Tiểu thuyết gia J. M. Coetzee không phải là người xa lạ gì trong giới văn học, vì ông đã có tới hai giải thưởng danh giá Booker của Anh.

Nhưng, như nhiều người nói, ông là một nhà văn luôn để chính nghệ thuật nói thay cho mình, còn cuộc đời riêng của ông thì ông giữ cho riêng mình.

Ông đã từng chẳng buồn đi tới London để nhận giải Booker Prize. Lần này, người ta vẫn chưa rõ liệu ông có bỏ công sức tới tận Stockholm của Thuỵ Điển để nhận giải thưởng Nobel trị giá 1,3 triệu đôla vào ngày 10-10-2003 hay không.

Những ngày này, ông đang giảng dạy tại Chicago, nhưng những trang văn về chính người Nam Phi bản địa của ông đã gây ấn tượng đối với ban giám khảo.

Trong lời nhận xét, Viện Hàn Lâm Thụy Điển, tổ chức trao giải Nobel Văn Học, nói các tác phẩm của Coetzee nổi trội với cấu tứ chặt chẽ, có lối viết đối thoại ngập ngừng và cách phân tích tuyệt đỉnh.

Theo Lawrence Pollard, phóng viên nghệ thuật của BBC, thì Coetzee tự nhận mình là một tiểu thuyết gia Nam Phi, và quả thực là như thế.

Ông viết về các vấn đề Nam Phi, nhưng không chỉ giản dị về chuyện người da đen chống người da trắng, hay là cánh tả chống lại cánh hữu, hay phe cách mạng chống lại phe phản động.

Những chuyện đó quá dễ; Coetzee viết tinh tế hơn thế nhiều.

Cách tốt nhất để mô tả ông là hãy mô tả các tác phẩm của ông. Chúng thường tương đối ngắn, một lối viết thật tiện dụng.

Không bao giờ có một chữ thừa, ông viết cứ như một nhà bình luận văn học, nhưng cũng như một tiểu thuyết gia dày dạn. Các cuốn sách của ông thì không đơn giản, mà cũng không dễ dãi. Điều đó hấp dẫn mọi người.

Coetzee chào đời tại thành phố Cape Town vào năm 1940.

Ông sử dụng những mối quan hệ phức tạp, chằng chéo ở Nam Phi, giữa người da đen và người da trắng, những thói bạo lực địa phương trong cộng đồng, sự ảnh hưởng của quá khứ thuộc địa, để viết các tác phẩm thường có tính bạo liệt, và thậm chí làm đau lòng.

Có một mối quan tâm đặc biệt trong các tác phẩm của Coetzee. Ảnh hưởng của nạn bạo lực tới tâm tính con người, mà hiển nhiên là được lấy cảm hứng từ kinh nghiệm của ông về chủ nghĩa Apartheid, rồi những biến động tinh thần khiến người ta chấp nhận đau khổ, buồn thương và tội lỗi.

Trong các tác phẩm của ông, có chủ nghĩa bi quan, thậm chí tuyệt vọng.

Coetzee lấy bối cảnh Nam Phi, và trong các tác phẩm của mình, ông khái quát vấn đề để mô tả về điều kiện nhân đạo.

Có vẻ như sự khái quát trong các tác phẩm của J. M. Coetzee đã thuyết phục được Viện Hàn Lâm Thụy Điển trao cho ông giải Nobel văn học.

Ông viết về Nam Phi, ông viết từ những kinh nghiệm có được từ Nam Phi, nhưng các tác phẩm của ông không bao giờ dẫn dắt tới thời tiền hay hậu chủ nghĩa Apartheid.

Tác phẩm của ông nói về những kinh nghiệm phổ quát. Dẫu không phải là những bài thơ, nhưng chúng mang hơi thở thi ca.

Coetzee rất thận trọng trong việc né tránh bị đặt tên là tác giả Nam Phi hay là tác giả chuyên viết về đề tài chính trị. Và điều đó nâng ông lên vị thế của một tác giả có tầm cỡ thế giới, là điều mà những người trao giải Nobel quan tâm tớI. (BBC)