Khi chúng ta đón nhận đức tin, là người Kitô hữu, chúng ta đều hiểu rằng, mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi không do một thần học gia, hay Đức Giáo Hoàng và cũng không phải Công đồng chung nào có quyền để dạy chúng ta một chân lý tuyệt đối này. Nhưng là chính Đức Giêsu Kitô đã mạc khải cho chúng ta.
Mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm rất cao trọng, không ai trong chúng ta có thể hiểu được. Vì nếu hiểu được thì không còn là mầu nhiệm!. Nhưng bất kỳ ai trong chúng ta cũng tuyên xưng Một Chúa Ba Ngôi hàng ngày và trong mọi lúc. Khi chúng ta làm dấu Thánh giá trên mình là chúng ta bắt đầu tuyên xưng Một Chúa Ba Ngôi, đặt tay lên trán: chúng ta tuyên xưng ngôi Cha, đó là tất cả sự nhận thức của những người con đối với Cha mình; đặt tay trên ngực: chúng ta tuyên xưng ngôi Con để nói lên lòng yêu mến của chúng ta và đặt tay trên vai, chúng ta tuyên xưng ngôi Thánh Thần để xin Chúa đồng hành và hoạt động trong cuộc đời của mỗi người chúng ta. Như vậy, khi vẽ một dấu Thánh giá trên mình, chúng ta đã tuyên xưng Một Chúa Ba Ngôi trong trong nhận thức, trong lòng yêu mến và trong lời cầu xin để hoạt động.
Mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi cho chúng ta một mô hình chuẩn, mô hình ấy là một mô hình Thiên Chúa không đơn độc. Ngôi Cha luôn yêu ngôi Con và nhiệm suốt tình yêu là Thánh Thần. Vì vậy, chúng ta nhìn thấy trong mô hình chuẩn này một cộng đồng yêu thương, luôn luôn là một tình yêu nhiệm suốt; luôn luôn là Cha yêu Con. Và như vậy, hình ảnh của một tình yêu dấn thân, một tình yêu tự hiến được biểu lộ trong Thiên Chúa Ba Ngôi. Chính mô hình chuẩn này là nguyên ủy cho sự sống, cho tất cả ý nghĩa của cuộc đời chúng ta. Không ai là người sống ngoài Thiên Chúa Ba Ngôi. Bởi lẽ, chúng ta lấy một mô hình con người, chúng ta sẽ thấy có ba yếu tính trong đó:
- Thiên Chúa tạo dựng con người có nam có nữ, đó là yếu tính thứ nhất;
- Nơi mỗi con người gồm có thể xác và linh hồn, đó là yếu tính thứ hai;
- Con người không sống riêng rẽ, gắn với cha mẹ ông bà, gắn với môi trường xã hội, cộng đoàn mà mình đang sống, và vì thế, cá nhân và cộng đoàn, đó là yếu tính thứ ba.
Khi đặt con người vào trung tâm, chúng ta cũng có một mô hình dựa theo mô hình của Thiên Chúa Ba Ngôi là con người có giới tính, có nam có nữ, có xác có hồn và có cá nhân có gia đình gắn với cộng đoàn. Nhưng khi người ta cố tình tách ra khỏi mô hình này như linh hồn tách ra khỏi xác là chết. Thời đại của chúng ta, người ta cũng đang cố tình tách ra như vậy mà Chân phúc Gioan Phaolô II gọi đó là “Nền văn hóa phân rẽ”. Người ta cố tình phân rẽ tình dục ra khỏi tình yêu và người ta phân rẽ tình yêu ra khỏi sự sống. Vì phân rẽ tình dục ra khỏi tình yêu nên giới trẻ ngày nay lao vào hưởng thụ và sống gấp. Họ đánh mất lý tính của mình. Những bạn trẻ ngày nay, không còn tính đến giới tính nữa: hai người nữ đòi lấy nhau và đòi buộc xã hội làm giấy hôn thú, tổ chức lễ cưới linh đình; hai người nam lấy nhau, tuyên bố vợ chồng. Như vậy, người ta cố tình làm mất đi giới tính của bản thân mình. Ở nước Thái Lan thì những người đàn ông lại làm nên đàn bà, những người đàn bà lại cố gắng cải trang thành đàn ông. Người ta đánh mất giới tính của mình là bởi vì người ta cố tình sống trong tự do của hưởng thụ để rồi đi đến mức độ là đánh mất chính mình. Người ta tách tình yêu ra khỏi cuộc sống cho nên người ta mới giết, phá thai một cách vô tội vạ. Tội phá thai được sánh như tội hủy diệt bởi tính chất dã man và hệ thống của nó. Vậy mà người ta đã tách tình yêu ra khỏi sự sống, cho nên người ta giết thai nhi mà không biết rằng đó là hoa trái của tình yêu. Người ta hưởng thụ mà không phải vì yêu mà phát sinh sự sống. Những bào thai bị phá, vì ngay từ ban đầu nó đã không được hưởng kết quả của tình yêu mà chỉ là một tình dục hưởng thụ, dẫn đến phá thai một cách vô tội vạ trong cái ngụy biện của họ. Như vậy, trong ba yếu tính trên: tách tình dục ra khỏi tình yêu; tách xác ra khỏi hồn hay là tách con người ra khỏi gia đình, sự sống đều là sự chết. Chúa Giêsu đã dùng hình ảnh thực tế, ngắn gọn, đơn giản, dễ hiểu mà lại sâu sắc, đó là: “Nhành nào lìa cây sẽ khô héo đi” (Ga 15,6).
Những người cố tình tách mình ra khỏi lý tính là tự mình giết mình, cũng như khi người ta cố tình tách mình ra khỏi Thiên Chúa Ba Ngôi, người ta cũng sẽ đi vào cõi chết. Như vậy, mô hình chuẩn về Thiên Chúa Ba Ngôi bao trùm khắp vũ trụ. Tại sao lại như thế? Người ta đặt vấn đề: “Tại sao lại như thế?” Có những tiền đề mà con người phải chấp nhận, ví dụ: Tại sao 2 x 2 = 4 mà không phải bằng 5?; Tại sao trong một tam giác chỉ quy định chỉ có 180 độ chia cho các góc mà không phải 190 độ?; Tại sao một vòng tròn là 360 độ mà không phải là 365 độ như là một năm có 365 ngày?. Những tiền đề về toán học đó là những tiền đề tương đối thôi, nhưng con người phải chấp nhận vì nó đã trở thành tiền đề. Nếu không chấp nhận nó thì không có độ chuẩn tính toán cho các dữ kiện tiếp theo. Một tiền đề tương đối mà trong toán học con người biết chấp nhận, thì nếu như trong cuộc sống, người ta không biết chấp nhận một tiền đề tuyệt đối thì dựa vào đâu để con người tồn tại? Tiền đề tuyệt đối này, xin nói lại, không một thần học gia, Đức Giáo Hoàng hay Công đồng nào có quyền để đặt ra được nhưng là chính Đức Giêsu Kitô đã mạc khải cho chúng ta tiền đề về chân lý tuyệt đối này.
Thánh Giuse thành Copectino (Italia) đã giải thích về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi trong một ví dụ rất đơn sơ, rất gần gũi và thật thân thương khi ngài được Đức Giám mục Disi Chen Phó Bề Trên Tổng Quyền Dòng Anh Em Hèn Mọn tới thăm: “Này Giuse, đêm đẹp quá! Ngắm các vì sao đi kìa. Cha vừa nghe thầy Olando trình bày về Chúa Ba Ngôi. Nghe rồi cha lại thấy khó hiểu hơn trước. Lúc nào cha cũng thấy khó hiểu về mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi đấy. Này, Giuse. Thực sự, cha thấy những cái mình tin lại là những cái rất khó hiểu. Còn con thì sao? Con có hay thắc mắc không? Không! Có Ba ngôi trong một Chúa: Cha, Con và Thánh Thần. Ba ngôi trong một. Đây, một cái chăn và một nếp gấp, hai nếp gấp và ba nếp gấp. Ba nếp gấp trong cùng một cái chăn. Ba ngôi trong cùng một Chúa là Chúa Ba Ngôi.” (Truyện Ông Thánh Bất Đắc Dĩ).
Chúng ta hãy xin Thiên Chúa Cha, Đấng đã sáng tạo chúng ta, Đấng luôn luôn quan phòng yêu thương chúng ta tiếp tục quan phòng vì Ngài rút hơi thở chúng đi, chúng chết ngay, chúng trở về chốn tro bụi của mình . Nếu Ngài gửi hơi thở, chúng được tạo thành và như vậy là chúng ta được ở trong sự quan phòng của Thiên Chúa Cha (x. Tv 104, 29-30). Nhưng chúng ta hằng ý thức mình phạm tội, bởi vậy, nhờ Ngôi Con luôn luôn tái tạo chúng ta qua các bí tích mà chúng ta lãnh nhận, đặc biệt là bí tích Rửa Tội và bí tích Giao hòa. Rồi, chúng ta được thánh hóa nhờ Chúa Ngôi Ba, bởi lẽ, nếu không chúng ta chỉ mãi mãi là “gieo trong bụi đất” để gặt lấy sự hư nát. Nhưng nhờ Thánh Thần, chúng ta gieo trong Thần Khí và gặt được sự sống đời đời. Do vậy Thiên Chúa Ba Ngôi luôn luôn sống trong cuộc đời của chúng ta để quan phòng, để tái tạo, để thánh hóa.
Khi chúng ta đón nhận đức tin, là người Kitô hữu, chúng ta tuyên xưng Một Thiên Chúa Ba Ngôi là chúng ta đang đi vào trong mầu nhiệm sự sống. Mầu nhiệm ấy, chính Đức Giêsu đã cầu nguyện: “Lạy Cha, con cầu cho chúng hợp nhất nên một như Cha và Con là một” (Ga 17, 20-21). Như vậy, mỗi người chúng ta không chỉ được mời gọi mà Đức Giêsu còn cầu nguyện để chúng ta đi vào trong mầu nhiệm của tình yêu tự hiến, một tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi là sự sống, là nguyên ủy của sự thánh thiện đó.
Lạy Thiên Chúa Ba Ngôi,
Xin Thiên Chúa Ba Ngôi sống trong tâm hồn chúng con;
Xin Thiên Chúa Ba Ngôi hoạt động trong mỗi gia đình chúng con
Xin Thiên Chúa Ba Ngôi gìn giữ và thánh hóa
Giáo hội của chúng con,
Thế giới của chúng con,
để ngày nay,
khi thế giới càng phát sinh nhiều tệ nạn
do hậu quả của sự tự do và tình yêu bị lạm dụng
thì chúng con càng hiểu hơn bao giờ hết
chúng con cần Thiên Chúa Ba Ngôi
Yêu thương,
Tái tạo,
Thánh hóa,
hầu giúp cho thế giới của chúng con được hưởng sự an bình thực sự
gia đình của chúng con được hạnh phúc Nước Trời
và tâm hồn của chúng con được bình an trong Chúa.
Chúng con đặt trót niềm tin yêu vào Thiên Chúa Ba Ngôi
là Cha và Con và Thánh Thần. Amen.
Teresa Avila Phạm Thùy Chi