Hôm thứ ba, quốc gia Trung Âu này đã trở thành thành viên thứ 190 của Liên Hiệp Quốc sau gần 200 năm duy trì chính sách trung lập. Sự kiện được tổ chức trọng thể tại New York, trong khi dân chúng Thụy Sĩ lại tỏ ra khá thờ ơ.

Việc Thụy Sĩ gia nhập Liên Hiệp Quốc trên thực tế không thay đổi vị thế của nước này. Tổng thống Thụy Sĩ Kaspar Villiger, trong một bài phát biểu, khẳng định: “Chúng ta có thể vừa duy trì truyền thống trung lập, vừa là một thành viên tích cực của Liên Hiệp Quốc. Các giá trị và mục đích của Liên Hiệp Quốc phù hợp với mục tiêu và tôn chỉ của Thụy Sĩ”

Villiger cũng bày tỏ quan điểm ủng hộ cuộc chiến chống khủng bố. Ông nói rằng Thụy Sĩ đang tập trung vào việc thiết lập biện pháp chế tài đối với hành vi hỗ trợ tài chính cho các hoạt động khủng bố.

Trong cuộc trưng cầu dân ý hồi tháng ba, 55% dân chúng Thụy Sĩ đã bỏ phiếu tán thành gia nhập Liên Hiệp Quốc. Ðây là một tỷ lệ không mấy khả quan nhưng Geneva vẫn hài lòng vì họ từng e ngại, sự phản đối của công chúng trong vấn đề này sẽ là một thảm họa cho vị thế quốc tế của Thụy Sĩ và làm cho truyền thống trung lập của họ mất hết ý nghĩa.

Sau khi Thụy Sĩ gia nhập Liên Hiệp Quốc, trên thế giới chỉ còn Vatican và Palestine không phải là thành viên của tổ chức này. Ðông Timor sẽ gia nhập Liên Hiệp Quốc cuối tháng này. (theo tin BBC)