(Bài giảng tại TTHH Thánh Mẫu Tàpao ngày 13.10.2011)
Ngày 7/10 năm nay, người ta nhắc nhiều đến tên tuổi của ba người phụ nữ được nhận giải Nobel hòa bình. Nhắc nhiều vì ba người nữ này đã góp phần vào việc giải phóng nữ quyền ở Châu Phi và cũng góp phần kiến tạo hòa bình cho thế giới.
Cũng vào ngày 7/10 năm nay, Giáo hội Công giáo khắp nơi và cách riêng hôm nay tại Trung Tâm Thánh Mẫu Tàpao đây, cộng đoàn hành hương chúng ta lại nhớ đến một gương mặt phụ nữ trổi vượt, một tượng đài, cũng như một tên tuổi Rất Thánh và cũng tuyệt vời gần gũi với đời sống nhân loại, đó chính là Đức Mẹ Mân Côi mà trong tâm tình sùng mộ của mọi tín hữu, là Nữ Vương Hòa Bình. Nhưng tại sao lại muốn xưng tụng Đức Mẹ Mân Côi là Nữ Vương Hòa Bình hay là Nữ Vương Ban Sự Bình An, như là chúng ta đọc thấy ở cổng Trung Tâm Thánh Mẫu Tà Pao đây. Chắc chắn có nhiều lý do, nhưng hôm nay muốn trải ra với cộng đoàn hành hương 3 lý do nhỏ thôi.
Lý do thứ nhất: vì Mẹ đã đóng góp cả cuộc đời mình cùng với Chúa Giêsu mà giải phóng con người khỏi ách nô lệ tội lỗi. Kinh Mân Côi, xét về phương diện mầu nhiệm suy gẫm, là kinh về Chúa Giêsu như cộng đoàn hành hương đã thực hành tối hôm qua trước Thánh Thể, tại lễ đài đây. Nhưng xét về nội dung thành phần của chuỗi hạt, tức là từng kinh Kính Mừng, thì đó là kinh về Đức Maria. Mẹ kết hợp cuộc đời mình với Chúa Giêsu qua 20 ngắm: Vui, Sáng, Thương, Mừng. Vui là vui với Chúa Giêsu trong mầu nhiệm nhập thể; Sáng cũng là sáng với Chúa Giêsu qua mọi nẻo lối rao giảng Tin Mừng; Thương là thương cùng với Chúa Giêsu trên đường Thánh giá; và Mừng còn là mừng cùng với Chúa Giêsu trong mầu nhiệm phục sinh. Mỗi ngắm như thế là mỗi phần đời khác nhau, nhưng liên kết cả 20 ngắm lại sẽ thấy cuộc đời của Đức Mẹ gắn bó với đời của Chúa Giêsu không rời nửa bước. Con đi đâu thì Mẹ theo đi đấy: Con xuống thế làm người chuộc tội nhân loại, thì Mẹ cũng hiệp công với Con của mình từ đêm giáng sinh cho đến chiều tử nạn mà bước đi trên đường giải phóng nhân loại khỏi ách nô lệ tội lỗi. Con của Mẹ là Chúa Giêsu được xưng tụng là Hoàng Tử Hòa Bình, đến chuộc tội nhân loại, giao hòa con người với Chúa Cha, thì Mẹ vì sự gắn bó, hợp tác, hiệp công với Con của mình trong suốt hành trình như thế cũng đã trở nên Nữ Vương Hòa Bình cho toàn thế giới. Nếu Eva xưa, như nhãn giới của bài đọc thứ nhất, đã để lại thảm họa, thì với Mẹ Maria cách riêng trong kinh Mân Côi, cách riêng hơn nữa trong lời kinh A-vê Maria, nền hòa bình viên mãn của trời đã chính thứ mở ra. Vì vậy, Đức Mẹ trong kinh Mân Côi, hay Đức Mẹ Mân Côi cũng chính là Nữ Vương Hòa Bình.
Lý do thứ hai: là vì Mẹ cũng hỗ trợ con người trong công cuộc xây dựng hòa bình với nhau. Lễ Mân Côi, như cộng đoàn quá rõ, hằng năm rơi vào mồng 7 tháng 10 muốn nhắc nhớ tín hữu về một chiến thắng tại vịnh Lépante năm 1571. Hồi đó Châu Âu bị đe dọa xâm lăng bởi Hồi Giáo, chính Đức Giáo Hoàng đã kêu gọi mọi người công giáo chung cầu nguyện cho nền hòa bình bằng kinh Mân Côi và coi kinh Mân Côi như là vũ khí chiến đấu. Nhờ sự can thiệp của Đức Mẹ, chiến thắng đã đến và lễ Đức Mẹ Mân Côi được thiết lập. Từ đó, rất tự nhiên Đức Mẹ được xưng tụng là Mẹ Chiến Thắng và được tung hô khắp nơi là Nữ Vương Hòa Bình. Ở đâu kinh Mân Côi được ưa chuộng, ở đó tước hiệu hòa bình đi liền với danh xưng của Mẹ cũng được mộ mến. Ở đâu kinh Mân Côi được cổ võ thì ở đó cũng vang lên lời cầu nguyện tha thiết: “Nữ Vương ban sự bình an cầu cho chúng con”. Thật vậy, thưa cộng đoàn hành hương, cứ xét về cấu trúc của kinh Mân Côi phần sau của mỗi ngắm mà chúng ta quen đọc “ta hãy xin cho được” ơn này, ơn khác hoặc là phần sau của chính kinh Kính Mừng với câu “Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời…”, thì người ta cũng thấy cả một dự phóng, cả một chương trình, cả một lời kinh dâng lên Mẹ Mân Côi mong hòa bình nội tâm, làm tiền đề cho cách cư xử giao hòa của con người với Thiên Chúa cũng như cách đối xử hòa bình giữa con người với nhau. Đằng nào cũng thế, giúp đỡ con người dập tắt chiến tranh năm xưa (lý do của lễ Mân Côi) hay là nâng đỡ con người xây dựng hòa bình hôm nay: Đức Mẹ Mân Côi trong lòng Giáo Hội chính là tượng đài Nữ Vương Hòa Bình.
Và lý do thứ ba để xưng tụng Mẹ Mân Côi là Nữ Vương Hòa Bình: vì Mẹ còn khuyên tất cả mọi tín hữu siêng năng lần hạt và coi chuỗi kinh Mân Côi như là phương tiện hun đúc hòa bình. Ngày 13 tháng 10 hôm nay, hành hương về Tà Pao, mỗi người nhớ đến ngày này năm xưa, năm 1917 tại Fatima, Đức Mẹ đã hiện ra để lại lời nhắn nhủ dưới hình thức của huấn lệnh là: cải thiện đời sống, siêng năng lần hạt, tôn sùng trái tim Mẹ. Đây chính là lộ trình nên Thánh bao gồm ba bước tiếp theo nhau và anh chị em thấy chuỗi Mân Côi được đặt như là một nhịp cầu giữa một bờ là tội lỗi nhân loại và bờ bên kia chính là ơn thánh hóa của Thiên Chúa. Cũng như việc lần hạt chuyên cần là một phương tiện hiệu quả giúp người ta đạt được hòa bình. Chính trong ý nghĩa này, kinh Mân Côi phải được gọi là Kinh của hòa bình. Bao giờ cũng thế, trong nghệ thuật công giáo, Đức Mẹ không đứng một mình, luôn luôn có Chúa Giêsu hiện diện, hoặc trong những thế kỷ gần đây tại Lộ Đức, cũng như tại Fatima hay chẳng phải nói đâu xa tại Trung Tâm Thánh Mẫu Tà Pao đây Đức Mẹ hiện diện với chuỗi Mân Côi. Nếu có ai hỏi tôi: Đức Mẹ có lần hạt không? Chắc chắn tôi sẽ đưa ra lời khẳng định: Có. Không chỉ vì Đức Mẹ đã lần chuỗi chung với ba trẻ ở Fatima hoặc với cô Bernadette ở Lộ Đức, mà còn ngay trong mầu nhiệm của chuỗi kinh Mân Côi đã có sự hiện diện của Đức Mẹ rồi. Có nghĩa là Mẹ cùng lần hạt với chúng ta và hơn nữa Mẹ kêu gọi chúng ta lần hạt. Cá nhân lần hạt Mân Côi, cá nhân vui sống thảnh thơi an bình; gia đình lần chuỗi Mân Côi, gia đình hạnh phúc một đời an vui.
Tóm lại, gặp gỡ cộng đoàn hành hương trong bầu khí linh thiêng của ngày 13 tháng 10 hôm nay, để cùng tôn vinh Đức Mẹ Mân Côi là Nữ Vương Hòa Bình và đồng thời cũng muốn ghi nhận chuỗi Mân Côi là chuỗi kinh của nền hòa bình. Cách đây hai ngày, tức ngày 11 tháng 10 vừa qua tại Trung Tâm Thánh Mẫu Tà Pao đây, vị đại diện Tòa Thánh tại Việt Nam, Đức Tổng Giám Mục Leopoldo Girelli đã đến dâng lễ cầu nguyện và phó dâng cộng đoàn hành hương ở đây cho Đức Maria Mẹ Mân Côi. Sau Thánh lễ tôi được cùng với ngài trèo qua 500 nấc thang lên linh đài Đức Mẹ, và dưới chân tượng đài Đức Mẹ, ngài sốt sắng hiệp thông với cộng đoàn quy tụ chật cứng trên đó dâng lên Đức Mẹ những lời kinh Kính Mừng. Và sau đó, ngài lấy trong túi ra mẩu giấy nhỏ, không biết ghi nhận lúc nào, và đọc lên câu quý ông bà anh chị em thấy đây: “Đến cùng Đức Mẹ Tà Pao, vững lòng trông cậy lẽ nào về không”, rồi ngài còn gửi lời chào tất cả mọi người đến hành hương tại Trung Tâm Thánh Mẫu Tà Pao. Tôi coi đó như là lời chào của chính Đức Thánh Cha. Ngài cũng nói nhỏ với tôi rằng: ngài đến đây, dẫu là lần đầu nhưng không phải là lần cuối, có nghĩa là khi có thể, vào dịp viếng thăm Việt Nam, ngài cũng sẽ đến hành hương tại Trung Tâm này. Vâng, đó là tin vui chia sẻ với cộng đoàn. Cộng đoàn có thể thấp thoáng thấy hình ảnh của ngài trên những tấm pa-nô, để chiêm ngưỡng vị đại diện Đức Thánh Cha và đồng thời thông qua đó cũng chiêm ngắm sự hiệp thông của cộng đoàn trong tay Đức Mẹ Mân Côi, Mẹ Tà Pao. Riêng tôi tháng mười cũng muốn chia sẻ với cộng đoàn vần thơ nhỏ:
“Tháng mười bên Mẹ Tà Pao,
Câu kinh chuỗi hạt xôn xao núi đồi.
Hồn con một đóa Mân Côi,
Kính dâng về Mẹ hợp lời ngợi khen”.