BÍ TÍCH THÁNH THỂ MỘT MẦU NHIỆM ĐỂ SỐNG
(Suy tư phần III của Tông huấn Sacramentum caritatis của Đức Bênêđictô XVI)

Trong phần III của Tông huấn, Đức Bênêđictô XVI đã trình bày một chiều kích mang tính ứng dụng của Bí tích Thánh Thể vào đời sống cụ thể của con người mà ngài gọi là “Mầu nhiệm để sống”. Quả thật, Bí tích Thánh Thể không chỉ là Mầu nhiệm để tin, để cử hành, nhưng là là một Mầu nhiệm được hiện thực trong cuộc sống thường ngày của các tín hữu. Sống mầu nhiệm Thánh Thể không là hành vi đạo đức được thực hiện theo cảm tình riêng tư của từng cá nhân, nhưng được kết nối với Giáo Hội toàn thể, Thân thể Chúa Kitô. Do đó, Đức Bênêđictô XVI đã trình bày chiều kích “để sống” của Bí tích Thánh Thể trong ba yếu tố thuộc đời sống Giáo Hội: Phụng vụ (Leiturgia), Loan truyền (Martyria) và Phục vụ (Diakonia).

I- Yếu tố phụng vụ trong Mầu nhiệm để sống

1- Cử hành Bí tích Thánh Thể trong cuộc sống

Công đồng Vat. II khẳng định: “Phụng vụ là tột đỉnh mà hoạt động của Giáo Hội qui hướng về, đồng thời là nguồn mạch tuôn trào mọi năng lực của Giáo Hội” (SC, số 10). Do đó việc cử hành phụng vụ thuộc về căn tính của người tín hữu. Thật vậy “nhờ phép Rửa, tất cả các tín hữu của Đức Kitô được giải thoát khỏi tội lỗi của mình và được sát nhập vào Giáo Hội; như vậy, do ấn tích của Phép Rửa, họ được dự phần vào việc cử hành phụng tự Kitô giáo, căn cứ vào chức tư tế vương giả, họ kiên trì cầu nguyện và ca ngợi Thiên Chúa, họ dâng hiến chính con người của mình làm lễ vật sống động, thánh thiện, làm vui lòng Thiên Chúa…”[1]. Việc cử hành phụng vụ trong đời sống Kitô hữu trước tiên chính là cử hành Thánh Thể, vì đó là “nguồn mạch và đỉnh cao của đời sống Giáo Hội”[2]. Theo đó, Đức Bênêđictô XVI trong Tông huấn Sacramentum caritatis đã trình bày một hình thức cử hành phụng vụ Thánh Thể trong đời sống mà ngài gọi là: “logiké latreia”, tức là “sự thờ phượng thiêng liêng”.

Việc thờ phượng thiêng liêng này được thực hiện qua việc “hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa” (Rm 12, 1) và theo thánh Phaolô đó là cách thức xứng hợp để thờ phượng Thiên Chúa (x. Rm 12, 1). Theo Đức Bênêđictô XVI việc thờ phượng này được bắt nguồn từ Thánh Thể, bởi việc hiến dâng thân mình chỉ mang ý nghĩa phượng thờ khi cuộc sống của người tìn hữu được Thánh Thể biến đổi. Thật vậy, khi nhận lãnh Thánh Thể, người tín hữu được biến đổi nên giống Chúa Giêsu, chứ không phải Thánh Thể được biến đổi nên giống người nhận lãnh. Vì được Thánh Thể biến đổi nên việc hiến dâng thân mình của người tín hữu trở thành một hiến lễ duy nhất trong sự hiệp thông với toàn thể Giáo Hội. Do đó, Thánh thể “hiến lễ của Chúa Kitô, cũng chính là hiến lễ của Giáo Hội và của mọi tín hữu”[3].

Theo Tông huấn “việc phượng tự dành cho Thiên Chúa trong đời sống con người không thể bị đóng khung trong một thời khắc đặc biệt và riêng tư nào đó, nhưng do tự bản chất, việc phượng tự này hướng tới việc thấm nhập từng khía cạnh của thực tại con người”[4]. Vì thế, Đức Bênêđictô XVI mời gọi mọi Kitô hữu hãy bày tỏ việc phượng tự đích thực dành cho Thiên Chúa trong mọi hành vi của đời sống. Chính việc cử hành việc thờ phượng này mà căn tính Thánh Thể của đời sống Kitô hữu bắt đầu hình thành. Có nghĩa là Thánh Thể có khả năng ngày qua ngày tạo nên sự biến đổi nơi con người, từ tư tưởng và tình cảm cho đến lời nói và việc làm để ngày càng trở nên hình ảnh của Con Thiên Chúa[5]. Từ hình thức thờ phượng này, Đức Bênêđictô XVI đã đề ra một linh đạo và văn hóa Thánh Thể. Linh đạo Thánh Thể, có nghĩa là ngoài việc tham dự Thánh Lễ và tôn sùng Thánh Thể, người Kitô hữu còn phải đổi mới cách suy nghĩ theo khuôn mẫu Thánh Thể, như thánh Phaolô đã nhắn nhủ: “Anh em đừng có rập theo đời này, nhưng hãy cải biến con người anh em bằng cách đổi mới tâm thần, hầu có thể nhận ra đâu là ý Thiên Chúa: cái gì là tốt, cái gì đẹp lòng Chúa, cái gì hoàn hảo” (Rm 12, 2). Và như thế người Kitô hữu không bị chao đảo trước làn sóng tục hóa hôm nay.

Thánh hóa ngày Chúa nhật là điều không thể thiếu trong việc cử hành việc thờ phượng
Thiên Chúa cách đích thật. Bởi ngày Chúa nhật đơn giản là việc ngừng các hoạt động thường ngày, nhưng đó là ngày dành để tưởng nhớ cách đặc biệt sự phục sinh của Đức Kitô. Bởi đó, Đức Bênêđictô XVI nhắc nhở các tín hữu “sống đúng theo ngày Chúa Nhật” (Iuxta dominicam viventes) có nghĩa là “sống trong ý thức về sự tự do mà Đức Kitô mang đến và hoàn tất cuộc sống mình như một hiến lễ dâng lên Thiên Chúa”[6]. Việc “sống đúng theo ngày Chúa nhật” trước tiên là phải “tham dự vào cộng đoàn phụng vụ Chúa nhật, cùng với mọi anh chị em của chúng ta làm nên một thân thể duy nhất trong Đức Giêsu Kitô”[7]. Đức Bênêđictô XVI một lần nữa nhắc lại việc tham dự dự này là “luật buộc lương tâm mọi Kitô hữu”. Bởi “mất ý thức về ngày Chúa nhật như là Ngày của Chúa cần phải thánh hoá là triệu chứng mất đi ý thức chân chính của tự do Kitô hữu, sự tự do của những người con cái Thiên Chúa”[8]. Việc thánh hóa ngày Chúa nhật còn đòi hỏi các Kitô hữu ý thức ngày này cũng là ngày nghỉ ngơi, tách khỏi công việc. Mặc dầu Tông huấn không nói đến việc nghỉ làm việc trong ngày Chúa nhật là “luật buộc lương tâm”, nhưng Tông huấn nhấn mạnh đến giá trị của việc nghỉ ngơi trong ngày này. Theo Đức Bênêđictô XVI “lao động có tầm quan trọng hàng đầu cho việc thành toàn của con người và sự phát triển của xã hội, chính vì thế, lao động nên được tổ chức và thực hiện trong sự kính trọng toàn vẹn phẩm giá con người cũng như nhằm phục vụ công ích. Đồng thời, không thể chấp nhận việc con người bị nô lệ hoá bởi lao động, thần tượng hoá lao động, muốn tìm thấy nơi lao động ý nghĩa chung cuộc và quyết định của đời sống”[9].

2- Cử hành Thánh Thể theo từng bậc sống

a- Người tín hữu giáo dân: Nhờ Bí tích Thánh Tẩy người tín hữu giáo dân được gia nhập vào “giống nòi được tuyển chọn, là dân thánh, dân riêng của Thiên Chúa, để loan truyền những kỳ công của Người” (1 Pr 2, 9). Do đó tất cả mọi người tín hữu giáo dân đều được mời gọi nên thánh. Điều này được thể hiện trong mỗi hoàn cảnh của cuộc sống, trong mỗi bổn phận mà từng người tín hữu đảm nhận. Việc nên thánh như thế được đâm chồi nẩy lộc từ Bí tích Thánh Thể. Chính Bí tích Thánh Thể dẫn đưa chúng ta vào trong thực tại hằng ngày để mọi sự được thực hiện vì vinh quang của Thiên Chúa[10]. Thật vậy, Bí tích Thánh Thể là hiến lễ tình yêu nhằm giải phóng con người khỏi ách nô lệ của tội lỗi, cho nên yếu tố để được hiệp thông Thánh Thể chính là sự thánh thiện của người nhận lãnh, hay là tình trạng tự do không bị tội lỗi cắt sự hiệp thông với Giáo Hội. Từ yếu tố đó, người tín hữu luôn được mời gọi sống với niềm khao khát Thánh Thể để trở thành nhân tố sống tích cực trong cuộc sống thường ngày. Ngoài ra, Đức Bênêđictô XVI còn đặc biệt hướng tới gia đình trong mối tương quan với Bí tích Thánh Thể, ngài khuyến khích các gia đình hãy đến với Bí tích Thánh Thể để có thể tìm thấy nguồn cảm hứng và sức mạnh nơi Bí tích này. Tình yêu giữa người nam và người nữ, việc tiếp nhận sự sống, nhiệm vụ giáo dục con cái, tỏ ra là những nơi ưu tiên, nơi mà Thánh Thể có thể thực hiện khả năng biến đổi và dẫn đưa cuộc sống đến sự tròn đầy ý nghĩa của nó[11].

b- Người Linh mục: Đức Gioan Phaolô II đã nhấn mạnh mối tương quan đặc biệt giữa bí tích Thánh Thể và chức Linh mục thừa tác: “Nếu Thánh thể là trung tâm và chóp đỉnh của đời sống Giáo Hội, nó cũng như thế đối với tác vụ Linh mục… Thánh thể là ‘lẽ sống chính yếu và trung tâm của bí tích Truyền chức được khai sinh thực sự ngay từ lúc thiết lập Bí tích Thánh Thể và cùng với Thánh Thể’ (Tông thư Dominicae Cenae, 24-2-1980, số 2)”[12]. Trong mối tương quan này, Đức Bênêđictô XVI đã nhìn thấy Thánh Thể là nền tảng linh đạo Linh mục, hay nói cách khác: linh đạo Linh mục tự bản chất là Thánh Thể[13]. Vì thế ngài nhắn nhủ các Linh mục phải làm cho cuộc sống của mình rập khuôn theo khuôn mẫu Thánh Thể, để từ đó “người Linh mục bước vào trong sự hiệp thông sâu thẳm hơn với Chúa và sẽ giúp người Linh mục sẵn sàng để mình bị chiếm hữu bởi tình yêu của Thiên Chúa, và trở nên chứng nhân của Ngài trong mọi hoàn cảnh, ngay cả trong lúc khó khăn hay u tối”[14]. Bởi đó, một lần nữa, Đức Bênêđictô nhắc nhở các Linh mục điều mà Công đồng Vat. II đã nói trong sắc lệnh “Chức vụ và Đời sống Linh mục” (Presbyterorum Ordinis) số 13, được cụ thể hóa trong bộ Giáo luật 1983 c. 904, đó là: “Các Linh mục hãy cử hành Thánh lễ mỗi ngày, dù khi không có tín hữu tham dự”[15].

c- Các tu sĩ: Trong tông huấn Sacramentum caritatis, Đức Bênêđictô cũng trình bày mối tương quan giữa Bí tích Thánh Thể và đời sống Thánh hiến. Trong mối tương quan này, Đức Thánh cha nhìn thấy đức khiết tịnh của tu sĩ có mối liên hệ thâm sâu với Bí tích Thánh Thể, bởi vì “trong một cách nào đó, sự khiết tịnh này là cách diễn tả sự hiến dâng trọn vẹn của Hội Thánh cho Đức Kitô và đón nhận Người như Hôn phu của mình với một lòng trung tín tuyệt đối và phong nhiêu.”[16]. Cho nên, Đức Bênêđictô nhắn nhủ các tu sĩ hãy tìm nơi Bí tích Thánh Thể nguồn cảm hứng và lương thực cho sự dâng hiến trọn vẹn cho Chúa Kitô[17]. Đặc biệt trong thời đại hôm nay, một thời đại đang đề cao nền văn hóa hưởng thụ “chủ trương tháo gỡ mọi qui tắc khách quan của tính dục, thường giản lược tính dục thành một trò chơi và món hàng tiêu thụ”[18], người tu sĩ phải trở nên chứng tá cho tình yêu nhưng không và phong nhiêu của Thiên Chúa đối với nhân loại qua đức khiết tịnh của mình.

II. Yếu tố loan truyền trong chiều kích “để sống” của bí tích Thánh Thể

Công đồng Vat. II đã xác định mối tương quan đặc biệt của Gíáo Hội với hành động cứu chuộc của Thiên Chúa dành cho nhân loại: “Khi từ kẻ chết sống lại (x. Rm 6, 9), Người đã sai Thánh Thần ban sự sống đến với các môn đệ và nhờ Thánh Thần thiết lập thân thể Người là Giáo Hội như Bí tích phổ quát cứu độ (universale salutis sacramentum)” (LG, số 48). Với khái niệm này, công đồng đã tỏ bày sự hợp nhất không thể tách rời và sự phân biệt không thể pha trộn giữa Giáo Hội và sự tự tỏ mình của Thiên Chúa trong Chúa Giêsu Kitô và trong Chúa Thánh Thần. Vì thế lời mở đầu hiến chế về Giáo Hội, Công đồng đã nói cách đặc biệt về Chúa Kitô: “Người là ánh sáng muôn dân” (Lumen gentium); Giáo Hội không gì khác hơn là “sự phản chiếu” ánh sáng này, “Giáo Hội ở trong Chúa Kitô như là Bí tích, tức là dấu chỉ và dụng cụ cho sự kết hợp mật thiết với Thiên Chúa, và cho sự hiệp nhất của toàn thể nhân loại” (LG, số 1).Với nhận thức này, Công đồng đã khẳng định: Giáo Hội phải trở thành biến cố của việc hiện tại hóa Chúa Giêsu Kitô và của ơn cứu độ Người đối với nhân loại.

Sứ vụ này của Giáo Hội được bắt nguồn từ Bí tích Thánh Thể, như Tông huấn đã khẳng định: “Tự bản chất, Bí tích này (Thánh Thể) đòi được thông truyền cho mọi người. Điều mà thế giới cần chính là tình yêu Thiên Chúa, là gặp gỡ Đức Kitô và tin vào Người. Chính vì thế, Thánh Thể không chỉ là nguồn suối và chóp đỉnh đời sống của Hội Thánh; Thánh Thể cũng là nguồn suối và chóp đỉnh sứ vụ của Hội Thánh: Một Hội Thánh thật sự sống Thánh Thể là một Hội Thánh truyền giáo”[19]. Tài liệu chuẩn bị cho Thượng hội đồng Giám Mục cũng đã xác quyết: “Bí tích Thánh Thể làm phát sinh bổn phận của mỗi Kitô hữu là cộng tác làm cho thân thể Giáo Hội triển nở. Quả thật, hoạt động truyền giáo, nhờ lời rao giảng và việc cử hành các Bí tích, mà Bí tích Thánh Thể là trọng tâm và chóp đỉnh, làm cho Chúa Kitô hiện diện, Đấng là tác giả của ơn cứu độ”[20] Tính chất truyền giáo của Bí tích Thánh Thể được nhìn ra trong hai chiều kích:

1- Công khai đức tin vào Bí tích Thánh Thể

Bí tích Thánh Thể là Bí tích của sự sống, vì vậy Đức Bênêđictô XVI kêu gọi các tín hữu hãy mạnh dạn làm chứng tá cho việc tuyên xưng này qua việc ra sức “tôn trọng và bảo vệ sự sống con người từ lúc thụ thai đến khi chết cách tự nhiên, như xây dựng gia đình trên nền tảng hôn nhân giữa người nam và người nữ, tự do giáo dục con cái và thăng tiến công ích dưới mọi hình thức”[21]. Chứng tá cho việc sống mầu nhiệm Thánh Thể, theo Tông huấn, là can đảm bảo vệ sự sống và phẩm giá con người. Vì chính hiến tế Thập Giá đã phục hồi sự sống và phẩm giá con người đã bị ra hư hoại do tội. Bởi đó mọi tín hữu phải mạnh bạo lên án mọi hình thức loại trừ sự sống, và bảo vệ mục đích và đặc tính hôn nhân gia đình.

2- Chứng nhân cho tình yêu Thánh Thể

Sống Mầu nhiệm Thánh Thể còn loan truyền tình yêu hiến dâng của Chúa Giêsu qua đời sống chứng tá yêu thương. Đức Bênêđcitô XVI đã trình bày: “Sự kinh ngạc thích thú trước hồng ân mà Thiên Chúa ban tặng chúng ta trong Đức Kitô in sâu vào đời sống chúng ta một sự năng động mới, thúc đẩy chúng ta trở nên những chứng nhân cho tình yêu của Ngài”[22].

Việc chứng tá trước tiên là làm cho người ta nhận ra sự hiện diện đích thật của Chúa Giêsu qua hành động, lời nói và thái độ của chúng ta. Điều đó có nghĩa là chúng ta dấn thân làm chứng cho sự thật, tức là làm chứng cho sự hiện hữu của Thiên Chúa Tình Yêu. Trong một thế giới đang nỗ lực đẩy lùi sự hiện hữu của Thiên Chúa, và coi những tiến bộ khoa học, kỹ thuật như là cứu cánh của con người, từ đó nẩy sinh một trào lưu tục hóa, đề cao hưởng thụ, coi thường các giá trị luân lý, lương tâm bị vô hiệu hóa để không còn nhận ra tội và không tội; ngoài ra làn sóng chống đối Giáo Hội vì Giáo Hội hoặc là không chiều theo ý muốn của các khuynh hướng thế tục, hoặc là chủ trương tự do tôn giáo của Giáo Hội, cũng như niềm xác tín Chúa Giêsu là Đấng cứu độ duy nhất như một thách đố cho chủ nghĩa tôn giáo quá khích, càng ngày càng lan rộng, thì quả thật, sứ vụ loan báo chân lý của người Kitô hữu càng trở nên thúc bách. Việc làm chứng cho sự thật nhiều khi đòi hỏi một sự hy sinh chính mạng sống của mình. Qua hiến dâng mạng sống mình vì chân lý, người Kitô hữu thực sự bước vào trong sự hiệp thông trọn vẹn với cuộc Vượt qua của Đức Giêsu Kitô, và như thế họ trở nên Thánh Thể cùng với Người”[23]. Để sống chứng tá của Mầu nhiệm Thánh Thể, Đức Thánh cha khích lệ: “Cho dù chúng ta không phải chịu thử thách tử đạo, nhưng chúng ta vẫn biết rằng việc phượng tự đẹp lòng Chúa đòi hỏi tận trong sâu thẳm sự sẵn sàng này, và phải được thể hiện qua chứng tá đầy vui mừng và tin tưởng trước thế giới bằng một đời sống Kitô hữu nhất quán trong những môi trường mà Chúa mời gọi chúng ta loan báo Ngài”[24].

III – Yếu tố phục vụ trong chiều kích “để sống” của bí tích Thánh Thể

1- Phục vụ tha nhân bằng một tình yêu Thánh Thể

Khi tham dự vào Hy tế Thập Giá, người Kitô hữu hiệp thông vào tình yêu tự hiến của Đức Kitô, được trang bị để dấn thân sống đức ái trong mọi hành động và mọi cư xử của đời sống mình. Chính qua việc hiệp thông Thánh Thể, người Kitô hữu nhận ra mình được yêu thương, để rồi đến lượt mình cũng phải yêu thương người khác với Tình yêu dành cho tha nhân theo Đức Bênêđictô XVI “là một cảm nghiệm yêu thương được ban tặng từ bên trong, một tình yêu mà tự bản chất phải được tiếp tục chia sẻ”[25], và có thể nói, cảm nghiệm yêu thương này nhận được từ Tình yêu Thánh Thể. Do đó tình yêu dành cho tha nhân được khởi đầu không phải bởi nhịp đập của con tim bị chi phối bởi cảm tính nhân loại, nhưng là khởi đầu bằng chính tình cảm được hòa nhập trong Thiên Chúa. “Trong Thiên Chúa và cùng với Thiên Chúa, tôi yêu người thân cận, cả khi tôi không thích hoặc không biết người đó. Điều này chỉ trở nên khả thể từ cuộc gặp gỡ thâm sâu với Thiên Chúa, một sự gặp gỡ trở thành hiệp thông ý muốn và thâm nhập vào trong tình cảm. Bây giờ tôi học cách nhìn người khác không phải chỉ bằng con mắt và tình cảm của tiêng tôi, nhưng từ nhãn giới của Đức Kitô”[26].

Từ nhãn giới đó, Đức Bênêđictô XVI đã trình bày trong Tông huấn Sacramentum caritatis về tính Thánh Thể trong việc phục vụ tha nhân: “Khi cử hành Thánh Thể, những cộng đoàn của chúng ta phải ngày càng ý thức hơn rằng hy tế của Đức Kitô là cho mọi người, và vì thế Thánh Thể thúc đẩy mọi tín hữu cũng phải trở nên ‘bánh được bẻ ra’ cho những người khác và dấn thân cho một thế giới ngày càng công bằng và huynh đệ hơn”[27]. Như vậy, qua việc hiệp thông Thánh Thể, người tín hữu được mời gọi phục vụ cho sự sống trần gian bằng chính tình yêu Thánh Thể, điều đó có nghĩa là một tình yêu hiến dâng, quảng đại và đầy lòng thương xót.

2- Phục vụ bằng việc thực hiện sự hòa giải và cổ súy cho một nền hòa bình và công lý

Như là “Dân Chúa” lữ hành, Giáo Hội là một cộng đoàn hiệp thông trong tình huynh đệ anh chị em cùng với những người khác “được Chúa thương” nắm tay nhau nhịp bước tiến về Vương quốc Thiên Chúa. “Con đường hiệp thông của sự hy vọng” nằm trong và cùng với đại gia đình nhân loại. Chính trong con đường này, Giáo Hội làm cho nhân loại tìm thấy một niềm vui mãnh liệt hơn cái đau khổ họ đang chịu. Tâm điểm của con đường hiệp thông này được biểu tỏ qua việc các tín hữu qui tụ cùng nhau cử hành Bí tích Thánh Thể, đó như là phương thế tối cần thiết của con đường tiến vào Nước Trời. Cho nên “chỉ có thái độ thường xuyên hướng đến sự hoà giải mới cho phép kết hợp cách xứng đáng với Mình và Máu Đức Kitô”, vì“Thánh Thể là bí tích hiệp thông giữa những anh chị em chấp nhận hoà giải với nhau trong Đức Kitô”[28]. Như thế, Tông huấn khuyến khích một con đường hòa giải và củng cố hiệp thông huynh đệ. Một yếu tố quan trọng trong hướng đi này chính là ước muốn vô điều kiện để thông hiểu. Từ sự hiệp thông huynh đệ này, Tông huấn kêu gọi “tất cả mọi tín hữu hãy thật sự trở nên những người kiến tạo hoà bình và công lý: ‘Ai thông dự vào Thánh Thể phải thật sự dấn thân xây dựng hoà bình cho thế giới chúng ta đang sống, một thế giới được ghi dấu bởi quá nhiều bạo lực và chiến tranh, và đặc biệt ngày nay bởi khủng bố, sự hủ hoá kinh tế và việc khai thác tình dục’ (Bản đề nghị [Propositio] số 48)”[29].

3- Phục vụ cho sự công bằng, đặc biệt quan tâm đến người nghèo

Giáo Hội như là “Giáo Hội của người nghèo”, nơi mà người nghèo trở thành chủ thể của các hành động Giáo Hội. Qủa thật, phương cách sống hiệp thông này đã phổ biến cách sâu rộng để Giáo Hội trở thành một “dụ ngôn của sự chia sẻ với người khác” trong một cộng đồng nhân loại đang bị đàn áp xâu xé. Ngày nay, Giáo Hội chỉ có thể hoàn thành sứ mệnh của mình là “Bí tích cứu độ phổ quát” (LG, số 48) một cách có tính thuyết phục nhất khi Giáo Hội dấn thân phục vụ cho sự công bằng. Tông huấn Sacramentum caritatis đã nhắc nhớ các tín hữu quan tâm đến những hoàn cảnh của những người đang lâm cảnh nghèo đói. Đức Thánh cha bức xúc: “Chúng ta không thể thinh lặng trước những hình ảnh đau lòng của những trại to lớn chứa người di cư hoặc tị nạn rải rác đó đây trên thế giới, họ chỉ được tập hợp lại trong những điều kiện tạm bợ, để tránh khỏi những tình trạng còn tồi tệ hơn nhiều, trong khi họ lại có nhu cầu về mọi thứ.”[30]. Và ngài kêu gọi chúng ta làm việc không ngừng nhằm xây dựng nền văn minh tình thương, thực hiện các công tác từ thiện, quyên góp, chia sẻ của cải nhằm giúp đỡ những người thiếu thốn, nghèo túng…[31].

Giáo Hội không chỉ quan tâm đến người nghèo qua việc thực hiện các hoạt động từ thiện bác ái, nhưng Đức Thánh Cha còn nhắc nhở đến trách nhiệm của các Giáo phận hay cộng đồng Kitô giáo truyền bá và dạy dỗ về học thuyết xã hội của Giáo Hội, một học thuyết nhằm giáo dục thực tiễn về công bằng và bác ái [32].

4- Phục vụ qua việc bảo vệ tài nguyên môi trường

Trong chiều kích phục vụ của Mầu nhiệm để sống, Tông huấn cũng mời gọi các tín hữu có cái nhìn đúng đắn về thế giới. Đức Bênêđictô đã trình bày mối liên đới việc tôn trọng môi trường với đời sống mang tính Thánh Thể. Theo Đức Thánh Cha, Bí tích Thánh Thể khi được cử hành phải nhân danh toàn thể vũ trụ, bởi vì Thánh lễ “không chỉ bao hàm việc hiến dâng cho Thiên Chúa mọi hoạt động và nỗ lực của nhân loại, mà còn thôi thúc chúng ta nhìn nhận trái đất như là tác phẩm của Thiên Chúa, nơi đó sản sinh ra lương thực cần thiết cho đời sống của chúng ta. Trái đất không còn là một thực tại trung tính, một vật chất thuần tuý để chúng ta sử dụng cách vô tội vạ theo bản năng con người” [33].

Trong nhãn quan đó, Đức Thánh cha nhấn mạnh: sống Thánh Thể là phải làm việc cách có trách nhiệm để bảo vệ vũ trụ. Như thế, theo quan điểm của Đức Thánh cha, bảo vệ vũ trụ hay nói cách khác, bảo vệ môi trường cũng nằm trong phạm trù thuộc đời sống Kitô hữu được chi phối bởi Bí tích Thánh Thể. Thánh Gioan đã tường thuật bữa ăn cuối cùng của Chúa Giêsu với các môn đệ với huấn từ biệt ly, trong đó Chúa Giêsu nhấn mạnh đến giới luật yêu thương: “Các con hãy yêu tương nhau như Thầy yêu thương các con” (Ga 15, 12). Thánh Thể gắn liền với giới luật yêu thương, thế nhưng giới luật yêu thương đó không chỉ giới hạn nơi con người của tha nhân, nhưng nó còn bao gồm cả môi trường nơi tha nhân sinh sống. Nói như nhà luân lý M. Seress: cộng vào với giới luật yêu thương tha nhân là giới luật yêu quí thiên nhiên trong vũ trụ. Ông nói: “Không thương mến thì không có liên hệ, mà cũng chẳng có liên hiệp... Quý mến hai người cha của chúng ta: thiên nhiên và nhân tính, đất đai và tha nhân; mến yêu nhân loại, mẹ về mặt làm người của chúng ta, và Trái Ðất, mẹ thiên nhiên của chúng ta... Chỉ tình yêu mới là hiện thực, và nếu có giới luật thì chỉ có giới luật tình yêu”[34].

Theo Đức Thánh Cha Bênêđictô. Bí tích Thánh Thể soi dọi cho chúng ta hiểu rõ về tính chất duy nhất trong công trình tạo dựng và cứu độ theo phương pháp của Thiên Chúa. Bí tích Thánh Thể hướng tới một thế giới mới, thế giới đại đồng, một thế giới không của riêng mình, nhưng của mọi tụ tạo. Bởi đó người tín hữu phải ý thức rằng, Thiên Chúa trao phó cho con người sứ mạng gìn giữ và vun trồng địa cầu, công trình tạo dựng của Thiên Chúa, chứ không phải chỉ là làm chủ khai thác nhằm phục vụ lợi ích riêng của mình.

KẾT:

Khác với Phúc âm Nhất lãm, Phúc âm Thánh Gioan không nói đến lời truyền phép trong tường thuật về bữa tiệc ly, thay vào đó, Gioan tường thuật về việc rửa chân trong khuôn khổ của bữa ăn cuối cùng (Ga 13, 1 -20). Như vậy, Gioan nhấn mạnh đến chiều kích “để sống” của Bí tích Thánh Thể. Hay nói cách khác, Gioan liên kết việc hiệp thông với Chúa Kitô với việc “giữ giới răn”, có nghĩa là: tình yêu dành cho Chúa Giêsu cần phải được cụ thể hóa trong tình yêu đối với tha nhân (Ga 13, 34 tt; 14, 21; 15, 10. 12). Sự cụ thể hóa này làm sống động đức tin vào Bí tích Thánh Thể và làm cho Bí tích này không bao giờ khô cạn. Nói như Đức Tổng Giám mục Roland Minnerath, thư ký đặc biệt của khóa họp Thượng hội đồng Giám Mục Thế giới:“Sự kinh ngạc trước tiên chính là qua Bí tích Thánh Thể, Đức Kitô đã trao ban chính mình Người cho con người, chính Người trao ban cho con người niềm vui để sống yêu thương như Người, và truyền cho con người hãy chia sẻ tình yêu chiến thắng của Người với anh chị em khắp nơi trên thế giới”[35]. Tình yêu hướng tới tha nhân chỉ có thể hiện thực trong và qua Bí tích Thánh Thể. Bởi đó, ba yếu tố tin, cử hành và sống là ba hiện thực của một sự hiệp thông Chúa Kitô. Sự hiệp thông Thiên Chúa được thể hiện qua đức tin vào việc tỏ mình của Thiên Chúa trong nhục thể nhân loại, tin vào lịch sử của Người Con đã nhập thể làm người cho tới đổ máu trên Thập giá, Đấng đã hiện thực tình yêu và dạy chúng ta yêu thương nhau như anh chị em của nhau. Cả hai, đức tin và tình yêu được thể hiện cách dấu chỉ trong bữa tiệc hiệp thông Thánh Thể. Vì thế, ba chiều kích tương quan với nhau: sự nhận thức về Ngôi lời hóa thành nhục thể, tình yêu nhập thể trong một con người cụ thể và việc cử hành Bí tích Thánh Thể.

Do đó, Đức Bênêđictô đã nhấn mạnh: Bí tích Thánh Thể cần được xác tín vững chắc, phải được cử hành sốt sắng, và phải được sống cách mạnh mẽ trong Giáo Hội[36]. Đặc biệt Đức Thánh cha mời gọi: “Các Linh mục, phó tế và tất cả những người đang thực hiện một tác vụ Thánh Thể, khi thực thi việc phục vụ này với sự quan tâm và có chuẩn bị, phải luôn tìm thấy trong đó sức mạnh và cảm hứng cần thiết cho hành trình nên thánh của bản thân và của cộng đoàn. Tôi khuyên nhủ các Kitô hữu giáo dân, và cách riêng các gia đình, hãy tìm kiếm không ngừng nơi bí tích tình yêu của Đức Kitô năng lượng cần thiết để làm cho đời sống của họ thành một dấu chỉ đích thực sự hiện diện của Chúa Phục Sinh. Tôi yêu cầu tất cả các tu sĩ hãy biểu lộ bằng đời sống mang tính Thánh Thể của mình ánh huy hoàng và vẻ đẹp được thuộc trọn về Chúa”[37].

Quả thật, hơn bao giờ hết, Giáo Hội thiết tha mời gọi con cái của mình thắp sáng lại niềm tin cho một thế giới đang đánh mất dần niềm tin vào Thiên Chúa Yêu thương, bằng chính thái độ sống đức tin của người Kitô hữu, thái độ sống Thánh Thể của các vị chủ chăn. Như Đức Hồng y Martinez Somalo đã nói: “Việc Linh mục để cho Chúa Kitô sử dụng các tài năng trí khôn và ý chí của mình, sẽ không có ý nghĩa gì, nếu Linh mục đó không sống kết hiệp với Đức Kitô, không có cùng tâm tình của Chúa. Vị Linh mục không thể làm cho lịch sử nhân loại trở thành mầu nhiệm ân sủng, qua việc ban phát các Bí tích, nếu không để cho mầu nhiệm ân sủng hướng dẫn đời sống mình”[38].
________________________________________
[1] Thánh bộ Phụng tự, Huấn thị Redemptionis sacramentum, số 37.
[2] Đức Bênêđictô XVI, Tông huấn Sacramentum caritatis, số 70.
[3] Đức Bênêđictô XVI, Tông huấn Sacramentum caritatis, số 70.
[4] Đức Bênêđictô XVI, Tông huấn Sacramentum caritatis, số 71.
[5] Đức Bênêđictô XVI, Tông huấn Sacramentum caritatis, số 71.
[6] Đức Bênêđictô XVI, Tông huấn Sacramentum caritatis, số 72.
[7] Đức Bênêđictô XVI, Tông huấn Sacramentum caritatis, số 73.
[8] Đức Bênêđictô XVI, Tông huấn Sacramentum caritatis, số 73.
[9] Đức Bênêđictô, Bài giảng ngày 19-03-2006, AAS 98 (2006), tr. 324.
[10] Đức Bênêđictô XVI, Tông huấn Sacramentum caritatis, số 79.
[11] Đức Bênêđictô XVI, Tông huấn Sacramentum caritatis, số 79.
[12] Đức Gioan Phaoloô II, Thông điệp Ecclesia de Eucharistia, số 80.
[13] Đức Bênêđictô XVI, Tông huấn Sacramentum caritatis, số 80.
[14] Đức Bênêđictô XVI, Tông huấn Sacramentum caritatis, số 80.
[15] Đức Bênêđictô XVI, Tông huấn Sacramentum caritatis, số 80.
[16] Đức Bênêđictô XVI, Tông huấn Sacramentum caritatis, số 81
[17] Đức Bênêđictô XVI, Tông huấn Sacramentum caritatis, số 81.
[18] Đức Goan Phaolô II, Tông huấn Vita consecrata, số 88.
[19] Đức Bênêđictô XVI, Tông huấn Sacramentum caritatis, số 84.
[20] Lineamenta, tài liệu chuẩn bị cho THĐGM thế giới 2005, số 71.
[21]Đức Bênêđictô XVI, Tông huấn Sacramentum caritatis, số 83.
[22] Đức Bênêđictô XVI, Tông huấn Sacramentum caritatis, số 85.
[23] Đức Bênêđictô XVI, Tông huấn Sacramentum caritatis, số 86.
[24] Đức Bênêđictô XVI, Tông huấn Sacramentum caritatis, số 86.
[25] Đức Bênêđictô XVI, Thông điệp Deus caritas est, số 18.
[26] Đức Bênêđictô XVI, Thông điệp Deus caritas est, số 18.
[27] Đức Bênêđictô XVI, Tông huấn Sacramentum caritatis, số 88.
[28] Đức Bênêđictô XVI, Tông huấn Sacramentum caritatis, số 89.
[29] Đức Bênêđictô XVI, Tông huấn Sacramentum caritatis, số 89.
[30] Đức Bênêđictô XVI, Tông huấn Sacramentum caritatis, số 90.
[31] Đức Bênêđictô XVI, Tông huấn Sacramentum caritatis, số 90.
[32] Đức Bênêđictô XVI, Tông huấn Sacramentum caritatis, số 91.
[33] Đức Bênêđictô XVI, Tông huấn Sacramentum caritatis, số 92.
[34] Trích trong bài “Trách nhiệm đối với Môi sinh” của P. Ph. Druet, do Ngô Thế Minh trình dịch qua Việt ngữ, in trong Hợp Tuyển Thần Học số 17 (1997).
Nguồn:http://www.htth.org/cac_so_bao.html#mucluc17.
[35] Tổng Giám Mục Roland Minnerath, Nhận định về Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế giới lần XI về Bí tích Thánh Thể,
nguồn:http://www.catholic.org.tw/vntaiwan/05news/tin324.htm.
[36] Đức Bênêđictô XVI, Tông huấn Sacramentum caritatis, số 96.
[37] Đức Bênêđictô XVI, Tông huấn Sacramentum caritatis, số 96.
[38] Hồng y Martinez Somalo, bài phát biểu trong phiên họp chung lần VI, vào ngày 6 tháng 10 năm 2005 của khóa họp Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế giới lần XI -2005, tại Rôma.