Một trái bom lớn đặt trong xe hơi đã phát nổ tại trung tâm thủ đô Baghdad của Iraq, giết chết ít nhất 36 người Iraq, như vậy, làm con số người thiệt mạng trong hai ngày qua lên đến gần 100 người.

Phát ngôn viên quân đội Mỹ nói có vẻ như đây là một vụ tấn công tự sát, xảy ra ngay bên ngoài trung tâm tuyển lính và tất cả những người thiệt mạng đều là người Iraq.

Vụ nổ xảy ra chưa đầy 24 tiếng đồng hồ sau một vụ được coi là đánh bom tự sát bên ngoài một đồn cảnh sát phía nam Baghdad, giết ít nhất 50 người và làm nhiều người bị thương.

Các dân quân nổi dậy có vẻ đã thay đổi chiến thuật, giờ đây nhắm vào các lực lượng an ninh Iraq, người phát ngôn quân đội Mỹ cho biết.

Đại tá Ralph Baker nói các dân quân muốn có các vụ tấn công "giật gân", cố ý trùng với dịp mà đoàn làm việc của Liên Hiệp Quốc tới Iraq để đánh giá các điều kiện có thể tổ chức bầu cử trực tiếp được hay không.

Phóng viên BBC tại Baghdad nói rằng vụ đánh bom này lại là một đòn nữa đánh vào việc xây dựng thể chế mới tại Iraq.

Các quan chức Hoa Kỳ gần đây cảnh báo điều họ mô tả là âm mưu của al-Qaeda châm ngòi bạo động giữa phái đa số là người Shia Hồi giáo với người Hồi giáo thuộc hệ phái Sunni.

Vào đầu tháng này đã xảy ra vụ đánh bom kép làm ít nhất 100 người thiệt mạng trong các nghi lễ của người Kurd tại Irbil.

Phân tích

Cho tới thời điểm này, tháng Hai chứng kiến ba vụ tấn công lớn, mà cả trong ba vụ, người dân Iraq đều là mục tiêu chính.

Vào đầu tháng, những kẻ đánh bom tự sát đã tự cho phát nổ tại Erbil ở vùng phía bắc của Iraq, là khu vực của người Kurd.

Rồi đến vụ đánh bom vào hôm qua, thứ Ba, tại thị trấn nhỏ Iskandiriya nằm ở phía Nam Baghdad.

Và giờ đây là vụ đánh bom xe ngay bên ngoài trung tâm tuyển lính ở ngay chính giữa thủ đô Baghdad.

Cả ba vụ tấn công này đã giết chết gần 200 người Iraq. Mục đích rõ ràng là nhằm ngăn cản người Iraq làm việc cho các lực lượng chiếm đóng do Mỹ cầm đầu, và nhằm phá hoại việc chuyển giao quyền lực cho một chính phủ Iraq lâm thời vào ngày 1/7.

Về chuyện ai là những người đứng sau các vụ tấn công này, các quan chức người Kurd rất nghi ngờ một nhóm có liên hệ với al-Qaeda là những kẻ đứng sau vụ đánh bom ở khu vực phía Bắc.

Và các quan chức Mỹ cho rằng họ có bằng chứng mới về liên hệ với Al-Qaeda, dưới hình thức một lá thư mà họ chặn được, trong đó, một lãnh đạo dân quân Hồi giáo tại Iraq đề nghị al-Qaeda giúp đỡ trong việc gây ra một cuộc chiến chia rẽ.

Những người Iraq xem bức thư này tin rằng đó là thực.

Liệu có khả năng nào là những vụ tấn công này cho thấy sự bất mãn với lính nước ngoài tại Baghdad không?

Phát ngôn viên Gareth Bayley của nhà cầm quyền lâm thời liên quân nói: "Tôi không nghĩ những kẻ tấn công này có được bất cứ sự hỗ trợ nào từ cộng đồng, vì rõ ràng chủ yếu các thanh niên từ đủ cộng đồng khác nhau là những người bị khủng bố giết chết quanh trại tuyển quân".

Thế nhưng ngay cả nếu có các dân quân al-Qaeda tại Iraq, thì họ cũng chỉ có số lượng nhỏ, và các chuyên gia vẫn chưa nhất trí về chuyện những dân quân đó đóng vai trò như thế nào.

Tuy nhiên, các vụ tấn công gần đây đã khiến cho các quan chức Mỹ tại Iraq phải nhảy vào cuộc chạy đua với thời gian.(BBC)