Một hội nghị quốc tế lớn nhằm tìm kiếm viện trợ cho việc tái kiến thiết Iraq vừa diễn ra tại thủ đô Madrid, Tây Ban Nha.

Hơn 70 quốc gia và các tổ chức đa phương đã tham gia hội nghị được Hoa Kỳ ủng hộ mạnh mẽ này.

Hoa Kỳ đang tìm kiếm hơn 30 tỉ Dollar cam kết, nhưng theo dự đoán thì con số đạt được sẽ thấp hơn nhiều so với trông đợi.

Các quốc gia chống lại cuộc xâm lược Iraq do Hoa Kỳ cầm đầu như Pháp, Đức, và Nga đã nói rằng họ sẽ không bỏ ra nhiều hơn là số đã hứa.

Tình hình an ninh bất ổn tại Iraq đã làm cho một số nước có khả năng cấp viện lo lắng về việc đưa ra cam kết giúp đỡ trong giai đoạn này.

Hội nghị diễn ra vài ngày sau khi Hội Đồng Bảo An Liên Hợp Quốc thông qua một nghị quyểt do Hoa Kỳ soạn thảo, kêu gọi cộng đồng quốc tế thành lập một lực lượng quân đội đa quốc gia và viện trợ cho Iraq.

Những khác biệt dai dẳng

Liên Hợp Quốc và Ngân Hàng Thế Giới (WB) nói việc tái thiết Iraq cần chừng 50 tỉ Dollar trong vòng vài năm tới.

Phóng viên BBC tại Washington, Jon Leyne, cho biết cho đến một vài tuần trước đây thì hội nghị này trông như là một sự khôi hài lớn với việc phần còn lại của thế giới chỉ bỏ ra một phần nhỏ của con số đó.

Nhưng theo Jon Leyne, trong những tuần qua Washington đã làm rất nhiều để tăng con số đóng góp và giảm chỉ tiêu trông đợi.

Hoa Kỳ đã cam kết 20 tỉ và các quốc gia có khả năng cấp viện khác như các nước vùng vịnh vẫn chưa công bố con số đóng góp.

Tuy nhiên các quan điểm khác biệt trong việc điều hành Iraq và tình trạng an ninh đã tạo nên những hoài nghi rằng hội nghị Madrid sẽ đem lại các kết quả đáng kể.

Ngoại trưởng Pháp, Dominique de Villepin nói ' Vào giai đoạn này chúng tôi không có kế hoạch viện trợ thêm. Đối với chúng tôi, điểm khởi đầu thực sự là việc thực sự và hoàn toàn công nhận chủ quyền của Iraq'

Nhưng người đứng đầu cơ quan điều hành của Hoa Kỳ tại Iraq, ông Paul Bremer lại nói ' Đây là thời điểm cho chính phủ Pháp gạt sang bên tất cả các bất đồng mà chúng tôi đã có vào tháng Hai và tháng Ba'

Tổng Thư Ký Liên Hợp Quốc, Kofi Annan nói dường như cộng đồng quốc tế sẽ không bỏ tiền ra lập tức nhưng hội nghị là một bước đi theo một hướng đúng.

Các quốc gia cấp viện muốn đưa tiền vào một quỹ ủy thác, như vậy họ có thể nói là họ cấp tiền cho một cơ quan quốc tế chứ không phải cho Hoa Kỳ.

Phóng viên ngoại giao BBC, Paul Reynolds, nói nợ của Iraq dưới thời Saddam, trong khoản từ 95 cho đến 150 tỉ Dollar, là một vấn đề lớn tuy không nằm trong chương trình nghị sự nhưng chắc chắn sẽ hiện diện trong suy nghĩ của một số nước.

Những người biểu tình đang lên kế hoạch phản đối chống lại sự hiện diện của quân đội quốc tế tại Iraq và tình hình an ninh tại thủ đô Madrid đã được siết chặt.(BBC)