PARIS - Tổng Thống Chirac của Pháp nói sẽ không phủ quyết nghị quyết Liên Hợp Quốc do Mỹ đưa ra về một lực lượng đa quốc gia tại Iraq

Quan điểm Pháp mới đưa ra quả sẽ rất hữu ích cho tổng thống Mỹ George Bush, người sẽ có bài diễn văn trước Đại Hội Đồng Liên Hợp Quốc vào ngày hôm nay, kêu gọi có thêm binh lính và tiền cho việc ổn định Iraq.

Hàn gắn

Trong một cuộc phỏng vấn với tờ New York Times, tổng thống Pháp Jacques Chirac nói chính phủ ông sẽ không phủ quyết yêu cầu của Mỹ, nhưng có thể sẽ bỏ phiếu trắng nếu như không nhận được lịch biểu trao lại quyền tự trị cho người Iraq, và cái mà ông gọi là “vai trò then chốt” giành cho Liên Hợp Quốc.

Các nhà ngoại giao tại New York nói nay đang có nguyện vọng chân thành nhằm tránh những phân rẽ cay đắng vốn đã làm Liên Hợp Quốc bị suy yếu từ hồi trước cuộc chiến.

Cựu Tổng Thư Ký Liên Hợp Quốc Boutros Boutros Ghali, người vốn đã chỉ trích chính sách của Hoa Kỳ đối với Iraq, nay đồng ý rằng đã đến lúc gạt ra bên lề những khác biệt và cần hợp tác để có được một giải pháp:

"Chúng ta hãy quên đi những vấn đề về tính hợp pháp và bất hợp pháp của cuộc chiến. Giờ đây, điều quan trọng là phải có một cách tiếp cận thực tế. Cách tiếp cận thực tế chính là việc liên quân và Liên Hợp Quốc phải hợp tác."

"Nếu cứ thảo luận về tính hợp pháp thì chúng ta sẽ chỉ mất thời gian. Nhưng tôi tin rằng với sự bền bỉ, có thêm những cuộc đàm phán thì hãy vì lợi ích của cộng đồng quốc tế, Hoa Kỳ và Liên Hợp Quốc phải tìm ra một giải pháp chấp nhận được cho cả hai bên."

Tình hình chưa sáng sủa

Nhu cầu cấp bách đối với vấn đề an ninh càng trở nên rõ ràng, khi lại có thêm hai người nữa chết tại Iraq sáng ngày hôm qua, khi một chiếc xe hơi phát nổ bên ngoài trụ sở Liên Hợp Quốc tại Baghdad.

Vụ nổ càng cho thấy hình ảnh một nước Iraq nằm ngoài tầm kiểm soát. Vụ đánh bom mới đã khiến Liên Hợp Quốc phải cân nhắc lại sự hiện diện tại nơi này.

Có vẻ như tổ chức này sẽ lại tiếp tục giảm bớt hoạt động tại Iraq, vốn đã rút bớt sau vụ tấn công hồi tháng trước làm chết 22 người.

Phóng viên BBC Jill McGivering, hiện đang có mặt tại Baghdad, nói vấn đề an ninh đang làm suy yếu những nỗ lực kêu gọi hỗ trợ dân sự cho công cuộc tái thiết Iraq.

Ưu tiên cho an ninh hay kinh tế?

Thực tế, đó cũng là một phần trong những mối quan ngại của Tổng Thống Pháp Jacques Chirac.

Ông nói việc chiếm đóng do Hoa Kỳ cầm đầu đơn thuần chỉ thúc đẩy tình trạng bạo lực, thay vì giúp ích cho người dân Iraq.

Ông muốn việc chuyển giao quyền lực cho người Iraq diễn ra theo hai giai đoạn: chuyển giao tượng trưng từ người Mỹ sang cho Hội Đồng Điều Hành Iraq, rồi sau đó sẽ là việc chuyển giao quyền lực thực sự sau đó khoảng từ sáu tới chín tháng.

Hoa Kỳ bác bỏ, nói điều đó là không thực tế. Ý tưởng lớn của Mỹ trong giai đoạn ngắn hạn trước mắt là tư hữu hóa toàn bộ các doanh nghiệp quốc doanh của Iraq, thúc đẩy thịnh vượng quốc gia.

Gamal Bayoumi, người đứng đầu Liên Hiệp Các Nhà Đầu Tư Ả rập có trụ sở tại Ai cập, nói không phản đối ý tưởng này, thế nhưng trong lúc việc chiếm đóng vẫn còn tiếp diễn thì các nhà đầu tư Iraq có lẽ sẽ chẳng mấy hào hứng về chuyện này.

Mọi sự cho thấy để xây dựng an ninh và đương đầu với nạn khủng bố thì không chỉ đơn thuần chỉ cần đưa quân vào Iraq.

Trong lúc chính quyền ông Bush đang tập trung vào việc đưa thêm lực lượng quân sự quốc tế tới Iraq, thì các nước khác, như Pháp chẳng hạn, lại muốn chú trọng vào việc khôi phục chân giá trị của Iraq qua việc Mỹ phải rút ra càng sớm càng tốt.

Vẫn còn có nhiều khác biệt tại Liên Hợp Quốc, bất chấp tuyên bố mới nhất của ông Chirac. Thế nhưng bất kể thế nào, thì rõ ràng là thảm kịch vẫn đang diễn ra tại Iraq.(bbc)