Bản tiếng Ý: Aborto, pastorale e repressione: le sfide del “vescovo dei lebbrosi”

Luôn đeo trên ngực một cây thánh giá lớn bằng gỗ do chính những người phong cùi làm ra, ngài hiện đang lãnh đạo một giáo phận với 4 trại phong rộng lớn sau khi đã sống với người cùi được 16 năm.

Đức Cha Cosma cử hành thánh lễ cho một giáo xứ Úc tại Lockridge
Đức Cha Cosma với bệnh nhân phong
Thoạt nhìn vị giám mục nói năng từ tốn, vóc dáng nhỏ nhắn thậm chí theo tiêu chuẩn Việt Nam, người ta không thể tự hỏi sinh hoạt hàng ngày của ngài ra sao trong tư cách người đứng đầu của một giáo phận đã từng phải chống chọi với cả chính sách tôn giáo theo đường lối cứng rắn của những người cộng sản lẫn các cuộc oanh tạc của Mỹ trong chiến tranh Việt Nam.

Tuy nhiên, ba năm sau khi ngài được bổ nhiệm về đây, thực sự đã có những thay đổi đáng kể trong đời sống của giáo phận, quê hương của 12 vị tử đạo Việt Nam đã hy sinh mạng sống mình cho việc rao giảng đức tin Kitô giáo vào một trong các thời điểm khó khăn nhất của lịch sử Giáo Hội.

Số tín hữu trong giáo phận Bắc Ninh, nằm khoảng ba mươi cây số về phía Đông Bắc của Hà Nội, đã đạt tới mức 125 ngàn. Một con số tuy khiêm tốn so với dân số 8 triệu người trong khu vực, nhưng đã tăng gấp bốn lần so với dân số giáo phận tại thời điểm cộng sản tiếp quản miền Bắc vào năm 1954.

Trong toàn bộ thời gian từ năm 1954 đến 1963, giáo phận chỉ có 1.5 linh mục (một linh mục được phép dâng Thánh Lễ và cử hành các phép bí tích trong khi vị kia là một linh mục "hầm trú" chỉ được hoạt động mục vụ với nguy cơ không biết lúc nào sẽ bị bắt và bỏ tù). Ngày nay, số lượng các linh mục trong giáo phận đã gia tăng đến con số 57 người.

Từ hầu như không còn ai sau cuộc di cư vĩ đại năm 1954 của người Công giáo vào trong miền Nam, hiện nay đã có 300 nữ tu đang giảng dạy giáo lý cho trẻ em và chăm sóc dân chúng trong bốn trại phong cùi tại Bắc Ninh.

Giáo phận cũng đã gửi được 4 linh mục, 2 chủng sinh, và 3 nữ tu để theo học và nghiên cứu ở châu Âu.

Mặc dù có những dấu hiệu thành công tỏ tường, Đức Giám Mục Cosma Hoàng Văn Đạt, vị "giám mục của người cùi" (như nhiều người vẫn gọi ngài), thường phủ nhận, cho rằng cải thiện của giáo phận là nhờ ơn Chúa Quan Phòng.

"Tôi đâu có biết cách lãnh đạo một giáo phận. Tôi chỉ có kinh nghiệm làm việc với những người phong cùi từ các hoạt động mục vụ trong nhiều thập niên mà thôi. Tôi chỉ làm những gì thấy là cần thiết phải thực hiện", vị giám mục nói lưu loát tiếng Anh đã phát biểu một cách khiêm tốn như thế với Asia-News, sau khi dângThánh Lễ tại giáo xứ Chúa Chiên Lành (Good Shepherd) ở Lockridge, Perth, Úc Đại Lợi, vào ngày 11 tháng 7 vừa qua, trong chuyến viếng thăm gần đây của ngài tại Úc. Với tư cách là tổng thư ký của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, ngài đã được chỉ định để đại diện cho các Giám mục Việt Nam trong buổi lễ tấn phong Đức Giám Mục Vinh Sơn Nguyễn Văn Long, vị giám mục Việt Nam đầu tiên tại Úc.

Giản dị, khiêm nhường, cởi mở đối với Thiên Chúa, Giáo Hội và với những người phong cùi là những nét đặc trưng mô tả Đức Cha Cosma Hoàng (Văn Đạt). Tuy nhiên, ngài cũng là một giám mục trực tính. Vào ngày 9/9/2008, dù lễ tấn phong giám mục của ngài dự tính sẽ được tiến hành sau đó một tháng có thể bị nhà nước gây khó khăn hay thậm chí không thể diễn ra, ngài vẫn quyết dẫn 39 linh mục và hàng trăm giáo dân tới xứ Thái Hà để bày tỏ sự ủng hộ của mình với Dòng Chúa Cứu Thế tại Hà Nội. Khi vừa đến nơi, ngài bảo họ: "Tôi đã cầu nguyện cho anh em từ tuốt ngoài ấy, và hôm nay tôi muốn được ở đây với anh em, ở nơi mà tôi mỗi lần được đi lễ là vui như một đứa trẻ được đi ăn cỗ, để bày tỏ tình liên đới của tôi với anh em". Một tuần trước đó ngài đã đến Tam Đảo để dâng lễ thánh hiến một nhà thờ đã bị nhà nước cộng sản lấy mất trong suốt 54 năm. Kết quả là, ngài trở thành tâm điểm trong trận bão của truyền thông nhà nước trong suốt mấy tuần lễ.

Mặc dù còn nhiều hạn chế của chính quyền địa phương, vị giám mục ấy đã thực hiện được 251 cuộc thăm viếng mục vụ tại các giáo xứ trong giáo phận trải rộng suốt vùng trung du rộng lớn khoảng 24 ngàn cây số vuông. Ngài tự tay chăm sóc những sinh hoạt tôn giáo của hơn 125 ngàn tín hữu, hơn hẳn người tiền nhiệm kém may mắn của mình là Đức Hồng Y Phạm Đình Tùng lúc đó chỉ có thể thực hiện được 5 chuyến thăm viếng do hầu như bị quản thúc tại Tòa Giám Mục trong hầu hết 31 năm tại chức giám mục của ngài.

Trong chiến tranh Việt Nam, tỉnh Bắc Ninh đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi những cuộc oanh tạc do vị trí quá gần với thủ đô Hà Nội. Số phận của Giáo Hội vào thời điểm đó thật ảm đạm với 80% các nhà thờ bị phá hủy hoặc bị hư hại, dân chúng bị phân tán, và hầu hết các linh mục bị bỏ tù (trong số đó có những linh mục hiện đang làm việc trong toà giám mục Bắc Ninh, một người đã đi tù 15 năm, người khác bị 12 năm, một người bị 10 năm và một người bị 4 năm). Một số cộng đoàn không có một nơi để thờ phượng hay cầu nguyện, đã sử dụng những chòi trữ thóc làm nơi tụ tập để cầu nguyện hoặc đọc Kinh Thánh cho nhau nghe.

Ưu tiên hàng đầu của vị giám mục là phải xây dựng lại các địa điểm thờ phượng. Giáo phận hiện có 336 điểm truyền giáo (200 người trong số này đã có nhà thờ hoặc nhà nguyện, phần còn lại chỉ có ngôi nhà tạm cho việc thờ phượng). Mỗi tuần, 57 linh mục và đức giám mục phải chia nhau vượt hàng trăm cây số qua các con dốc, đường xá lầy lội và các khu rừng rậm để cử hành Thánh Lễ và các phép bí tích. Những nỗ lực to lớn này đã cho phép người Công Giáo được tham dự Thánh Lễ và chịu các phép bí tích thường xuyên hơn.

Điều đáng chú ý là tại Việt Nam, nơi có tỷ lệ phá thai cao nhất trên thế giới, việc phá thai được thấy như là một biện pháp được chính quyền áp dụng cho công tác kế hoạch hóa gia đình. Vì càng ngày càng có nhiều phụ nữ tìm kiếm giải pháp này để nhanh chóng giải quyết việc riêng, Giáo Hội hiện đang phải đối mặt với một trận chiến thật khó khăn để chiến đấu chống lại xu hướng ủng hộ quyền chọn lựa (phá thai). Các giáo chức trong Giáo Hội thừa nhận các linh mục Công Giáo có khi cũng cảm thấy mệt mỏi trong những nỗ lực phò sinh (chống phá thai) của họ. Thế nhưng hy vọng chưa bao giờ bị dập tắt trong giáo phận Bắc Ninh. Để thực hiện nhiệm vụ này, các nữ tu trong giáo phận đã nhận cưu mang những phụ nữ nghèo để cung cấp nơi cư trú và hỗ trợ tài chính cho họ cho đến khi sinh con. Họ thậm chí còn đi xa hơn một bước là nhận nuôi những trẻ cha mẹ quá nghèo không thể tiếp tục nuôi dưỡng và giáo dục con mình.

Bắc Ninh, được thế giới biết đến như một trong những cái nôi của các nền văn minh Việt Nam, nơi những khúc hát Quan Họ đã được ra đời và yêu thích bởi nhiều người, đã không hổ danh là nơi có những tài năng địa phương hàng năm vẫn múa các điệu múa truyền thống vào tháng Năm hoặc "Tháng Hoa ", như người Công Giáo Việt Nam vẫn thường gọi thế. Tính cách đặc biệt này, nét độc đáo của Bắc Ninh, là một cống hiến đặc biệt dành cho Đức Mẹ. Màn này có các cô gái trẻ trong các điệu múa theo nghi lễ dâng hoa trong mỗi nhà thờ vào suốt tháng Năm trên toàn giáo phận. Nhiều người trong số các cô bé không phải người Công giáo, ban đầu gia nhập vì tình yêu dành cho nghệ thuật biểu diễn, sau đó là để tìm hiểu về Giáo Hội và giáo lý.

Dưới sự lãnh đạo của Đức Giám Mục Cosma Hoàng, giáo phận Bắc Ninh từ một nơi mà dân số người ngoại giáo vẫn chiếm ưu thế, hiện đang phát triển từ từ nhưng vững chắc. Một số linh mục đã được gởi đến các vùng sâu vùng xa với mục đích tiếp cận với những người chưa biết Chúa. Cha Giu se Nguyễn Văn Tĩnh là một trong những người được chọn lựa cho công tác này. Ngay sau khi thụ phong linh mục vào ngày 16 tháng 4 năm nay, cha đã đến vùng cực bắc của Ngân Sơn với một nhiệm vụ là chăm sóc mục vụ cho một giáo xứ với 33 người với hầu như không có gì: không nhà thờ, không cung thánh, cũng chẳng cả hội đồng giáo xứ. Tuy nhiên ngài lại được lòng biết ơn của đàn chiên.

Như phương châm của ngài gợi ý, Đức Giám Mục Cosma Hoàng Văn Đạt đã cống hiến cả đời mình cho những gì với ngài là quan trọng nhất: tình yêu và cuộc sống.