Các thành viên trong Hội đồng cầm quyền đã vượt qua được các điểm dị biệt để đi đến một sự nhân nhượng về các vấn đề như luật Hồi giáo, các khu vực người Kurd và quyền của phụ nữ.

Dự thảo hiến pháp công nhận luật Hồi giáo chỉ là một nguồn lập pháp và trao quyền tự trị cho người Kurd thiểu số.

Một quan chức của liên quân chiếm đóng mô tả dự thảo hiến pháp đại diện cho một sự cân bằng giữa vai trò của Hồi giáo, quyền của cá nhân, và các nguyên tắc dân chủ.

Các quan chức Mỹ đã phải can thiệp vì đến hạn chót thứ Bảy rồi mà các thành viên trong hội đồng vẫn không thể đồng ý với nhau.

Đây là một yếu tố quan trọng để Hoa Kỳ có thể trao quyền lại cho người Iraq trước cuối tháng 6 bởi sẽ được xem là luật hành chính lâm thời cho đến khi có bầu cử.

Các chia rẽ sâu sắc

Hội đồng cầm quyền do liên quân bổ nhiệm phải quyết định tương lai của Iraq một khi lấy lại chủ quyền.

Phóng viên BBC ở Baghdad, Caroline Hawley nói sự bất đồng bên trong hội đồng phản ánh hiện trạng trong xã hội sau một thời gian dài dưới chế độ toàn trị của Saddam Hussein.

Nhưng cuối cùng hội đồng cũng đã đi đến được những nhân nhượng cần thiết.

Một thành viên của hội đồng, Ahmed Chalabi cho biết người ta đã phải sử dụng ngôn ngữ một cách khéo léo và sáng tạo để làm hài lòng mọi người.

Điều quan trọng là hội đồng chấp nhận rằng Iraq sẽ không phải là một nước Hồi giáo nhưng phải hành văn thế nào để không làm phật ý những người theo đạo Hồi.

Những vấn đề khó khăn

Ngoài vị trí của luật Hồi giáo, của người Kurd và phụ nữ, dự thảo hiến pháp cũng nói Iraq sẽ có một tổng thống, hai phó tổng thống, và một chính phủ do một thủ tướng đứng đầu.

Hiến pháp cũng qui định sẽ có luật bảo vệ dân quyền, quyền tự do tư tưởng và tự do tôn giáo.

Một quan chức của liên quân cho biết ông Paul Bremer, hành chính trưởng của Hoa Kỳ, sẽ chuẩn thuận dự thảo vào thứ Tư.

Công việc khó khăn không kém sau đây là quốc hội dân cử, thỏa mãn được nguyện vọng của đại đa số người Shia, sẽ phải khéo léo đưa các vấn đề gai góc vô hiến pháp thực sự.(BBC)