Hai nhà ngoại giao Nhật bị bắn chết tại một hàng ăn gần Tikrit chỉ vài giờ sau khi 7 nhân viên tình báo Tây Ban Nha thiệt mạng trong một vụ phục kích ở mạn Nam Baghdad.

Hai người này trong đoàn 11 nhân viên Nhật tham gia một hội nghị về tái thiết tổ chức ở Tikrit, quê của Saddam Hussein.

Chiều thứ Bảy 2 lính Mỹ tử thương khi đoàn xe của họ bị phe nỗi dậy tấn công gần biên giới với Syria.

Trước đó tư lệnh Hoa Kỳ ở Iraq nói trong hai tuần qua các vụ tấn công đã giảm 30%.

Phản ứng của Tokyo

Thủ tướng Nhật, Junichiro Koizumi, nói nước ông sẽ tiếp tục chống khủng bố. Ông Koizumi nói Nhật vẫn quyết tâm trong việc giúp tái thiết Iraq nhưng sẽ chú ý hơn đến vấn đề an ninh.

Chính phủ Nhật đã hứa sẽ gởi lính sang Iraq giúp cho liên quân do Hoa Kỳ dẫn đầu, nhưng việc này bị trì hoãn vì gặp sự chống đối của công chúng.

Phóng viên BBC ở Tokyo nói cái chết của hai nhà ngoại giao Nhật sẽ gây khó khăn cho ông Koizumi trong việc giúp Tổng thống Bush như đã hứa.

Hiến pháp Nhật cấm lính Nhật tham chiến ở nước ngoài. Kể từ sau Thế chiến thứ hai, không có một lính nào của Nhật bị chết trong lúc làm nhiệm vụ.

Đó cũng là lý do Nhật vô cùng dè dặt tham gia các chiến dịch gìn giữ hòa bình quốc tế mặt dù Nhật là một trong những nước có quân đội hùng mạnh nhất trên thế giới.

Thủ tướng Koizumi hy vọng Iraq sẽ là cơ hội để Nhật mở rộng vai trò của quân đội. Tokyo đã gởi một toán nhân sự sang đánh giá tình hình.

Phản ứng của Tây Ban Nha

Bảy nhân viên tình báo Tây Ban Nha thiệt mạng, một nhân viên bị thương, là vụ tấn công nặng nề nhất kể từ khi nước này tham gia các lực lượng của liên quên Anh-Mỹ.

Tổng thống Bush đã điện thoại chia buồn cùng Thủ tướng Jose Maria Aznar.

Hình ảnh truyền hình cho thấy những người Iraq đá vào các xác chết của nhân viên tình báo Tây Ban Nha và hô to khẩu hiệu ủng hộ Saddam Hussein.

Công chúng bị sốc trước tin này nhưng nhiều người không ngạc nhiên, hơn 90% dân Tây Ban Nha chống cuộc chiến Iraq.

Đại đa số công chúng nay yêu cầu rút lính của họ về càng sớm càng tốt. Phe đối lập thiên tả nói tham gia ở Iraq là xâm lăng và dễ dàng trở thành mục tiêu.

Nhưng chính phủ thiên hữu không muốn nghe lời của những người chỉ trích và sẽ không đổi ý bây giờ.

Thủ tướng Aznar tái khẳng định sự ủng hộ của Tây Ban Nha trong cuộc chiến chống khủng bố và giúp tái thiết Iraq.(BBC)