Hôm qua, Viện Karolinska (Thụy Điển) đã trao giải Nobel Y học cho ba nhà khoa học: Sydney Brenner, John Sulston (Anh) và Robert Horvitz (Mỹ). Các ông đã có những phát hiện lớn về ảnh hưởng của gene trong hoạt động của các tế bào.

Khi nghiên cứu về gene của loài giun đất những năm 1970, ba ông đã chỉ ra hiện tượng "tự sát của các tế bào", dẫn tới "cái chết được lập trình sẵn". Họ phát hiện, phần lớn gene kiểm soát quy trình chết của tế bào giun đều có bản đối chiếu ở người. Thông tin về "cái chết được lập trình" đã giúp ba ông hiểu được cách thức mà một số virus tấn công các tế bào của người. Đối với các bệnh nhân AIDS, đột quỵ hoặc nhồi máu cơ tim, virus làm tăng tốc độ chết, khiến các tế bào "tự sát ồ ạt". Một số nhà nghiên cứu hàng đầu hiện nay đang dựa trên nền tảng này để tìm hướng chữa trị các bệnh nan y nói trên bằng biến đổi gene.

Robert Horvitz, 55 tuổI (Mỹ), hiện là giáo sư tại Ðại học MIT. Những năm 1970, Horvitz đã tiếp tục các công trình nghiên cứu của Brenner và Sulston. Ông tập trung vào câu hỏi: Cái gì khiến các tế bào chết, và cái gì bảo vệ chúng? Ông nhận ra mối liên hệ giữa cái chết của các tế bào với những biến đổi của gene trong giun đất. Horvitz chỉ ra rằng, con người cũng có những biến đổi tương tự về gene.

Sydney Brenner, 75 tuổi, quốc tịch Anh, sinh ở Nam Phi. Cuối những năm 1960, ông là lãnh đạo nhóm nghiên cứu bản đồ gene của giun đất tại Đại học Cambridge (Anh). Brenner đã đặt nền móng mới cho việc nghiên cứu gene khi chỉ ra rằng, hóa chất có thể làm biến đổi một số gene của giun đất, và mỗi sự biến đổi này có thể dẫn tới những thay đổi nhất định về sức khỏe của giun. Hiện Brenner là giáo sư sinh học tại Viện Salk, La Jolla, California (Mỹ).

John Sulston, 60 tuổi, hiện là giáo sư tại Trung tâm Sager, Đại học Cambridge (Anh). Sulston tham gia vào nhóm nghiên cứu của Brenner từ những năm 1960, khi vừa tốt nghiệp đại học. Sulston đã phát hiện ra rằng, một số tế bào của giun đất dường như bắt buộc phải chết, và ông gọi cái chết bắt buộc đó là "cái chết được lập trình".

Ba nhà khoa học chia nhau giải thưởng trị giá 1 triệu USD.