Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã đồng loạt bỏ phiếu tán thành dự thảo nghị quyết do Mỹ đưa ra, nhằm đề ra một viễn kiến cho quá trình tái thiết chính trị và kinh tế cho Iraq thời hậu chiến.

Nghị quyết này vẫn giữ vai trò chủ chốt của lực lượng chiếm đóng do Mỹ cầm đầu, thông qua nhà cầm quyền lâm thời liên quân tại Iraq, thế nhưng nó cũng nhấn mạnh mong muốn chuyển giao quyền tự chủ và một chính phủ cho người dân Iraq trong thời gian sớm nhất có thể được.

Nghị quyết này sẽ được một số người cho là một chiến thắng của các nhà ngoại giao Hoa Kỳ.

Họ đã giành được sự ủng hộ tuyệt đối cho một nghị quyết mà chỉ cách đây một ngày trông có vẻ như khó sẽ chiếm được đa số phiếu.

Trong suốt một ngày, nhiều quan chức cao cấp của Nhà trắng, Hội đồng An ninh Quốc gia và Bộ ngoại giao đã gần như phải gọi điện thoại liên tục, cả ngày lẫn đêm tới các thủ đô trên thế giới.

Washington và London coi việc thông qua nghị quyết là một thông điệp rõ ràng rằng cộng đồng quốc tế đã lại tham gia tích cực vào tái thiết Iraq.

Đại sứ Anh ở Liên Hiệp Quốc, Emyr Jones Parry nói rằng kết quả chứng tỏ tính đúng đắn của một nghị quyết dự thảo tập trung vào các mục tiêu thực tế:

"Nghị quyết này tập trung vào những vấn đề thực tế chứ không phải là lý thuyết. Nó cũng tập trung vào những gì sẽ phù hợp với người dân Iraq. Nó cũng cho người dân Iraq thấy rằng chúng tôi đang trong quá trình chuyển giao quyền lực cho họ."

Ủng hộ miễn cưỡng

Pháp cùng với Nga và Đức đã kêu gọi có một nghị quyết mà sẽ không để lại cảm tưởng rằng Mỹ sẽ chiếm đóng Iraq lâu dài.

Họ muốn có một thời gian biểu cụ thể cho việc chuyển giao quyền lực và một vai trò lớn hơn cho Liên Hiệp Quốc.

Phát biểu sau cuộc bỏ phiếu, đại sứ Pháp tại Liên Hiệp Quốc, ông Jean Marc de la Sabliere nhấn mạnh rằng nước ông đã miễn cưỡng ủng hộ:

"Tôi nghĩ rằng nếu Liên Hiệp Quốc có vai trò chính trong tiến trình chính trị ở Iraq thì sẽ tốt hơn. Khi đó Hội đồng Bảo an và Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc sẽ có tiếng nói nhiều hơn đối với những việc mà chúng tôi muốn đưa vào thực thi. Tuy nhiên chúng tôi muốn Hội đồng Bảo an đoàn kết và đã bỏ phiếu ủng hộ."

Sự thử thách đối với nghị quyết này sẽ là những biến đổi ở chính Iraq.

Mỹ và Anh thừa nhận rằng bản thân nghị quyết sẽ không mang lại thêm một số lượng quân mới từ những nước vốn vẫn không muốn đưa quân vào Iraq.

Tuy nhiên họ vẫn hy vọng nhiều nước sẽ đóng góp thêm tiền cho quá trình tái thiết Iraq.

Mà điều này thì sẽ được thể hiện tại hội nghị quốc tế các nhà tài trợ cho Iraq vốn sẽ diễn ra vào tuần tới tại thủ đô Madrid của Tây Ban Nha. (BBC)