THANH HÓA - Sau khi tạm biệt điểm cực bắc giáo phận – giáo xứ Tam Tổng, đoàn tháp tùng Đức Tổng Giám Mục Leopoldo Girelli đưa Ngài đến với trái tim của giáo phận xứ Thanh – Tòa giám mục Thanh Hóa. Bất chấp cơn mưa và gió lạnh, các chú ứng sinh Tiểu chủng viện, cộng đoàn Dòng Mến Thánh Giá và rất đông giáo dân giáo xứ Chính tòa đã có mặt để chào đón Đức Tổng.

Xem hình ảnh tại Thanh Hóa

9 giờ 30 đoàn xe về tới Tòa Giám Mục trong tiếng vỗ tay, tiếng hát chào mừng của mọi người.

Đây là nơi Đức Tổng nghỉ ngơi sau một ngày với những sự kiện, với những biến cố, với những niềm vui và hạnh phúc chỉ có tại quê Thanh.

Chào đón tại giáo xứ Chính Tòa

Sáng ngày 02/12/2011, ngày thứ hai trong chuyến viếng thăm giáo phận Thanh Hóa của Đức Tổng, Đức Tổng đã đến thăm và chào hỏi chính quyền sở tại cùng với Đức Cha Giuse. Và Mặc dù Việt Nam chưa đặt quan hệ ngoại giao với tòa thánh Vatican, nhưng Đức Tổng và đặc biệt là Đức Thánh Cha vẫn mong muốn có thể đưa mối quan hệ ngoại giao giữa hai bên lên một bước mới. Với sự kiện Người đến chào chính quyền địa phương cho thấy thiện chí đó của tòa thánh, và cũng là nét đẹp trong lễ nghi của người có đạo.

Trong khi Đức Cha Giuse đưa Đức Tổng đi thăm cơ quan nhà nước tỉnh Thanh Hóa, thì tại giáo xứ Chính Tòa, cuộc đón tiếp đã được chuẩn bị chu đáo. Có lẽ bình minh đã bừng dậy tại giáo xứ mẹ Chính Tòa từ khi được biết Đức Tổng sẽ chủ tọa thánh lễ nơi đây. Mới sớm mai nhưng tiếng nhạc đã vang lên rộn ràng, người người kéo nhau đến với nhà Chúa trong tâm trạng hân hoan.

So với cuộc đón tiếp tại Tam Tổng thì đây mới là lần đón tiếp chính thức của giáo phận. Giáo xứ Chính Tòa – giáo xứ mẹ, trái tim, trung tâm của giáo phận đã mở rộng vòng tay liên đới để chào đón vị đại diện của Đức Thánh Cha. Và thêm một lần nữa những lá cờ Vatican tung bay trên tay của bà con giáo dân.

Trong đoàn đón có cả đội cồng chiêng của giáo xứ Phong Ý, gồm các bà các mẹ, các cô, các chị trong những bộ trang phục truyền thống của người Mường. Rồi đội kèn đồng Tam Tổng cả nam và nữ đều có mặt rất sớm. Như máu chảy về tim, những nét tinh túy của cả giáo phận chảy về với giáo xứ mẹ. Và rồi thánh lễ ngày hôm nay chính là thỏa niềm mong mỏi của tất cả chiên lành xứ Thanh.

Gần 9 giờ, đoàn xe đón Đức Tổng từ quốc lộ 1A tiến vào nhà thờ trong niềm vui, tiếng đàn, tiếng ca, tiếng kèn vang lừng và hàng nghìn lá cờ Vatican tung bay phấp phới. Đức Tổng, Đức Cha Giuse, đứng trên xe vẫy chào mọi người. Được tận mắt chứng kiến, tận mắt nhìn thấy Đức Tổng bằng da bằng thịt khiến cho nhiều người không tránh khỏi xúc động. Có nhiều người vì không cầm lòng được mà cố băng mình xuống, chỉ mong được gần Đức Tổng thêm một chút nữa. Có lẽ Đức Tổng cũng hiểu được những tình cảm đó, Người cười nhiều hơn, vẫy tay nhiều hơn tới tất cả mọi người.

Trước khi thánh lễ diễn ra, Đức Cha Giuse đã gói gọn những thông tin cần thiết về giáo phận Thanh Hóa, về niềm vui và tự hào vì được đón tiếp Đức Tổng của giáo dân xứ Thanh nói riêng và giáo dân xứ mẹ Chính Tòa nói riêng. Giáo phận Thanh Hóa đã trải qua quá trình phát triển gần 80 năm. Gần 80 năm đó có biết bao nhiêu biến cố, thăng trầm và có những giai đoạn tưởng chừng như gục ngã, nhưng giáo phận Thanh Hóa vẫn có được ngày hôm nay, với hơn 138 ngàn giáo dân, hơn 80 linh mục và còn biết bao nữ tu, chủng sinh đang chờ ngày được Chúa đón vào Nhà Chúa, vác thập giá mình vì Chúa. Đó là sự cố gắng hết mình, là sự nhiệt thành tin yêu Chúa và hơn hết là sức mạnh chân lý sự thật, sự đồng hành của Chúa Thánh Thần mà giáo phận Thanh Hóa có ngày hôm nay. Tuy nhiên, cũng còn đó “những khó khăn mà chúng con không khắc phục được. Chúng con chưa có được sự hiện diện đông đảo của các dòng tu trên cánh đồng truyền giáo của giáo phận. Hiện chỉ có một dòng giáo phận duy nhất là dòng Mến Thánh Giá và hai cộng đoàn dòng Saint Paul de Chartres đang hoạt động trong giáo phận. Tỷ lệ công giáo trên toàn tỉnh chỉ có 2,7 % nên sứ mệnh truyền giáo của chúng con còn rất lớn lao. Chúng con cũng phải đối phó với hiện tượng chảy máu nhân sự trẻ. Vì thu nhập kinh tế tại đây không đủ bảo đảm cuộc sống, hàng vạn người trẻ của giáo phận chúng con đành phải từ giã quê hương đi tìm công ăn việc làm ở miền Nam hoặc tại các thành phố công nghiệp, bỏ lại sau lưng gia đình, giáo xứ và bao nhiêu sinh hoạt mục vụ”.

Và Đức Cha Giuse cũng thay mặt cho cộng đoàn dân Chúa Thanh Hóa hi vọng Đức Tổng“thêm lời cầu nguyện cho chúng con, nhất là trong bối cảnh chúng con đang chuẩn bị tổ chức năm thánh kỷ niệm 80 năm thành lập giáo phận. Cùng với những tâm tình vui buồn sướng khổ chúng con vừa chia sẻ, chúng con xin hứa với Đức Tổng và qua Đức Tổng, chúng con xin hứa với Đức Thánh Cha, rằng chúng con vẫn son sắt giữ vững mối dây hiệp thông với Giáo Hội hoàn vũ, chúng con sẽ mãi trung thành với đức tin công giáo và sau cùng, chúng con xin thưa với Đức Tổng rằng chúng con luôn chờ đợi ngày Đức Tổng trở lại thăm giáo phận chúng con”.”.

Sau khi Đức Cha có đôi lời, Đức Tổng cũng có lời chào cộng đoàn bằng tiếng Việt. Những tiếng vỗ tay không ngứt biểu lộ xúc động khi được sứ thần tòa thánh nói tiếng Việt Nam. Điều đó nói lên sự trân trọng, yêu quí giáo hội Việt Nam của giáo hội hoàn vũ.

Sau lời chào mừng của Đức Cha Giuse, các em nhỏ của giáo xứ Chính tòa đã góp vui cho chương trình chào đón bằng tiết mục văn nghệ: “Em là bông hoa nhỏ”. Bông hoa các em dâng nhỏ bé, đơn sơ nhưng quí giá và trong sáng vô cùng. Đó cũng chính là tấm lòng của giáo dân giáo xứ Chính Tòa gửi tới Đức Tổng. Tuy rằng đơn sơ, bé nhỏ nhưng chúng con yêu Chúa và trung thành với Chúa suốt đời.

Xác tín điều đó, hàng ngàn giáo dân có mặt trong thánh lễ hôm nay, cùng với Đức Tổng, Đức Cha Giuse, quí cha, quí Sơ, quí chú Tiểu Chủng viện Lê bảo Tịnh hiệp thông dâng lên Thiên Chúa Ba Ngôi thánh lễ của sự hiệp nhất thiêng liêng.

Thánh lễ cầu cho sự hiệp nhất do Đức Tổng chử sự

“Xin cho mọi người hiệp nhất nên một” là câu linh hướng của giáo phận Thanh Hóa. Hôm nay trên lễ đài, hai dòng chữ hai bên ghi lại câu nói của Chúa Giêsu với các môn đệ khi xưa: “Các con hãy yêu thương nhau như Thầy yêu thương các con”. Tình yêu là sợi dây liên kết con người vững chắc nhất và bền bỉ nhất. Đó cũng là nguồn gốc của tình liên đới, của sự hiệp nhất. Có thể con người trên trái đất khác nhau về biên giới lãnh thổ, về màu da, về tiếng nói nhưng nụ cười thân thiện, hành động yêu thương, san sẻ khi khó khăn… thì ai cũng có thể hiểu được. Vì lẽ dĩ nhiên đó, tình yêu là ngôn ngữ chung của cả nhân loại. Đức Tổng thêm một lần nữa khẳng định điều đó trong bài giảng của Người. Đức Cha Giuse đã mang lời giảng của Đức Tổng đi vào lòng giáo dân bằng phiên bản Việt ngữ.

“Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần chỉ là một bởi vì Thiên Chúa là tình yêu, mà tình yêu là sức mạnh tuyệt đối bảo đảm sự sống. Sự hiệp nhất do tình yêu tạo ra thì cao sâu hơn sự hiệp nhất vật lý bình thường.

Chúa Cha thông ban mọi sự cho Chúa Con; Chúa con đón nhận mọi sự từ Chúa Cha với niềm tri ân và Chúa Thánh Thần là hoa quả tình yêu của Chúa Cha và Chúa Con… Đức tin của nhứng người mù trong câu chuyện Tin Mừng hôm nay đã mở mắt cho họ. Cũng thế, đức tin có thể mở mắt cho chúng ta thấy tình yêu của Thiên Chúa đang hoạt động giữa chúng ta.

Kho tàng thực sự của chúng ta đã là và sẽ mãi là đức tin. Đức tin đó tạo ra một cộng đoàn thực sự hiệp nhất… Giới răn yêu thương của Chúa Giêsu chính là con đường để đạt tới sự hiệp nhất trong đức tin như một lời đáp trả tình yêu Ba Ngôi của Thiên Chúa.

Trong bầu khí hiệp thông cao độ chung qua hy tế thánh lễ, chúng ta hãy cam kết với nhau một lần nữa rằng chúng ta sẽ hiệp nhất với nhau mãi mãi.



Xin Đức Mẹ La Vang và các Thánh Tử Đạo Việt Nam phù hộ cho Giáo phận Thanh Hóa. Amen”.

Thiên Chúa đã mỉm cười với giáo xứ Chính Tòa bằng ánh nắng chan hòa, bằng hơi ấm tỏa lan, bầu trời cao trong xanh, bóng bay lửng lơ với mây trắng.

Pháo giấy và pháo sáng làm cho không khí ngày hội thêm rạo rực lòng người.

Thay mặt cộng đoàn, Cha Tổng đại diện – Phêrô Vũ Tiến Phúc tri ân Đức Tổng, vì sự hiện diện của Người. Cảm tạ tình yêu và sự quan tâm của giáo hội hoàn vũ dành cho giáo hội Việt Nam. Và còn biết bao niềm hạnh phúc của chúng con – đoàn chiên mong mỏi được gặp đại diện tòa thánh, đại diện Đức Thánh Cha. Không lời nào có thể diễn tả hết được tình cảm và sự biết ơn của chúng con. Vì vậy, xin được gói trọn tâm tình vào những bông hoa tươi thắm và kỷ vật trống đồng Đông Sơn – đặc trưng của xứ Thanh kính dâng Đức Tổng. Hi vọng rằng chiếc trống này sẽ đồng hành cùng Đức Tổng như giáo dân Thanh Hóa, giáo phận Thanh Hóa luôn mãi bên Người và Người mãi ở lại trong trái tim chúng con.

Một lần nữa, Đức Tổng hô vang “Thanh Hóa tuyệt vời” bằng tiếng Việt. Lại thêm một ngày vui, một ngày ý nghĩa, một ngày tràn đầy hồng ân Chúa trên quê hương Thanh Hóa thân thương…

Nghi lễ chào mừng TGM Girelli đến Thanh Hóa

Như một cánh én báo hiệu mùa xuân, sự kiện Đức Tổng Giám Mục Leopoldo Girelli đến thăm Giáo phận Thanh Hóa trở thành một biến cố trọng đại, báo hiệu mùa vui, mùa hồng phúc tràn đầy trên cánh đồng Kitô hữu xứ Thanh. Thế là một xuân nữa lại sắp về với những ý nghĩa thiêng liêng, rộn ràng tiếng hát, tiếng ca, rợp cờ Vatican, và những nụ cười không bao giờ tắt…

Xem hình ảnh

Trong những ngày vừa qua, Đức Tổng Giám Mục Leopoldo Girelli đã có dịp ghé thăm các giáo phận Hưng Hóa, giáo phận Thái Bình, giáo phận Phát Diệm… và điểm dừng chân tiếp theo của Ngài chính là giáo phận Thanh Hóa. Đây là niềm mong chờ, háo hức của không biết bao giáo dân quê Thanh. Ngài sẽ thăm giáo phận Thanh Hóa từ ngày 01/12 – 03/12/2011. Điểm dừng chân đầu tiên sẽ là điểm cực bắc của giáo phận – giáo xứ Tam Tổng.

Xuất phát từ lúc 4 giờ sáng ngày 01/12, đoàn xe đi rước Đức Tổng bao gồm Đức Cha Giuse Nguyễn Chí Linh – giám mục giáo phận Thanh Hóa, cha Tổng Đại Diện, quý cha Hạt và đại diện quý giáo dân đã lên đường tới với giáo phận Thái Bình. Sự tráng lệ và không kém phần long trọng của ngày đại lễ kỷ niệm 75 năm thành lập giáo phận Thái Bình kết hợp với lễ truyền chức linh mục và mừng thượng thọ bát tuần Đức Cha Phanxico đã để lại ấn tượng sâu sắc cho đoàn Thanh Hóa. Sự có mặt của Đức Cha Giuse không chỉ là nghi thức chào đón Đức Tổng mà còn là sự hiệp thông chân thành của giáo phận Thanh Hóa với giáo phận bạn, giáo phận chủ nhà. Những cơn mưa mang theo hơi lạnh của gió đông bất chợt đổ xuống, nhưng thánh lễ vẫn diễn rất trang nghiêm và sốt sắng.

Đúng 13 giờ, đoàn xe đã đón được Đức Tổng Giám Mục Leopoldo Girelli, đưa Ngài về với quê Thanh. Trời vẫn mưa, và gió lạnh vẫn không ngừng thổi. Nhưng trong trái tim của đoàn rước, một ngọn lửa được nhen lên: ngọn lửa của niềm vui, niềm tự hào dẫn đường Đức Tổng tới với quê hương Thanh Hóa thân yêu. Ở nơi đó có hàng ngàn người đang chờ đợi sự hiện diện của Đức Tổng Giám mục đại diện của Đức Thánh Cha – Sứ giả ban phép lành cho giáo dân Thanh Hóa.

Chạm Dốc Xây, điểm giao giữa Ninh Bình và Thanh Hóa, khoảng 40 chiếc xe ô tô nối đuôi nhau đã đứng chờ ở đó với những lá cờ Vatican tung bay. 40 xe tháp tùng do cha Antôn Trịnh Đình Thiệu dẫn đầu nhanh chóng mở đường, để xe Đức Tổng tiến sâu vào địa phận Thanh Hóa.

Chưa bao giờ có một cuộc đón tiếp nào long trọng hơn thế. Dưới cơn mưa lạnh buốt, những chiên lành đứng dưới mưa, vẫy cao lá cờ Vatican chào đón Đức Tổng Giám Mục, đại diện không thường trú của Tòa thánh tại Việt Nam.

Trên đường tới Nga Sơn, đoàn xe tháp tùng đi qua giáo họ Đa Nam – mảnh đất có đạo đầu tiên trong cuộc viếng thăm Thanh Hóa của Đức Tổng. Cha quản họ Phaolo Trần Quang Kính cùng với giáo dân xếp thành hai hàng bên đường, trên tay giương cao ngọn cờ tòa thánh để chào đón Đức Tổng. Mọi người cố gắng chen lấn nhau chỉ vì muốn được một lần nhìn thấy sứ thần Tòa Thánh, một lần chạm tay Người.

Cửa ngõ đầu tiên in dấu chân Đức Tổng là Nga Sơn với cánh đồng cói, cánh đồng lúa đan xen. Đoàn xe gắn máy của giáo xứ Tam Tổng đã chờ sẵn tại thị trấn. Giữa cộng đoàn không cùng đức tin, tiếng kèn báo hiệu niềm vui vang lên. Người dân hai bên đường đổ ra xem, vẫy tay mặc dù không biết sự hiện diện của Đức Tổng mang đến những gì cho họ. Chỉ bởi vì không khí quá rộn ràng, có lẽ niềm vui cũng lan tỏa cùng không gian.

Suốt cả đoạn đường đi, Đức Tổng luôn dang rộng tay để chào người dân. Đó là một cử chỉ vô vùng thân thiện của Người. Đôi khi đi qua những người bên lương, họ đáp lại người với thái độ bỡ ngỡ. Nhưng nụ cười thì chẳng bao giờ tắt trên khuôn mặt Đức Tổng.

17 giờ, đoàn rước đã tới với giáo xứ Tam Tổng. Từ cầu Hói Đào cho đến nhà thờ giáo xứ, các bà, các mẹ trong tà áo dài thướt tha, cầm cờ đứng hai bên đường. Cái lạnh thấm vào khiến khuôn mặt trở nên kém tươi. Nhưng sự xuất hiện của Đức Tổng đã xóa đi tất cả. Hơi ấm được truyền ra, những khuôn mặt trở nên rạng rỡ, cơn gió lạnh kia trở thành phương tiện để ơn lành Chúa lan ra khắp mọi nơi.

Thánh lễ

Giáo xứ Tam Tổng là giáo xứ có số giáo dân lớn thứ hai của giáo phận Thanh Hóa với hơn 9 ngàn người. Nơi đây được coi là điểm cực Bắc của giáo phận. Thánh đường giáo xứ trở nên nhỏ bé trước biển người mênh mông. Không chỉ cộng đoàn giáo dân giáo xứ Tam Tổng mà còn có sự hiệp thông của toàn giáo hạt Nga Sơn, quí khách xa gần. Chưa bao giờ trong ngoài nhà thờ xứ lại có nhiều ô tô đến như vậy. Ngay cả những người bên lương cũng có mặt. Sự kiện Đức tổng thăm giáo xứ đã trở thành một sự kiện của cả huyện Nga Sơn. Trường học của xã Nga Liên cho phép các em nghỉ học ngày này. Điều đó cho thấy tầm quan trọng của ngày đại lễ. Điều này đã được Đức Cha Giuse khái quát trong bài chào mừng của người:

“Nơi Đức Tổng hiện đang có mặt là Giáo xứ Tam Tổng, với 9500 tín hữu, là giáo xứ đông thứ nhì trong giáo phận. Giáo xứ này thuộc giáo hạt Nga Sơn, là giáo hạt có tỉ lệ công giáo đông nhất trong toàn tỉnh. Chúng con chọn nơi này làm trạm đầu tiên để đón tiếp Đức Tổng vì chúng con nghĩ rằng tại đây, con số người được may mắn gặp Đức Tổng sẽ đông nhất và như vậy lời chào đầu tiên của giáo phận Thanh hóa cũng hùng hậu nhất.”

Đức Cha cũng thay mặt toàn thể giáo dân có mặt trong thánh lễ “cám ơn Đức Tổng đã đem phép lành và hơi ấm của vị Cha Chung Giáo Hội hoàn vũ về cho chúng con” – đoàn chiên giáo hạt Nga Sơn nói chung và giáo xứ Tam Tổng nói riêng. “Với những tâm tình đó, chúng con xin kính dâng Đức Tổng Đại Diện Đức Thánh Cha lời chào quý trọng nhất, thân thương nhất và vui mừng nhất của 138.000 người con giáo phận Thanh hóa”.

Thánh lễ được mang tên “cầu cho sự hiệp nhất do Đức Tổng Leopoldo Girelli chủ sự”. Những câu nói Tiếng Việt còn ngọng ngịu nhưng đủ để nói lên sự quan tâm, trân trọng giáo hội Việt Nam của Đức Tổng. Và bấy nhiêu thôi cũng đủ làm ấm lòng cộng đoàn dân Chúa đang đội mưa để tham dự thánh lễ.

Trong thánh lễ hôm nay, bên cạnh niềm vui được chào đón Đức Tổng Giám Mục Leopoldo Girelli, giáo xứ Tam Tổng còn vinh dự và vui mừng chào đón Đức Cha Giuse Nguyễn Năng – giám mục giáo phận Phát Diệm. Trên gian cung thánh của lễ đài, Đức Tổng sát cánh cùng hai Đức Cha dâng thánh lễ. Điều này không chỉ nói lên tình hiệp nhất của cộng đoàn dân Chúa với tòa thánh Vatican mà còn là tình hiệp nhất, tình huynh đệ của những cộng đoàn có cùng đức tin. Không phân biệt vị trí địa lý, ngôn ngữ hay màu da, chỉ cần có ánh sáng Chúa soi đường thì tất cả đều là bạn, đều là anh em của nhau.

Đức Cha Giuse thân yêu của giáo phận Thanh Hóa hôm nay trở thành người chuyển tải thông điệp bài giảng của Đức Tổng đến với cộng đoàn. Qua bài giảng, Đức Tổng đã bày tỏ niềm vui và tri ân quí Đức Cha, quí cha và cộng đoàn đã đón tiếp Ngài một cách “lịch thiệp”. Với ý nghĩa chủ đạo của thánh lễ, Đức tổng “mở rộng suy nghĩ chân tình” để chia sẻ tình hiệp thông của Giáo hội tới toàn thể cộng đoàn.

“Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nói rằng "tất cả mọi người lắng nghe lời nói và hành vi trên đó sẽ được giống như một người đàn ông hợp lý những người xây dựng nhà mình trên đá".

Ngôi nhà trên đá là Giáo Hội được thành lập bởi Chúa Giêsu trên Thánh Phêrô và các Tông Đồ khác, thống nhất trong một cộng đồng mạnh mẽ.

Hiệp thông và đoàn kết của họ là một điều kiện quan trọng để nâng cao độ tin cậy của Giáo Hội”.

Người cũng đã sơ qua lịch sử, tổ chức của Giáo hội công giáo. “Nó không phải là một cộng đồng được thành lập trên một thỏa thuận giữa các thành viên của nó cũng không phải chỉ đơn thuần là chia sẻ một dự án hay một lý tưởng mà là nó được thành lập trên sự hiệp thông sâu xa với Thiên Chúa. Đời sống của cộng đồng đầu tiên này, trên thực tế, được đánh dấu bằng Lời của Thiên Chúa được thông qua bởi các Tông Đồ”. Giáo hội có được sự hợp nhất là “sự hiện diện và hành động của Chúa Thánh Thần”.

Và trong thời đại có quá nhiều thách thức như hiện nay, khi mà sự thờ ơ, lạnh lùng trở nên phổ biến, Giáo hội là “một nhân chứng đáng tin cậy của đức tin và sự thống nhất khi đối mặt với những thách thức”. Giáo hội “phát huy các giá trị cơ bản như bảo vệ các sáng tạo, thúc đẩy lợi ích chung và hòa bình, sự thiêng liêng của cuộc sống và bảo vệ của các trung tâm của con người, các cam kết để vượt qua đói nghèo, mù chữ, và sự phân bố không đồng đều của hàng hoá”.

Giáo hội đánh giá cao vai trò của sự hiệp nhất, không chỉ của những người chăn chiên, của linh mục đoàn, của các thừa sai mà còn là toàn thể cộng đoàn dân Chúa. “Mỗi người trong chúng ta được kêu gọi đóng góp của mình để củng cố sự hiệp thông trong Giáo Phận Thân Hòa mà không bao giờ quên rằng sự hiệp nhất này là một món quà từ Thiên Chúa được gọi liên tục.

Anh em chị em thân mến, tin tưởng vào sự chuyển cầu của Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ của Chúa Kitô và Mẹ Giáo Hội, chúng ta do đó gọi món quà của sự hiệp nhất.Amen”.

Thánh lễ tiếp tục trong sự trang nghiêm, sốt sắng. Chút ánh sáng ban ngày đã vội tắt để nhường cho muôn ngàn ánh sáng lung linh trên những ngọn cây, trên lễ đài… Và có lẽ còn ở đó là ánh sáng đẹp nhất, sáng nhất, ánh sáng ấm cúng của tấm lòng con người, của trái tim cộng đoàn hướng về Đức Tổng – Người đại diện cho Đức Thánh Cha chia sẻ ơn lành cho họ. Những cơn mưa dai dẳng như muốn thách thức sức chịu đựng của con người, cứ mưa rồi lại tạnh, tạnh rồi lại mưa. Và những cơn gió mạnh mẽ không ngừng thổi tung những mảnh vụn pháo giấy lên cao.

Kết thúc thánh lễ, cha trưởng hạt Nga Sơn Giuse Trần Xuân Mạnh, thay mặt cộng đoàn nói lên tâm tình với Đức Tổng. Trong những lời nói giản dị đơn sơ của cha có ẩn chứa niềm vui sướng tột cùng, niềm hạnh phúc thiêng liêng của giáo dân trong hạt Nga Sơn khi được chào đón Đức tổng. Ngày hôm nay đã đi vào lịch sử giáo hạt, lịch sử giáo phận, lần đầu tiên được biểu lộ tình con thảo đối với Đức Thánh Cha Bênêđitô XVI qua Đức Tổng.

Đáp lại, Đức Tổng có đôi lời với những ai tham gia thánh lễ. Người chào mọi người bằng tiếng việt. Người đã ngạc nhiên về sự đón tiếp nồng hậu của mọi người nơi đây. Người cảm thấy hạnh phúc khi đến thăm Tam tổng “ Tôi thấy lá cờ Vatican nhiều hơn cả ở Rôma”. Qua Tam Tổng, người thấy được cánh cửa trái tim Thanh Hóa mở rộng để chào đón Đức Cha, chào đón ơn lành của Thiên Chúa. “Gió rất lạnh nhưng trái tim thì rất ấm”. Và với Người, cơn gió lạnh vô tình trở thành điểm tựa cho sự tỏa lan ơn Chúa, cho nguồn nhiệt sưởi ấm chiều tối đông lạnh. Và cuối cùng, cùng với Đức Cha Giuse Người hô to: “Tam Tổng tuyệt vời”.

Như một dòng điện chạy qua, cả biển người cùng hò reo, cùng vỗ tay tán thưởng. Cảm ơn Đức Tổng vì thiện tình của Người. Chỉ một câu nói thôi đủ làm tan đi cái lạnh đang xâm lấn và làm sống dậy nguồn ân phúc dồi dào từ niềm tin Kitô giáo.

Những đôi mắt long lanh, những cái nhìn chứa chan tình cảm, những nụ cười, những tiếng vỗ tay, những câu ca, tiếng hát … vang lên không ngừng. Mọi người ra về với bị đầy hồng ân.

Diễn Từ Chào Mừng Của Đức Cha Giuse Nguyễn Chí Linh Nhân Chuyến Viếng Thăm Giáo Phận Thanh Hóa của TGM Girelli Từ 01 Đến 03-12-2011.

Trọng kính Đức Tổng Giám Mục Leopoldo Girelli,

Đại Diện của Đức Thánh Cha Bênêđitô XVI tại Việt Nam,

Chương trình viếng thăm giáo phận Thanh hóa của Đức Tổng chỉ kéo dài gần hai ngày, từ 15g ngày 01-12 đến 13g ngày 03-12-2011. Tuy thời gian chỉ vắn vỏi có thế, chúng con cũng cố gắng xếp đặt thế nào để Đức Tổng có thể đi xuyên qua và chúc lành cho khắp lãnh thổ giáo phận chúng con, ít là tại ba tụ địa điểm quan trọng nhất: hôm nay Đức Tổng thăm vùng cực Bắc, nơi giáp ranh với giáo phận Phát Diệm; ngày mai 02-12, Đức Tổng sẽ cử hành lễ tại nhà thờ chính tòa trung tâm giáo phận và ngày cuối cùng, ngày 03-12-2011, Đức Tổng sẽ thăm giáo xứ Ba Làng thuộc vùng cực nam của giáo phận.

Nơi Đức Tổng hiện đang có mặt là Giáo xứ Tam Tổng, với 9500 tín hữu, là giáo xứ đông thứ nhì trong giáo phận. Giáo xứ này thuộc giáo hạt Nga Sơn, là giáo hạt có tỉ lệ công giáo đông nhất trong toàn tỉnh. Chúng con chọn nơi này làm trạm đầu tiên để đón tiếp Đức Tổng vì chúng con nghĩ rằng tại đây, con số người được may mắn gặp Đức Tổng sẽ đông nhất và như vậy lời chào đầu tiên của giáo phận Thanh hóa cũng hùng hậu nhất.

Chúng con vô cùng biết ơn Đức Tổng đã nhận lời về thăm giáo xứ chúng con. Đây là một vùng nông thôn xa xôi, đa số chỉ làm những nghề khiêm tốn là ruộng nước và trồng cói dệt chiếu. Sự có mặt của Đức Tổng tại đây mang đầy tính Tin Mừng: Đức Tổng đã chọn người nghèo làm đối tượng thăm viếng ưu tiên.

Đây quả là một biến cố lịch sử cho giáo phận chúng con: lần đầu tiên chúng con được hân hạnh đón tiếp một vị đặc sứ của Đức Thánh Cha. Người Việt Nam chúng con vốn có truyền thống hiếu khách. Chúng con rất vui khi được ai đến thăm. Nhưng đối với Đức Tổng, chúng con không chỉ đón tiếp một vị thượng khách, chúng con còn đón tiếp vị đại diện của Đức Thánh Cha mà chúng con hết lòng yêu mến. Đã từ bao năm, chúng con ước mong Đức Thánh Cha đến thăm Việt Nam. Nhưng cho đến nay, do hoàn cảnh chưa thuận lợi, giấc mơ đó không biết đến bao giờ mới thành hiện thực. Đức Tổng quả là một món quà tinh thần bù đắp cho nỗi mong chờ của chúng con.

Chúng con vô cùng cám ơn Đức Tổng đã đem phép lành và hơi ấm của vị Cha Chung Giáo Hội hoàn vũ về cho chúng con. Chúng con muốn nói lên sự trân trọng, lòng biết ơn của chúng con đối với Đức Tổng và qua Đức Tổng, chúng con muốn biểu lộ tình con thảo của chúng con đối với Đức Thánh Cha Bênêđitô XVI. Hơn bao giờ hết chúng con như sờ mó được tình hiệp thông rộng lớn, bền vững và tuyệt vời của một "Giáo Hội duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền".

Với những tâm tình đó, chúng con xin kính dâng Đức Tổng Đại Diện Đức Thánh Cha lời chào quý trọng nhất, thân thương nhất và vui mừng nhất của 138.000 người con giáo phận Thanh hóa.

Chúng con đồng kính bái.