Năm 2004, đối với Liên hiệp Âu châu (gọi tắt Liên Âu) là một thời gian quan trọng cho sự thành công của Liên hiệp: sự cải tổ các cơ chế (Hiến pháp, Ủy ban Âu châu, Quốc hội Âu châu) và sự phát triển kinh tế cho một Liên Âu mở rộng từ 15 hiện nay sẽ tăng lên 25 quốc gia thành viên vào ngày 01.05.2004 sắp tới.

Thình lình, hai phiên họp thượng đỉnh của các nhóm thành viên khác nhau trong hai ngày kế tiếp rất đáng để chúng ta lưu ý và tìm hiểu nguyên nhân.

Phiên họp thượng đỉnh Ba Nước

Ngày 18.02.2004, tại Berlin, lãnh đạo các nước Đức (Thủ tướng Gerhard Schroeder), Anh (Thủ tướng Tony Blair) và Pháp (Tổng thống Jacques Chirac và Thủ tướng Jean-Pierre Raffarin) loan báo họ họp để duyệt xét tình trạng công ăn việc làm, khả năng cạnh tranh kinh tế, chính sách kinh tế và xã hội. Từ đó, bàn thảo các đề xuất chung nhằm phát triển kinh tế cho toàn Liên hiệp Âu châu :

1. Hội nghị ‘Tam Ðầu Chế’ (nhưng có 4 nhân vật) đề nghị thành lập một chức vụ mới : Phó Chủ tịch Ủy ban Âu châu đầy quyền lực nhằm điều phối mọi khía cạnh trong chính sách kinh tế xã hội Liên Âu. Viên chức nầy sẽ điều khiển việc thực hiện các mục tiêu đã đề ra bởi Hội đồng Âu châu họp tại Lisbon năm 2002. Trong đó, dự trù công tác chuyển hóa Liên Âu thành khu vực cạnh tranh nhất thế giới trong thập niên tới. Ngoài ra, các lĩnh vực được điều hợp sẽ có cả các kỹ nghệ và thị trường nội địa cho tới cả nghiên cứu và môi sinh.

2. Ba quốc gia Anh, Pháp và Ðức xích lại gần nhau trong việc tiên phong trong việc phòng thủ Âu châu bằng thành lập một lực lượng phản ứng nhanh, khoảng 1.500 quân có khả năng triển khai tại các điểm có tranh chấp trong 15 ngày và hoạt động trong vòng 1 tháng. Nếu đề xuất này được các nước thành viên thông qua, lực lượng nầy sẽ đi vào hoạt động năm 2007. Ðổi lại, Thủ tướng Blair đã đồng ý giúp Tổng Thống Chirac và Thủ tướng Schroeder thúc đẩy kích thích cho sự tăng trưởng kinh tế Pháp và Ðức. Hai nền kinh tế lớn nhất nầy trong khu vực đồng euro, đang cần các biện pháp hữu hiệu để khôi phục niềm tin nơi dân chúng đối với các chương trình cải cách của Chính phủ. Năm 2003, Pháp và Đức chỉ đạt mức tăng trưởng lần lượt là 0,2% và 0,1% so với 2,4% của Anh, một Quốc gia đứng ngoài khu vực euro.

Thêm nữa, Anh quốc có thể làm đầu cầu để giúp Pháp và Ðức nối lại các quan hệ với Hoa Kỳ đã xấu vì chiến tranh Iraq.

3. Thủ tướng Schroeder hứa Ðức sẽ không cản trở việc Pháp muốn hạ thuế xuất Thuế Trị giá Gia tăng đánh trên nhà hàng ăn uống tại chổ từ 19,6% xuống còn 5,5% như thuế đánh trên thực phẩm mang đi, kể từ 2006. Sự kiện nầy giúp ông Chirac hy vọng thực hiện lời hứa của mình khi ra ứng cử Tổng Thống, ít nhất trong lúc nầy. Lúc người dân Pháp đang chờ xử dụng lá phiếu để bầu Hội đồng các Vùng (ngày 21 và 28.03.2004) mà hiện nay, 62% trong số họ đã cho biết sẽ xừ dụng cơ hội nầy để bày tỏ thái độ chống ông Chirac và chánh phủ Raffarin. Ðức cũng hứa sẽ giúp Pháp đạt được kết quả tại phiên họp sắp tới Hội đống Tổng trưởng Tài chánh vào ngày 09.03.2004. Nhưng các quốc gia Thụy Ðiển, Ðan Mạch và Áo chưa đưa ra ý kiến cuối cùng. Ngoài ra, nếu Pháp được phép giảm Thuế Trị giá Gia tăng, thì hy vọng tạo thêm được 40000 việc làm. Vì, thuế nầy, cách đây một tháng, khi bị Ðức từ chối cho giảm, chánh phủ Raffarin quyết định, thay vào đó bằng dùng ngân sách Quốc gia để chi trả thay thế chủ nhân đóng tiển góp quỹ An ninh xã hội bớt 1,5 tỉ euros. Trong khi giảm thuế sẽ bớt chi phí cho chủ nhân 3 tỉ euros, trong vòng 18 tháng tới đây.

Bên cạnh cuộc họp thượng đỉnh, còn có các phiên họp cấp Tổng trưởng : Kinh Tài, Giáo dục và Lao động của ba nước. Các Tổng trưởng sẽ thảo luận và cố gắng để thống nhất các vấn đề quan tâm hàng đầu của nước mình: Anh với thị trường lao động, Đức với lĩnh vực nghiên cứu và phát triển công nghệ cao, Pháp với các vấn đề xã hội. Cho đến nay, Pháp vẫn tỏ ra không tin t ưởng lắm với Chương trình Lisbon do Anh đề xuất, đặc biệt là vấn đề thị trường lao động mềm dẻo. Các vấn đề liên quan chính sách đối ngoại và nhạy cảm như tìm người kế nhiệm Chủ tịch Uỷ ban Âu châu, Romano Prodi. Ông Javier Solana có tiếp tục phụ trách chính sách đối ngoại của Liên Âu thêm một nhiệm kỳ, cải cách Liên hiệp Âu châu, xét tư cách ứng viên của Thổ Nhĩ Kỳ... sẽ được lãnh đạo ba nước trao đổi nhẹ nhàng bên bàn tiệc buổi tối.

Những đề nghị nầy được trình bày trong một lá thư gửi tới Thủ tướng Bertie Ahern (Ái-nhỉ-lan), đương kiêm Chủ Tịch Liên Âu trong đệ nhất lục cá nguyệt 2004 và tới Chủ tịch Ủy bản Âu Châu Romano Prodi, sau hội nghị thượng đỉnh giữa Thủ Tướng Đức Gerhard Schroeder, Thủ Tướng Anh Tony Blair, và Tổng Thống Pháp Jacques Chirac. Ủy bản Âu Châu sẽ mãn nhiệm vào ngày 31.10.2004.

Những phản ứng tức khắc về cuộc họp thượng đỉnh nầy đến từ Ý đại lợi và Tây Ban Nha khi lo ngại rằng Paris, London và Berlin đang thành lập một ‘ban điều hành’ mới để điều khiển toàn Liên hiệp Âu châu. "Hãy nhớ rằng không ai ở Âu chân chịu làm công dân hạng hai. Liên Âu được thành lập bởi 25, chứ không phải 3 quốc gia", Ngoại trưởng Rocco Buttiglione phát biểu ngay sau khi hội nghị Berlin kết thúc. Tuy nhiên, ông Schroeder bác bỏ ngay mối lo ngại ấy khi khẳng định: "Chúng tôi không muốn thống trị ai". Thủ tướng Blair thì cho rằng ba nước này chiếm nửa dân số châu Âu và hơn nửa tổng trị giá tài sản Liên Âu. «Nếu chúng tôi đạt được thoả thuận về cách thức làm cho nền kinh tế của chúng ta tốt đẹp hơn, đó là điều tốt cho đất nước và cho cả Liên Âu, và đừng ai tỏ ra quá nhạy cảm về sự kiện nầy».

Các quốc gia Âu châu khác tỏ ra không quan tâm hoặc thậm chí hoan nghênh hội nghị ba bên. Thủ tướng Đan Mạch Anders Fogh Rasmussen thì bình luận việc "các nước lớn hội tụ cùng nhau là chuyện tự nhiên". Thủ tướng Luxembourg J-C Juncker nhận xét đó là "một cuộc gặp hữu ích". Ông cho rằng việc phối hợp các quan điểm khác nhau trước hội nghị thượng đỉnh Liên hiệp Âu châu sẽ làm cho việc thương thảo thuận lợi hơn. Hội đồng Âu châu dự trù sẽ diễn ra trong hai ngày 25 và 26.03.2004 tại Brussels (Vương quốc Bỉ),

Các nhà lãnh đạo đã cố gắng giải thích những chỉ trích từ các nước khác trong Liên Âu về cuộc gặp gở tay ba nầy. Ba người nói rằng ý tưởng phục hồi kinh tế châu Âu của họ sẽ có ích cho mọi người dân khắp châu Âu. Thủ tướng Anh tóm tắt phản ứng của ba nước: "Toàn cầu hóa đang thay đổi các nền kinh tế, công nghệ cũng làm thay đổi. Dân số già đi đang thay đổi nền tảng các nền kinh tế. Có nghĩa là phản ứng của chính phủ, cả ở mức quốc gia lẫn châu Âu, là phải nhanh và đủ khả năng thích ứng với tình hình thay đổi."

Mới nhìn qua, các đề nghị chung, chẳng hạn như việc tạo thêm việc làm, khuyến khích công nghệ mới và bảo đảm tương lai của các quỹ hưu trí, trông rất hữu ích. Nhưng ngay cả nếu chúng được Liên Âu đồng ý, thì vẫn thiếu các cơ chế, phương tiện để thực hiện. Vấn đề thực sự của Liên Âu là nhiều chính phủ, đặc biệt là Đức và Pháp, đã có quyết tâm sẵn sàng thực hiện những biện pháp cần thiết nhưng mất lòng dân, chẳng hạn việc giảm chi tiêu nhà nước.

Trong hai tài khóa 2002 và 2003 vừa qua, trái với những lời hứa khi gia nhập đồng euro là mỗi quốc gia phải cố gắng để thăng bằng ngân sách, các nước lớn Ðức, Pháp, Ý đại lợi và Bồ đào nha đã vi phạm các điều kiện khi tham gia đồng Euro. Chính Ðức quốc, năm 1997, với sự hổ trợ cúa Pháp quốc, đã đòi hỏi các quốc gia thành viên khu euro phải cam kết tuân theo ‘Thỏa hiệp ổn định và tăng trưởng’ (Pacte de stabilité et de croissance) nầy để bảo đãm giá trị đồng Euro mà, trước khi tham gia, đồng Ðức Mã đã có một uy tín đáng kể trên thị trường tiền tệ thế giới. Với hơn 4 triệu người thất nghiệp, chánh phủ Ðức quốc nại lý do của sự khiếm hụt ngân sách là vì phải tăng chi tiêu cho sự tìm việc làm.

Pháp quốc thì cho rằng mình có những ưu tiên khác hơn là tôn trọng kỷ luật tài chính và ngân sách áp đặt bởi Thỏa hiệp nầy. Viện dẫn là đã hứa trong lúc vận động tranh cử Tổng Thống năm 2002, ông Chirac đã vội vã giảm thuế cho giới trung và thượng lưu với lý do họ sẽ tăng tiêu thụ đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế, nhưng sự thực không xảy ra như chúng ta đã thấy từ một năm rưởi. Chánh phủ biện minh: Sở dĩ có sự khiếm hụt đó là vì số thu ngân sách giảm do sự đình trệ kinh tế.

Ðể điền vào chổ khiếm hụt ngân sách đó, chánh phủ phải đi vay ở thị trường tiền tệ. Vã lại, theo 'Thỏa hiệp ổn định và tăng trưởng’, thì Công nợ phải thấp hơn 60% Tổng sản lượng quốc nội (PIB, tiếng Pháp, hay GNP, tiếng Anh).

Trong suốt năm 2003, Ủy Ban Âu châu (cơ quan có nhiệm vụ thi hành và kiểm soát các luật lệ chung) dã làm việc với hai nước Pháp và Ðức để đưa họ trở về đúng với những điều đã cam kết để tránh sự trừng phạt. Ðể chống lại Ủy Ban, trong cuộc họp rất căng thẳng, ngày 25-11.2003, các Tổng trưởng Tài chánh Liên Âu đã thỏa thuận một quyết định khiến Pháp và Đức, thoát được sự trừng phạt của Ủy Ban Âu Châu. Tám nước lớn (Pháp, Đức, Bỉ, Lục Xâm Bảo, Bồ Đào Nha, Ái Nhĩ Lan, Hy lạp và Ý) đã bác bỏ khuyến cáo của cơ quan lập pháp Âu Châu để tạo nên tình hình đối đầu giữa Hội đồng Tổng trưởng Tài chánh và Ủy Ban Âu Châu, bất chấp sự phản đối của nhóm nước thiểu số (Phần Lan, Áo, Hòa Lan và Tây Ban Nha). Thỏa ước dự trù những biện pháp bắt buộc trước khi dẫn đến trừng phạt, để ngăn chận sự khiếm hụt quá đáng ngân sách. Các quốc gia nầy đã thay thế khuyến cáo của Ủy ban Âu Châu bằng hai "tuyên bố" của Pháp và Đức, hứa hẹn sẽ giảm bớt mức khiếm hụt ngân sách trong những năm tới. Như thế, ‘Thoả Ước Ổn Định Kinh Tế Và Phát Triển’ được đình chỉ áp dụng.

Trước sự kiện đó, ủy viên kinh tế tài chánh Âu Châu, Pedro Solbes, đã than phiền: "Ủy ban rất tiếc rằng quyết định này không theo tinh thần và các luật lệ xử lý về ′Thoả Ước Ổn Định Kinh Tế Và Phát Triển′. Ủy ban đã chấp thuận cho 2 nước Đức-Pháp thêm 1 năm nữa cho đến năm 2005 để phục hồi khiếm hụt ngân sách dưới 3% PIB, theo cam kết của họ″.

Sau đó, hôm 12.01.2004, bà Michaele Schreyer, Uỷ viên ngân sách của Liên hiệp Âu Châu, cho rằng việc đình chỉ áp dụng Thỏa ước là sai trái cả về phương diện kinh tế lẫn trên nguyên tắc pháp lý nữa: "Tôi nghĩ chúng ta đồng ý­ là muốn có sự bền vững trong hệ thống tài chánh công, thì phải làm sao giảm bớt nợ nần vì nó tạo gánh nặng tương lai cho các thế hệ tương lai, và dĩ nhiên, khi chúng ta đã có luật lệ thì chúng ta phải tuân theo luật lệ đó.". Ngày 13.01.2004, Ủy ban Âu Châu đã yêu cầu Toà án Âu châu Luxembourg xét xử nội vụ. Sự kiện đầy ý nghĩa nầy chứng tỏ luôn có những sự căng thẳng giữa các cơ quan trong Liên hiệp Âu châu. Sau đó, ông Romano Prodi, chủ tịch Ủy ban Âu Châu, hứa sẽ cải tiến Thỏa ước.

Thủ tướng Schroeder có ý muốn một đại diện Đức được bổ nhiệm vào vị trí mới với tư cách là phó chủ tịch phụ trách kinh tế trong Ủy hội Âu châu. Các quốc gia Âu châu chắc sẽ đặt câu hỏi về vai trò của một nhân vật như vậy. Ðể Ðức đồng ý cho Pháp hạ thuế xuất Thuế Trị giá Gia tăng, Pháp phải tán thành đề nghị chức Phó Chủ tịch Ủy ban Âu châu đầy quyền lực và sẽ lọt vào tay một người Ðức.

Dù sao, cuộc Hội họp nầy cũng đặt ra một tiền lệ quan trọng, khi lãnh đạo ba quốc gia hàng đầu Âu châu, cùng các Tổng, Bộ trưởng, gặp nhau để tìm giải pháp chung cho các vấn đề đang đe dọa Liên Âu vào lúc tổ chức đang sắp mở rộng thành 25 quốc gia với 450 triệu công dân.

Vấn đề giờ đây là lãnh đạo ba nước phải thuyết phục các nước khác là kế hoạch của họ có ích cho toàn Liên Âu, chứ chẳng phục vụ riêng cho quyền lợi của Anh, Pháp, Đức.

Nhìn vào từng quốc gia trong ba nước nầy, chúng ta sẽ thấy cả ba nhà lãnh đạo đang bị suy yếu ở chính trường trong nước vì những vụ bê bối tài chánh, nhiều cuộc cải tổ không phù hợp với dự trù khiến người dân đã khó khăn lại thêm khốn khổ. Sau cùng, sự tín nhiệm của họ nơi người dân đã bị mất dần.

Các ông Schroeder, Blair, Chirac và Raffarin muốn chứng tỏ sự đoàn kết và hướng dư luận trong nước về Liên hiệp Âu châu đầy hứa hẹn trong tương lai để đừng nhớ những cụm mây đen đang bao trùm đất nước.

Phiên họp thượng đỉnh Sáu Nước

Hai Thủ tướng Silvio Berlusconi và José-Maria Aznar cho biết là lập trường Ý đại lợi cùng Tây ban nha đã được Thủ tướng hữu phái các quốc gia tham dự phiên họp, ngày 19.02.2004 tại Athènes (Hy lạp), là José Manuel Durao Barroso (Bồ đào nha), Jan Peter Balkenende (Hòa lan), Mikulas Dzurinda (Slovaquie) và Edward Fenech Adami (dảo Malte): «Chúng tôi đã đề cập đến Hội nghị Berlin và mọi người đều xác tín là Liên Âu với 25 thành viên không thể chấp nhận các khuyến cáo của Hội nghị họp tại Berlin. Chúng tôi không đồng ý đề cử một ′siêu Ủy viên′»

Ông Aznar cũng đã nhận xét, khi nói với báo giới Tây ban nha, về thượng đỉnh Anh-Pháp-Ðức: “Tất cả những gì làm tăng khả năng phát triển kinh tế đều là tích cực, nhưng không ai có thể bị loại trừ, mà phải làm một cách thật đầy đủ. Tôi nghĩ vấn đề căn bản của Liên Âu là lãnh đạo đa hiệu và định hướng đúng.”. Do đó, ông đã bác bỏ đề nghị đặt một ′siêu Ủy viên′ vì, điều đó, không giải quyết mọi vấn đề, nhưng phải cương quyết tôn trọng ‘Thỏa hiệp ổn định và tăng trưởng’ và những cải tổ căn bản.

Kết Luận

Ðấy là hai phiên họp thượng đỉnh của các nhóm thành viên khác nhau trong hai ngày kế tiếp nhau. Một nhằm đưa ra những đề nghị chứa những ẩn ý khiến bên kia phải lên tiếng chỉ trích và bác bỏ. Nước Ý đại lợi vừa chấm đứt nhiệm kỳ Chủ tịch Liên Âu ngày 31.12.2004 với những thất bại chánh trị (không có lập trường chung về chiến tranh Iraq), kinh tài (thiếu tăng trưởng kinh tế và ‘Thỏa hiệp ổn định và tăng trưởng’ bỉ đình chỉ và đưa nhau ra Tòa

Thật ra, các quốc gia có quyền họp để phối hợp các quan điểm khác nhau trước hội nghị Hội đồng Âu châu tới đây sẽ làm cho việc thương thảo thuận lợi hơn. Thương thảo chứ không là áp đặt đối với các nước thành viên còn lại của Liên Âu, nhất là đối với 10 quốc gia thành viên sẽ gia nhập ngày 01.05.2004, đe doạ phá vỡ sự thống nhất của Liên hiệp Âu châu.