BẮC KINH - Chỉ riêng việc các cuộc đàm phán 6 bên được diễn ra thì phần lớn đã phải nhờ vào công của Trung Quốc.

Trong nhiều tháng vận động hành lang tốn nhiều công sức, các đặc sứ của Trung Quốc đã luôn phải có những cuộc ngoại giao con thoi giữa Bình Nhưỡng và Washington, nhằm tìm ra một khuôn khổ chấp nhận được cho cả hai phía.

Bắc Kinh cũng đã chủ toạ cuộc đàm phán ba bên vào tháng Tư, và các phân tích gia cho hay thất bại của họ lần đó là một trong các nhân tố thúc đẩy sự tập trung các nỗ lực ngoại giao mới đây nhất của TQ.

Chính sách tích cực mới này được đưa ra từ cấp cao nhất của chính phủ TQ cho thấy một nỗ lực nhằm hội nhập với cộng đồng quốc tế, và các nhà lãnh đạo thế giới đã khen ngợi Trung Quốc vì chuyện này.

Trung Quốc thường gọi quan hệ của mình với Bắc Hàn là thân thiết như môi với răng.

Nhưng trong những tháng gần đây, Trung Quốc đã đưa ra đường lối cứng rắn hơn, nói rằng họ phản đối chuyện có vũ khí nguyên tử trên bán đảo Triều Tiên.

Câu hỏi thực sự bây giờ là liệu Bắc Kinh dám chấp nhận Bình Nhưỡng đến đâu. Trung Quốc cung cấp cho người láng giềng phương Bắc của mình khoảng 70% nhiên liệu và phần lớn viện trợ lương thực, nên họ là láng giềng quan trọng.

Vào đầu năm nay, giới ngoại giao nói Bắc Kinh cắt đường tiếp dầu tới Bắc Hàn trong vài ngày, kêu là có trục trặc kỹ thuật.

Bắc Kinh đã nói họ phản đối chuyện áp đặt lệnh cấm vận, và sẽ rất ngại ngần khi phải có những bước đi mà có thể phá vỡ sự ổn định của Bắc Hàn.

Hai nước này có cùng đường biên giới, và Trung Quốc không muốn thấy có số lượng lớn người di tản Bắc Hàn chạy vào lãnh thổ của họ.

Các quan chức Trung Quốc đã luôn nhấn mạnh rằng họ muốn thấy cuộc khủng hoảng này được giải quyết chỉ bằng biện pháp ngoại giao.

Tuy nhiên, các phân tích gia không muốn người ta hi vọng quá nhiều vào các cuộc đàm phán, nói rằng kết quả tốt nhất sẽ là một sự nhất trí là có thêm một vòng đàm phán nữa. (bbc)