CHÚA NHẬT 16 THƯỜNG NIÊN, năm A
Mt 13, 24-43

Trong suốt ba năm rao giảng Tin Mừng về Nước Thiên Chúa. Chúa Giêsu đã thường dùng những sự kiện, những hình ảnh, những vụ việc xẩy ra xung quanh Ngài, những điều thực tế đang diễn ra ở trong làng quê, trong thành thị, để dạy dân chúng, đặc biệt Ngài đã dùng những dụ ngôn để nói về Nước Trời, để nói về thế thái nhân tình. Hôm nay, Chúa Giêsu đã dùng dụ ngôn “ Cỏ lùng và lúa tốt “ để minh định lập trường của Ngài bởi vì đầy tớ muốn nhổ cỏ lùng đi, nhưng ông chủ lại bảo :” Cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt “ ( Mt 13, 30 )…

Từ khi ông bà nguyên tổ Ađam và Evà đã không tuân lệnh Chúa, bị sa ngã vì lời phỉnh lừa của con rắn thì tội đã vào trần gian, sự dữ và cái ác bao trùm đến mọi người. Cái ác và sự dữ, đặc biệt là tội lỗi rất lì lợm, dai dẳng, ngoan cố không hề buông tha con người, nếu con người không can đảm, mạnh mẽ, dứt khoát chống cự lại chúng. Thánh Kinh đã mô tả vì tội, nên sự chết đã vào trần gian. Satan là hình ảnh của con rắn cực độc đã gieo rắc kinh hoàn, sợ hãi nếu con người không bám chặt vào Chúa và xin Ngài thứ tha, cứu thoát.

Dụ ngôn cỏ lùng, Chúa Giêsu quả quyết rằng chính kẻ thừ đã gieo cỏ lùng vào ruộng lúa. Cỏ lùng là một thực tế làm cho lúa không phát triển được vì kẻ thù là satan đã lén gieo vào ruộng hay nói cách khác ma quỷ đã gieo vào tâm hồn con người biết bao tang tóc, biết bao đau thương, tai họa. Tội đã làm con người xa cách Thiên Chúa và làm cho con người phải chết. Chúa dùng cây lúa mì, một loại lúa được trồng rất nhiều ở Palestine, lúc lúa mì còn nhỏ rất khó phân biệt với cỏ. Chúa cho chúng ta thấy rõ trong câu :” Khi nhổ cỏ, các anh sẽ nhổ cả lúa mì lẫn trong cỏ “. Chúa nói cứ để “ cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt “. Thực tế, nếu nhổ cỏ lùng lúc còn nhỏ sợ chúng ta sẽ nhổ cả lúa, lẫn với cỏ bởi vì chúng ta không thể nào phân biệt được chúng. Chúng ta hiểu được dù cỏ lùng lớn lên có bóp nghẹt lúa tốt một thời gian, nhưng lúa chín, đến mùa gặt, cỏ lùng rất dễ nhận ra và chúng ta sẽ thu gom tất cả cỏ lùng đem đi đốt và lúa thì mang về phơi khô và cất vào kho lẫm. Trong dụ ngôn này, Chúa không có ý nói cứ để cả hai lớn lên là dung túng cho sự dữ, cho cái ác và để chúng tự do hoành hành.

Trong cuộc sống hằng ngày, trong cuộc hành trình đức tin, vẫn có bóng tối và ánh sáng, vẫn có sự thiện và sự dữ. Cỏ lùng và lúa tốt vẫn đan xen với nhau. Đây là cuộc chiến liên lỉ, cuộc phấn đấu không ngừng, cuộc vượt thắng khó khăn không khoan nhượng. Thiên Chúa có chương trình của Ngài. Thiên Chúa luôn kiên nhẫn với từng người chúng ta trong cuộc sống đầy cam go, đầy khó khăn này, và Ngài kiên nhẫn, trung tín với hết mọi người trong thế giới này. Thế giới luôn là cuộc chiến đấu liên lỉ giữa sự thiện và sự dữ. Người Kitô hữu luôn có cỏ lùng và lúa tốt đan xen trong tâm hồn. Thánh Phaolô đã viết rất rõ trong thư gửi tín hữu Roma :” Điều tôi muốn thì tôi không làm, nhưng điều tôi không muốn thì tôi lại làm “ ( Rm 7, 15 ). Đây là cái nghịch lý trong đời sống của con người.

Người Kitô hữu chúng ta thường cứ tự an ủi : ta chưa phải là tội nhân, nhưng ta vẫn chưa muốn quay trở về. Cái trớ trêu là như thế vì chúng ta cứ tưởng khi sa ngã như Ađam và Evà mới là tội nhân, khi kiêu ngạo như Lucifer mới là ma quỷ. Cuộc chiến đấu giữa chúng ta và ma quỷ luôn luôn có Chúa phù trì, đỡ nâng. Lucifer kiêu ngạo, nên trở thành satan. Giuđa phản Chúa, bán Chúa và không nhận ra lòng thương xót của Chúa, nên y đã hư đi. Phêrô chối Chúa nhưng đã biết ăn năn, Chúa thứ tha cho Ông và còn đặt Ông làm thủ lãnh Giáo Hội. Bà Maria Mađalêna đã biêt1 sám hối, nên Chúa thứ tha tội lỗi cho bà.

Cỏ lùng là tội lỗi nhưng nếu con người biết hoán cải ăn năn, Thiên Chúa luôn kiên nhẫn chờ đợi họ quay trở về… Thiên Chúa yêu thương con người và Ngài chờ đợi nơi con người lòng thống hối để được Ngài thứ tha ( Rm 2, 4 ). Thiên Chúa luôn giầu lòng thứ tha. Ngài luôn bao dung, cảm thông và nhẫn nại với chúng ta. Ngài là người Cha nhân từ tha thứ cho đứa con hoang đàng biết quay về với Ngài. Cách thế của Thiên Chúa được biểu tỏ qua lời Thánh Vịnh :” Lạy Chúa, Chúa là Đấng nhân từ và hay tha thứ “.

Vâng, chỉ tới ngày Tận Thế như bài Tin Mừng của thánh Matthêu nói về ngày Chung Thẩm, Chúa sẽ phân chia dê và chiên nghĩa là Ngài sai các thiên thần thu gom hết cỏ lùng, cỏ dại mà đốt đi và thu lúa vào kho lẫm của Ngài. Ngài nói rất rõ ràng :” Kẻ lành lên Thiên Đàng, kẻ dữ xuống Hỏa Ngục chịu phạt đời đời.

Lạy Chúa Giêsu, xin thương xót chúng con là kẻ tội lỗi. Amen.

GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ :
1.Ông chủ trong dụ ngôn “ Cỏ lùng và lúa tốt “ là ai ?
2.Cỏ lùng ám chỉ gì ?
3.Lúa tốt ám chỉ ai ?
4.Tại sao sự chết lại xâm nhập vào trần gian ?
5.Tại sao lại có sự dữ ? Ai đã gây ra cái ác và sự dữ ?
6.Tại sao Chúa lại kiễn nhẫn với con người ?