BAGHDAD- Các chuyên gia đang tranh cãi quanh vấn đề liệu vụ tấn công vào tòa nhà của LHQ là do các phần tử còn lại của chế độ Iraq cũ hay do các chiến binh Hồi giáo có khả năng liên quan đến mạng lưới khủng bố Al-Qaeda hoặc thậm chí là một liên minh tội lỗi giữa hai phe này?

Nước Iraq thời hậu chiến chắc chắn đã trở thành một nam châm cho các phần tử Hồi giáo đang tìm kiếm một đấu trường mới để khuấy động một cuộc thánh chiến Jihad chống lại Hoa Kỳ.

Xâm nhập vào Iraq là việc tương đối dễ dàng đối với các chiến binh Hồi giáo.

Các báo cáo cho thấy tại Iraq có các chiến binh Saudi trốn thoát khỏi sự truy tầm tại chính quốc sau vụ đánh bom tự sát tại thủ đô Riyadh vào tháng Năm.

Chỉ mới tuần trước, các quan chức người Kurd tại miền bắc Iraq thông báo đã bắt giữ 50 tín đồ Hồi giáo trở về khu vực từ quốc gia láng giềng Iran.

Họ là thành viên của Ansar al-Islam, một tổ chức bi coi là liên quan đến al-Qaeda. Các quan chức Hoa Kỳ đánh giá Ansar al-Islam như một đối tượng có thể trong vụ đánh bom tấn công vào sứ quán Jordan tại Baghdad hai tuần trước đây.

Các phần tử Hồi giáo cực đoan là kẻ thù ghê gớm đối với Liên Hợp Quốc, tổ chức bị các phần tử này cho là đã trao tính hợp pháp giả tạo cho chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ.

Nhưng một số người Iraq dân tộc chủ nghĩa có thể có quan điểm tương tự về LHQ. Người Iraq bực tức về các cấm vận ngặt nghèo của LHQ mà họ đã chịu đựng trong suốt thập niên 90.

Nhiều người cũng nhìn nhận công việc của các thanh tra vũ khí LHQ như một sự xâm phạm đến chủ quyền Iraq.

Vì vậy cuộc tấn công có thể đã có động cơ dân tộc chủ nghĩa hoặc Hồi giáo. Mặc dù mục tiêu trực tiếp là Liên Hợp Quốc thì thông điệp này chủ yếu là nhằm vào Hoa Kỳ.

Kẻ chủ mưu là ai đi nữa thì mục đích là chứng tỏ rằng đây là một quốc gia vô chính phủ và người Mỹ không có khả năng bảo vệ chính họ hay những ai cộng tác với Hoa Kỳ. (bbc)