NHỮNG CON ĐƯỜNG MÃI MÃI VẪN CÒN XA !
(Một chút suy tư khi thời gian gõ nhịp vào Năm Mới- Đinh Dậu 2017)
 
Đức Phật dạy :
Muốn nhập Niết-Bàn,
Phải chọn đường “Vô trụ”[1], “phá chấp”[2] mà đi…!
 
Và qua nhà ngôn sứ vĩ đại Mô-sê,
Phải tin Gia-vê và đón nhận Thập Điều[3]
Nếu thực sự Muốn tiến vào Đất Hứa.
 
Riêng Thầy Giêsu,
Đã đề nghị con đường để có được Nước Chúa,
Là lộ trình “Bát Phúc”[4]
Mà cốt lỏi chính là
Hoán cải, đổi đời và thể hiện yêu thương[5]…
 
Nhưng đã mấy ngàn năm,
Và trải qua trăm vạn nẻo đường,
Bồ Tát nhập Niết-bàn,
Đã có bao nhiêu như Phật hằng mong đợi !
Phần Môsê,
Cho dù 40 năm oai hùng lãnh đạo,
Nhưng đã phải cô đơn,
Gởi xác thân nơi bên ngoài Đất Hứa.[6]
Chưa kể  Gia-Vê,
Từng thốt lên những lời nghe chới với :
“Không ai được vào chốn yên nghỉ của Ta.[7]
Với dòng giống nầy, Đất hứa mãi còn xa…!”
Còn Thầy Giêsu :
“Con lạc đà chui qua lỗ kim,
Dễ hơn người giàu đi vào Nước Chúa”[8] …!
 
Phải chăng,
Chân lý đó : Diệt dục, Thập điều, Bát phúc,
Chỉ là những nẻo đường hoang tưởng, vô minh ?
Hay một mớ chiêu trò mặc chiếc áo tâm linh,
Mà nhân loại mãi mãi không thể nào giác ngộ !
 
Không phải thế !
Làm sao nhập Niết bàn,
Khi cái ngã còn nguyên tham sân si, sắc tướng.[9]
Cũng vậy,
không thể vừa muốn vào Đất hứa,
vừa quay sang Ai Cập,
mà tiếc nhớ nồi thịt với củ tỏi củ hành.[10]
Làm chi có chuyện,
Được chiếm hữu Nước Trời với hạnh phúc trọn lành,
Mà cứ ngoãnh mặt quay đi,
để trở lại con đường của giàu sang phú quý[11] !
 
Đúng vậy !
Đức Phật, ngôn sứ Môsê, hay Đức Giêsu Cứu Thế
Không dạy đường “thỏa hiệp với cái ngã, cái tôi”
Nhưng chân lý
Mà các Ngài đề nghị để dẫn tới hạnh phúc đời đời :
Niết Bàn, Đất Hứa hay hạnh phúc Nước Trời,
Chỉ dành cho “những kẻ quyết chọn con đường hẹp”[12],
 
Vẫn còn đó những nẻo đường thật đẹp,
Cho thế giới hôm qua, hôm nay hay ngày mai,
Đường “của Phật”, của “Môsê” hoang mạc miệt mài,
hay đường của “Giêsu” mà điểm hẹn chính là “Thập Giá” !
Những con đường đó đâu phải nào xa lạ !
Chỉ có một điều : Không đổi đời, không hoán cải,
Không xóa mình đi, không trở thành “em bé”[13],
Thì những con đường ấy mãi mãi vẫn còn xa !
 
Sơn Ca Linh
 

[1] Trương Văn Tạo, Tướng và vô tướng : Tâm thức không trụ vào một cảnh nào, một pháp nào; không trụ vào: Sắc, Thinh, Hương, Vị, Xúc, Pháp. Vì trụ thì mắc, vướng; còn không trụ thì chẳng mắc, chẳng vướng vào đâu.
[2] Thích Nhật Hiếu, tinh thần phá chấp (Upadàna) : Đặc biệt, tinh thần triệt phá chấp thủ táo bạo nhất qua lời phê phán mạnh mẽ của Đức Phật: “Nếu dùng sắc tướng để thấy ta (Phật), dùng âm thinh để thấy ta, là kẻ đang thực hành tà đạo, không bao giờ thấy được Như Lai” (Nhược dĩ sắc kiến ngã, dĩ âm thinh cầu ngã, thị nhơn hành tà đạo, bất năng kiến Như Lai (Kinh Kim Cang).
[3] Đnl 30,16 : “Hôm nay tôi truyền cho anh em phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, đi theo đường lối của Người, và tuân giữ các mệnh lệnh, thánh chỉ, quyết định của Người, để anh em được sống, được thêm đông đúc, và Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, chúc phúc cho anh em trong miền đất anh em sắp vào chiếm hữu”.
[4] Mt 5,1-12 : Thấy đám đông, Đức Giêsu lên núi, Người gồi xuống, các môn đệ đến gần bên. Người mở miệng dạy họ rằng : “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước trời là của họ….”
[5] Mt 25,31-46
[6] Đnl 34,5-7 ; Ds 20,12
[7] Tv 95,10-11
[8] Mc 10,25
[9] Thích Nhật Hiếu, Tinh thần Phá Chấp : Những nỗi nghiệt ngã của cuộc đời đều do chấp thủ cực đoan mà ra. Thủ chấp là mặt trái của sự khổ đau. Nó được hình thành từ sự cố chấp, thành kiến sâu nặng nơi tham ái, sân hận, si mê ở mặt cạn cợt thô thiển và ngay cả sự cố chấp vào những lý tưởng tôn thờ như sắc tộc, tôn giáo và chủ nghĩa cực đoan ở mặt tế nhị sâu xa.
[10] Xh 16,3
[11] Mc 10,17-22
[12] Lc 13,24
[13] Mc 10,15