BAGHDAD - Hoa Kỳ không muốn ở lại thêm bất kỳ một ngày nào, nếu không cần thiết, nhưng sẽ không rời Iraq cho tới khi chính quyền và hiến pháp nước này được hình thành và đi vào nề nếp

Đó là lời Ngoại trưởng Hoa Kỳ Colin Powell.

Trong chuyến đi đầu tiên tới thủ đô Iraq kể từ khi chế độ Saddam Hussein sụp đổ, ông Powell nhắc lại rằng Hoa Kỳ tới để giải phóng, không phải để chiếm đóng.

Tin tức về việc một binh sĩ Mỹ nữa bị hạ sát tại thị trấn Falluja càng cho thấy tình hình an ninh ở Iraq tồi tệ tới mức nào.

Phát biểu khi tới Baghdad, ông Powell thừa nhận rằng tình hình an ninh nơi này vẫn đang “đáng ngại”, nhưng nói ông tin rằng sẽ đến lúc các chỉ huy liên quân xử lý được tình hình.

Các lực lượng Hoa Kỳ vẫn đang bị tấn công nhiều lần mỗi ngày.

Sir Jeremy Greenstock, cựu đại sứ Anh tại Liên Hợp Quốc, nói rằng việc nâng cao bảo vệ an ninh cho mọi người vẫn là ưu tiên hàng đầu.

Ông nói, người Iraq muốn an ninh thường nhật được cải thiện trên đường phố. Và để làm được điều đó, cần phải nhanh chóng đưa cảnh sát Iraq vào hoạt động.

Ông cũng đánh giá rằng, liên quân cần phải bảo vệ lực lượng của chính mình trong lúc vẫn tiến hành bảo vệ an ninh nói chung tại Iraq.

Một trong những rắc rối là lực lượng liên quân do Hoa Kỳ dẫn đầu muốn có thêm lực lượng nước ngoài tới Iraq để cải thiện tình hình nơi này.

Thế nhưng các cuộc thảo luận tại Geneva hôm Thứ Bảy giữa năm thành viên thường trực Hội Đồng Bảo An đã không giải quyết được những khác biệt lớn về tương lai tới đây của Iraq và việc chuyển giao quyền tự quyết cho người dân Iraq.

Tại một cuộc họp báo tổ chức sau hội nghị Geneva, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Kofi Annan đã không thể giấu nổi thực tế là hội nghị đã hầu như không đạt được kết quả gì:

"Các cuộc thảo luận ngày hôm nay không nhằm, tôi xin nhắc lại, là không nhằm đưa ra những nghị quyết cụ thể, mà nhằm đóng góp vào việc xây dựng một sự đồng thuận về tương lai của Iraq, bao gồm cả vai trò của Liên Hợp Quốc."

Một số thành viên thường trực của Hội Đồng Bảo An, do Pháp dẫn đầu, muốn thúc đẩy việc chuyển giao quyền lực cho một chính quyền của người Iraq. Pháp muốn điều đó xảy ra trong tháng tới.

Quan hệ giữa Pháp và Mỹ đã có nhiều trục trặc hơn so với quan hệ giữa Mỹ và các thành viên thường trực khác của Hội Đồng Bảo An là Nga và Trung Quốc, là các quốc gia ủng hộ quan điểm của Pháp.

Cựu tổng thống Hoa Kỳ, George Bush cha, thân phụ của người hiện đang đứng đầu Nhà Trắng, nói điều quan trọng là Mỹ và Pháp phải tìm cách giải quyết bất đồng.

Ông Bush cha nói cảm thấy thất vọng về phản ứng của Pháp đối với Mỹ.

Tuy nhiên, ông nói Pháp là bạn hữu, là đồng minh của Hoa Kỳ. Vì vậy, điều quan trọng là hai quốc gia phải nhất trí với nhau về các mục tiêu thế giới.

Thế nhưng sự chia rẽ giữa những người bạn vẫn còn rất lớn, không chỉ về thời biểu chuyển giao quyền lực cho một chính quyền Iraq có chủ quyền, mà còn cả về mức độ vai trò của Liên Hợp Quốc tại Iraq.

Adnan Pachachi, một thành viên của Hội Đồng Iraq được Hoa Kỳ hậu thuẫn, nói rằng Liên Hợp Quốc phải có phần quan trọng trong tương lai Iraq.

"Tôi nghĩ là Liên Hợp Quốc có thể đóng vai trò quan trọng, vai trò trung tâm, và tôi nghĩ đó là điều mà người dân Iraq muốn. Họ muốn có Liên Hợp Quốc vào Iraq vì điều đó sẽ đem lại tính hợp pháp cho toàn bộ tiến trình."

Lực lượng liên quân do Hoa Kỳ dẫn đầu đã nói nhiều lần rằng mục tiêu là nhằm trao lại quyền lực cho người dân Iraq trong thời gian sớm nhất.

Tuy nhiên, theo Sir Jeremy Greenstock nhìn nhận, thì đề nghị của Pháp nhằm chuyển giao quyền lực trong vòng một tháng là điều không thực tế, và ngay cả người Iraq cũng không sẵn sàng để tiếp nhận việc chuyển giao trong thời hạn gấp gáp đến vậy.

Ông Colin Powell sẽ kết thúc chuyến công du đến Iraq bằng chuyến đi đến thị trấn Halabja, một địa điểm tội ác tồi tệ nhất của chế độ Saddam Hussein, nơi vào năm 1988 hàng ngàn người Kurd đã bị đầu độc bằng Gas chỉ trong một ngày.(bbc)