CỬ TRI PHÁP BẦU TỔNG THỐNG 2012 (5)

Khoảng 4,5 triệu cử tri người Pháp được mời tham gia bầu chọn Tổng thống sẽ được tổ chức vào ngày 22.04.2012 và, nếu không có ứng cử viên nào đạt được đa số tuyệt đối số phiếu hợp lệ, thì vòng hai sẽ diễn ra ngày 06.05.2012. Kế đến, ngày 10 và 17.06.2012, những cử tri này sẽ có dịp sử dụng lá phiếu để tự do gởi sự tín nhiệm về quyền làm luật của mình cho một ứng cử viên hầu trở thành Dân biểu Quốc hội.

Nhân những dịp trọng đại này, Đức Hồng y André VINGT-TROIS, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Pháp, và các Đức cha thành viên Ủy ban Thường vụ Hội đồng Giám mục, ngày 03.10.2011, đã đồng ký tài liệu ‘Những cuộc tuyển cử: một phiếu bầu cho xã hội nào ?’ (Élections : un vote pour quelle société ?) để trình bày quan điểm của những mục tử đối với Quê hương đến mọi người thiện tâm.

Hội đồng Giám mục Pháp dựa vào hai văn kiện sau để phổ biến tài liệu này:

- Luật phân biệt những Giáo hội và Quốc gia (loi de séparation des Églises et de l'État) ngày 09.12.1905 ;
- Hiến chế Mục vụ về Giáo hội trong Thế giới Ngày nay (Gaudium et Spes, Vui mừng và Hy vọng) ngày 07.12.1965. Xin được phép trích từ số 76, có tiểu đề ‘Cộng đoàn chính trị và Giáo hội’ :

« … Vì lý do chức vụ và thẩm quyền của mình, Giáo hội không cách nào bị đồng hóa với một cộng đoàn chính trị, và cũng không hề cấu kết với bất cứ hệ thống chính trị nào vì Giáo hội vừa là dấu chỉ vừa là đảm bảo cho tính cách siêu việt của Con người.
Cộng đoàn chính trị và Giáo hội, mỗi bên với lãnh vực riêng của mình, đều độc lập và tự trị. Tuy nhiên, dầu dưới danh hiệu khác nhau, cả hai cũng đồng phục vụ cho Con người trong sứ mệnh cá nhân và xã hội. Tùy theo hoàn cảnh và địa phương, nếu cả hai càng duy trì được sự cộng tác lành mạnh, thì cả hai càng phục vụ lợi ích của Con người một cách hữu hiệu hơn. »

« Khi rao giảng chân lý Phúc Âm và lấy giáo lý và chứng tá của cuộc sống các Kitô hữu soi sáng mọi lãnh vực của sinh hoạt con người, Giáo hội cũng tôn trọng và cổ võ tự do chính trị cũng như trách nhiệm của các công dân. »

« …, các thực tại trần thế và những thực tại siêu phàm nơi con người đều liên kết mật thiết với nhau. Và chính Giáo hội cũng xử dụng các thực tại trần thế tùy mức độ mà sứ mệnh riêng của mình đòi hỏi. Tuy nhiên, Giáo hội không cậy nhờ vào những đặc ân của thế quyền. »

« Được thiết lập trong tình yêu của Chúa Cứu Thế, Giáo hội có sứ mệnh làm cho công bằng và bác ái lan tràn trong mỗi dân tộc và giữa các dân tộc. Khi rao giảng chân lý Phúc Âm và lấy giáo lý và chứng tá của cuộc sống các Kitô hữu soi sáng mọi lãnh vực của sinh hoạt con người, Giáo hội cũng tôn trọng và cổ võ tự do chính trị cũng như trách nhiệm của các công dân. »

« … bất cứ ở đâu và bất cứ thời nào Giáo hội cũng phải được tự do rao giảng đức tin, truyền bá học thuyết xã hội của mình cũng như được dễ dàng chu toàn sứ mệnh của mình giữa loài người. Giáo hội cũng phải được quyền nói lên nhận định luân lý của mình về cả những vấn đề liên quan đến lãnh vực chính trị khi quyền lợi căn bản của con người hay phần rỗi các linh hồn đòi hỏi. Nhằm mục đích trên, Giáo hội xử dụng mọi phương tiện và chỉ những phương tiện nào phù hợp với Phúc Âm và lợi ích của mọi người tùy theo thời đại và hoàn cảnh khác nhau.
Trung thành theo sát Phúc Âm và thi hành sứ mệnh của mình trong thế giới, Giáo hội phải cổ võ và nâng cao bất cứ điều gì là chân, thiện, mỹ trong cộng đoàn nhân loại. Làm như thế tức là Giáo hội xây dựng hòa bình cho con người để làm vinh danh Thiên Chúa. »

Ngoài ra, nước Pháp, cũng như tại các quốc gia dân chủ khác, các cuộc tuyển cử được tổ chức với ít nhất hai ứng cử viên thì cử tri mới có quyền tự do chọn, các Giám mục có thể hướng dẫn những người thiện chí. Ở một nước độc đảng, như Việt Nam, thì làm sao có thể chọn để bầu. Hơn nữa, Mặt trận tổ quốc đã lựa sẵn. Kết quả, các đại biểu Quốc hội ít biết đề nghị luật.

* * *

LỜI CÁC ĐỨC GIÁM MỤC PHÁP

Trong những tháng tới, chúng ta sẽ quan tâm nhiều đến việc chuẩn bị hai cuộc tuyển cử Tổng thống và Quốc hội.

Chúng ta đang trải qua thời kỳ khủng hoảng toàn cầu ảnh hưởng đến tất cả các quốc gia Tây phương trong nhiều thập niên, kể cả nước Pháp. Những hậu quả từ cuộc khủng hoảng tài chính bùng phát khắp thế giới từ tháng 09.2008 vẫn chưa chấm dứt. Sự mất cân đối này cộng với những khó khăn xã hội và chính trị đưa tới ảnh hưởng là sự biến đổi nhanh chóng và sâu xa của xã hội cùng mọi cấu trúc để tổ chức đời sống xã hội này.

Theo ý kiến chúng tôi, có ba trong nhiều yếu tố gây nên sự biến đổi này, đáng được sự lưu ý của chúng ta:

- Đầu tiên, sự phát triển ngoạn mục của kỹ thuật khoa học và đang còn tiếp tục. Nó thúc đẩy hình thành các dự án hay thực hiện những ý tưởng, cho đến nay, chỉ còn ở giai đoạn của những giấc mơ hay cơn ác mộng. Như vậy, sự cải tiến kiến thức và sự hiểu biết về cuộc sống gây nên những ước muốn mà không gì có thể chận lại được. Do đó, khẩn cấp và cần thiết là con người phải nhận biết mình là ai, và xác định các điều kiện của riêng mình. Thiếu hiểu biết chính xác về nhân phẩm, họ bị mê hoặc bởi quyền lực không thể lay chuyển về khoa học để mưu tìm giải pháp cho tất cả những vấn đề của họ, mà quên nhìn xem những gì có thể quay lại chống chính họ.

- Yếu tố thứ hai của sự biến đổi là chấm dứt tính đồng nhất văn hóa của xã hội chúng ta. Rất lâu trước khi sự thật về toàn cầu hóa được nhận biết và thảo luận, các quốc gia Tây Âu đã có kinh nghiệm sống với những làn sóng người nhập cư khác nhau. Do đó, bây giờ họ có thể cùng tồn tại, do bình đẳng về quyền lợi, giữa những người dân có nguồn gốc sắc tộc, tôn giáo và văn hóa thật đa dạng. Đối với những công dân chính gốc, điều này có thể tạo nơi họ cảm giác bất ổn định, thật tế nhị để sống. Còn với nhiều người mới tới thì như có cảm giác không được tiếp đón tốt và không thể tìm thấy một chỗ đứng trong xã hội mà cũng không thể rời bỏ nó để ra đi.

- Sau cùng, trong xã hội chúng ta, người dân luôn đòi thêm quyền lợi mà không quan tâm đến những bổn phận. Chúng ta đang chứng kiến một phong trào đã có từ lâu nhằm tăng tự do cá nhân để góp phần làm tăng ý thức trách nhiệm mỗi người. Nhưng cá nhân chủ nghĩa, cuối cùng, đã làm tan rã đời sống xã hội, khi từng người suy tưởng rằng mọi vật chung đều vì lợi ích của chính họ. Công ích sẽ gặp nguy cơ nếu bị nhầm lẫn với tổng số những lợi ích các cá nhân.

Những biến đổi này đặt nghi vấn cho chúng ta quan niệm về Con người, phẩm giá và ơn gọi của mình. Những lãnh đạo hành pháp và lập pháp đang đối mặt với những vấn đề mới. Sự bùng phát những quy chiếu về luân lý luôn dựa trên một tiêu chuẩn đạo đức cao trọng hơn trong việc xây dựng luật. Vì những đạo luật có một địa vị quan trọng mà nhà làm luật phải quan tâm hơn những sự thay đổi về lối sống (évolution des mœurs).

Trong bối cảnh này, bổn phận các Giám mục là nhắc lại sự quan trọng mà Giáo hội, từ nguyên thủy, vẫn công nhận các chức năng chính trị. Trong một nền dân chủ đại diện, lá phiếu là phương tiện mà mỗi cử tri có thể dùng để tham gia thực thi quyền lực. Do đó, điều cần thiết là sử dụng một cách thật trang nghiêm. Đầu phiếu không chỉ đơn giản là một thói quen, vì thuộc một giai cấp xã hội hoặc lợi ích riêng biệt, nhưng cần phải lưu tâm đến những thách thức hiện tại và nhằm vào những gì mà chúng ta có thể thực hiện với nhau để đời sống được tốt và có tình người hơn cho mọi người.

Là Kitô hữu, chúng ta phải tự tin: các cuộc khủng hoảng đang tiếp diễn nơi xã hội chúng ta có thể là cơ hội cho sự đổi mới và những kinh nghiệm để chuyển hướng trong tương lai. Chúng không thể ngăn cản chúng ta luôn nhằm và, trong mọi trường hợp, tôn trọng phẩm giá mỗi người, chú ý đến yếu kém, phát triển sự hợp tác với các nước khác, và mưu tìm công lý và hòa bình cho mọi dân tộc.

Tuy nhiên, chúng ta không thể mong đợi chính quyền nhiều hơn những gì họ có thể cung cấp. Bầu cử một Tổng thống và lựa chọn những Dân biểu sẽ không đủ để đáp ứng những thách thức mà chúng ta phải đối phó hiện nay. Sự bất thăng bằng hiện tại, với những tầm vóc xã hội, văn hóa và kinh tế của họ, mà chúng ta cần thẩm lượng sự đóng góp đáng kể vào việc sản xuất công nghiệp và của xã hội tiêu thụ, còn nhiều hạn chế và những yếu điểm. Lối sống của chúng ta trong vài thập kỷ gần đây không thể giống như tại mọi quốc gia trên thế giới, hoặc thậm chí giữ nguyên mãi tại chính nước Pháp.

Từ lâu, cùng với những nhân vật khác, các Đức Thánh Cha và Giám mục mời gọi mỗi người xem xét lại lối sống của mình, chú trọng hơn để tìm kiếm và thúc đẩy sự ‘phát triển toàn diện’ cho mọi người. Bằng những từ ngữ khác nhau, nhưng cũng chỉ là những lời mời về một sự thay đổi lối sống. Kitô hữu, về nhiều phương diện, chúng ta có nhiều cơ hội tốt hơn nhiều người khác để lựa chọn sự thay đổi này hơn là chỉ phải chịu đựng.

Chúng tôi kèm theo thư này một tài liệu chi tiết một vài điểm quan trọng cần lưu tâm khi đi bầu cử. Mỗi công dân, từng người trong chúng ta, do đó, cần đọc kỹ các chương trình và dự án những chính đảng hay các ứng cử viên để xem họ giải quyết những điểm này như thế nào và liệu những tiếp cận này có phù hợp hay không với xã hội mà chúng ta đang sống, trước khi chúng ta đến các điểm bỏ phiếu. Những điểm khác, tất nhiên, có thể được thêm vào đó. Theo thứ tự ưu tiên của những điểm khác nhau này mà chúng ta đầu phiếu.
Trong thời gian tranh cử, chúng ta phải thận trọng trước những thông tin đầy hứa hẹn, đừng để bị lôi cuốn bởi những vu khống hay nói xấu và hãy tìm kiếm, với sự thận trọng có thể, đâu là sự thật và những gì là đúng.

Khi gởi đến quý vị văn thư này trước khi chiến dịch tranh cử bắt đầu, chúng tôi tin rằng đáp ứng sự mong đợi của nhiều người. Hãy nguyện cầu cho ước muốn vì lợi ích chung chiếm ưu thế trong sự lựa chọn của chúng ta và nơi những công dân đồng bào khác.

* * *

HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC PHÁP
Các cuộc Tuyển cử 2012

Các yếu tố nhận định.
Nhờ sự chiêm niệm nơi Đức Kitô, Giáo hội rút ra một nhãn quan mạch lạc về Con người trong mọi chiều kích, không thể tách rời nhau. Nhãn quan này có thể hướng dẫn và đánh giá những dự án mà một xã hội phải tự cung cấp.

Đời sống thai nhi.
Mỗi người là duy nhất duới mắt Thiên Chúa. Sự cam kết của các Kitô hữu không chỉ được quyết định bởi sự đạo đức, nhưng bởi tình yêu vào đời sống mà không vì bệnh tật hay tuổi tác có thể làm giảm bớt. Điều yêu cầu là cơ quan công quyền từ chối sự dụng cụ hóa phôi thai. Cũng vậy, việc phá thai không bao giờ có thể được trình bày như là một giải pháp cho các bà mẹ gặp khó khăn. Kitô hữu phải theo dõi để xã hội phải có những nỗ lực lớn hầu tiếp nhận đời sống mới (hài nhi).

(Còn tiếp)