Chương Trình Đào Tạo Tông Đồ Giáo Dân - Khóa 2.2003: Dành cho Giáo dân nòng cốt của Giáo xứ

ĐỀ TÀI 13

Cách nuôi dưỡng tinh thần và rèn luyện kỹ năng phục vụ.

1. MỤC ĐÍCH

1.- Giúp các học viên hiểu rằng: muốn phục vụ nhóm hay cộng đoàn lâu dài và hữu hiệu, người giáo dân nòng cốt phải có tinh thần và kỹ năng phục vụ vì đó là hai điều kiện tối cần thiết cho công việc phục vụ.

2.- Giúp các học viên biết dùng các biện pháp cần thiết để nuôi dưỡng tinh thần phục vụ và đồng thời biết cách rèn luyện các kỹ năng phục vụ.

2. TIẾP CẬN VẤN ĐỀ

Thật ra thì để phục vụ nhóm hay cộng đoàn cách hữu hiệu người giáo dân cần có nhiều thứ như trong đã trình bày trong phần Thư Ngỏ về nhu cầu đào tạo giáo dân ở đầu tập tài liệu này. Đó là bốn yếu tố sau đây: (1o) đời sống thiêng liêng (2o) ý thức và thái độ (3o) kỹ năng và (4o) kiến thức.

1.- Vậy theo các bạn thì trong bốn yếu tố trên, yếu tố nào quan trọng nhất? (Tinh thần là yếu tố quan trọng nhất!) Làm thế nào để có được yếu tố ấy?

2.- Còn yếu tố kỹ năng, theo các bạn, có quan trọng không? Quan trọng như thế nào? Làm thế nào để các bạn có được kỹ năng phục vụ?

3. HỌC HỎI

1.- Thế nào là tinh thần và kỹ năng phục vụ?

Chúng ta đều biết rằng: tinh thần và kỹ năng phục vụ là hai yếu tố rất quan trọng và cần thiết cho sự dấn thân của các giáo dân nòng cốt. Tinh thần được ví như cái hồn của người giáo dân nòng cốt. Tinh thần tạo ra động lực (hoặc lý do) và xác định cung cách phục vụ. Còn kỹ năng như đôi chân đôi tay của người ấy. Không có tinh thần, người giáo dân nòng cốt không thể phục vụ một cách kiên trì, khiêm tốn, đắc lực, vô vị lợi và lâu dài được. Không có các kỹ năng cần thiết, người giáo dân nòng cốt không biết cách làm cho việc phục vụ của mình đạt hiệu quả mong muốn. Trong Khóa đào tạo giáo dân nòng cốt này, chúng ta đã học hỏi về một số kỹ năng như (1o) Cách chuẩn bị, điều hành một buổi họp chia sẻ hay thảo luận, (2o) Cách gợi ý hướng dẫn một buổi cầu nguyện của nhóm hay cộng đoàn, (3o) Cách làm việc chung tức làm việc ê-kíp, làm việc nhóm (4o) Cách soạn thảo, thực hiện và lượng giá một dự án mục vụ, (5o) Cách ghi chép sổ sách kế toán và báo cáo tài chánh. Nhưng đấy chưa phải là tất cả các kỹ năng cần thiết của người giáo dân nồng cốt. Còn một số kỹ năng khác căn bản hơn như (1o) Biết cách phát biểu ý kiến của mình một cách vắn gọn, đầy đủ và dễ hiểu (2o) Biết cách nói trước công chúng một cách mạch lạc, có đầu có đuôi, (3o) Biết cách ghi lại các ý kiến phát biểu trong buổi họp, (4o) Biết cách thuyết phục người khác bằng những lý lẽ có trọng lượng v.v.., (5o) Biết cách làm cho người khác chấp nhận khác biệt của nhau (6o) Biết cách hóa giải xung đột xẩy ra trong nhóm hay cộng đoàn. Nếu lấy hình ảnh một người điều khiển một chiếc xe gắn máy thì tinh thần chính là bộ phận máy móc và bình xăng, kỹ năng là khả năng điều khiển chiếc xe của người lái xe. Muốn cho xe chạy tốt, đi xa, máy móc phải tốt, xăng phải đủ. Muốn cho xe chạy đến nơi đến chốn, không bị tai nạn dọc đường, người lái xe phải biết điều khiển xe thành thạo và cẩn thận. Vậy câu hỏi mà chúng ta cần tìm ra câu trả lời là làm thế nào để người giáo dân nòng cốt luôn có tinh thần phục vụ cao? và làm thế nào để người ấy có đủ các kỹ năng cần thiết và ích lợi cho việc phục vụ?

2.- Cách nuôi dưỡng tinh thần phục vụ.

Nuôi dưỡng tinh thần phục vụ được ví như cho thêm củi vào bếp, đổ thêm dầu vào bình. Muốn luôn có một tinh thần phục vụ cao, người giáo dân nòng cốt cần phải biết nuôi dưỡng các biện pháp sau đây:

a)- Bằng đời sống gắn bó mật thiết với Chúa Giêsu Kitô, với Thiên Chúa. Đó là điều kiện quan trọng nhất và “không thể thiếu” nơi người giáo dân nòng cốt. Đời sống gắn bó mật thiết với Chúa Giêsu Kitô, với Thiên Chúa sẽ thúc đẩy chúng ta học tập noi gương bắt chước Chúa Giêsu về tinh thần phục vụ của Người. Trong các ơn mà chúng ta cần nài xin Chúa Giêsu Kitô và Thiên Chúa ban cho chúng ta trong những lúc cầu nguyện, là tinh thần phục vụ của Người. Nếu chúng ta tin vào lời Chúa:”Cứ xin thì sẽ được; cứ tìm thì sẽ thấy; cứ gõ cửa thì sẽ mở cho” mà nài xin Người ban cho chúng ta tinh thần phục vụ của Người thì chắc chắn chúng ta sẽ được Chúa ban cho ơn ấy.

b)- Bằng cách nâng cao hiểu biết về Giáo lý, Thánh Kinh, Công đồng Vatican II, Thần học: Đó cũng là điều kiện quan trọng và “không thể thiếu” nơi người giáo dân nòng cốt. “Vô tri bất mộ”: Sự hiểu biết về Giáo lý, Thánh Kinh sẽ giúp chúng ta hiểu sâu sắc hơn về Thiên Chúa và về ơn gọi, sứ mạng của mình. Nên chúng ta sẽ quan tâm đến việc học hỏi, tìm hiểu qua việc tham dự các khóa huấn luyện, các đợt sinh hoạt chuyên đề và các hội đoàn. Cũng không coi thường việc đọc sách, báo, tài liệu về tôn giáo, về thần học.

c)- Bằng cách trau dồi và học hỏi kinh nghiệm : Đó cũng là điều kiện quan trọng và “không thể thiếu” nơi người giáo dân nòng cốt. Chúng ta trau dồi kinh nghiệm bằng cách thường xuyên kiểm điểm cách làm việc và phục vụ của mình, để rút ưu khuyết điểm để điều chỉnh, sửa chữa, bổ sung. Chúng ta học hỏi kinh nghiệm với người khác, nhất là với các anh chị em đã nhiều năm dấn thân phục vụ cộng đoàn.

d)- Bằng cách chấp nhận những hy sinh thiệt thòi (thập giá) trong phục vụ. Muốn hái bông hồng thì không thể tránh bị gai đâm. Muốn theo Chúa thì phải bỏ mình vác thập giá mà theo Người. Chúa Giêsu đã nói đi nói lại điều đó trong Phúc Am, để chúng ta luôn ghi lòng tạc dạ. Phục vụ nhóm hay cộng đoàn là phục vụ nhiều người, mà mỗi người mỗi ý, nên không thể tránh được những bất đồng, xung khắc, hiểu lầm từ chính những anh chị em trong nhóm hay cộng đoàn. Người phục vụ phải biết vượt qua những khó khăn và chấp nhận hy sinh thiệt thòi trong phục vụ. Đây cũng là thời cơ thuận tiện để thanh luyện động cơ làm việc, động cơ phục vụ để bỏ cái tôi của chúng ta và trở nên giống Chúa tức nên thánh.

3.- Cách rèn luyện kỹ năng phục vụ.

Có thể nói: mỗi người sinh ra đã có sẵn một số tài năng. Nhưng để phát huy các khả năng sẵn có và nhất là để có được những kỹ năng, những phương pháp mà mình chưa có thì chỉ có một con đường, một phương cách duy nhất: đó là sự học tập và rèn luyện. Rèn luyện kỹ năng phục vụ thì chẳng khác gì mài dao mài kéo cho sắc để con dao cái kéo sẽ bén nhọn hơn cho công việc. Học tập và rèn luyện một cách miệt mài và kiên nhẫn. Chúng ta có thể lấy câu này làm châm ngôn: “Không làm bao giờ thì không bao giờ chúng ta biết làm” và “Không tập làm thì không bao giờ chúng ta làm được” Ai nói trước công chúng mà lúc đầu không run không sợ? Ai có thể dạy giáo lý mà không tập đứng lớp giáo lý? Ai có thể hướng dẫn một buổi cầu nguyện mà không chuẩn bị kỹ lưỡng và tập đi tập lại lời mình sẽ nói, ý mình sẽ phát biểu? Nói tóm lại không có gì tự nhiên mà có. Lao động, rèn luyện là chìa khóa có thể mở ra tất cả cho những người khiêm tốn và thiện chí, muốn dấn thân phục vụ anh em, cộng đoàn.

4.ÁP DỤNG

1.- Theo các bạn thì nhờ đâu mà trong giáo phận và giáo xứ có một số anh chị em giáo dân có tinh thần phục vụ rất cao? Các bạn có ngưỡng mộ những người ấy không? Các bạn làm gì để có tinh thần phục vụ cao như những anh chị em kia?

2.- Các bạn có được một số kỹ năng phục vụ? Kỹ năng nào nhờ bẩm sinh mà có, kỹ năng nào do tập luyện mà có?

5. CHIA SẺ

1.- Bạn hãy chia sẻ những khó khăn, trở ngại -chủ quan và khách quan- trong việc nuôi dưỡng tinh thần và trong việc rèn luyện kỹ năng phục vụ.

2.- Theo kinh nghiệm riêng của bạn thì phương pháp nào tỏ ra hữu hiệu nhất giúp bạn nâng cao tinh thần và kỹ năng phục vụ? Bạn hãy chia sẻ kinh nghiệm ấy cho các bạn khác.



Ngày 26.05.2003

Tài Liệu Bồi Dưỡng Giáo Dân Nòng Cốt

SÁCH VÀ TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Văn kiện Công đồng Vatican II.

2. Bộ Giáo luật 1983.

3. Gioan Phaolô II, Tông huấn Kitô hữu giáo dân, 1988.

4. Giáo dân thời đại mới.

5. Thủ bản của Kitô hữu giáo dân, 1993.

6. Tài liệu về đào tạo giáo dân của Hội đồng Giáo hoàng về Giáo dân, 1987.

7. For all the people of Asia, vol 1 (Tài liệu của Liên Hội đồng Giám mục Á Châu (The Federation of Asian Bishops Conferences: FABC từ năm 1970 đến 1991), Editors Gaudencio Rosales, D.D. và C.G. Arévalo, SJ, Claretian Publications, 1997.

8. Viện Mục vụ Đông Á (East Asian Pastoral Institute: EAPI), Philipines, nhiều tác gỉa, Personnaly yours…., 1973-1974.

9. Viện Mục vụ Đông Á (East Asian Pastoral Institute: EAPI), Philipines, nhiều tác gỉa, Program for the formation of community leaders, 1973.

10. Viện Mục vụ Đông Á (East Asian Pastoral Institute: EAPI), Philipines, nhiều tác gỉa, Mission is commitment together, 1974.

11. John Fuellenbach, Trou Fire, Logos Publication, Inc. Manila 1997.

12. William Barry SJ, God and you

13. Richard Bohlman SJ, tài liệu tĩnh tâm của Viện Mục vụ Đông Á (East Asian Pastoral Institute: EAPI), Philipines, tháng 09.1997.

14. William T. Ditewig, Lay leaders, Resources for changing parish, Ave Maroa press, 1991.

15. Kevin Teston, Following the Heart, Reflections on Christian Leadership, 1994.

16. J.ess S. Brena SJ, Ngài gọi con, con đây (Thủ bản huấn luyện Tông Đồ Giáo Dân), Nhà xuất bản Trung Tâm Đào Tạo và Thăng Tiến Đài Bắc - Đài Loan, 1984.