Sau các cuộc thảo luận với đại diện của Liên Hiệp Quốc tại Vienna, nhà cầm quyền Iraq đã chấp nhận cho phái đoàn thanh tra võ khí Liên Hiệp Quốc đến tận nơi để điều tra tại chỗ bất cứ nơi nào mà các nhân viên trong phái đoàn thấy cần thiết phải quan sát.

Quyết định của nhà cầm quyền Iraq được coi là một dấu hiệu nhượng bộ áp lực của quốc tế, thay đổi hẳn lập trường mà Baghdad từng có từ năm 1998 cho đến nay và được nhiều quốc gia lên tiếng ca ngợi, gọi đó là quyết định sáng suốt, giúp ngăn cản được cuộc chiến.

Tuy nhiên ngay tức khắc, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Collin Powell cho biết Washington không đồng ý để phái đoàn thanh tra võ khí của Liên Hiệp Quốc vào Bagdah cho đến khi Hội đồng bảo an thông qua bản nghị quyết mới, trong đó nói rõ các biện pháp trừng phạt Iraq nếu Baghdad không thi hành đúng những đòi hỏi mà Liên Hiệp Quốc đưa ra, kể cả trừng phạt về quân sự.

Không những vậy, ông Ari Fleicher, phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc còn đi xa hơn nói rằng giải pháp tốt nhất để tránh chiến tranh là Saddam Hussein rời Iraq đi lưu vong ở nơi khác hay kể cả việc dân chúng Iraq nổi dậy ám sát nhà lãnh đạo độc tài của họ.

Tin tức mới nhất cho thấy ngoại trừ Anh quốc, các nước hội viên thường trực khác của Hội đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc là Nga, Pháp và Trung Quốc vẫn chưa nhượng bộ đòi hỏi của Hoa Kỳ.