Chú Bé Đánh Kẻng

Sáng sớm tinh sương gà vừa gáy, tôi nghe tiếng chó sủa ngoài sân nhà xứ, nhưng chỉ mấy tiếng thôi rồi im hẳn. Tôi thầm nghĩ có lẽ chú chó nhà xứ đã đánh hơi hoặc nhìn thấy ai đó là người quen cho nên không sủa tiếp. Nhìn đồng hồ mới có 3.45 sáng, ai mà đến nhà thờ sớm thế?
Tôi ra khỏi giường và ra ngoài mái hiên nhà xứ, hít thở không khí trong lành của một buổi bình minh nơi thôn dã và dưới ánh đèn mờ nhạt của một làng quê hẻo lánh xa thành phố, tôi nhìn thấy một chú bé khoảng 12 hay 13 tuổi đang ngồi trên chiếc ghế nhựa thấp dựa vào bức tường nhà thờ, ánh mắt hướng về phía cái kẻng của giáo xứ được treo gần đó.
Rời nhà xứ tôi bước sang khu nhà thờ và tiến gần đến em bé đang ngồi và hỏi em: “Con làm gì mà đến nhà thờ sớm thế?”
Chú bé trả lời: “Con đến đánh kẻng báo thức”. Tôi hỏi tiếp em bé: “Nhiệm vụ nầy đâu phải là của con, con còn nhỏ cần phải ngủ chứ!” “Thưa cha, em trả lời: Ông của con ốm nên con ra nhà thờ đánh kẻng thế cho ông của con”. Tôi hỏi tiếp: “Ông của con tên là gì?” Đứa bé trả lời: “Ông của con tên là Tịnh”. “Còn ba của con tên gì và làm gì?” Tôi hỏi tiếp. Đứa bé trả lời: “Thưa cha, ba của con tên là Quyền, làm nghề tài xế”.
Vừa nói xong mấy câu đối thoại trong buổi sáng tinh sương, đứa bé đánh kẻng đã biến mất trong màn đêm còn đang bao trùm vạn vật như sắp nhường cho ánh dương thức trễ để chạy về nhà ngủ tiếp sau khi đã hoàn tất trách nhiệm đánh xong hồi kẻng 2.
Loa phóng thanh của Giáo Xứ đã bắt đầu phát ra những bài thánh ca để kêu mời con cái trong giáo xứ chỗi dậy chuẩn bị lên đường tiến về ngôi Nhà Mẹ Dũ Thành dâng thánh lễ sáng Chủ Nhật. Từ phía nhà xứ tôi có thể nhìn thấy những em bé trong Ban Giúp Lễ, Quý Ông trong Ban Phụng Vụ, Mục Vụ lăng xăng trong công việc chuẩn thánh lễ ban sáng. Những bước chân âm thầm đi trong bóng đêm, những chiếc xe đạp cộc kệt đã đậu gần chật sân nhà thờ, một số ít may mắn hơn đi bằng Honđa cũng đã đến và nhà thờ đã bắt đầu đông người. Giáo dân đã bắt đầu đọc kinh Ngày Chủ Nhật…


Lịch Sử Giáo Xứ (Dụ) Dũ Thành
(Do một cựu Ban Hành Giáo của Giáo Xứ sưu tầm)

Ngày xưa, các nhà truyền đạo thường đi bằng đường thủy, và dạt vào các cửa biển rồi theo các tuyến sông để truyền đạo. Đầu tiên, hạt Giống Tin Mừng được gieo vào vùng đất Quý Hòa (ở đó có cửa biển), rồi từ đó, lần theo các con sông, các nhà truyền giáo đi khắp các vùng lân cận, và theo các cố ngày xưa kể lại thì Tin Mừng đến vùng đất Dũ Thành vào khoảng năm 1845, năm Thiệu Trị thứ 5. Năm 1863 giáo xứ Quý Hòa được thành lập.
Năm 1872, năm Tự Đức thứ 22, phong trào Văn Thân đã bách hại đạo dã man ở nơi đây, và giết hại rất nhiều người ở vùng Dũ Thành, đa số giáo dân phải đi trú ẩn, có chừng 30 gia đình đã chạy vào đến tận xứ Đan Sa (Quảng Bình) để lánh. Năm 1876, những người ở lại tìm cách học võ và bố trí binh trận như cách mà giáo xứ Đan Sa đã làm để chống lại Văn Thân. Sau khi xây được đồn lũy, có người tuần tiểu canh phòng nên bà con được an toàn và nhiều người đi lánh nạn đã trở lại đoàn tụ, lại thêm nhiều người lương trở lại đạo và có thêm những người từ nơi khác nhập cư đến đó nữa nên số giáo dân ngày một đông lên. Năm 1883 Tự Đức băng hà. Năm 1888, năm Đồng Khánh thứ 3, phong trào Văn Thân bị dập tắt, giáo dân được bình an.
Từ giáo xứ mẹ Quý Hòa sinh ra các giáo xứ khác trong giáo hạt Kỳ Anh ngày nay, trong đó có Dũ Thành được tách năm 1921 bao gồm 4 họ: Dũ Thành, Hoàng Dụ, Vĩnh Sơn và Kim Sơn. Khi đó trừ họ Hoàng Dũ chưa có nhà thờ, còn lại các họ khác đã có tuy bằng tre nứa đơn sơ. Khi mới thành lập xứ, bề trên đã cử cha Phaolô Trần Chế (quê ở An Nhiên, chịu chức năm 1897, quản xứ từ 1921-1934, mất 1935 ở Quý Hòa, Dũ Thành và Quý Hòa dành nhau để được an táng cha và cuối cùng cha được đưa về an táng trong nền nhà thờ cũ của Dũ Thành).
Trước khi cha Chế đến đây, mặc dù đã có 4 họ nhưng mới chỉ có 2 nhà thờ. Nhà thờ xứ (trên phần đất thuộc vườn cố Thọ ngày nay, trên đường đi sang Kim Sơn ngày nay) và nhà nguyện họ Kim Sơn (trên phần đất nhà anh Tâm ngày nay) cũng đã có nhà xứ cạnh nhà thờ, tất cả đều được làm bằng tranh tre. Khi cha Chế đến, ngài chuyển nhà thờ xứ và nhà xứ từ vườn cố Thọ về phần đất gần đường Quốc Lộ. Nhà thờ xứ 6 gian với kích thước khoảng 18×7m, bằng gỗ xây tường chung quanh, lợp ngói nam (kiểu vảy cá), nhà thờ làm theo kiểu chùa 4 mái nhưng chưa có mặt tiền, nó tọa lạc trên phần đất cũ, kề bên đường quốc lộ 1A. Nhà xứ được làm bằng tranh tre.
Năm 1934, bề trên chuyển cha Chế về Quý Hòa và cử cha Giuse Lâm (quê Xuân Mỹ, chịu chức 1929, quản xứ 1934-1937, mất và được an táng 1968 ở Nhượng Bạn), Cha Lâm đến đây, ngài có tu sửa nhà xứ một vài lần. Năm 1937 Cha Lâm chuyển, cha Phaolô Phước (Quê ở Nghi Lộc, quản xứ từ 1937-1941, mất 1955 tại Trung Nghĩa)) về quản xứ, ngài về đây nối thêm một gian nhà thờ, làm mặt tiền, thay ngói cũ bằng ngói Hưng Ký (như ngói đỏ ngày nay) và khánh thành nhà thờ xứ. Trong những năm 1939-1940, với sự ủng hộ vật liệu của một giáo dân là cố Cữu, cha cho tiến hành làm nhà thờ họ Hoàng Dũ với kích thước 5 gian 15×7m, tường xây bao quanh, lợp ngói Hưng Ký. Năm 1941, cha Phước chuyển đi, cha Giuse Ân (quê Lộc Mỹ. chịu chức 1913, mất 1970 tại La Nham được cử đến coi sóc xứ cho đến năm 1944. Sau đó cha JB Diệm (quen gọi là cha Diệm II, vì thời đó có 2 cha Diệm) sinh 1902, chịu chức 1937, quê họ Vạn Gia, xứ Ninh Cường, quản xứ cho đến 1949 (mất 1966 tại Tiếp Võ).
Năm 1947, cha Diễm cho khởi công xây nhà xứ đến năm 1949 thì hoàn thành. Cha Diệm nổi tiếng là nóng và thẳng tính. Tiếp đó là cha Augustinô Bài sinh năm 1912, chịu chức năm 1944, quê ở họ Phương Trạch - xứ Thổ Hoàng, quản xứ cho đến 1951 (Mất 1977 tại xứ Mỹ Hòa (Hà Tĩnh) bị bệnh ung thư), ngài về đây tu sửa lại nhà xứ 1 lần vì mối mọt hư hỏng. Nhà thờ Vĩnh Sơn trước đó được làm ở phía bắc Rộc Chùa (một cái rộc (bụi rậm) trong đó có cái chùa), sau đó thấp trủng quá nên cố Châu (cố Tây, ở xứ Quý Hòa từ 1890-1897) cho chuyển về phía nam Rộc Chùa (trên phần đất cũ ngày nay) được làm bằng tranh tre, bị mục nát giáo dân lại sơ tán, số còn lại không có đủ điều kiện để tu sửa nên cha xứ cho dỡ bỏ, chỉ nhớ là sau năm 1945 chứ không ai biết chính xác là thời gian nào. Sau đó, chẳng ai để ý nên cho đến nay, đất đai cũng đã không còn nguyên vẹn, đang có ý định đổi phần đất mới để làm nhà nguyện).
Sau khi cha Bài chuyển đi, cha hạt Phêrô Nguyễn Năng (sau này là Giám Mục) ở Giáo xứ Dinh Cầu (sau này đổi cho trùng với tên hạt là Kỳ Anh) kiêm xứ Dũ Thành cho đến năm 1952. Năm 1952 cha Năng chuyển đi khỏi Kỳ Anh, cha Đổng quản xứ Quý Hòa làm quản hạt Kỳ Anh. Cha Giuse Mai Ngọc Phác (sinh 1919, chịu chức 1952, quê ở xứ Trung Nghĩa, mất ở Xã Đoài) là cha phó của cha hạt Đổng (Quý Hòa), được cử kiêm Dũ Thành, nếu thấy được thì cho quản xứ luôn. ngài đến đây được hơn 1 năm, thấy không hợp với khí hậu nhất là không hợp với nước ở đây (nước sinh hoạt nhiễm độc do rừng rú), ngài có ý muốn chuyển nhà xứ về họ Kim Sơn nhưng Ban Hành Giáo của xứ không chịu, năm 1954 ngài xin chuyển về coi xứ Dũ Lộc rồi kiêm xứ Dũ Thành cho đến năm 1959. Trong thời gian ở đây, ngài cho sửa lại cung thánh nhà thờ xứ, cho bỏ móng xây 2 tường nhà thờ bằng đá. Trận bão năm 1956, nhà thờ Hoàng Dũ bị tốc mái, gần như sụp đổ, bà con không có điều kiện, vả lại hoàn cảnh chiến tranh nên cứ để vậy mà không sửa sang được gì (sau này cha Lộc quyết định cho dỡ xuống).
Năm 1959, cha JB Trương Văn Lộc (quê Thuận Nghĩa, sinh 1922, chịu chức 1957, mất 1965 tại Quý Hòa) phó xứ Quý Hòa (cha hạt Đổng) được cử về

Lao Động Trẻ Thơ
quản xứ Dinh Cầu (Kỳ Anh ngày nay) và kiêm xứ Dũ Thành. Năm 1962, cha hạt Đổng ở Quý Hòa bị đấu tố (bởi một số giáo dân là đảng viên), phải chuyển lên xứ Dinh Cầu (Kỳ Anh) và cha Lộc về coi xứ Quý Hòa (ngài bị trúng bom và chết năm 1965 tại đó). Cha Đổng kiêm xứ Dũ Thành. Năm 1966, vùng cầu Khe Cà bị ném bom liên tục, trong đó có 2 đợt khốc liệt trong một ngày. Lượt thứ nhất khoảng 7-8h sáng, vùng nhà thờ nhà xứ gần như "hưởng" trọn, mọi thứ bị lật tung, nhà thờ xứ còn vài cây cột chơ vơ xiên xẹo. May thay lúc đó bà con giáo dân đã kịp đi tránh ở vùng sông cách đó chừng 500m (gần với nhà thờ xứ hiện nay). Bà con chưa kịp hoàn hồn thì gần 4 giờ sau, trận bom thứ 2 trút xuống ngay vùng bà con giáo dân đang ẩn trốn, có đến 17 người chết, rất nhiều khác bị thương. Một quả bom nổ chậm bị vùi trong lòng nhà thờ đã phát nổ chừng 10 giờ đêm đã phá tan tành những gì còn sót lại. Người chết, nhà cửa vườn tược tan hoang, một cảnh tang tóc thê thảm bao trùm, ai nấy đều kinh hoàng sợ hãi. Từ đó bà con hầu hết đều tìm cách tránh xa cầu Cà. Sau khi bà con ổn định trở lại, nhà nguyện không còn nên cố chánh Phưng lúc đó đã lên xin cha hạt Đổng 120 đồng, đi mua một căn nhà bị bom của một người lương dân gần đó về dựng trên phần đất nhà cố Lành (phía sau nhà thờ xứ hiện nay) cho bà con 3 họ bên này (lúc này Dũ Thành, Hoàng Dụ, Vĩnh Sơn đều không có nhà thờ nữa, nhà nguyện Kim Sơn tu sửa nhiều lần nhưng vẫn còn dở dang) sớm tối kinh nguyện, bà con đóng góp mỗi gia đình 6 tranh tro để lợp.
Tháng 7/1969, bề trên cử cha Giuse Hồ Ngọc Bá (sinh 1932, chịu chức 1965, quê xứ Thổ Hoàng, hiện nay đang hưu tại xứ Làng Anh) về quản xứ Dũ Thành, thấy không an toàn vì chiến sự vẫn còn tiếp diễn nên, cha Bá quyết định về ở bên họ Kim Sơn mặc dù Dũ Thành vẫn là họ trị sở. Nhà nguyện Kim Sơn nhỏ và đã xuống cấp, nên cha hạt Đổng cho phép lấy gỗ nhà thờ Voi (ở thị trấn Voi ngày nay, hồi đó có một xứ đạo hẳn hoi gọi là xứ Voi, nhưng chiến tranh nên giáo dân đi hết không còn một ai) mang về để làm nhà thờ, (ngói thì cho xứ Xuân Sơn). Nhà thờ Voi nhỏ quá nên gỗ lấy về còn tập kết đó mà chưa làm nhà thờ, cha và họ Kim Sơn có ý xin gỗ của nhà thờ Hoàng Dụ (vì nhà thờ Hoàng Dụ trước đó khá to), nhưng Hoàng Dụ không chịu, sau đó vẫn dùng nhà nguyện bằng tranh tre cũ, vì chưa có nhà xứ nên cha ở ngoài nhà dân. Xứ đi đến quyết định, dỡ nhà thờ xứ (mua về dựng trước đó) về làm nhà xứ để cha ở. Bên này không còn nhà thờ, mỗi lần cha sang làm lễ phải nhờ nhà cố Trọng. Sau đó, xứ đặt vấn đề xin nhà thờ Hoàng Dụ về để dựng làm nhà thờ xứ, Hoàng Dụ đồng ý. Xin được rồi, thấy không đủ điều kiện để làm vì nhà thờ Hoàng Dụ lớn quá. Hơn nữa bên Kim Sơn có cha, đang cần làm nhà thờ to hơn, nên đi đến quyết định đổi: lấy gỗ của nhà thờ Hoàng Dũ sang làm nhà thờ Kim Sơn, rồi lấy gỗ nhà thờ Voi về làm nhà thờ xứ (trên phần đất nhà bếp thuộc nhà xứ hiện nay). (Hoàng Dũ không chịu nhưng về sau đành chấp nhận vì đã quyết định cho xứ rồi, xứ có quyền...).
Mỗi lần cha sang làm lễ mà nghỉ lại thì ở trong nhà mặc áo. Với vật liệu của nhà thờ Hoàng Dũ trước đó, cha Bá cho xây nhà thờ Kim Sơn với kích thước 25×10 (có hình ảnh kèm theo, lấy từ Album giáo phận) trên phần đất nhà thờ họ Kim Sơn hiện nay (diện tích đất 4000m2) sau đó ngài xây tiếp nhà phong (nhà phòng họ Kim Sơn hiện nay, còn nhà phòng cũ dùng làm nhà bếp). Tháng 8 năm 1988, cha Bá chuyển đi và cha Giuse Phạm Huy Tường (quê Quan Lãng, sinh 1932, chịu chức 1966, hiện nay đang hưu ở TGM) về quản xứ Dũ Thành.
Tháng 2/1989, ngài cho xây nhà thờ xứ hiện nay cho đến 1992 thì hoàn thành, đặt tước hiệu nhà thờ là "Thánh Đường Giuse" (vì ngài cho rằng, nhà thờ có được là nhờ ơn ông thánh Giuse). Lúc đầu xin mà chính quyền không cho, sau một thời gian mới cho thì khống chế về kích thước nên nhà thờ khá nhỏ (33×11m). 1/5/1996, ngài lại cho khởi công xây nhà thờ họ Kim Sơn, chính quyền đã thoáng hơn nên nhà thờ Kim Sơn xây được khá rộng lớn (40×14,5m), sau ít tháng, ngài lại cho xây nhà xứ hiện nay (trên phần đất nhà thờ xứ cũ), và cho tiến hành xây cùng lúc với nhà thờ Kim Sơn, đầu năm 1997 thì nhà xứ hoàn thành. Ngày 25/8/1997, cha chuyển về ở nhà xứ (nhà xứ hiện nay), cho đến 4/2/1998 (tức 8 tháng Giêng) ngài chuyển đi. Sau đó cha Phêrô Phan Văn Thái (sinh 1930, chịu chức 1962, quê Kẻ Đọng, mất ở Kỳ Anh năm 2009) quản hạt Kỳ Anh, kiêm xứ Dũ Thành cho đến năm 2005.
Tháng 5 năm 1999, nhà thờ Kim Sơn được khánh thành (sau khi làm xong trần, do ông Kính – một Việt Kiều Mỹ có gốc ở Kim Sơn tài trợ). Năm 2003, cha Giuse Phạm Minh Đức (quê Trung Nghĩa, sinh 1944, chịu chức 1999, mất 2009 tại xứ Phương Mỹ) được cử về làm quản xứ. Năm 2006 hưởng ứng việc cung nghinh thánh giá trong toàn quốc, giới trẻ xứ, tổ chức một cuộc cung nghinh thánh giá từ họ Kim Sơn về nhà thờ xứ rất hoành tráng. Sau đó, khởi công xây dựng nhà nguyện giáo họ Hoàng Dũ trên phần đất cũ (hiện đang còn 2 gia đình có nhà trên đất nhà thờ mà chưa có điều kiện để di dời), ngài về quản xứ Dũ Thành nhưng do điều kiện sức khỏe, bệnh tật nên phải thường xuyên đi chữa bênh, cho đến tháng 8/2008 ngài được nghỉ để dưỡng bệnh. Sau đó bề trên lại cử cha, cha JB Nguyễn Ngọc Nga (quê Trung Nghĩa, sinh 1966, chịu chức 1999) về quản xứ cho đến nay 18/8/2008 (chính thức đến nhận xứ) cho tiếp tục xây nhà thờ Hoàng Dụ, đến nay đã cơ bản hoàn thành.
Năm 2009, họ Sơn Thành được thành lập, tách từ họ Kim Sơn, nay đã có đất nhà thờ, đang đợi được cấp bìa đỏ, chưa có nhà nguyện. Họ Vĩnh Sơn đang tiếp tục làm thủ tục để đổi lấy phần đất để tính đến việc làm nhà nguyện (đất cũ đã có dân ở, lại có đường điện cao thế đi qua). Hiện nay đang dần hoàn tất việc chia xứ Kim Sơn (gồm Kim Sơn và Sơn Thành) mà chưa xong…

Thiếu Nhi - Nhà Văn Hóa Đang Dở Dang
Dũ Thành, một giáo xứ thuộc tỉnh Hà Tĩnh, Giáo Phận Vinh đã hơn 100 năm trải qua bao biến cố thăng trầm của Quê Hương và Giáo Hội nay đang trong thời phục hưng về tinh thần cũng như xây dựng lại những cơ sở như ‘Nhà Tình Thương - Trường Văn Hóa’ đang được xây cất dở dang mới 1/3 công trình vì chưa có đủ phương tịện tài chánh - Ước tính cho việc xây cất là $30.000 AUD. Nhân lực do sự hy sinh “Dâng Công” của từng gia đình hay cá nhân của giáo dân. Ho luân phiên làm thiện nguyện theo từng phiên hay giáo họ. Xong việc về nhà ăn cơm rồi chiều lại nhà thờ làm tiếp, kể cả những ngày Chủ Nhật. Tôi có dịp chứng kiến tận mắt những chị em phụ nữ đẩy những xe ‘cúc-kít’ chở hồ nặng trĩu nhưng trên gương mặt luôn với nụ cười vui tươi. Họ dùng những phương tiện đơn sơ của những năm 1964-1965 để nện nền trước tiền đường Nhà Thờ, Nhà Tình Thương - Nhà Văn Hóa đang xây dở dang. Họ thay nhau thi công cho dù dưới những cơn nóng hực nắng của các cơn gió ‘Hạ Lào’ vào những buổi trưa hoặc buổi chiều. Những em bé theo cha mẹ vui chơi dưới những tàn cây trong lúc cha hay mẹ làm công tác cho những công trình của xứ đạo.

Thăm viếng Giáo Xứ Dũ Thành vào đúng thời điểm của ‘Mùng 5 Tháng 5 Âm Lịch’ tôi dường như sống lại những tập quán tốt của người Việt Nam. Sau Thánh Lễ sáng Chủ Nhật, các đoàn thể, giáo họ vào biếu cha xứ và tôi được Ăn Tết ‘Ké’ Mùng 5 Tháng 5 những ‘Cây Nhà - Lá Vườn - Ao Vườn’ như chuối, khoai lang, gà đi bộ còn sống ôm vào Tết cha xứ, những con cá vừa câu hay lưới dưới sông… Tôi cũng học được những hy sinh cao quý của các em thiếu nhi đi làm mướn kiếm thêm tiền cho đủ đóng tiền trường trong niên học mới sau kỳ nghỉ hè như đi nhổ cỏ mướn cả ngày nhận được khoảng 20.000 VN Đồng / ngày. Có những người cha hoặc người mẹ đi làm mướn cả ngày chi được khoảng 50.000 Đồng. Nhưng đức tin của họ quá kiên cường trong cách thế ‘Sống và Giữ Đạo’. Tôi đã đến dâng thánh lễ, dù là lễ ngày thường, nhưng giáo dân đã đông chật hết nhà thờ cho dù Nhà thờ của Giáo Họ Kim Sơn hay Giáo Họ Trung Cự.

Chân thành cám ơn Quý Cha Xứ: JBt Nguyễn Ngọc Nga, chính xứ Dũ Thành và Paul Nguyễn Đức Vĩnh, chính xứ Trung Nghĩa, Ban Mục Vụ và Cộng Đoàn Dân Chúa của 2 Giáo Xứ - Giáo Họ đã tạo cho tôi những cơ hội để chia sẻ đời sống Mục Vụ của Quý Cha và cuộc sống của giáo dân trong hoàn cảnh thực tế nghèo và thiếu thốn nhưng giàu tình thương với tấm lòng Quảng Đại cũng như Hiếu Khách.

Viết tại Giáo Xứ Dũ Thành, GP Vinh
Ngày 5 tháng 6 năm 2011