Các Thánh Tử Đạo Việt Nam Đã Phúc Âm Hóa Những Tinh Túy Văn Hóa Việt Nam

Giáo Xứ Việt Nam Paris, chúa nhật 13.11.2011: Các Cộng Đoàn Công Giáo Việt Nam vùng Paris đã cùng nhau mừng lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Chương trình xoay quanh ba việc :

11 giờ 30 : thánh lễ cho những ai không thể tham dự Đại Lễ Đồng Tế.

13 giờ 30 – 14 giờ 30 : Giờ Chầu Mình Thánh, suy tôn Các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Đồng thời có các cha ngồi tòa cho những ai muốn dọn mình đi vào Mùa Vọng và Lễ Giáng Sinh.

15 giờ 00 : Thánh Lễ Đồng Tế.

Trên 20 linh mục và giáo sĩ, gồm các vị trong Ban Giám Đốc Giáo Xứ, một vài vị trong Ban Tuyên Úy vùng Paris và nhiều linh mục sinh viên tu học tại Học Viện Công Giáo Paris, đã cùng Đức Ông Giám Đốc Mai Đức Vinh rước xương thánh Các Thánh Tử Đạo. Rồi mọi người hôn kính xương thánh. Sau đó Đại Lễ đồng tế đã được cử hành để ghi ơn và nêu gương các vị Tiến Nhân đã lấy máu đào tô thắm Giáo Hội Quê Hương Việt Nam. Đặc biệt bài chia sẻ Phúc Âm của Đức Ông năm nay rất độc đáo với đề tài : « Các Thánh Tử Đạo Việt Nam đã Phúc Âm Hóa những tinh túy văn hoá Việt Nam ».

I. Những chia sẻ trong Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam 4 năm qua, từ 2007 đến 2010

Chúa nhật 18.11.2007, Đức Cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa, Nguyên Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Giám mục Giáo Phận Nha Trang, đã đáp lời mời của Giáo Xứ Việt Nam Paris đến chủ tế thánh lễ Các Thánh Tử Ðạo Việt Nam. Ðức Cha Phaolô đã cắt nghĩa « Tội Hồng Phúc » (do các Vua Việt Nam đã giết hại các vị Tử Đạo khiến GH Việt Nam được diễm phúc có 117 thánh tử đạo) và xác định vai trò « Chị cả của Giáo Xứ Việt Nam Paris trong các Cộng Ðoàn Công Giáo Việt Nam Hải Ngoại ».

Chúa nhật 16.11.2008, Đức ông Mai Đức Vinh chia sẻ về 4 « Di chúc của Các Thánh Tử Đạo Tiền Nhân : Di chúc cho các họ đạo, giáo xứ hay cả cộng đoàn tín hữu ; Di chúc cho các linh mục, tu sĩ và chủng sinh ; Di chúc cho các bậc phụ huynh, những người làm cha làm mẹ gia đình ; Và Di chúc cho con cái hay cho giới trẻ, thế hệ tương lai ».

Chúa nhật 15/11/2009, Cha Trần Anh Dũng đã chia sẻ Lời Chúa về gương sáng của Thánh Linh Mục Tử Đạo Lê Bảo Tịnh.

Chúa Nhật 14 tháng 12 năm 2010, thầy sáu Phạm Bá Nha đã nhắc đến những gương hiếu thảo của các thánh Tử Đạo Việt Nam, đặc biệt là gương của 6 thánh sau đây : Thánh linh mục Emmanuel Nguyễn Văn Triệu (1756-1798) ; Thánh Linh mục Phêrô Đoàn Công Quý (1826-1859) ; Thánh linh mục Phaolô Lê Bảo Tịnh (1793-1857) ; Thánh trùm họ Mátthêu Nguyễn Văn Phượng (1808-1861) ; Thánh lý trưởng Micae Nguyễn Huy Mỹ (1804-1838) ; Thánh Annê Lê Thị Thành (1781-1841).

II. Các Thánh Tử Đạo Việt Nam đã phúc âm hóa những tinh túy văn hóa của dân tộc

Chúa nhật 13.11.2011, chia sẻ về cái chết của Các Thánh tử Đạo Việt Nam, Đức Ông Mai Đức Vinh đã xác định rằng : « Cái chết của các Thánh Tử Đạo Việt Nam mang hai ý nghĩa thâm sâu: 1) Tử đạo là hiến mạng sống để tuyên chứng đức tin kiên vững vào Thiên Chúa tình yêu. – 2) Tử đạo là chết anh dũng để yêu thương đồng bào, của đất nước mình gắn bó và phục vụ, bằng cách đem Tin Mừng đốt sáng lên những giá trị tinh thần hay những tinh túy văn hóa của dân tộc Việt Nam, hầu làm lớn mạnh Giáo Hội tại Việt Nam ».

Từ đó, nhấn mạnh đến ý nghĩa thứ hai của tử đạo, Đức Ông đặt câu hỏi rằng : « Các Thánh Tử Đạo tiền nhân đã phúc âm hóa những tinh túy văn hóa của dân tộc Việt Nam như thế nào »? Và để trả lời, Đức Ông đã đưa ra 5 điểm :

1. Tinh tuý của văn hóa Việt Nam là yêu quê hương tổ quốc với tinh thần cởi mở và bao dung. - Quả vậy, tìm đọc lại các sắc lệnh cấm đạo, từ 1583 đến 1838, nghĩa là từ đời vua Lê chúa Trịnh, qua nhà Tây Sơn đến các triều đại Minh Mạng, Tự Đức, chúng ta không đọc thấy một hàng chữ nào lên án người công giáo hay các tiền nhân tử đạo là phản dân tộc. Theo sử gia Trần Trọng Kim, 'vua quan cấm đạo chỉ vì chấp nhất và hẹp hòi, coi đạo công giáo là tà đạo, không hợp với việc thờ cúng tổ tiên, không hợp với Phật giáo, Lão giáo và Khổng giáo'. - Am tường những hiểu biết giới hạn và bất công của các vua quan về đạo công giáo, cũng như những khổ cực mà người công giáo bị bách hại cách oan uổng, năm 1826, tướng quân Lê Văn Duyệt đã tâu lên vua Minh Mạng rằng: "Xin Đức vua xét lại, người công giáo có tội trạng gì mà chúng ta phải bắt bớ họ? Tại sao lại bắt giam các đạo trưởng? Họ đã phục dịch chúng ta, lòng trung nghĩa của họ còn đó (TTĐM số 105 tr.15).

2. Tinh tuý của văn hóa Việt Nam cốt tại dân tộc Việt Nam là dân tộc tôn giáo từ xương tủy. Người Việt Nam luôn ý thức rằng, chân đạp đất nhưng đầu đội trời. Tinh thần này được nâng cao và đốt sáng lên qua cái chết của các thánh Tử Đạo. Các Thánh Tử Đạo là những người đã dám chết để làm chứng cho tinh thần cao cả của dân tộc Việt Nam quý trọng và bao dung tôn giáo, lấy tôn giáo mình đã chọn làm con đường đi tìm chân, thiện, mỹ. Cha Bonfacy trong cuốn 'Khởi đầu đạo công giáo ở Việt Nam' đã nhận định: "Dân tộc Việt Nam là dân tộc mến chuộng các tôn giáo, và các vua chúa càng bắt đạo thì tinh thần này càng dâng cao' (tr.107).

3. Tinh tuý của văn hóa Việt Nam nổi bật ở điểm, dân tộc Việt Nam là dân tộc yêu chuộng tự do: Tự do tầm đạo, tự do tìm chân lý, tự do sống theo lương tâm của mình. Tôn trọng tự do và lương tâm của người khác trong phạm vi tín ngưỡng là đức tính căn bản của con người Việt Nam. Các thánh Tử đạo là những người Việt Nam ưu tú về tinh thần tự do bất khuất này. Các Ngài chấp nhận cái chết một cách anh dũng, không nguyên để làm vinh danh Thiên Chúa và trung thành với Đức Tin, mà còn để nói lên với những người muốn độc quyền tôn giáo rằng: các ngài là những con người yêu tự do, sẵn sàng chết vì quyền tự do tín ngưỡng, vì tinh thần bao dung tôn giáo đã ăn sâu vào xương tủy của con người Việt Nam. Sử gia Daniel Rops đã nói: "Ở đâu có tự do chân chính, ở đấy không thể có việc đàn áp tôn giáo. Bắt đạo là bóp chết tự do và tử đạo là chết vì tự do".

4. Tinh tuý của văn hóa Việt Nam đặt nền tảng trên đạo hiếu: Người Việt Nam vốn trọng đạo hiếu, tôn kính tổ tiên. Đi đạo công giáo không phải là bất hiếu, không phải là bỏ cha bỏ mẹ, không phải là vô ơn với tổ tiên. Trái lại, nhờ đức tin, nhờ sách Thánh, người công giáo, nhất là các thánh Tử Đạo tiền nhân, thấy được đâu là cao điểm của đạo hiếu. Sách Đại Học chép, một hôm Khổng Tử nói với các đồ đệ rằng: "Mọi vật đều có gốc có ngọn, mọi việc đều có đầu có đuôi. Ai biết thi hành cho có thứ tự, việc trước việc sau, người ấy gần với Đạo, sát với Trời". Trọn đạo hiếu với cha mẹ, trọn bổn phận với gia đình, các thánh tử đạo biết hơn ai hết rằng chỉ Thiên Chúa mới là bậc phụ mẫu tối cao, nên các ngài gần với Đạo, gần với Thiên Chúa. Hơn ai hết, các thánh Tử Đạo hiểu rõ và sống trọn điều răn thứ bốn của Thiên Chúa là thảo kính cha mẹ, là vâng lời cha mẹ trong điều hay lẽ phải. Chúng ta biết: Thánh Gioan Túc tử đạo lúc 9 tuổi vì vâng lời cha mẹ và ông bà. - Thánh Phaolô Bột bị bắt lúc 14 tuổi. Ban đầu nghe quan dụ dỗ bỏ đạo, nhưng khi về nhà, thấy mẹ buồn rầu, khóc lóc, cậu Bột đã can đảm trở lại nộp mạng cho quan, thà chết vì đạo chứ không dám trái ý mẹ mà bỏ đạo Chúa. - Tình yêu cha mẹ bắt nguồn từ tình yêu của Thiên Chúa. Thiên Chúa là bậc phụ mẫu tối cao. Cho nên không ai trọn đạo hiếu hơn người chết vì tin yêu Chúa. Thật là thâm sâu và cảm động bài học đạo hiếu thốt ra từ miệng của thánh Dominicô Ninh, khi bị ép đạp ảnh Thánh Giá, ngài đã thốt lên: "Ôi, có lẽ nào con cái lại giơ chân đạp cha mẹ" (TTĐM s 69 tr.2).

5. Tinh tuý của văn hóa Việt Nam chứng tỏ dân tộc Việt Nam là dân tộc hiếu hòa. 'Dĩ hòa vi quý' là đức tính cao đẹp của người Việt Nam. Còn ai tiêu biểu cho đức tính hiền hòa ấy hơn các thánh tử đạo. Bị bắt vô cớ, bị giam cầm khổ cực, bị hành hạ đủ cách dã man, bị tước đoạt hết của cải, danh phận và sự sống, các thánh Tử Đạo Việt Nam, kể từ em bé Lucia 12 tuổi, đến thánh linh mục Lê Bảo Tịnh cụ già 80 tuổi, không một ai mở miệng trách móc hay nguyền rủa kẻ tố cáo mình, kẻ hành hạ mình. Không một ai có cử chỉ báo thù hay hành động bất kính, đối với vua quan kết án và xử tử mình. Tất cả sống hiền hòa, nhẫn nhục theo gương Đức Kitô trước toà quan trấn và trong tay quân dữ. Thật ôn hòa và lễ độ, lời thưa của hầu hết các thánh Tử Đạo: 'Bẩm quan lớn, nếu quan lớn thương để chúng tôi sống và cho chúng tôi về làm ăn giữ đạo, chúng tôi thành thật ghi ơn. Còn như quan lớn ra lệnh hành hạ và giết chết cách nào, chúng tôi cũng xin cam chịu vì đạo thánh".

Và để kết luận về gương lành của Các Thánh Tử Đạo Việt Nam đã phúc âm hóa những tinh túy văn hóa việt nam, Đức Ông đã tóm tắt rằng : « Nếu theo Khổng giáo và theo quan niệm đạo đức của dân tộc Việt Nam, thánh hiền là người sống trọn ngũ thường 'Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín', thì quả thật nơi mỗi vị tử đạo, đều sáng rực năm nhân đức căn bản ấy. Nếu con đường sống Phúc Âm của người Kitô hữu là 8 mối phúc thật, thì các thánh Tử Đạo đã sống trọn từng điểm: khó nghèo, hiền lành, hiếu hòa, can đảm trong đau khổ, kiên trì trong thử thách, chịu đựng tất cả mọi vu cáo bất công vì vinh quang Thiên Chúa. Do đó, các ngài đáng được gọi là các tôi trung của Thiên Chúa và được Nước Chúa làm gia nghiệp, được phần thưởng bội hậu trên thiên đàng ».

Đồng thời Đức Ông cũng không quên mở ra một chân trời thực hiện mới : « Để kết luận, tôi chỉ xin quý ông bà và anh chị em rằng: Sách rách hãy giữ lấy lề. Vì hoàn cảnh phải sống xa quê cha đất tổ phải thích ứng với phong tục của nước người, nhưng bằng mọi giá, xin đừng để mất những tinh túy của dân tộc Việt Nam mà các thánh Tử Đạo cha ông của chúng ta đã đổ máu ra để bảo toàn và tỏa sáng. Hãy xác tín với các thánh Tử Đạo ngày xưa và với mọi người công giáo Việt Nam hôm nay rằng: Trung tín với Thiên Chúa cũng là trung tín với quê hương và dân tộc ».

Paris, ngày 13 tháng 11 năm 2011

Trần Văn Cảnh