CN II PHỤC SINH NĂM B

Chủ đề chính của Chúa Nhật II Phục Sinh là Niềm Tin vào Đấng Phục Sinh. Trong bối cảnh năm Đức Tin, tôi muốn chúng ta tập trung suy nghĩ về đề tài.

Tin là gì?

Khi được Rửa Tội, chúng ta mang một danh hiệu mới đó là “người kitô hữu”, người tin vào Chúa Kitô, người theo Chúa Kitô.

Vậy thì Tin có nghĩa là gì? Sách Giáo Lý Công giáo định nghĩa rất vắn gọn: “Tin là lời con người đáp trả lại Thiên Chúa, Đấng tự mặc khải và hiến mình cho con người, khi ban ánh sáng chứa chan cho con người đang đi tìm ý nghĩa tối hậu của cuộc đời mình” (s. 26).

Trong cuốn sách nổi tiếng Đức Tin Kitô Giáo Hôm Qua và Hôm Nay, Đức Giáo Hoàng Benedetto XVI định nghĩa đức tin theo một cách thức khác:

“Tin là điều đem lại ý nghĩa, đem lại nền tảng cho cuộc sống con người, và ý nghĩa đó không những đi trước mọi tính toán hay hành động của con người mà còn là điều kiện thiết yếu để con người có thể tính toán hay hành động... Tin đối với Kitô hữu là biến cuộc đời mình thành tiếng xin vâng, là đáp trả lại Lời, đáp lại Logos là nền tảng đỡ nâng và giữ gìn mọi sự” (tr. 73-74).

Quả thế, Tin không phải là tin vào một cái gì, một ý tưởng, một học thuyết, một ý thức hệ. Tin không chỉ đơn thuần là giữ một số lề luật, hiểu biết một số giáo lý, tín điều..., nhưng Tin căn bản là gặp gỡ, gắn bó và bước theo một Con Người cụ thể. Con người đó có tên là Đức Giêsu Nazareth.

Như thế, Đức Tin vừa là một hồng ân của Thiên Chúa, vừa là lời đáp trả của con người, dựa vào đó, ta sống, chọn lựa và xây dựng cuộc đời mình.

Những thách đố mới của Đức tin

Nhưng sống niềm tin vào Đức Kitô trong xã hội hôm nay, chúng ta phải đối diện với những thách đố mới:

Xã hội mà chúng ta đang sống là xã hội vô thần duy vật chất, một xã hội vắng bóng Thiên Chúa và đề cao tiền bạc. Người ta cho rằng: Tiền tôn thành tiên, thiếu tiền, tình tan, tư tưởng tồi tàn, tâm tư tù tội. Có tiền mua tiên cũng được! Nhiều người bị cuốn vào ma lực của đồng tiền, nên đánh mất niềm tin, xa rời Giáo Hội.

Xã hội Việt Nam đang bị báo động bởi đầy dẫy những bất công, lạm quyền và giả dối lan tràn. Đạo đức suy thoái, lương tâm và nhân phẩm bị xúc phạm. Mấy câu thơ sau đây có thể đúc kết thực trạng xã hội: “Nhân phẩm ngày nay giảm giá rồi/ Chỉ còn thực phẩm tăng giá thôi/ Lương tâm bán rẻ hơn lương thực/ Chân lý chân giò một giá thôi”.

Sống trong môi trường như thế, có nhiều người lập luận: người ta gian dối mà mình trung thực là mình thiệt! Nhiều người công giáo cũng hành xử như người không tin, cũng lừa lọc, gian lận đủ cách.

Chưa hết, chúng ta đang sống trong một xã hội bị thống trị bởi nền văn hóa tính dục: con người chạy theo hưởng thụ cá nhân, biến người khác như một món hàng để chiếm đoạt và mua bán. Tương quan yêu thương và nhân bản bị xếp sau tương quan trao đổi và lợi ích kinh tế. Xã hội này đẻ ra những kiểu sống: bằng mọi cách để kiếm tiền và hì hục hưởng thụ!

Còn có một thách đố lớn hơn đối với niềm tin mà Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI luôn cảnh báo: đó là chủ trương duy tương đối: chủ nghĩa duy tương đối khiến cho con người hôm nay không còn muốn chấp nhận các chân lý tuyệt đối nữa, không sống theo một chuẩn mục luân lý nào nữa. Tất cả là tương đối và mỗi người có thể thay đổi các chân lý.

Những lối sống và não trạng đó đang len lõi vào các ngõ xóm, các xứ đạo của Việt Nam. Đức Tin của người kitô hữu như con thuyền giữa biển bị đong đưa, trôi dạt bởi những làn sóng đó.

Sứ điệp của Tin Mừng Phục Sinh

Trước những thách đố mới đó, vậy đâu là sức mạnh để giúp chúng ta giữ vững đức tin? Đọc lại Lời Chúa của Chúa Nhật II Phục Sinh, Chúa Nhật Lòng Chúa Thương Xót, tôi tìm thấy những câu trả lời cho vấn nạn trên. Xin được gợi lên 3 điểm:

Trước hết, Đức tin của chúng ta phải thực sự trở thành đời sống: lex credendi, lex vivendi:

Sách Công Vụ Tông Đồ kể lại đời sống của Giáo Hội sơ khai sau khi Chúa Phục Sinh: “Các tín hữu thời bấy giờ đông đảo, mà chỉ có một lòng một ý. Không ai coi bất cứ cái gì mình có là của riêng, nhưng đối với họ, mọi sự đều là của chung” (Cv 4,32). Tin vào Đức Kitô phục sinh, các tín hữu sống hiệp thông với nhau, yêu thương nhau, đối xử với nhau như anh em một nhà. Niềm tin vào Đức Kitô Phục Sinh đã thay đổi tận gốc rễ cách sống của họ. Hay nói đúng hơn, đức tin đã đi vào đời sống và sinh hoạt hằng ngày của các tín hữu sơ khai. Đến nỗi mà ai có tiền bạc, của cải đều đem ra làm của chung. Đúng là thiên đàng ở trần gian!

Đức tin như thế đã thực sự trở thành đời sống. “Nếu một đức tin chưa trở thành (đời sống) văn hóa, thì đức tin đó chưa được đón nhận trọn vẹn, chưa thực sự được suy tư và chưa được sống cách chân thành” (Gioan Phaolô II).

Điểm thứ hai: Tin là yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự và tuân giữ các giới răn của Người.

Trong Bài đọc II Thánh Gioan quả quyết: “Phàm ai tin rằng Đức Giêsu là Đấng Kitô, kẻ ấy được Thiên Chúa sinh ra”. Đối với thánh Gioan: tin vào Thiên Chúa cũng có nghĩa là yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự. Và “yêu mến Thiên Chúa là thi hành các điều răn của Người” (1Ga 5,1-3). Như thế, tin là yêu mến và tuân giữ các giới răn của Thiên Chúa. Tất cả chúng ta được mời gọi tuân giữ các giới răn của Thiên Chúa trong môi trường sống hôm nay.

Điểm thứ ba: Đức Tin phải là kinh nghiệm gặp gỡ cá vị của mỗi người với Thiên Chúa như thánh Tôma trong bài Tin Mừng:

Tôma đã tin vào Chúa và theo Chúa. Nhưng khi chứng kiến Chúa Giêsu bị bắt, bị đóng đinh và chết trên thập giá, ông bỏ cuộc. Chúa Kitô Phục Sinh đã hiện ra với các phụ nữ và nhiều Tông Đồ khác khi họ họp nhau. Họ kể lại với Tôma: “Chúng tôi đã được thấy Chúa” (Ga 20,22). Nhưng Tôma vẫn không tin, ông nói: “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và đặt tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin” (Ga 20,24). Tám ngày sau các Tông Đồ họp nhau lại cùng với Tôma. Chúa lại hiện ra và nói với ông: “Đặt ngón tay vào đây và hãy nhìn xem Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin. Ông Tôma thưa Người: Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!” (Ga 20,30). Tôma đã bị khủng hoảng Đức Tin, nhưng Tôma đó đã được cũng cố Đức Tin nhờ kinh nghiệm gặp gỡ cá vị với Đấng Phục Sinh.

Trước những thử thách của cuộc sống, mỗi người chúng ta phải có một Đức Tin mang tính cá vị vào Đức Kitô. Có nghĩa là Đức Tin đó phải dựa trên một xác tín, một chọn lựa và dấn thân riêng của tôi để sống gắn bó với Chúa mỗi ngày. Dù đời có nhiều lối rẽ, nhiều cám dỗ mời mọc; dù hoàn cảnh sống thay đổi, tôi vẫn xác tín rằng: Chỉ có Chúa mới mang lại cho tôi ý nghĩa cuộc đời và hạnh phúc bền vững. Chỉ có “Chúa là gia nghiệp đời con” (Tv 32, 12b), tôi bám lấy Chúa, vẫn trung thành với Chúa cho đến cùng. Đức tin như thế là cuộc gặp gỡ mang tính cá vị. Chỉ có Đức Tin đó mới giúp chúng ta vững vàng trước sóng gió cuộc đời và chỉ có đức tin đó mới giúp chúng ta khám phá sự hiện diện và lòng thương xót của Chúa trong cuộc sống của chúng ta.

Hôm nay, ngày lễ “Lòng Thương xót Chúa” mà Đức cố Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II đã thiết lập ngày 30-4-2000, chúng ta nhớ đến hình ảnh Đức Giêsu từ bi thương xót do thánh Faustina Kowalska để lại: Người mặc y phục trắng, bàn tay phải ban phép lành, bàn tay trái vén mép áo ngực, từ đó thoát ra các tia sáng xám và đỏ, tượng trưng Bí tích Thánh Thể và Bí tích Rửa Tội. Đức Giêsu là hiện thân Lòng Thương Xót của Thiên Chúa. Chúng ta hãy cùng với thánh nữ Faustina Kowalska và Đức Gioan-Phaolô II thưa với Người: “Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Người!” Chúng ta hãy trở thành hiện thân của Lòng Chúa thương xót qua lối sống hợp nhất, chia sẻ nâng đỡ nhau, sẵn sàng tha thứ cho nhau.

Lạy Chúa, con thuyền đức tin của chúng con đang bị sống gió cuộc đời vùi dập, xin Chúa ban cho chúng con có một Đức tin sống động, mang tính cá vị và biết tĩnh thức, để dù có phải trải qua những thử thách, chúng con vẫn trung kiên theo Chúa đến cùng. Xin cho cặp mắt đức tin của chúng con luôn sáng ngời để nhận ra sự hiện diện của Chúa trong đời chúng con. Amen!

Kính Lòng Chúa Thương Xót