TOKYO - Các nhà sản xuất và chế biến thủy sản Việt Nam tham dự hội chợ thương mại ở Nhật với hy vọng tìm cơ hội đưa các sản phẩm từ cá da trơn vào thị trường khó tính này.

Có khoảng 38 người, thuộc 13 công ty chuyên xuất khẩu tôm, cá, mực, tham dự hội chợ. Trong số này, có một số công ty chủ yếu xuất khẩu cá tra, cá ba sa.

Hội chợ do Hiệp hội thủy sản Nhật Bản tổ chức từ 16 đến 18-7. Đoàn các công ty Việt Nam thuê gian hàng và trưng bày sản phẩm tại đây.

Cũng có một hội thảo do Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật tổ chức ngay tại sứ quán, đồng thời có phần ẩm thực cá tra, cá ba sa để giới thiệu với phía Nhật.

Thời gian qua, giá cá da trơn ở Việt Nam đã giảm sau khi Bộ Thương mại Hoa Kỳ quyết định áp dụng mức thuế nhập rất nặng đối với mặt hàng này từ Việt Nam, gây khó khăn cho các nhà sản xuất Việt Nam.

Còn Nhật là một nước nơi người dân không chỉ ăn nhiều cá mà người dân còn đánh cá rất nhiều. Vậy có hi vọng để cá tra, cá ba sa và các loại thủy sản Việt Nam vào được thị trường Nhật không?

Đài BBC đã hỏi ông Trương Đình Hòe, phó tổng thư ký Hiệp hội chế biến & xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP):

Nói chung thị trường Nhật vẫn được đánh giá là thị trường rất kén chọn về thủy sản. Hơn nữa, người Nhật cũng rất sành và chọn lọc trong việc ăn các sản phẩm cá, đặc biệt cá nước ngoài. Nên cá tra Việt Nam đến nay chỉ mới xâm nhập một phần nhỏ thông qua các hình thức như tẩm bột hoặc một số sản phẩm chế biến sẵn. Một khía cạnh khác là phục vụ cho cộng đồng người Việt hoặc người các nước lân cận Việt Nam mà hiện sống ở Nhật. Bây giờ nếu làm tốt công tác quảng bá, giới thiệu tương đối kỹ quy trình nuôi, quy trình và cách thức chế biến hay những cách khác giúp người Nhật biết về chất lượng cá thì hi vọng có thể mở ra một triển vọng.

BBC: Phía các ông đã định ra các biện pháp cụ thể để làm marketing tại thị trường Nhật chưa?

Hiện tại thì chưa, chúng tôi chỉ mới đi bước đầu tiên. Sau chuyến đi này, nếu đánh giá có khả năng tiến tới, chúng tôi sẽ lập kế hoạch cụ thể. Một kế hoạch chi tiết hơn để thâm nhập thị trường một cách bài bản hơn.

BBC: Liệu hướng đi này có cân bằng lại được sau những trục trặc về cá ba sa xuất khẩu sang Mỹ không?

Chắc chắn không phải ngày một, ngày hai mà làm được. Nhưng điều chúng tôi hi vọng là làm sao gia tăng sản lượng xuất khẩu, chứ còn hi vọng cân bằng với thị trường Mỹ là điều rất khó. Bởi vì quá trình hình thành thị trường phụ thuộc thị hiếu người tiêu dùng vốn đã xác lập tương ̣đối lâu. Thành ra không thể nói sớm được, mà phải có thời gian.

BBC: Ông có thể cho biết sau khi cá ba sa xuất khẩu sang Mỹ bị xuống, thiệt hại là khoảng bao nhiêu?

Hiện nay chúng tôi chưa có thống kê chính thức, nhưng rõ ràng gặp một số không ít các khó khăn. Với mức đánh thuế như vậy, mặc dù chúng tôi đang cố gắng giữ giá để có thể mua được nguyên liệu của nông dân, nhưng rõ ràng người nông dân cũng bắt đầu cảm thấy khó khăn với giá thấp rồi. Còn số liệu cụ thể thì chắc còn cần phải có thời gian.(BBC)