(BBC, 17/8/02)

Tổng Thống Hoa Kỳ George W. Bush phản ứng lại những chỉ trích từ trong cũng như ngoài nước về chính sách đối với Iraq của chính phủ ông.

Ông nói rằng ông đã lắng nghe những người chống lại hành động quân sự để lật đổ nhà lãnh đạo Iraq Saddam Hussein.

Và ông mô tả những ý kiến chống đối ngay trong nội bộ đảng Cộng Hòa là một cuộc tranh cãi có ý nghĩa.

Lời bình luận của ông đưa ra trong khi chính phủ Iraq gởi thêm một láthư cho LHQ thúc dục việc mở thêm những thảo luận kỹ thuật về công tác thanh tra vũ khí trong tương lai.

Tuy nhiên lời lẽ lá thư vẫn chưa đáp ứng đúng những đòi hỏi của LHQ về một lời mời vô điều kiện để các thanh tra vũ khí được tiếp tục công tác.

Ông Bush, hiện đang nghỉ hè tại Texas, nói rằng “Chúng ta sẽ tiếp tục thảo luận. Mọi người cần có cơ hội bày tỏ ý kiến của họ.

“Nhưng nước Mỹ cần biết rằng tôi sẽ quyết định dựa trên những tin tình báo mới nhất và cách tốt nhất bảo vệ nước ta và các đồng minh và bạn của chúng ta.”

Ông Brent Scowcroft, một cựu cố vấn an ninh và một tướng lãnh hồi hưu, đã cảnh cáo rằng một cuộc tấn công Iraq có thể làm hư hoặïc phá vỡ cuộc chiến chống khủng bố do Mỹ dẫn đầu.

Dân biểu cánh hữu Dick Armey đã lên tiếng chống lại chính sách về Iraq cũng như một thượng nghị sĩ Dân Chủ, ông Carl Levin.

Là thư của Iraq do Ngoại Trưởng Naji Sabri gởi Tổng Thư Ký Kofi Annan, được biết là yêu cầu mở thêm những thảo luận về kỹ thuật về mục tiêu và tầm mức của công tác thanh tra vũ khí nếu có trong tương lai trước khi họ đồng ý cho LHQï trở lại.

Ðề nghị này tương tự như những lời họ đưa ra trước đây.

Những đề nghị trước của Iraq đã bị LHQ từ chối, ông Annan nói trong một lá thư gởi ông Sabri rằng LHQ muốn có một lời mời chính thức các thanh tra vũ khí trở lại.

Lá thư của ông Annan vạch ra những bước cần thiết mà Iraq phải thực hiện để tuân hành một nghị quyết năm 1999 của Hội Ðồng Bảo An LHQ yêu cầu các thanh tra vũ khí trở lại.

Phái viên BBC Greg Barrow từ trụ sở LHQ tại New York, tường trình rằng các nhà ngoại giao đang nói rằng chiến lược của Iraq kéo dài việc thương thảo với LHQ với mục đích câu giờ không để cho Mỹ can thiệp.

Nhưng phái viên này nói thêm rằng nếu Baghdad không có thêm đề nghị gì mới mẻ, chiến thuật này xem ra không có kết quả.

Hoa Kỳ đòi hỏi Baghdad đồng ý về những thanh tra mới mà không cần bàn luận thêm để chứng tỏ họ không có vũ khí hủy diệt tập thể.

Các thanh tra vũ khí LHQ đã không được phép trở lại Iraq từ năm 1998, sau bảy năm họ vào nước này.