Các nhà đầu tư hồi hộp tại Nga, vốn lo lắng trước vụ bắt giữ lãnh đạo tập đoàn Yukos khổng lồ mới đây, có thể được trấn an trước việc các công ti Nga đổ xô đi tìm kiếm cơ hội được niêm yết trên các thị trường phương Tây.

Một làn sóng mới các công ti của Nga đang chuẩn bị tìm cách tung cổ phiếu ra thị trường New York và London.

Những công ti này bao gồm các doanh nghiệp phần mềm và viễn thông đang phát triển, cùng các công ti nông nghiệp khổng lồ.

Nếu họ thành công, họ sẽ khẳng định được rằng hệ thống các công ti của Nga đang phát triển tốt.

Thị trường chứng khoán London đã khẳng định rằng "có những dấu hiệu quan tâm đáng khích lệ".

Được biết có tới 15 công ti của Nga đang tìm cách để được niêm yết trên thị trường tài chính London.

Những công ti này đã phát triển rất nhanh kể từ khi chủ nghĩa Cộng sản sụp đổ vào đầu thập kỷ 90.

Việc tăng trưởng kinh tế mạnh gần đây đã thúc đẩy nguồn thu nhập của họ từ thị trường nội địa của Nga.

Họ cũng đang gia tăng các mối liên kết xuất khẩu với các khách hàng phương Tây, và những cổ đông thì muốn tăng thêm lời lãi bằng cách tham gia vào thị trường chứng khoán.

Nhưng họ phải vượt qua được những mối nghi ngờ của các nhà đầu tư về tình hình tại Nga, vốn làm người ta cảm thấy quan ngại trước chuyện mới xảy ra giữa điện Kremlin và công ti dầu Yukos.

Quan ngại của các nhà đầu tư

Những ông chủ của các công ti đang nhấn mạnh rằng giai đoạn hai của việc mở rộng các công ti hiện đang được thực hiện.

Các công ti dầu khí rõ ràng là những ứng cử viên nặng ký cho việc tung cổ phiếu ra thị trường quốc tế.

Tiếp đó là các công ti viễn thông và các dịch vụ khác, bao gồm công nghệ thông tin.

Công ti điện thoại di động lớn thứ ba tại Nga, Megafon, là một doanh nghiệp cũng đang có các kế hoạch tham gia thị trường chứng khoán quốc tế.

Công ti này đã được hưởng lợi từ việc mở rộng mạnh mẽ thị trường điện thoại di động của Nga, vốn gia tăng gấp đôi vào năm 2002, và còn dự tính sẽ gia tăng như vậy nữa trong năm nay.

Tại các thành phố ở Nga, số lượng các máy điện thoại không dây có vẻ sẽ vượt quá số lượng máy điện thoại cố định có dây.

Matxcơva và St Petersburg là các thành phố hiện đã được chăm sóc đầy đủ về thị trường điện thoại này, do đó, thách thức hiện nay là phải mở rộng các mạng lưới điện thoại di động trên toàn các vùng lãnh thổ rộng lớn ở miền Trung và miền Đông Nga.

Megafon có kế hoạch tham gia bán cổ phiếu công cộng vào giữa năm 2004, với khoảng 20% lượng cổ phiếu sẽ được bán.

Cả New York và London hiện đang cân nhắc những đề nghị này.

Công nghệ thông tin

Công ti công nghệ thông tin lớn nhất của Nga cũng đang có kế hoạch tham gia vào các thị trường tài chính quốc tế.

IBS là công ti có khoảng 3000 nhân sự, và có các chi nhánh tỏa khắp trong hệ thống kinh doanh, hình thành mạng lưới và tham vấn.

Tập đoàn này hi vọng sẽ kiếm ra tiền với việc tham gia vào thị trường chứng khoán.

Dịch vụ phát triển và hỗ trợ phần mềm được chào mời với mô tả là có "lợi thế rất lớn về chi phí".

Công ti cho rằng họ có thể cạnh tranh với các nhà thầu Ấn Độ, và lại còn đưa ra lợi thế về địa lý là gần với các thị trường châu Âu hơn.

Một phát ngôn viên đùa rằng "người ta không phải lo uống thuốc phòng sốt rét khi ở Matxcơva".

IBS cho biết họ cũng đang cân nhắc chuyện tung cổ phiếu ra. Họ sẽ xem xét việc niêm yết công ti trên thị trường chứng khoán còn non trẻ của Nga cũng như trên các thị trường của Mỹ và châu Âu.

Xuất khẩu nông nghiệp

Việc sản xuất ngũ cốc của Nga đã tăng lên sáu lần kể từ khi Liên bang Xô viết cũ sụp đổ.

Đất nước này hiện đang sắp trở thành nước xuất khẩu ngũ cốc lớn nhất thế giới.

Một công ti hàng đầu trong lĩnh vực này là tập đoàn Razguliay-UKRROS, vốn bắt đầu việc buôn bán hàng hóa từ năm 1992.

Hiện nay, tập đoàn này kiểm soát tới 10% thị trường ngũ cốc của Nga và 1/5 ngành sản xuất đường.

Razguliay-UKRROS hiện đang lên kế hoạch sẽ đưa ra cổ phiếu tư, hoặc cổ phiếu công, trong vòng khoảng một năm nữa.

Nói chung, nếu những công ti Nga thành công khi giành được sự chấp nhận của các thị trường chứng khoán phương Tây, họ sẽ cho thấy rằng cuộc khủng hoảng hiện thời sẽ không làm chệch đường gia nhập kinh tế thế giới của Nga. (BBC)