Hôm Thứ Hai ngày 6.10.2003, nội các Thổ Nhĩ Kỳ đã đồng ý gửi binh lính tới Iraq, nếu việc gửi quân được quốc hội phê chuẩn.

Phát biểu sau cuộc họp, phát ngôn viên chính phủ là Cemil Cicek nói là nếu như quốc hội phê chuẩn, thì ông hy vọng là binh lính sẽ có mặt tại Iraq trong thời gian một năm.

Ông cho biết đây cũng là khoảng thời gian mà chính phủ đề nghị lên quốc hội.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ Richard Boucher coi quyết định của nội các Thổ Nhĩ Kỳ về khả năng sẽ triển khai binh lính tại Iraq là một bước tiến tích cực:

"Chúng tôi hoan nghênh quyết định của chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ. Thổ có một vai trò quan trọng trong việc bình ổn Iraq."

"Chúng tôi đang tiếp tục các thảo luận với giới chức Thổ Nhĩ Kỳ về chi tiết của việc triển khai quân nếu như quốc hội nước này ủng hộ yêu cầu của chính phủ."

Mỹ đương nhiên là cần mọi hỗ trợ về an ninh ở Iraq.

Mỹ đã phải quay trở lại Liên Hợp Quốc, bất chấp thiên hướng của tổng thống Bush, nhằm đạt được sự ủng hộ rộng rãi hơn từ cộng đồng quốc tế.

Nay ở Washington, người ta đang tin tưởng là tại Thổ, quốc hội sẽ phê chuẩn yêu cầu của chính phủ.

Việc triển khai một lượng lớn binh lính đồng minh là người Hồi Giáo từ một quốc gia sang một quốc gia Hồi Giáo khác đem lại những lợi ích rõ ràng cho Tổng Thống Bush.

Tuy nhiên,cũng có những lý do thuyết phục cho thấy tại sao điều đó có thể lại là một ý tưởng không hay ho gì, và nó lý giải vì sao trước đây Mỹ lại ngần ngại về việc khuyến khích Thổ Nhĩ Kỳ tham gia.

Thổ là quốc gia láng giềng của Iraq. Đó là một nước có vai trò trong khu vực với nghị trình anh ninh về người Kurd, mà không phải lúc nào cũng phù hợp với mong muốn của Mỹ.

Có vẻ như những nhu cầu cấp bách hiện thời của Hoa Kỳ đã đánh bạt đi các vấn đề khác, và người Thổ nay được bật đèn xanh để tham gia dưới sự lãnh đạo của Hoa Kỳ, một khi Thổ muốn tham gia. (BBC)