TINH THẦN ASSISI, TINH THẦN HÒA BÌNH
(Bài giảng Thánh lễ Phan Sinh miền Phan Thiết mừng 25 năm Tinh Thần Assisi 27/10/2011)

Hưởng ứng năm Quốc tế Hòa bình của Liên Hiệp Quốc, ngày 27.10.1986 Đức Chân phước Giáo hoàng Gioan Phaolô đệ nhị đã kêu mời lãnh đạo các tôn giáo lớn quy tụ lại Assisi để cầu nguyện cho hòa bình. Sáng kiến này đã được các tôn giáo không phải là Kitô giáo đáp ứng nồng nhiệt, nhưng lại gặp phải một chút băn khoăn từ phía công giáo: “Làm sao các tôn giáo không tin chung một Thiên Chúa lại có thể chia sẻ một lời cầu nguyện chung?” Băn khoăn này sau đó đã được tách bạch: “Người ta cùng đến để cầu nguyện, chứ không phải đến để cùng cầu nguyện”, nên từ đó sự kiện được tiếp nối theo hướng gặp gỡ suy tư chia sẻ mệnh danh là “tinh thần Assisi”. Năm nay, dịp kỷ niệm 50 năm biến cố tinh thần ấy, Đức Giáo hoàng Bênêđitô XVI và các lãnh đạo liên tôn đã thực hiện một chuyến hành hương hòa bình bằng xe lửa từ Roma đi Assisi, mong gặp được diệu cảm mới trên đường tìm kiếm chân lý và công lý.

Cộng đoàn chúng ta không có điều kiện tháp tùng Đức Thánh Cha trên chuyến xe lửa đặc biệt này. Thôi thì ta thực hiện cuộc hành hương bỏ túi vậy, quy tụ lại đây để sống hòa bình theo tinh thần Assisi.

1. Tái lập hòa bình với Thiên Chúa

Ngay từ thuở sáng tạo, Thiên Chúa đã đặt con người vào trong trật tự của một thế giới quy chiếu vào Thiên Chúa như chuẩn mực của mọi sinh hoạt tự nhiên, nhằm thưởng nếm niềm hòa bình và hạnh phúc nguyên thủy. Trong sách Sáng Thế, Adam và Evà hằng ngày như nhởn nhơ sinh hoạt chuyện trò trước nhan thánh Chúa. Nhưng niềm hòa bình ấy đã bị phá vỡ cùng với sự sa ngã, và một khi tội lỗi có mặt trên thế gian thì vắng bóng sự bình an phải coi như một hậu quả nhãn tiền. Nguyên tổ đã bị khai trừ khỏi vườn địa đàng, Cain đã xuống tay giết chết Abel em ruột mình, và còn dài dài đen tối nữa khi con người xây tháp Babel công khai gây chiến với chính Đấng dựng nên mình. Hòa bình đã không còn chỗ đứng nên phải khoác áo ra đi.

Nhưng Thiên Chúa chung thủy trong yêu thương chẳng muốn con người kéo lê cuộc sống trong nỗi bất an, đã sai Con một chí ái đến trần gian chịu chết chuộc tội cho nhân loại, giao hòa con người với Thiên Chúa và mở cửa cho niềm bình an trở về với cuộc sống nhân sinh. Chả thế mà khi vừa sống lại, lời đầu tiên Đấng Phục Sinh dành cho các môn đệ của mình không phải là lời dài dòng minh giải về sự kiện thương khó đã qua, mà lại là lời chào chúc bình an mở ra một tương lai mới cho một nhân loại mới.

“Hãy sám hối và tin vào Phúc Âm”. Sống lời gọi này của Đấng Cứu Thế, theo gương thánh Phanxicô năm xưa, chúng ta cũng nhận diện những nguyên nhân gây nên bất ổn trong mối giao hảo của con người với Thiên Chúa, để ăn năn tìm về qua bí tích hòa giải, nhận lấy lòng thương xót của Chúa mà dấn bước trên con đường mới mang tên hòa bình.

2. Xây dựng hòa bình với mọi người

Niềm hòa bình với Thiên Chúa là một thực tại nội tâm và cá vị, chỉ được chứng thực bằng niềm hòa bình với đồng loại. Như nguyên nhân, niềm hòa bình với Chúa thúc đẩy ta tìm đến với mọi người trong tình bác ái, và như hậu quả, niềm hòa bình ấy sẽ được củng cố và thăng tiến. Sẽ không có giao hòa với Chúa thật sự nếu chẳng có trái tim bao dung đón nhận mọi người dù khác biệt mình về tín ngưỡng, nhưng sẽ là niềm hòa bình sâu thẳm với Chúa nếu tín hữu biết tôn trọng sự khác biệt của người chung quanh ở bất cứ bình diện nào, bởi lẽ xét cho cùng mọi người đều là con cái của Thiên Chúa như nhau.

Chưa bao giờ người ta phải đối mặt với một thực trạng chua sót như hiện nay, khi chiến tranh bùng nổ trên mọi lãnh vực, từ chiến tranh nóng đến chiến tranh lạnh, từ cuộc chiến mong giành tự do mang màu chính trị đến những cuộc chiến kèn cựa mang màu tôn giáo, từ cuộc chiến đấu tranh giai cấp đến cuộc chiến loại trừ chủng tộc. Xem ra con người ngày nay ít thiết tha hoặc ít nhạy cảm với việc xây dựng hòa bình trong cộng đồng nhân loại?

Chính trên bức nền bi thương ấy, sống tinh thần Assisi mời gọi chúng ta cậy dựa vào tình thương của Thiên Chúa để nỗ lực thực thi hòa bình trong cộng đồng mà mình là thành phần, từ cộng đồng cận thân như gia đình họ hàng đến cộng đồng cận lân như giáo xứ xóm khu, từ cộng đồng địa lý lịch sử đến cộng đồng văn hóa tôn giáo tín ngưỡng. Thương người như thể thương thân vốn là đạo lý ngàn đời kết hợp với giới luật yêu thương của Phúc Âm sẽ là ánh sáng cho mọi tín hữu muốn trở nên “khí cụ bình an” để góp phần kiến tạo hòa bình giữa anh chị em đồng loại, đồng bào, đồng đạo, đồng hương.

3. Duy trì hòa bình với mọi loài

Niềm hòa bình theo tinh thần Assisi rất rộng rãi thoáng đạt, không chỉ bao trùm lãnh vực liên quan trực tiếp đến lòng tin công giáo, mà còn lan tỏa đến cả bầu trời, trái đất, núi cao, biển rộng, sông dài, rừng thẳm, vốn là môi trường Chúa ban cho con người sử dụng và hưởng dùng. Hưởng dùng với hiểu biết và sử dụng với trách nhiệm. Không chỉ là không được lạm dụng mà còn là biết tiết kiệm, biết phục hồi, biết vun bồi, biết thân thiện.

Đã đành, con người được tạo dựng như chóp đỉnh và như trung tâm của muôn loài và được trao cho quyền làm chủ muôn vật, nhưng “làm chủ” không có nghĩa muốn làm gì thì làm, muốn đối xử thế nào tùy ý, mà ngược lại, hàm ý phải đối xử với muôn vật như Thiên Chúa đã đối xử với con người. Nhân sao vật vậy, con người mong muốn hòa bình để phát triển thì các vật thụ sinh khác, tùy theo mức độ, cũng cần có điều kiện hòa bình để triển nở sinh sôi. Vì thế, theo nhãn giới hôm nay, sống hài hòa với môi trường sẽ có được hạnh phúc, sống thân thiện với môi trường sẽ có được niềm vui, sống bảo vệ môi trường sẽ chu toàn được đạo đức làm con người và làm con Chúa. Không phải vô cớ mà có những trận lụt kinh hoàng đó đây, mà thực ra là do con người khai thác thiên nhiên quá đáng, bất kể đến yếu tố phục hồi. Có người bảo đó là “thiên nhiên nổi giận” hoặc mạnh mẽ hơn là “thiên nhiên trả thù”, nhưng theo quan điểm Assisi, đó là không duy trì được niềm hòa bình với môi trường thiên nhiên.

Kết thúc ngày hành hương Assisi hôm nay, theo chương trình vào lúc 16g30, Đức Giáo hoàng và phái đoàn các tôn giáo sẽ cất cao bài “trường ca các thụ tạo” để lôi kéo ý thức của mọi người và thể hiện quyết tâm của các tôn giáo đối với môi trường sống. “Anh mặt trời, chị mặt trăng” không phải là kiểu nhân cách hóa thi ca thuần túy, mà đã là quan điểm thần học về môi trường cần được nhân rộng trong vận hành mới của tinh thần Assisi.

Tóm lại, đó là ba lãnh vực hòa bình theo tinh thần Assisi được khơi lại nhân dịp kỷ niệm 50 năm cuộc gặp gỡ liên tôn cầu nguyện cho hòa bình (27.10.1986 – 27.10.2011), đồng thời cũng là nỗi thao thức trong cuộc hành hương bỏ túi của gia đình Phan Sinh tại thế miền Phan Thiết tháp tùng Đức Giáo hoàng Bênêđitô XVI đến Assisi. Xin cho nỗi thao thức này không biến chúng ta thành những người “chủ hòa”, nhưng thúc đẩy chúng ta luôn biết phấn đấu trở thành những “chiến sĩ của hòa bình” đích thực.

“Lạy Chúa, xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa.” Amen.