LONDON - Cuộc điều trần là dấu hiệu cho thấy thủ tướng muốn cởi mở và chân thực về vấn đề này dù cho đây là cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất trong sự nghiệp của ông.

Nhưng liệu cách làm của ông có thay đổi được dư luận về vấn đề này hay không?

Glenda Jackson, một nghị sĩ thuộc đảng Lao động, chỉ trích ông Blair. Theo bà, cái chết của tiến sĩ David Kelly phải bị xem là có trách nhiệm của chính phủ.

Trong khi đó, các đồng minh của ông Blair vẫn duy trì sự ủng hộ dành cho ông.

Họ nói tiến sĩ Kelly có thể có những lý do cá nhân phức tạp cho việc ông tự sát. Và rằng cuộc điều tra Hutton không nhắm vào quyết định gây chiến với Iraq, mà chỉ xem cách thức thông tin tình báo đã được trình bày ra sao.

Và tại Mỹ, vị thế của ông Blair dường như vẫn được đảm bảo.

Ruth Wedgwood, giáo sư Luật tại đại học Yale, nói câu chuyện không làm tổn hại uy tín của ông Blair tại Mỹ:

"Ở đây, người ta xem ông Blair giống như ômg Churchill, một người có sự tự tin và can đảm thực hiện những điều cần thiết bất chấp các vấn đề trong nước. Đó là dấu hiệu của một chính trị gia dũng cảm. Ngay cả Liên Hiệp Quốc – và những người tham gia cuộc điều tra vũ khí Iraq – đều kết luận là đã có một khối lượng vũ khí lớn mà người ta vẫn chưa giải thích được sự biến mất của chúng tại Iraq."

Ông Tony Blair rời khỏi tòa án cũng trong sự la ó giống như khi ông mới đến.

Ông đã có một phong thái mạnh mẽ giữa một môi trường thử thách. Và ông không mắc kẹt trong vấn đề mà đã làm ông giận dữ – tức là cáo buộc nói ông đã lừa dối nước Anh về đe dọa của Iraq.

Nhưng dư luận là một điều kỳ lạ, khó đoán trước, và còn quá sớm để nói liệu ông Tony Blair có bước ra khỏi cuộc khủng hoảng mà không bị hề hấn gì hay không.(bbc)