BANGKOK - Các bộ trưởng tài chính của 21 quốc gia thành viên của APEC, Khu vực hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương, gần như nhất trí về vấn đề sẽ chi phối cuộc họp lần này tại Phuket ở Thái Lan.

Đó là sự miễn cưỡng của một số quốc gia Đông Á, đặc biệt Trung Quốc, không muốn thả nổi đồng tiền của họ. Đa số muốn giữ nguyên tỉ giá so với đồng đôla Mỹ.

Đồng nhân dân tệ Trung Quốc, trong gần một thập niên qua, đã ở mức 8.30, mặc dù trong thời gian này, kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng nhanh chóng.

Bộ trưởng tài chính Mỹ, John Snow, vừa hoàn tất hội đàm tại Bắc Kinh, sẽ dẫn đầu sức ép lần này tại Phuket.

Phản ứng của Trung Quốc?

Ban đầu, phía Trung Quốc nói họ sẽ không chịu nhượng bộ sức ép từ các nước để thay đổi tỉ giá đồng tiền đã giúp cho sự ổn định của kinh tế Trung Quốc.

Nhưng có vẻ như Bắc Kinh đã thay đổi quan điểm sau cuộc gặp với ông John Snow, với lời tuyên bố Trung Quốc, trong một vài thời điểm, sẽ để thị trường quyết định tỉ giá đồng nhân dân tệ. Nhưng họ chưa cho biết cụ thể đó là thời điểm nào.

Nhật Bản là nước ủng hộ sức ép của Mỹ.

Khi đến Phuket, bộ trưởng tài chính Masajuro Shiokawa nói ông hi vọng Trung Quốc sẽ thay đổi hệ thống tài chính để phù hợp với kinh tế hiện nay của họ.

Vai trò của IMF

Quỹ tiền tệ quốc tế IMF nói họ cũng tin là đã đến lúc Trung Quốc phải để đồng nhân dân tệ được thả nổi.

Kể từ khi đưa ra phương thuốc đắng cho các nước chịu cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, IMF đã không phải là một cái tên được ưa thích tại khu vực.

Lãnh đạo IMF, ông Horst Kohler, sẽ dự cuộc họp APEC.

Ông đã ngụ ý rằng sự hợp tác kinh tế sẽ được thúc đẩy với việc tạo ra một quỹ tiền tệ châu Á.

Ý tưởng này do Nhật Bản đưa ra sau cuộc khủng hoảng tài chính, nhưng đa số các nước phương Tây đã phản đối vì sợ nó làm phương hại đến vai trò của IMF.

Giờ đây, một quỹ như vậy có thể là động lực khuyến khích Trung Quốc nhận thức về quyền lực và trách nhiệm kinh tế đang gia tăng của họ trong khu vực.

Những người vận động cho sự thay đổi của Trung Quốc có thể muốn thúc đẩy một sự mở cửa từ từ.

Tỉ giá thấp của đồng nhân dân tệ vừa đem lại thiệt hại lại vừa ích lợi cho Trung Quốc.

Ví dụ, nó có thể gây ra lạm phát. Đã có những dấu hiệu cho thấy giá nhà đất có thể vượt ngoài tầm kiểm soát tại những trung tâm giàu có như Thượng Hải.(bbc)