Vấn đề này vốn đã gây nhiều tranh cãi từ thời 1980, với những người chủ trương thế quyền ủng hộ trong khi những lãnh tụ tôn giáo thì chống

Pháp là một quốc gia đặt nền tảng trên một nền cộng hoà với một sự phân chia rõ rệt giữa thần quyền và thế quyền, giữa tôn giáo và việc đời. Ðối với người Pháp nói chung, đây là một nguyên tắc căn bản của đời sống của họ.

Những người theo Hồi giáo lại chống đối vì chuyện này dính đến sự phục hồi của Hồi giáo cùng sự bành trướng của Hồi giáo quá khích.

Những người Hồi giáo đầu tiên đến Pháp hồi 1950 không đòi hỏi, nhưng các con em họ, thuộc thế hệ thứ hai, thứ ba, bị ảnh hưởng của phong trào hồi 1970, đòi được quyền xác định bản chất Hồi giáo trong đó có việc các thiếu nữ đòi đeo khăn đội đầu trong trường học.

Vì không có luật nên mọi sự đâm ra tùy vào nhà trường. Một số trường cấm, thế là có phong trào phản đối rồi có người ủng hộ.

Cuộc tranh luận này đã có lúc đi đến chỗ gây nên chia rẽ nặng trên toàn quốc vì Pháp có một số dân theo Hồi giáo lớn nhất Âu châu, lên đến 5 triệu người và Hồi giáo nay là tôn giáo lớn thứ nhì ở Pháp.

Tổng thống Chirac ủng hộ đạo luật

Tổng thống Chirac sợ là đảng Front National, vốn là đảng cực hữu chủ trương chống di dân, chiếm được nhiều ghế, ảnh hưởng đến đảng ông, nên ông đã đưa ra luật này, mục đích là để dành sự ủng hộ của khối cánh hữu.

Không có ai đúng hay sai vì đây là hai cuộc tranh luận giữa hai nguyên tắc hết sức căn bản: một bên là quyền của di dân và con cái được tự do bày tỏ bản chất văn hoá của họ, và một bên là nhiệm vụ của nhà nước và hệ thống giáo dục làm sao biến những người xa lạ đến thành những công dân gương mẫu cho nền cộng hoà Pháp. (BBC)