Trái lại Tòa án cũng phán quyết rằng chương trình mở rộng Medicaid của liên bang là vi hiến, vì chính phủ liên bang không thể đặt lệnh trừng phạt lên các tiểu bang nếu họ từ chối áp dụng việc mở rộng Medicaid.
Đây là một phán quyết của một Tòa Án không hợp nhất, Chánh Án 'bảo thủ' (conservative) John Roberts đã bỏ phiếu chung với các thẩm phán 'phóng khóang' (liberal) là Ruth Bader Ginsburg, Stephen Breyer, Sonia Sotomayor và Elena Kagan để có đa số 5-4 cho vấn đề 'sứ vụ cá nhân'. Những thẩm phán bảo thủ Antonin Scalia, Anthony Kennedy, Clarence Thomas và Samuel Alito đã viết ý kiến bất đồng.
Mặc dù phe khiếu nại bị thua, tòa án đã đồng ý với họ về một lập luận cơ bản là Quốc hội không thể sử dụng quyền 'điều hợp thương mại liên bang' để bắt mọi người mua bảo hiểm. Chánh án Roberts viết rằng lập luận của chính phủ ở điểm này có nguy cơ làm thay đổi "căn bản của mối quan hệ giữa công dân và chính phủ liên bang."
Đây là một chiến thắng cho đảng Dân chủ và của Tổng thống Obama. Nó cũng hóa giải những lo âu bất trắc của các bệnh viện, bác sĩ và chủ nhân lao động, là những thành phần đã bỏ ra hơn hai năm chuẩn bị cho những thay đổi theo qui định của bộ luật.
Phản ứng về phán quyết quan trọng này thì tức thời:
1- Phản ứng của Hội Đồng các Giám Mục Công Giáo HK:
Hội Đồng các Giám Mục Hoa Kỳ một lần nữa kêu gọi Quốc hội cần phải sửa chữa một số vấn đề trong bộ luật.
Bàn tuyên bố của HĐGMHK cho biết rằng trong năm 2010 khi bộ luật được thông qua thì dù không đồng ý ở nhiều điểm, Hội Đồng đã không kêu gọi và tham gia "những nỗ lực nhằm bãi bỏ toàn bộ bộ luật" và "chúng tôi cũng không làm như vậy ngày hôm nay."
Tuy nhiên, HĐGMHK lập luận, Bộ Luật có "nhiều sai sót cơ bản" đã không được giải quyết qua quyết định này của Tòa án tối cao. Hơn nữa còn cần phải sửa chữa các vấn đề liên hệ đến sự tài trợ phá thai, bảo vệ lương tâm và điều trị cho người nhập cư.
Bản tuyên bố lưu ý rằng trong gần 100 năm, các giám mục Công giáo đã kêu gọi "việc cải cách chăm sóc sức khỏe toàn diện để đảm bảo quyền truy cập vào các vấn đề y tế bảo vệ cuộc sống, cho tất cả mọi người, đặc biệt là những người nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất. "
Bản tuyên bố giải thích HĐGMHK đã phản đối văn bản cuối cùng của Đạo Luật Cải Tổ Y Tế vì nhiều lý do.
Đầu tiên là Bộ Luật đã mâu thuẫn với "chính sách lâu đời của Liên Bang " bằng cách cho phép "dùng quỹ liên bang để trả tiền cho phá thai và cho các kế hoạch bảo hiểm phá thai."
Thêm vào đó, HĐGMHK cho biết, bộ luật không "cung cấp sự bảo vệ lương tâm cần thiết, trong và ngoài bối cảnh phá thai."
Hơn nữa còn có vần đề liên quan đến "dịch vụ ngừa bệnh" ban hành theo Đạo Luật. Đó sắc lệnh 'sứ vụ cá nhân,' công bố bởi Bộ Y tế, đòi hỏi người sử dụng lao động phải cung cấp các kế hoạch bảo hiểm y tế bao gồm biện pháp tránh thai, triệt sản và thuốc phá thai, dù cho làm như vậy vi phạm lương tâm của họ.
Tất cả các Giám mục của tất cả các giáo phận tại Hoa Kỳ đã tham gia với các tôn giáo khác, với các giới chính trị để lên tiếng chống lại sắc lệnh, cảnh báo rằng nó đặt ra một mối đe dọa nghiêm trọng đến tự do tôn giáo và có thể buộc các trường học Công giáo, bệnh viện và các tổ chức từ thiện phải đóng cửa.
Hơn 50 nguyên đơn - bao gồm nhiều giáo phận Công giáo - hiện đang nộp đơn kiện sắc lệnh. Những vụ kiện đó không nằm trong phạm vi của câu hỏi được xem xét bởi tòa án vào ngày 28 tháng 6, vì vậy chúng không bị ảnh hưởng bởi phán quyết của tòa án và sẽ tiếp tục tiến tới trong hệ thống tư pháp.
Ngoài ra, hội nghị giám mục cảnh báo, Bộ Luật là không công bằng cho người lao động nhập cư và gia đình của họ, "họ còn bị tồi tệ hơn vì không được phép mua bảo hiểm y tế trong thị trường Y Tế mới sẽ được tạo ra theo quy định của pháp luật, ngay cả khi họ sử dụng tiền riêng của họ".
Điều này mâu thuẫn với mục đích của bộ luật là cung cấp sự chăm sóc cơ bản cho tất cả mọi người, đặc biệt là những người nghèo nhất.
Bản tuyên bố nhấn mạnh rằng "Quyết định của Tòa án Tối cao không làm giảm bớt những đòi hỏi đạo đức để đảm bảo việc chăm sóc sức khỏe thỏa đáng cho tất cả mọi người, và cũng không loại bỏ sự cần thiết phải sửa chữa các sai sót cơ bản được mô tả ở trên."
Nhấn mạnh đến nghĩa vụ đạo đức, HĐGMHK kêu gọi "Quốc hội thông qua, và Chính quyền ban hành, một đạo luật sửa chữa những sai sót" vẫn còn tồn đọng trong bộ luật trên.
Kỳ sau: Phản ứng của các giới Công Giáo (bảo thủ và phóng khóang,) và các giáo phái Tin Lành.