Đúng ngày này cách đây 10 năm, nước Nga đứng trên bờ vực của một cuộc nội chiến – lúc đó là xung đột giữa một bên là quốc hội và một bên là Tổng thống Boris Yeltsin chuyển sang bạo lực.

Các lực lượng trung thành với Quốc hội chiếm văn phòng thị trưởng Matxcova, và sau đó tiến chiếm Đài Truyền hình.

Nhưng tất cả những rắc rối này đã kết thúc với việc ông Boris Yeltsin ra lệnh cho xe tăng nã đạn vào Nhà Trắng, là toà nhà Quốc hội của Nga, nơi hàng trăm người đã trú trong đó. Khi đó, chiến thắng của ông Yeltsin được coi là chiến thắng của các lực lượng dân chủ đối với phe phản đối.

Thế nhưng sau 10 năm thái độ của mọi người đối với các sự kiện vào tháng 10 năm 1993 đã thay đổi.

Steve Rosenberg ở Matxcơva cho biết cảm nghĩ của riêng anh và của người Nga:

Tôi đang đứng cạnh một trong những cột mốc nổi tiếng nhất của Mátxcơva. Đó là Belui Dom, nhà trắng – tổng hành dinh của chính phủ Nga.

Đây là một toà nhà rất ấn tượng với những phiến đá cẩm thạch trắng và một con đại bàng vàng hai đầu khổng lồ đang sáng chói trong ánh nắng rực rỡ của trời thu.

Cứ mỗi lần tôi qua đây, đầu óc tôi ngay lập tức quay ngược thời gian về một sự kiện xảy ra cách đây 10 năm.

Chính tại đây, ở bên cạnh bờ sông Mátx-cơ-va, vào tháng 10 năm 1993, nước Nga đang ở bên bờ vực của nội chiến.

Toà nhà này khi đó do quốc hội cũ của Liên Xô gọi là Xô Viết Tối Cao sở hữu. Xô Viết Tối Cao và tổng thống Nga bấy giờ Yeltsin đã có cuộc vật lộn giành quyền lực rất gay gắt.

Ông Yeltsin đã tố cáo Xô Viết Tối Cao làm chậm tiến trình cải cách kinh tế và đã ra sắc lệnh giải tán quốc hội.

Nhiều đại biểu đã không chấp nhận quyết định của ông Yeltsin và không chịu rời Nhà Trắng. Họ tố cáo ông Yeltsin vị phạm pháp luật và thậm chí còn lập ra một tổng thống mới, ông Alexander Ruscoi.

Hai bên giằng co căng thẳng trong một thời gian và đến ngày 3 tháng 10 bạo lực đã nổ ra. Những người ủng hộ Xô Viết Tối Cao có vũ trang đã xông vào đài truyền hình chính ở Mátxcơva, họ lái một chiếc xe tải đâm ngang qua tường rào của đài.

Một cuộc đọ súng ác liệt với lực lượng an ninh đã diễn ra và hàng chục người đã thiệt mạng. Ông Boris Yeltsin quyết tâm tiêu diệt quân nổi dậy

Sáng sớm ngày 4 tháng 10 xe tăng đã nã súng vào nhà trắng và quốc hội vốn đã đưa ông Yeltsin lên cầm quyền nay ngập chìm trong khói lửa.

Cuộc tấn công kéo dài vài tiếng đồng hồ đã được phát đi trực tiếp trên các kênh truyền hình khắp thế giới. Cuối cùng, ít nhất 140 người đã thiệt mạng, quốc hội đầu hàng và nhà trắng, với lửa và khói, đã chuyển sang màu đen.

Cergei Philasev là Tham mưu Trưởng của ông Boris Yeltsin hồi năm 1993. Ông nói: "Chúng tôi tin rằng chúng tôi không có cách nào khác là phải làm như chúng tôi đã làm hồi bấy giờ. Chúng tôi đã bị phía bên kia đẩy vào vòng bạo lực. Nếu mà họ chiến thắng thì nền dân chủ Nga sẽ lâm nguy."

Tuy nhiên, mười năm đã trôi qua và đa số người Nga không tán đồng ý kiến này. Khảo sát mới đây nhất cho thấy cứ 5 người Nga thì có tới 4 người tin rằng ông Yeltsin đã sai lầm khi đưa xe tăng đi chống lại quốc hội.

Alexei Pushkov là một nhà báo Nga. Anh nói rằng rất nhiều người không thích tính cách của ông Yeltsin và tất cả những hành động của ông.

Anh nói rằng ông Yeltsin chỉ quan tâm tới chuyện giữ được ghế hơn là bảo vệ nền dân chủ. Câu hỏi của tôi là nếu ông Yelsin là một người theo đường lối dân chủ và quân cán của ông cũng vậy thì tại sao dưới sự lãnh đạo của họ nước Nga lại trở thành một trong nước tham nhũng nhất trên thế giới.

Nước Nga đã trải qua những thay đổi lớn lao kể từ tháng 10 năm 1993. Họ đã có hiến pháp mới và có quốc hội mới đó là Duma Quốc gia.

Nhưng kể từ đó tới nay, tổng thống mới là người có nhiều quyền lực nhất. Alexandr Buzgalin là cố vấn của Xô Viết Tối cao hồi tháng 10 năm 1993.

Ông nói "Hồi trước năm 1993, chúng tôi có nhiều cơ hội cho phe đối lập và cho quốc hội hơn so với bây giờ. Bây giờ Quốc hội không có nhiều quyền lực vì tổng thống và phủ tổng thống kiểm soát tất cả các nguồn lực và các phương tiện thông tin đại chúng."

Nước Nga của năm 2003 có thể khác so với năm 1993 nhưng cuộc đấu tranh giành quyền lực vẫn tiếp tục.

Mặc dù không công khai, các nhóm khác nhau, các hệ tư tưởng khác nhau đang cố gắng giành ảnh hưởng đối với tổng thống Nga Putin, đang đấu tranh để có tiếng nói trong chuyện nước Nga sẽ đi theo hướng nào. Và đó cũng vẫn là điều mà nước Nga vẫn đang cố để có một quyết định cuối cùng. (BBC)