TGP. Sài Gòn mừng Ngày Của Cha với chủ đề “Điểm Tựa Đời Con”

“Sự vắng mặt người cha trong gia đình sẽ gây trở ngại cho sự hiểu biết của con trẻ về Thiên Chúa như một người cha yêu thương”.

Trong buổi triều yết chung thứ Tư hằng tuần ngày 23 tháng Năm 2012, tại Quảng trường Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã nhắc lại tầm quan trọng của người cha trong gia đình. Tương tự như thế, trong Thánh lễ Bế mạc Đại hội Gia đình Thế giới lần VII tại Milan, ngày 03 tháng Sáu 2012, ngài cũng nhắc nhở: “Hãy dành thời giờ bên gia đình”. Một lần nữa vị đứng đầu Giáo hội Công Giáo lên tiếng kêu gọi các bậc cha mẹ đừng để những bận bịu công việc mà quên đi thời gian chăm sóc cho gia đình, nhất là hãy dành thời gian cùng nhau mừng lễ trong ngày của Chúa.

Xem hình

Qua Đại Hội Gia Đình Thế Giới, Mẹ Giáo Hội kêu gọi tất cả các gia đình và các Giáo hội địa phương trên thế giới hãy cứu lấy gia đình, hãy có nhiều sáng kiến; tổ chức nhiều lễ hội, nhiều lớp học, nhiều buổi cầu nguyện để nâng cao vai trò, phẩm giá, ơn gọi của từng thành viên trong gia đình. Cùng chung nhịp đập của Giáo hội, sáng thứ Bảy 16/06/2012, khoảng hơn 500 tham dự viên đã quy tụ về Trung tâm Mục vụ TGP Sài Gòn để tham dự lễ hội mừng Ngày Của Cha với chủ đề “Điểm Tựa Đời Con” do Chương trình Chuyên đề Giáo Dục thuộc Ban Mục vụ Gia đình tổ chức.

Trong nắng sớm của những ngày hè oi bức, các tham dự viên được ban tiếp tân tươi cười, ân cần đón tiếp nơi cổng chào, mỗi người được tặng một món quà là quyển sách “Điểm Tựa Đời Con”. Đây là cuốn sách tập hợp những bài viết hay và các bài viết đoạt giải trong hai cuộc thi Viết Về Cha năm 2011 và 2012 do Chương trình Chuyên đề Giáo Dục tổ chức. Cổng chào được trang trí bằng hình ảnh của những khóm tre, hình ảnh nhắc nhớ đến lũy tre làng thân thuộc bao đời trên quê hương Việt Nam, nó cũng là hình ảnh để nhắc nhớ đến người cha trong gia đình, một nắng hai sương, dầm mưa dãi nắng để che chở, bảo bọc cho đàn con. Theo lối đi quen thuộc bước vào sảnh, đập vào mắt các tham dự viên là một chiếc thuyền lớn với những đám mạ non xanh mơn mởn, hai bức tường của sảnh được trang trí hai hình ảnh: “Ra khơi nơi biển cả” và “Cánh đồng xanh tận chân trời”. Con thuyền, biển cả cùng với dòng chữ “Cùng cha ra khơi” nhắc nhớ lời dạy của Chúa Giêsu: “Chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá” (Lc 5,4), còn đám mạ, cánh đồng nhắc đến một lời dạy khác của Người: “Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt lại ít” (Mt 9,37). Cả hai hình ảnh này gợi lại trong lòng mỗi người về nhiệm vụ truyền giáo, là thợ gặt trong cánh đồng, là ngư phủ trên biển cả mênh mông của quê hương Việt Nam mến yêu. Bước vào hội trường, sân khấu chính thể hiện khung cảnh làng quê Việt Nam với nhà tranh vách đất, lũy tre, đường làng và hình ảnh người cha bồng bế con, người cha dìu dắt con đi trên bước đường vào đời. Tất cả những trang trí, những hình ảnh ấy nhằm dẫn dắt mọi người bước vào tâm tình của chương trình Mừng Ngày Của Cha để tôn vinh, tri ân những người cha trong cuộc sống hôm nay với niềm xác tín: “Cha là điểm tựa đời con”.

Khai mạc Lễ hội

Sau những giây phút cầu nguyện xin Chúa thánh hóa cho buổi lễ được diễn ra tốt đẹp theo Thánh ý Ngài, các thành viên Ban Tổ chức bước vào vị trí của mình để chuẩn bị bắt đầu ngày hội. Cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Minh Thiệu SDB hướng dẫn cộng đoàn khởi động bằng một bài hát rất thân thương mang tên “Ngôi nhà chúng ta” để tạo bầu khí ấm cúng, liên kết mọi người với nhau: “Anh em chúng ta có chung một ngôi nhà, anh em chúng ta có chung một người cha, dù có đi xa vẫn mong quay về nhà, nhà chúng ta ngôi nhà rộng lớn bao la”.

Những hồi trống vang dội, rộn rã của đội trống Đất Việt đã đánh dấu sự khởi đầu của lễ hội Mừng Ngày Của Cha 2012. Tiếng trống như nói lên tính cách mạnh mẽ của người cha trong gia đình, là chỗ dựa vững chắc cho đời con. Qua chương trình này, Ban Tổ chức hy vọng rằng tất cả mọi người có cái nhìn rõ nét hơn về người cha của mình, về những công ơn sinh thành và dưỡng dục của cha mà không bút mực nào có thể diễn tả hết. Bên cạnh đó, đây cũng là cơ hội để những người làm cha có thể nhìn lại trách nhiệm và vai trò của mình đối với con cái. Cuối cùng, để nhắc nhớ mọi người về người cha đích thật, là cội nguồn của mọi tình phụ tử trên trời, dưới đất, đó chính là Thiên Chúa - Người Cha nhân từ hằng yêu thương, quan phòng cho con cái loài người.

Trong ít phút thinh lặng, cộng đoàn đã dâng lên Thiên Chúa những lời cầu nguyện tha thiết, xin Người chúc lành cho ngày hội được thành công, và cầu nguyện đặc biệt cho những người cha: “Xin Chúa ban những ơn cần thiết, sự khôn ngoan, tình yêu, sức mạnh, lòng đạo đức, sự kiên nhẫn và sự miệt mài để những người làm cha lèo lái con tàu của từng gia đình, giáo xứ và giáo phận vượt qua biết bao sóng gió để đi đến bến bờ bình an”.

Trong lời giới thiệu quý quan khách, hai người dẫn chương trình là Anh Vũ Minh và Chị Thiên Lý đã giới thiệu sự hiện diện của Thượng tọa Thích Thiện Tâm - Giảng sư Ban Hoằng Pháp tỉnh hội Phật giáo Tỉnh Đồng Nai, Sư cô Thích Nữ Hương Nhủ - Giảng viên Học viện Phật giáo Việt Nam, Ủy viên Ban Hoằng Pháp Trung Ương. Về phía Công Giáo có Cha Gioan Baotixita Huỳnh Công Minh - Tổng Đại Diện TGP. Sài Gòn, Cha Phanxicô Xaviê Bảo Lộc - Trưởng ban Mục vụ Đối Thoại Liên Tôn TGP. Sài Gòn, Cha Trịnh Tuấn Hoàng và quý cha Hội Bác Ái Phanxicô Hoa Kỳ. Đến tham dự lễ hội còn có các tăng ni sinh của Học viện Phật giáo, các thí sinh và Ban Giám khảo trong cuộc thi “Viết về Cha”, quý linh mục, tu sĩ, các bậc cha mẹ và những người con đến tôn vinh những người cha.

Tại Đại hội Gia đình Thế giới lần thứ VII tại Milan, Đức Giáo hoàng cho biết:“Một phần ba các đứa trẻ đi vào đời không có hình bóng của người cha”. Đó là thông tin mà Cha Luy Nguyễn Anh Tuấn - Trưởng ban Mục vụ Gia Đình TGP. Sài Gòn - đưa ra trong lời khai mạc để nói đến sự nguy hại nghiêm trọng khi đứa trẻ vào đời mà thiếu đi một “điểm tựa”. Cha nói: Điểm tựa ấy chính là tình thương của cha, của mẹ, không chỉ để nâng đỡ người con mà nó có thể là một sức bật vô song để mỗi người “bật” tất cả những sức nặng đè lên cuộc đời.

Cha còn cho biết để củng cố hình ảnh của người cha trong gia đình, người cha dẫn đưa con vào lòng đời, Ban Mục vụ Gia đình qua Chương trình Chuyên đề Giáo Dục đã tổ chức hai cuộc thi Viết Về Cha trong năm 2011 và 2012, Ban Tổ chức đã chắt lọc những bài viết đạt giải và những bài chất lượng cao để in tập sách “Điểm Tựa Đời Con”. Ngài cũng nói rằng viết về cha thật khó vì “tình cha vẫn còn thấp thoáng không như tình mẹ, cha âm thầm như Thái Sơn đứng bên bờ cuộc đời con, che chở con mà con không ngờ, con không hay. Chỉ khi bóng Thái Sơn ngã cuối đời thì con mới chợt nhận ra bóng Thái Sơn ấy vẫn luôn luôn đứng đó bên ta và che chở cho ta. Trong dòng chảy ấy, lễ hội này nhằm tôn vinh vai trò và ơn gọi của những người cha, là hình bóng, là họa ảnh của người Cha, nguồn cội mọi tình phụ tử trên trời, dưới đất, chính là Thiên Chúa Tình Yêu, là nguồn cội của mỗi người và đích điểm của mỗi cuộc đời”.

Phần I: “Cha ơi! Cha là ai?”

Có thể nói, lời khai mạc của Cha Luy cũng chính là câu trả lời cho lý do mà Ban Tổ chức chọn tên gọi cho phần I của lễ hội “Cha ơi! Cha là ai?” nhằm diễn tả lại hình ảnh người cha trong cuộc đời mỗi người. Mở đầu cho việc khắc họa này, Nhóm múa Rồng Việt với vũ điệu đẹp mắt, uyển chuyển cùng với hoạt cảnh minh họa đã tái hiện một khung cảnh gia đình rất đời thường với hình ảnh người cha đã hy sinh để đón nhận đứa con nuôi bị bỏ rơi bên hiên nhà, để rồi từ đó tần tảo vất vả một mình “gà trống nuôi con” nên người. Hình ảnh quen thuộc này đã tôn vinh vai trò của người cha với nhân đức hy sinh, với công ơn cao dày trong cuộc sống hôm nay.

Với đề tài chia sẻ “Ơn gọi làm cha”, Cha Luy Nguyễn Anh Tuấn một lần nữa đến với ngày hội bằng những câu hỏi: “Ai gọi? Gọi ai? Và gọi làm gì?”. Thay cho câu trả lời, ngài cho biết mỗi người trong chúng ta đi vào đời không hề ngẫu nhiên chút nào mà nằm trong ý định của một “Trí khôn” hết sức vô song với một “Trái tim” biết yêu thương, và là nguồn cội của hiện hữu này, đó chính là Thiên Chúa, là Cha nhờ Đức Giêsu Kitô. Vì thế, khi những người nam đi vào đời thì được Thiên Chúa là Cha mời gọi họa lại hình ảnh của Ngài trong cuộc sống đầy hữu hạn này. Những người nam trước khi làm cha cần phải có một trải nghiệm về người cha là điểm tựa cho mình đi vào đời về vai trò tương lai mà mình phải đảm nhận để làm trưởng một gia đình. Tuy nhiên, Thiên Chúa là Cha đích thực cũng đã quan phòng gửi đến những đứa trẻ thiếu vắng hình ảnh cha những người thay thế vai trò ấy để họ cũng có một trải nghiệm về tình cha. Tình cha được ví cao hơn cả núi Thái Sơn vì đó là họa ảnh của một tình yêu vô hạn là Cha trên trời, Cha ấy là Thiên Chúa, là nguồn cội của mọi tình phụ tử trên trời, dưới đất.

Cha Luy cũng chia sẻ về những người cha nhiều khi vì con mà chấp nhận ngậm đắng nuốt cay trong cuộc sống xã hội, vì con mà cha chấp nhận từ chối những mời mọc khi tan ca chiều về. Vì hình bóng của con mà cha từ chối không nhám tay trong những guồng máy tội lỗi của xã hội, vì tương lai của con, cả về tinh thần lẫn đạo đức của con, đó mới là điểm tựa bền vững. Những hy sinh của cha chính là những bằng chứng của tình yêu để đóng trọn vai trò, đóng trọn ơn gọi làm cha của người nam. Bên cạnh những người cha trong gia đình còn có những người cha tinh thần khác trong xã hội này, để cùng tựa nương vào nhau giúp đỡ mỗi một con người bước vào đời và lớn lên, trở thành họa ảnh tình yêu của Thiên Chúa.

“Chiều xuân nắng nhạt giữa tiêu điều

Bên đồi thanh vắng gió hiu hiu

Thao thức nấm mồ hay màu áo

Cỏ rộ chân trời bóng liêu xiêu”


Đây là khổ thơ đầu của bài thơ Tảo Mộ, tác phẩm đạt giải Nhì thể loại thơ cuộc thi Viết về Cha của bạn trẻ khiếm thị Luy Phạm Lê Anh Kiệt, đến từ Giáo phận Huế. Đến với lễ hội em, kể về câu chuyện “Lời sám hối muộn màng” vẫn còn đọng lại trong ký ức của em về người cha. Bằng chất giọng trầm ấm rất Huế, em kể rằng: Vào một buổi chiều của hơn một năm trước khi cha em nằm trên giường bệnh, lúc được cha xứ đến thăm, cha em đã thổn thức với cha xứ những điều còn trăn trở. Cha em đã thú nhận rằng mình là người có lỗi trước mặt Thiên Chúa, là người biết Chúa thông qua mẹ em, nhưng đôi khi cha đã chối Chúa, dẹp bàn thờ trong những lễ tiệc chỉ vì lời xúi giục của bạn bè, xóm giềng, gia đình họ nội. Trong nỗi nghẹn ngào của vợ con bên giường bệnh, cha em đã căn dặn rằng hãy thắp lên những nén hương cho đậm tình gia đình, để giữ bầu khí của gia đình. Bản thân em nhận ra rằng không khí gia đình không chỉ là thắp lên những nén nhang mà chính là sự xúc cảm, là những dòng tâm sự, là sự sẻ chia của những người con, của những người làm cha làm mẹ, của mỗi người con đối với Thiên Chúa tình yêu.

“Con căm ghét ba vì ba say rượu đến độ đứng lên không nổi. Cái hành lang chỉ độ chục bước chân cũng làm ba té lên té xuống. Ba gục ngã sau một hồi bò lê, bò lết, ba nhìn con cầu cứu. Con ngồi đó nhìn ba, rồi bước qua chỗ ba, đi thẳng. Con căm ghét ba!”. Đó là những cảm xúc chân thật mà thí sinh Giuse Nguyễn Thanh Tùng, đến từ Giáo phận Nha Trang đã trải lòng về ba của mình thật ấn tượng và cũng thật xúc động, em đã đạt giải nhất cuộc thi Viết Về Cha ở mảng Văn với tác phẩm “Thư Gửi Ba”.

Em cho hay lời yêu thương là những lời thật sự rất khó nói đã mượn một bức thư để trải lòng những cảm xúc của mình để gửi đến ba. “Con ghét bia, con ghét rượu rồi con ghét cả cái mùi hôi hám đó nữa”. Em đã quát lên như thế mỗi khi ba say. Ba say sưa đã làm gia đình rạn vỡ, dẫn đến những cuộc cãi vã, ẩu đả trong gia đình. Em đã thấy được sự lao tâm khổ tứ trên khuôn mặt nhăn nheo của bà nội, sự đau đớn buồn tủi của má và gánh nặng mưu sinh đổ lên đôi vai của má. Em đã buồn tủi trong những lần nói chuyện với bạn bè, chúng tự hào về ba như đánh đàn giỏi, làm hang đá cho nhà thờ… còn em, lục lại tâm trí thì không có gì để kể về ba.

Rồi cuộc sống dần trôi, em học biết được rằng phải cầu nguyện thay vì căm ghét chính đấng sinh thành của mình. Em cầu nguyện liên lỉ và cảm thấy được sự bình an tuyện vời mà bao năm chưa bao giờ thấy được. Như một câu chuyện cổ tích, ba bỗng dưng bỏ rượu mà không ai biết lý do và em cảm thấy ấm áp khi sống trong bầu khí gia đình thực sự. Và ý Chúa thật nhiệm mầu khi ba được bầu trở thành một ủy viên giáo họ, một người chức việc. Ba trở nên siêng đến nhà thờ, cầu nguyện, chầu Thánh Thể, trung thành với giờ kinh chung trong gia đình. Thế rồi, ba em bị hở 3/4 van tim, gan, thận bị suy kiệt nặng nề vì hậu quả của rượu. Em suy sụp nhưng cũng học biết cách tạ ơn, em đã tạ ơn Chúa vì tất cả là hồng ân, tất cả đều là chương trình của Ngài. Bất ngờ thay, cuộc điều trị của ba em chuyển biến tốt như một phép mầu, ba lại về với gia đình. Qua một câu hát vang vọng trong lòng, em giật mình nhận ra mình cũng chưa nói lời yêu thương quý mến với mẹ, với cha. Trước mặt ba, trước mặt cộng đoàn, em đã không bỏ qua cơ hội để nói rằng: “Ba ơi! Con thương ba nhiều lắm” và trao tặng cha yêu đóa hoa tươi thắm để nói lên tâm tình tri ân.

Lễ hội mừng Ngày Của Cha cũng là dịp để Ban Tổ Chức trao giải thưởng cho cuộc thi Viết Về Cha. Sau hơn 8 tháng phát động (15/07/2011 - 31/03/2012), Ban Tổ chức đã nhận được 273 bài dự thi nhưng chỉ có 122 bài Văn và 48 bài Thơ đạt chất lượng vào vòng 1. Lứa tuổi tham dự cuộc thi đa dạng, từ 12-70, đặc biệt là giới trẻ (dưới 25 tuổi) chiếm hơn 65%. Chiều ngày 14/04/2012, Vòng Chung Kết của cuộc thi đã diễn ra tại Trung tâm Mục vụ TGP Sài Gòn, 21 thí sinh thuộc mảng Văn và Thơ, đến từ 11 tỉnh thành khác nhau, đã chia sẻ những tâm tình nồng ấm, những trăn trở rất riêng… về người cha của mình, trong đó có cả những người cha tinh thần.

Các thí sinh đoạt giải thể loại Thơ gồm:

- Giải nhất: Maria Nguyễn Thi Thanh Hương với tác phẩm “Cha Mình”.

- Giải nhì: Luy Phạm Lê Anh Kiệt (khiếm thị) với tác phẩm “Tảo Mộ”.

- Giải ba: Maria Catarina Phan Thị Linh với tác phẩm “Lặng Thầm Bên Cha”.

Về thể loại Văn có các giải:

- Giải nhất: Giuse Nguyễn Thanh Tùng với tác phẩm “Thư Gửi Ba”

- Giải nhì: Têrêsa Nguyễn Thị Bình Tâm với tác phẩm “Nguyên Tắc Vàng Của Cha Tôi”.

- Đồng giải ba: Anh Nguyễn Thành Công với tác phẩm “Cha Tôi” và Anh Bùi Đức Dương (Dân tộc Mường) với tác phẩm “Bố Tôi”.

- Giải khuyến khích: Agata Nguyễn Thị Thùy Hương với tác phẩm “Tâm Sự Ngày Mưa”; A Lăng Tạo (người dân tộc Cơ Tu) với tác phẩm “Tình Cha Nơi Đỉnh Núi”; Maria Gôretti Nguyễn Phan Cát Trinh với tác phẩm “Câu Chuyện Về ‘Nóc Nhà’ Tôi”.

Sau khi trao giải cho các thí sinh, Ca sĩ Diệu Hiền đã làm cho khán giả lắng đọng tâm hồn để cùng ngợi ca tình cha qua một ca khúc của Nhạc sĩ Thế Thông mang tên “Tình Cha cho con” với sự minh họa của nhóm múa Rồng Việt: “…Tình cha trao con xin nguyện luôn ghi khắc từng giây. Tình cha cho con như bóng mát phủ che đời con đây. Tình cha cho con cao vút Thái Sơn muôn trùng, lai láng ví như biển Đông, biết đến bao giờ mới hiểu tình cha…”

Giờ giải lao rộn ràng hẳn lên với những chiếc bánh ngọt lót dạ cùng với những chai nước suối nơi tiền sảnh của hội trường. Râm ran đây đó là những nhóm bạn “tay bắt mặt mừng”, hàn huyên tâm sự, chúc tụng lẫn nhau. Phía chiếc thuyền, đám mạ, mái lá, chốc chốc lại có những nhóm đến chụp hình lưu niệm, Anh Vũ Minh cũng tranh thủ thời gian phỏng vấn những suy nghĩ của khán giả về Ngày Của Cha. Lại có những người chỉ trỏ trầm trồ, hoặc thắc mắc chẳng hiểu sao lại có chiếc thuyền thật to đến thế làm vật trang trí cho ngày lễ hội.

Phần II: “Điểm Tựa Đời Con”

Phần II của ngày hội với tên gọi “Điểm Tựa Đời Con” được khởi đầu bằng bài múa cộng đồng “Khúc hát cha yêu” do Cha Nguyễn Minh Thiệu hướng dẫn đã dẫn dắt cộng đoàn vào tâm tình hoài niệm về công ơn cha: “Nhiều năm trôi qua mau, dòng đời bao nhiêu đổi thay. Nhìn lại mái tóc Cha yêu nay đã bạc màu. Cùng bao năm tháng nuôi con lớn khôn”.

“Kẻ làm con, hãy vâng lời cha mẹ theo tinh thần của Chúa, vì đó là điều phải đạo. Hãy tôn kính cha mẹ. Đó là điều răn thứ nhất có kèm theo lời hứa: để ngươi được hạnh phúc và hưởng thọ trên mặt đất này” (Ep 6,1-3). Đó là lời Thánh Phaolô nhắc nhở mỗi người về bổn phận làm con. Tuy nhiên, bổn phận của những người con đối với cha mẹ không chỉ gói gọn trong Giáo Hội Công Giáo mà nó còn được thể hiện trong đạo hiếu của con người Việt Nam. Để diễn tả tâm tình đó, một diễn giả rất quen thuộc của Chương trình Chuyên đề Giáo Dục là Sư cô Thích Nữ Hương Nhủ đã chia sẻ đề tài “Nếu vắng Cha” gây xúc động, rưng rưng dòng lệ nơi mọi người trong khán phòng.

Sư cô cho hay rất bất ngờ và ngạc nhiên khi được mời chia sẻ về đề tài này vì cuộc đời của sư cô vắng cha thật sự trong khi Ban Tổ Chức không biết cuộc đời của sư cô lớn lên như thế nào. Sư cô và các anh chị em chỉ được sống trong tình thương của cha trong thời gian rất ngắn, khi sư cô tròn 2 tuổi thì cha vĩnh viễn ra đi. Từ đó anh chị em 6 người sống trong sự đùm bọc che chở của mẹ hiền yêu dấu: “Ai người chia sớt nỗi buồn; Mẹ tôi gánh mãi hoàng hôn một mình”.

Tuy sống bên cha trong thời gian quá ngắn, những kỷ niệm về cha quá mơ hồ nhưng sư cô rất hạnh phúc khi nói về cha. Sư cô có ấn tượng rất sâu sắc về cha vì mẹ thường hay bảo “Con có biết rằng con cười rất giống cha con hay không, tánh của con rất giống cha”. Có lẽ những lời nói rất đơn giản của mẹ làm cho sư cô biết rằng mình đã thừa hưởng ở cha rất nhiều điều quý giá. Lúc nhận bằng tốt nghiệp Đại học Sư Phạm, khi chúng bạn có cha đến chúc mừng con mình, sư cô cảm nhận dường như niềm hạnh phúc người cha lớn hơn những người con đã thành công và tự nhủ rằng “Cha ơi, nếu có cha, cha sẽ thấy rằng con gái của cha rất giống cha nhiều thứ”. Trong thời gian thực tập làm giáo viên, khi người chị dâu đột ngột ra đi vĩnh viễn để lại đứa con trai mới 1 tuổi, sư cô cảm nhận đời sống quả thật ngắn ngủi, mong manh và vô thường, nên đã xuất gia từ bỏ cuộc sống thế tục đi vào đời sống khác nhằm đem lại an lành và hạnh phúc cho muôn người chứ không chỉ riêng mái gia đình bé nhỏ của mình.

Sư cô cũng nói rằng ngoài những người cha thành đạt dễ dàng đưa con vào đời, có những người cha nuôi con bằng những giọt sữa kết tinh từ mồ hôi và nước mắt, tất cả sự gian lao và khó nhọc. Cha mãi mãi vẫn là điểm tựa đời con. Mỗi con người có hai người cha, một người cha tạo cho mình thân thể và sức vóc, nghĩa là không có cha, không có mình, và một người cha cho chúng ta đời sống tâm linh, không có người cha này đời sống thật khô khan cho nên người cha tâm linh đó đúng là điểm tựa của cuộc đời. Sau khi chia sẻ, sư cô hát bài “Tình Cha” của Nhạc sĩ Giác An với giọng hát ngọt ngào, trầm lắng, gây xúc động mạnh, làm không ít người ngấn dòng lệ nơi khóe mắt.

“Điểm Tựa Đời Con” cũng là bài hát được Ca sĩ Nguyễn Phi Hùng sáng tác và được anh trình bày trong ngày hội để mô tả về người cha: “Cha cho con hình hài thuở ấu thơ khi còn trong nôi. Nuôi cho con nên người bằng tháng năm vất vả ngược xuôi. Một ngày chợt nhìn thấy mái tóc cha nay đã bạc màu. Lòng này chợt nhói đau mong thời gian đừng trôi qua mau. Trên những bước đường đời hình bóng cha mãi luôn gần bên”.

Phận làm con luôn phải hiếu kính cha mẹ, dù gặp phải hoàn cảnh khó khăn nào đi nữa, và người làm cha, làm mẹ phải cố gắng làm tròn trách nhiệm nuôi dạy con cái không chỉ về vật chất mà cả về tinh thần. Nhóm kịch của Cha Giuse Hoàng Kim Toan trình diễn vở kịch mang tên “Sám Hối” để diễn tả lại đạo lý đó. Vở kịch được bắt đầu bằng cảnh một nhóm ca viên trò chuyện với nhau và phát hiện ra sự vắng mặt của một nữ ca viên, Thùy được mẹ gọi về quê mà không ai biết lý do. Hóa ra là, Thùy được mẹ gọi về quê chịu tang cha, nhưng em không chịu vì em hận cha đã ra đi mất biệt, không thấy bóng dáng từ khi em còn nhỏ, chỉ mình mẹ nuôi Thùy khôn lớn. Người anh họ cũng là ca trưởng khuyên nhủ rằng mẹ em là người đau khổ nhất đã tha lỗi cha, em xem lại có nên cố chấp thế không và gửi em bức thư của cha gửi về từ nước ngoài. Người cha xin lỗi con vì đã ra đi kiếm thật nhiều tiền để tạo cho con tương lai. Nhưng người cha hối hận vì tiền bạc, vật chất không sánh được với thời gian ở bên gia đình, đã không dạy dỗ con khôn lớn, không làm tròn trách nhiệm làm cha. Sau khi đọc xong bức thư, Thùy nhận ra mình sai và xin lỗi người cha đã khuất vì tội bất hiếu, đã sống trong oán giận cha, hứa thay ba chăm sóc và yêu thương mẹ. Lời câu hát kết thúc vở kịch làm những ai mất cha cảm thấy nghẹn lòng: “Cha ơi! Cha bỏ con, cuộc đời con mất cha thật rồi. Cha ơi! Cha bỏ con, trọn đời con không còn thấy cha”.

“Tình Người Cha” là một ca khúc của Cha Cao Thăng được tam ca “Cha cha cha” trình bày, tam ca đó là Cha Cao Thăng - Chánh xứ Bắc Dũng, Cha Hoàng Quân - Trung tâm Mục vụ, và Cha Micae Cù Đức Trí - Giáo phận Phan Thiết. Bài hát nói lên tâm tình của những người con đối với cha của mình: “Ngày còn thơ bên cha dấu yêu. Ngày còn thơ bên cha sớm chiều. Tiếng hát câu hò rộn vang trên từng nẻo quê. Ôi yêu sao tiếng cười ấm áp gia đình. Lời của cha cho con lớn khôn. Lời của cha giang tay đón chờ. Những lúc hoang đàng, ngồi mộng con về từng đêm. Cha lo âu tiếng cười tắt lịm trên môi...”

Tiếp đến, là trò chơi Thi đố vui Ngày của Cha với 15 câu hỏi yêu cầu điền câu, cụm từ còn thiếu vào những câu ca dao, tục ngữ nói về cha hay cho biết tựa đề những đoạn video clip bài hát về cha. Trò chơi đã tạo không khí sôi động, vui nhộn, được mọi người giơ tay hưởng ứng khí thế, hết mình.

Trong lời khích lệ của Cha Gioan Baotixita Huỳnh Công Minh, đại diện cho Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm vì ngài có việc đột xuất không thể tham dự lễ hội, Cha Tổng Đại diện đã cám ơn Chương trình Chuyên đề Giáo Dục đã có những sáng kiến để tổ chức những sinh hoạt như Ngày Của Cha. Cha cũng nói các sự kiện đã được sự hưởng ứng nhiệt tình của các tôn giáo bạn như Phật giáo và Tin lành.

Ngài chia sẻ về danh xưng cha được mọi người gọi ngài trên cương vị là linh mục, ngài cũng đã thắc mắc rất nhiều về danh xưng này và tìm được câu trả lời qua Đức Chân Phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Ngài cho hay khi được gọi là cha, tôi phải sống như thế nào để nhắc mọi người về Cha thật ở trên Trời, và khi họ gọi cha thì họ được hướng tới Cha thật là Thiên Chúa. Ngài cũng sám hối vì đôi khi trở thành vật cản không hướng người gọi đến với Cha thật. Ngài nói rằng hoàn cảnh xã hội không tạo điều kiện cho những người cha hoàn thành trách nhiệm, ngược lại còn lôi cuốn, ép buộc người ta sống không đúng vai trò người cha, người chồng, người con trong gia đình. Cha mong muốn Chương trình Chuyên đề Giáo Dục tiếp tục những sinh hoạt hữu ích để nâng đỡ các gia đình có điều kiện sống trọn ơn gọi gia đình thật sự về mặt xã hội, về mặt tâm linh: “Công việc này thật cấp thiết, đòi hỏi thật nhiều người chung tay với nhau không phân biệt tôn giáo, giai tầng xã hội, quan điểm lập trường chính trị. Tất cả vì hạnh phúc của con người, hạnh phúc trong cuộc sống hiện tại và hạnh phúc vĩnh cửu, tràn đầy mai sau”.

Bế mạc Lễ hội

Sau lời cảm ơn của Ban Tổ Chức, Ngày Của Cha kết thúc bằng lời cầu nguyện và cộng đoàn cùng hòa chung khúc hát bài “Công Ơn Cha Mẹ”. Có thể nói, Ngày Của Cha là một cơ hội thuận lợi để những người cha nhìn lại vai trò và trách nhiệm của mình trong gia đình, và để những người con càng hiểu rõ và ý thức hơn để trân trọng công lao trời biển của cha. Ngày Của Cha như một tiếng chuông gióng lên trong một xã hội luôn ồn ào, xô bồ và nhiều tạp âm để nhắc nhở nhau về lòng biết ơn và yêu mến đối với những người cha, bậc sinh thành đáng tôn quý.

Tạ Ân Phúc