NAM CALI - Cuộc gặp gỡ phải nói là lịch sử đã diễn ra trong vài ngày qua khi 3 Giám mục tiên khởi Việt Nam tại 3 quốc gia Mỹ, Canada và Úc: Đức cha Dominicô Mai Thanh Lương, Giám mục phụ tá GP Orange, Hoa Kỳ, Đức cha Vincent Nguyễn Mạnh Hiếu, GP Toronto, Gia nã đại, và Đức cha Vincent Nguyễn văn Long, GP Melbourne, Úc châu, đã có cuộc họp mặt thân hữu để chia sẻ kinh nghiệm về một số những vấn đề quan trọng liên quan đến mục vụ, tôn giáo, xã hội, giáo dục và nhận định về tình hình Giáo hội và Quê hương Việt Nam.

Những hình ảnh lịch sử

Từ Thứ Hai, ngày 28 tháng 11 đến Thứ Tư ngày 30 tháng 11, Đức Ông Joseph Trịnh Minh Trí, Chủ Tịch Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam Tại Hoa Kỳ, Cha Phó Chủ Tịch Antthony Ngô Chính và Cha Tổng Thư Ký Peter Võ Sơn cũng đã có những ngày họp với các Đức Cha Việt Nam hiện đang phục vụ tại các giáo phận ở hải ngoại nhằm chia sẻ kinh nghiệm mục vụ.

Được biết qua cuộc họp nội bộ nêu trên, 3 vị Giám mục và lãnh đạo Liên Đoàn cũng ngỏ ý có cơ hội tìm hiểu thêm, lắng nghe, và chia sẻ những nguyện vọng, thao thức, những thách đố và những thành quả, và nhất là kinh nghiệm của các linh mục, nam nự tu sĩ, và giáo dân. Do vậy các vị đã mời thêm một số các linh mục thuộc Liên Đoàn CGVN ở Miền Tây Nam Hoa Kỳ, qúi thầy phó tế, các nữ tu và đại diện giáo dân đến họp mặt với các Vị vào sáng ngày 30.11.2011 tại Trung Tâm Công Giáo Việt Nam thuộc giáo phận Orange, Nam Cali.

Tham dự cuộc họp hôm nay (30.11.2011) từ 10:30 sáng tới 1:00 trưa ngoài sự hiện điện của 3 vị Giám mục nêu trên, Đức ông Trí, Cha Chính và Cha Sơn thuộc Liên Đoàn, còn có thêm Cha Trần Công Nghị, trưởng ban Thông tin Liên đoàn, Cha Mai khải Hoàn, chủ tịch Miền Tây Nam, Cha Nguyễn Văn Thái, phụ tá giám đốc Trung tâm CGVN Orange, Cha Đinh Ngọc Quế, cựu chủ tịch Miền Tây Nam, Cha Nguyễn tiến Bình, thư ký của GM Tod Brown, và một số các linh mục Việt Nam đang hoạt động trong Miền, các phó tế, nữ tu, và ông Mai Tuấn, Tổng thư ký Liên Đoàn Miền Tây Nam Hoa Kỳ, đại diện giáo dân.

Trước hết Đức Cha Mai Thanh Lương chào mừng tất cả các tham dự viên và nói nêu lên mục tiêu của cuộc họp, tiếp đến ngài giới thiệu Cha Thái trình bầy rõ hơn cho biết lý đo và mục đích tại sao lại có cuộc gặp gỡ của các Đức Giám Mục trong vài ngày qua, và cuộc gặp gỡ mở rộng hôm nay. Cha cho biết ước mong của 3 giám mục là có cơ hội chia sẻ với nhau về viện tượng mục vụ và muốn học hỏi lẫn nhau những kinh nghiệm mà các nơi đã giải quyết ổn thỏa những xung khắc giữa các cộng đoàn Việt nam với nhau, giữa các linh mục Việt nam trong các lãnh vực mục vụ khác nhau. Đâu là mô thức tông đồ hữu hiệu trong cơ cấu tổ chức mục vụ cho cộng đoàn Việt nam khắp nơi.

Sau đó, Đức Cha Vincent Liêm chia sẻ viễn tượng mục vụ và mô thức mục vụ cho người Việt Nam ở Toronto và Canada. Ngài nêu ra câu hỏi cách thế nào là hữu hiệu nhất cho việc hợp tác vì ích lợi chung của các cộng đoàn Công giáo Việt Nam và giữa các linh mục.

Đức cha Vincent Long cho biết tình hình ở bên Úc rất khả quan, và việc mục vụ cho người Việt Nam ở một số nơi rất là thành công, tuy nhiên có một vài nơi khác đang gặp một vài sự khó khăn, Ngài đan cử ra trường hợp như sau: có linh mục Việt Nam được bổ nhiệm làm chính xứ trong đó có giáo dân Việt nam, nhưng lại không coi sóc giáo dân Việt Nam vì cơ cấu Trung tâm Mục Vụ Việt Nam từ trước tới nay có qui chế gửi linh mục Việt nam tới cuối tuần cử hành thánh lễ và săn sóc mục vụ cho tín hữu Việt Nam. Vấn đề là phải tìm ra giải thích hợp để không gây ra tình trạng khó khăn giữa sự xung đột về quyền bính mục vụ của Cha Sở và qui chế mục vụ của Trung Tâm…

Cha Mai Khải Hoàn trình bầy về sinh hoạt và tổ chức của Liên Đoàn Công Giáo VN Miền Tây Nam Hoa Kỳ để các vị giám mục hiểu qua về các thức sinh hoạt của an hem linh mục, tu sĩ và giáo dân trong Miền.

Các Phó tế nêu lên những khó khăn trong sứ vụ mục vụ của Phó tế, hầu như đa số người Việt Nam chưa hiểu rõ về vai trò của phó tế và chưa ý thức về vai trò của các phó tế, nhiều khi còn xem thương và không mấy trọng dụng. Các thầy nói, để được thụ phong các thày phải được đào tào 5 năm, những có giáo dân nhận định rằng: Thầy chỉ đọc mấy tháng làm phó tế mà lại giảng dậy cho chúng tôi được không? Một cách nào đó, các phó tế cảm thấy vai trò của mình bị lu mờ trong các cộng đoàn Việt Nam. Tuy nhiên nhiều lãnh vực mà các phó tế có thể dấn hoạt động đắc lực và rất quan trọng như công tác xã hội bác ái, dậy giáo lý, hướng dân hôn nhân…

Các nữ tu nêu lên nhu cầu dậy giáo lý cho các em và nói về sách giáo khoa giáo lý song ngữ. Các Sơ chia sẻ rằng ngay tại giáo phận Orange có tới 5000 thiếu nhi Việt nam học giáo lý, có 16 nữ tu hướng dẫn và có tới mấy trăm giáo lý viên. Tuy nhiên nhu cầu vẫn càng ngày càng tăng trưởng và muốn tạo cơ hội trao đổi sách giáo khoa và phương pháp giảng dậy với các nơi khác…

Sau những chia sẻ về mục vụ, linh mục Trần công Nghị, trưởng ban thông tin của Liên đoàn nêu vấn đề với các Giám mục về tiếng nói của các Đức Cha trong các vấn đề nhậy cảm như: nhân quyền, tự do tôn giáo tại Việt Nam và vấn đề chủ quyền quốc gia, về lãnh thổ quê hương.

Cùng có những nhận định về vai trò quan trọng của các Giám mục Việt Nam tại hải ngoại, linh mục Mai khải Hoàn cũng như phó tế Nguyễn văn Luận đều mong ước và nhận định rằng các giám mục là những vị lãnh đạo tinh thần của tập thể Công giáo Việt Nam hải ngoại, tuy về mặt giáo luật và trách nhiệm thuộc năng quyền không bao gồm trách nhiệm này, nhưng xét về mặt là dòng máu Việt nam và trách nhiệm lương tâm, thì khi các ngài lên tiếng về những vấn đề nhân quyền và tự do tôn giáo cho Việt Nam sẽ được toàn thể giáo dân Việt Nam khắp nơi hỗ trợ và đó cũng là niềm mong đợi sâu xa nhất của giới Công giáo Việt Nam hải ngoại.

Các Đức Cha cũng đưa ra nhận định của các ngài là với trách nhiệm là giám mục phụ tá và chỉ hạn hẹp trong giáo phận được chỉ định, nên nhiều khi có những hạn chế, nhất là những vấn đề lien quan tới Giáo hội Việt Nam thì thuộc hoàn toàn thẩm quyền của Hội đồng giám mục Việt Nam. Tuy nhiên theo như lời Đức Cha Nguyễn Văn Long nhận định, xét về mặt lương tâm thì Ngài không thề không lên tiếng nếu thấy có những chà đạp về nhân quyền ở bất cứ đâu, nhất là tại Việt Nam, đồng thời Ngài nhận định, lý thuyết và đường lối Cộng sản nhất thiết là đi ngược lại với tôn giáo không chỉ là đối với Công giáo, nhưng là mọi tôn giáo, vì bản chất nó là vô thần.

Về những vấn đề nhân quyền, tự do tôn giáo, xâm phạm lãnh thổ ở Việt Nam được đưa ra mổ xẻ cách sâu rộng và được sự quan tâm của mọi người, một thời gian dài được dành cho những ý kiến đóng góp sôi nổi về những đề tài này.

Có linh mục hiện diện đã vấn đề với các giám mục như sau: Tuy dù những vấn đề nêu trên như nhân quyền, tự do tôn giáo, công lý, tài sản giáo hội, lãnh thổ quốc gia… là những vấn đế rất tế nhị và dĩ nhiên không chính thức thuộc về sứ vụ hoặc bài sai của Vị Giám mục khi được phong chức, nhất nữa cả 3 Đức cha đều là giám mục phụ tá, nhưng với tư cách là người có dòng máu Việt nam và trong vai trò là Giám mục đã được Đức Thánh Cha đặt làm lãnh đạo, thì trước những vấn đề liên quan tới Giáo hội quê hương và tổ quốc Việt Nam các Đức Cha gốc Việt Nam vẫn cần có tiếng nói hướng đạo cho giáo dân Việt Nam tiến theo, vì giáo dân Việt Nam mong chờ như vậy. Đó là trách nhiệm lương tâm và luân lý. Nhất nữa trong vai trò chủ chăn của các Ngài, giáo dân mong chờ các ngài có trách nhiệm lên tiếng về những quyền căn bản của con người, dù những vi phạm các quyền trên xẩy ra ở bất cứ nơi nào, nhất nữa lại xẩy ra trên quê hương Việt Nam.

Vì thì giờ giới hạn, nên buổi họp đã kết thúc với bữa cơm trưa thanh đạm. Tuy nhiên tất cả những vấn đề liên quan tới Giáo hội và tổ quốc Việt Nam là: nhân quyền, tự do tôn giáo, tài sản của giáo hội, và lãnh thổ quốc gia liên quan tới Trường sa và Hoàng Sa đã được các vị Giám mục khẳng định lập trường của mình một cách dứt khoát.

Muốn tìm hiểu thêm về lập trường của các Vị Giám Mục Việt Nam hải ngoại như thế nào xin mời nghe chương trình phóng sự của VietCatholic TV mà Linh mục Trần Công Nghị đã có dịp phỏng vấn các vị giám mục nêu trên và sẽ được phát hình trong ngày hôm nay và ngày mai trên hệ thống VietCatholic TV Network.

Trưởng Ban Thông Tin Liên Đoàn CGVNHK