa Chất Hoa Kỳ cho biết trung tâm trận động đất nằm cách Jakarta 1.605km về phía Tây Bắc ở độ sâu đến 10km. Indonesia có 18.000 đảo trong khu vực núi lửa Thái Bình Dương và dân cư trên các đảo này dễ dàng làm mồi cho các cơn sóng thần trong khu vực quá nhạy cảm với động đất này.

2. Các giáo hội Á Châu đang nỗ lực cứu trợ nạn nhân động đất.

“Có lẽ nào chúng ta, những người Kitô hữu,

có thể mừng lễ Giáng Sinh trước nỗi thống khổ của kẻ khác?”

Trước tình cảnh hoang tàn của đất nước sau những đợt sóng thần kinh hoàng, Hội Đồng Giám Mục Sri Lanka (CBCSL) gởi lời chân thành phân ưu đến tất các gia đình nạn nhân và cộng đồng quốc tế hãy mau chóng trợ giúp quốc gia này.

“Chúng tôi kêu gọi cộng đồng quốc tế ra tay giúp đỡ chính phủ và đất nước chúng tôi nhằm xoa dịu nỗi thống khổ của các nạn nhân vì mức độ nặng nề của thảm họa này vượt quá khả năng chịu đựng của đất nước chúng tôi”.

Trong tuyên bố do Đức Giám Mục Vianney Fernando, chủ tịch CBCSL, và Đức Giám Mục Marius Peiris, tổng thư ký CBCSL, ấn ký, các vị cho biết:

“Thảm kịch với cường độ thế này chưa từng xảy ra tại quốc gia chúng ta từ thời Vihara Maha Devi như được ghi lại trong sách Mahawamsa, và trước thảm kịch này mọi người được mời gọi nâmg đỡ và hợp tác với nhau. Chúng tôi bày tỏ tình cảm và lời cầu nguyện cho tất cả những ai đang sầu khổ vì bị mất những người thân yêu, như cha mẹ, con cái và những ai đang đau đơn vì thương tích hay mất mát của cải.”

“Chúng tôi thỉnh cầu mọi người và cách riêng là người Công Giáo hãy ra tay trợ giúp những nạn nhân không phân biệt chủng tộc hay tín ngưỡng. Tất cả chúng ta là anh chị em với nhau và trong thảm kịch này, chúng ta phải chứng tỏ tình huynh đệ với nhau.”

“Chúng tôi kêu gọi: tất cả mọi người trong những vùng chịu ảnh hưởng nên bình tĩnh và tuân thủ pháp luật và với những ai toan tính lợi dụng kẻ khác, hãy tự chế và đừng thủ lợi trên những kẻ kém may mắn; với những ai không bị thiệt hại hãy ra tay trợ giúp vật chất và tiền bạc cũng như nâng đỡ tâm lý cho tất cả những nạn nhân; với các tổ chức Công Giáo hoạt động trong các dịch vụ xã hội trong các giáo xứ, xin hãy tổ chức các cuộc lạc quyên trợ giúp các nạn nhân; với các hội đoàn Công Giáo xin tổ chức các buổi cầu nguyện xin Thiên Chúa ban cho dân chúng can đảm và quyết tâm vượt qua tai ương này”

“Chúng tôi kêu gọi cộng đồng quốc tế ra tay giúp đỡ chính phủ và đất nước chúng tôi nhằm xoa dịu nỗi thống khổ của các nạn nhân vì mức độ nặng nề của thảm họa này vượt quá khả năng chịu đựng của đất nước chúng tôi”.

Đức Tổng Giám Mục Mario Lenair, Sứ Thần Tòa Thánh tại Colombo, thủ đô Sri Lanka nói với đài phát thanh Vatican như vậy và Ngài thêm rằng “Đa số người nghèo khổ nhất lại là những nạn nhân thiệt mạng vì động đất:

Đức Tổng Giám Mục Oswald Gomis vừa đưa ra lời kêu gọi toàn thể người Công Giáo Sri Lanka hãy cầu nguyện cho thiên tai sóng thần sớm chấm dứt và nỗ lực trợ giúp những người lâm nạn và gia đình họ.

“Tôi thành khẩn kêu gọi tất cả các tín hữu hãy sốt sắng cầu nguyện xin Chúa thương giúp ngăn chặn thiên tai và tái lập yên bình. Chúng ta tin vững chắc rằng Thiên Chúa, Đấng thống trị vũ trụ, có thể chế ngự cơn bão tố này như Con Ngài đã từng làm để cứu các môn đệ khỏi cuồng phong. Đức tin của chúng ta có thể giúp lấy lại được sự an bình.

Trong cơn đại họa quốc gia này, chúng ta được yêu cầu chăm sóc và bảo vệ tài sản của các gia đình cô thế đã bị tàn phá nặng nề bởi những đợt sóng dữ.

Những thu xếp mau chóng đang được thực hiện để trợ giúp những ai chịu ảnh hưởng bởi những đợt sóng thần và chúng tôi kêu gọi dân Chúa hãy liên lạc ngay với các cơ quan cứu trợ để giúp đỡ người tỵ nạn”.

Các giới chức chính quyền Sri Lanka đang cố gắng tìm kiếm những người mất tích và Đức Tổng Giám Mục nói số người thiệt mạng chắc sẽ còn gia tăng. Ngài cũng nói : Các cơ quan của mọi tôn giáo đang nổ lực tổ chức cứu trợ. Các nhà thờ và các ngôi chùa đều đã được dùng làm nơi tạm trú cho những nạn nhân mất nhà cửa.

Đức Tổng Giám Mục Albert Ranjith Patabendige Don ở Nam Dương nói nhiều gia đình đã di tản lên núi để tránh sóng thần. Ngài nói. “Đường xá đã bị phá hủy nên việc lên núi cũng rất vất vả. Và khi họ di tản như vậy, công việ kiểm kê người mất tích và công tác cứu trợ cũng rất khó khăn. Ngài nói chính quyền Nam Dương tỏ ra rất hài lòng trước công tác cứu trợ khẩn cấp của các cơ quan bác ái Công Giáo”

3. Những tấm lòng vàng

“Có lẽ nào chúng ta, những người Kitô hữu, có thể mừng lễ Giáng Sinh trước nỗi thống khổ của kẻ khác?”

Tổ chức Cứu Trợ Công Giáo Catholic Relief Services (CRS) đã đưa ra lời kêu gọi khẩn cấp như trên trước thiên tai sóng thần do động đất dưới lòng biển Ấn Độ Dương tại Sumatra, Indonesia gây ra hôm Chúa Nhật 26/12/2004.

Đứng trước thiệt hại nặng nề về nhân mạng và vật chất, CRS đã chi ra số tiền 500.000 Mỹ Kim để trợ giúp các nạn nhân về chỗ ở và chăm sóc y tế cho các nạn nhân tại vùng vịnh Bengal.

Các nhân viên cứu trợ CRS đã được kêu gọi trở về nhiệm sở và di chuyển đến các khu vực chịu ảnh hưởng nghiêm trọng tại Ấn Độ, Sri Lanka, Indonesia và Thái Lan. CRS ước lượng chi phí cứu trợ sẽ lên đến hàng chục triệu Mỹ Kim chỉ trong vòng vài ngày tới đây. Số tiền 500.000 Mỹ Kim chỉ là tạm ứng để đối phó với nhu cầu trước mắt về thuốc men và thực phẩm.

Ông Ken Hackett, chủ tịch CRS nhận định rằng “Thiên tai kinh hoàng này đòi hỏi sự trợ giúp tức thời trên quy mô toàn thế giới. Chúng tôi làm tất cả mọi sự có thể được để trợ giúp những người sống sót phục hồi từ đau thương, kinh hoàng và sự tàn phá mà họ phải gánh chịu”.

Ông Ken Hackett, cho biết thêm các giáo xứ Công Giáo trong các vùng chịu thiên tai đã gánh trách nhiệm mau chóng giúp đỡ đồng bào của mình và phối hợp nhịp nhàng với các cơ quan cứu trợ Công Giáo. Ông nhận định thêm là vì biến cố xảy ra vào dịp lễ nên việc cứu trợ có thể đã diễn ra không nhanh chóng như bình thường.

Các tổ chức cứu trợ Công Giáo tại Sri Lanka ghi nhận Do Thái có lẽ là nước đã phản ứng mau chóng trước biến cố này. Ba chiếc vận tải cơ của quân đội Do Thái chở đầy thuốc men với các bác sĩ và y tá đã đáp xuống phi trường Colombo 18 tiếng đồng hồ sau khi biến cố xảy ra.

Hội Đồng Giám Mục Ý Đại Lợi loan báo đã trích ra số tiền 3 triệu Euros để cứu trợ khẩn cấp

Caritas Ấn Độ đã chi ra 10 triệu rupi (223,000 USD) để cứu trợ khẩn cấp cho các nạn nhân.

Caritas Sri Lanka cho biết hiện nay, nhu cầu cấp thiết là nước uống, thực phẩm, chăn màn và các đồ dùng vệ sinh.

Hiện nay các nhân viên cứu trợ quốc tế đang lọ ngại sau thiên tai, dịch bệnh sẽ xảy ra.

Một con ngựa đau cả tầu không ăn cỏ

Trong thông điệp Ngày Hòa Bình Thế Giới 2005, Đức Thánh Cha đã phàn nàn về sự thiếu chia sẻ kỹ thuật giữa các nước giàu và các nước nghèo. Ngài đã trưng dẫn Phi Châu như một thí dụ hùng hồn. Tai họa sóng thần này lại là một thí dụ nữa về sự thiếu vắng một tình liên đới toàn cầu.

“Có lẽ nào chúng ta, những người Kitô hữu,

có thể mừng lễ Giáng Sinh trước nỗi thống khổ của kẻ khác?”

“Chúng tôi thỉnh cầu mọi người và cách riêng là người Công Giáo hãy ra tay trợ giúp những nạn nhân không phân biệt chủng tộc hay tín ngưỡng. Tất cả chúng ta là anh chị em với nhau và trong thảm kịch này, chúng ta phải chứng tỏ tình huynh đệ với nhau.”

Trước thảm cảnh này, mỗi người Việt Nam chúng ta không thể quên được những câu tục ngữ ca dao đầy tình người:

“Một con ngựa đau cả tầu không ăn cỏ”.

“Một miếng khi đói, bằng một gói khi no”.

“Thương người như thể thương thân”

Cách đây 30 năm, đại đa số cộng đồng tỵ nạn Việt Nam đã được toàn thế giới ra tay cứu vớt và cứu trợ, để chúng ta có ngày hôm nay, để con cháu chúng ta có tương lai rạng sáng hơn. Cộng đồng Việt Nam hải ngoại sau 30 năm nay đã được tạm an cư lạc nghiệp. Cộng đồng Công Giáo Việt Nam hải ngoại, chúng ta cám ơn Chúa vì những hồng ân Chúa đang ban cho mỗi các nhân mỗi gia đình, mỗi cộng đoàn…

Trước thiên tai khủng khiếp mới xẩy ra, chắc chắc chúng ta không được phép làm ngơ, không được phép quay lưng, lương tâm không cho phép chúng ta… chỉ ngồi nhìn, chỉ xót xa thương hại, nhưng phài ra tay hành động.

Buổi sáng hôm nay, lúc tôi đang viết những dòng này, tôi đã nhận được hai ba người điện thoại từ một vài nước Au Châu, hỏi xem Dân Chúa mở chiến dịch quyên góp giúp đỡ các nạn nhân tại các nước Đông nam Á không? Thật là nghĩa cử cao đẹp.

Thiết nghĩ, Vietcatholic có thể mở chiến dịch quyên góp cứu trợ chung trên toàn các cộng đồng Công Giáo Việt Nam hải ngoại, để mọi người trực tiếp đóng góp.

Thiết nghĩ, mỗi cộng đồng giáo xứ, mỗi tổ chức đạo đời, chúng ta có thể tổ chức lạc quyên, vận động để góp tay với các cơ quan từ thiện thế giới, nhất lá các cơ quan thiện nguyện của các tôn giáo, để giúp cứu trợ…

Riêng Dân Chúa Âu Châu, chúng tôi kêu gọi các độc giả, quý cộng đoàn, các gia đình, chúng ta cùng chung tay góp phần vào công cuộc cứu trợ chung…

Xin gửi về Konto DAN CHUA “SOS Songthan”: LB-BW Bank (Germany)

Konto-Nr. 1261910 BLZ 600 501 01

IBAN: DE 28 6005 0101 0001 2619 10

Xin ghi rõ Tên người gửi, để Dân Chúa có thể đăng danh sách của quý vị.

Xin Thiên Chúa chúc phúc lành và trả công bội hậu cho tất cả mọi tấm lòng vàng, mọi bàn tay hảo tâm, mọi đóng góp cứu trợ.