WASHINGTON -Các viên chức Mỹ tại Washington cho biết Tổng thống Bush đã ra chỉ thị cho Ngoại trưởng Colin Powell, đưa ra một dự thảo nghị quyết mới về Iraq.

Tuần trước Bộ Ngoại giao Mỹ bắt đầu đánh động về ngoại giao về những đề nghị để LHQ có tiếng nói chính trị lớn hơn đối với tương lai của Iraq nếu LHQ duyệt một lực lượng đa quốc gia được cơ cấu lại vẫn do Mỹ dẫn đầu.

Những dấu hiệu rõ ràng từ chính phủ Mỹ cho thấy là một dự thảo nghị quyết mới của Mỹ về Iraq đang sẵn sàng để được đưa ra trong tuần này, hay đầu tuần sau là muộn nhất.

Theo dõi những diễn tiến về quan điểm của Mỹ là các nước trong Hội đồng Bảo an LHQ, như Pháp và Nga, những nước trước đây hồi đầu năm đã cảnh báo Mỹ đừng tiến hành cuộc chiến tại Iraq nếu không được sự chuẩn thuận của LHQ.

Nay họ cảm thấy đã được chứng minh là đúng. Họ nói rằng chính phủ của ông Bush này đang nhận ra một cách cay đắng thực tế hiển nhiên tại Iraq.

Mỹ đã không thể kiểm soát trước tình hình an ninh và cái giá phải trả về mặt quân sự ngày càng lên cao.

Và một điều đã được chứng minh đó là thu nhập từ bán dầu lửa của Iraq còn rất xa mới bù lại đủ cho những phí tổn tái kiến thiết đất nước.

Các yếu tố cơ bản của dự thảo nghị quyết

Phía Mỹ dường như đang vạch ra những dự thảo để cộng đồng quốc tế có thế co tiếng nói lớn hơn về cách thức chuyển giao quyền lực chính trị và kinh tế lại cho người dân Iraq.

Đổi lại LHQ phê chuẩn bị lực lượng đa quốc gia được cơ cấu và củng cố lại để làm công tác ổn định tình hình tại Iraq, trong đó có số lượng binh lính các nước khác nhiều hơn hiện nay.

Trong khi đó các nước châu Âu vẫn tỏ khá thận trọng trước tuyên bố vào hôm qua của Mỹ về việc tìm cách đạt được một nghị quyết mới của LHQ.

Những nỗ lực mới đây đã không thành công vì thái độ nhạy cảm của các nước thành viên của Hội đồng Bảo an có quyền phủ quyết, đặc biệt là Mỹ, Anh Pháp và Nga.

Các viên chức Anh nói tới các cuộc thảo luận sắp tới về các yếu tố của một nghị quyết mới, một nghị quyết phải được soạn thảo làm sao để được các nước thành viên Hội đồng bảo an ủng hộ.

Yếu tố cơ bản chính là việc xác định lại lực lượng liên quân do Mỹ dẫn đầu tại Iraq sẽ trở thành một lực lượng được LHQ hậu thuẫn, nhưng vẫn đặt dưới sự điều hành chung của Mỹ.

Điều đó sẽ thuyết phục được các nước thành viên khác cung cấp một số lượng đáng kể binh lính giúp đem lại an ninh cho Iraq.

Vai trò của LHQ trong công cuộc tái thiết đất nước về kinh tế và chính trị cũng phải được xác định rõ ràng và mở rộng thêm để khuyến khích sự tham gia toàn diện của quốc tế trong quá trình này và để có thêm những hứa hẹn chắc chắn về viện trợ và đầu tư.(bbc)