Tuần qua, bức thư của anh Hà Minh Thành từ Nhật kể lại những gì anh chứng kiến khi tham gia cứu trợ tại Fukushima đã gây xúc động cho không ít người, đặc biệt là cử chỉ cao đẹp của chú bé mới 9 tuổi, lạc hết thân nhân, trên người chỉ còn chiếc quần đùi áo thun xếp hàng trong giá lạnh chờ lãnh lương thực. Thế nhưng… khi được nhường cho gói lương khô, chú bé đã khom người cảm ơn… ôm bao lương khô đi thẳng lên chỗ những người đang phát thực phẩm và để bao lương khô vào thùng thực phẩm đang phân phát rồi lại quay lại xếp hàng. Tôi sửng sốt và ngạc nhiên vô cùng, mới hỏi nó tại sao con không ăn mà lại đem bỏ vào đó. Nỏ trả lời: "Bởi vì còn có nhiều người chắc đói hơn con. Bỏ vào đó để các cô chú phát chung cho công bằng chú ạ!" anh Thành kể.

Cảm ơn anh vì những chia sẻ đầy cảm xúc trên. Lá thư thật sự là bài học cho chúng tôi, vì đang sống ở một nơi ngập tràn bảng hiệu ‘khu phố văn hóa’ nhưng con người cư xử với nhau chẳng văn hóa chút nào. Nếu có anh dịp về Sàigòn nơi được xem là ‘trung tâm văn hóa lớn của cả nước’ anh chỉ cần bỏ ra vài chục phút đứng tại các ngã 3, 4 quan sát cảnh người người chạy xe chen lấn, giành đường nhau một cách rất vô ý thức sẽ thấy điều tôi nói là không sai.

Hành động ôm bao lương khô đi thẳng đến nơi cần phải đến không chút đắn đo của chú bé người Nhật kia, chắc đã khiến không ít người lớn chúng tôi không khỏi hổ thẹn, khi mà trong cuộc sống hay ‘nhân danh’ miếng cơm manh áo để chà đạp lên quyền lợi của người khác, ngay cả khi đang ở nhà cao cửa rộng, túi rủng rỉnh tiền chứ chưa hề ‘trắng tay’ như chú bé.

Giá như hôm ấy anh bớt xúc động để đừng “nghe xong vội quay mặt đi chỗ khác để khóc để nó và mọi người đang xếp hàng không nhìn thấy” biết đâu chúng tôi đã có được tấm ảnh chụp chân dung cháu bé, tôi chắc phải có khuôn mặt nhân hậu tử tế lắm lắm?

Bức thư đã góp phần làm dấy lên phong trào khâm phục người Nhật trong nước suốt tuần qua trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tuy nhiên, việc làm tưởng chừng cao đẹp này hoá ra cũng lại kém văn hóa nốt khi người ta đã ‘cắt xén’ nó chẳng còn nguyên vẹn như trước.

Dưới nhan đề “Thư của cảnh sát Nhật, gốc Việt từ vùng động đất(http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/?vnnid=12941 18/03/2011 05:00 GMT+7) tờ điện tử lớn nhất nước Vietnam Net đã ‘đục bỏ’ mất đoạn "Qua anh Nguyễn Hữu Viện tôi mới được biết anh và trang tin của anh dù tôi làm việc cách chỗ của anh cũng không bao xa. Xin hân hạnh được làm quen với anh" như chúng ta thấy bên dưới.



Thay vì lẽ ra nội dung đầy đủ của nó phải là (http://www.vietcatholic.net/News/Html/88425.htm)



Xem lại nội dung bị cắt bỏ chúng ta thấy lý do của họ chẳng qua chỉ vì nó có dính dáng đến cái tên ‘Nguyễn Hữu Viện’, một trí thức bất đồng chính kiến đang sống ở Pháp.

Mặc dù việc làm này cũng chẳng ảnh hưởng gì đến bản thân ông Nguyễn Hữu Viện cũng như nội dung lá thư, nhưng nó cho chúng ta thấy cái thói ưa ‘cắt xén’ sợ sự thật của truyền thông trong nước đâu vẫn còn nguyên đó, vẫn ‘chứng nào tật nấy’.

Vì đục bỏ vô cớ Vietnam Net buộc phải sửa lại gốc tích bức thư và bảo là do “rất tình cờ… đọc được từ blog của TS Nguyễn Đình Đăng” thế nhưng họ lại quên mất rằng cái sự “rất tình cờ” này đã được chính tác giả ‘chỉ đường’ cho khi viết cho TS. Nguyễn Đình Đăng ngay trong đoạn bị cắt mà nhiều người đã biết “Qua anh Nguyễn Hữu Viện tôi mới được biết anh và trang tin của anh” (cắt vội quá nên chẳng còn nhớ mình cắt gì chăng?)

‘Tránh vỏ dưa đụng vỏ dừa’. Vì nói dối, tờ Vietnam Net đã dẫn người đọc trong nước đến một nơi để thấy cái mà những ‘ông chủ’ của họ chắc chẳng bao giờ muốn. Đó là hình một người tay bị còng miệng bị bịt to ‘tổ chảng’ đập vào mắt mọi người, khiến họ không thể không liên tưởng đến tấm hình chụp LM Nguyễn văn Lý bị công an bị miệng giữa ‘phiên tòa ô nhục’ tại Huế tháng 3/2007.



Sự ‘ấu trĩ’ của tờ báo lớn này ở chỗ. Với người thực sự quan tâm đến thời cuộc thì họ đã đọc bức thư này từ khi mới xuất hiện hôm 17/3, cũng như biết rõ ‘Nguyễn Hữu Viện’ là ai. Cắt bỏ cũng chẳng có tác dụng gì. Còn ngược lại, người mà xưa nay chỉ biết đọc có mỗi báo ‘lề phải’ không hề biết ‘leo trèo’ vượt tường lửa là gì, thì cái tên Nguyễn Hữu Viện cũng giống như bao tên xa lạ khác. ‘Cắt xén’ chi cho mang tiếng?

Khi duyệt cho Vietnam Net đăng ‘bức thư ngoại’ này hẳn nhà nước rất muốn người dân học cách ứng xử văn mình của người Nhật. Thế nhưng họ đã làm cái điều tử tế này một cách rất kém văn minh bằng hành động ‘cắt xén’ như trên. Mà thượng chưa hết bất chính thì hạ làm sao bớt tắc loạn? Trong đầu các quan chưa hết nghĩ đến chuyện cắt xén, nói dối, ăn chận tiền, hàng cưu trợ bão lụt v.v… thì làm sao dạy dân ‘lá lành đùm lá rách’ ?

Cuối cùng xin quay trở lại với hành động cao thượng của chú bé Nhật.

Với một quốc gia mà năm nào cũng thiên tai bão lụt triền miên như VN ta, bài học về cách ứng xử của người Nhật trong cơn hoạn nạn là cần thiết. Tuy nhiên, nếu chỉ làm theo phong trào cho báo chí ‘lên giọng’ ca tụng người Nhật như hiện nay rồi ngày mai lại… chìm nghỉm (cũng giống như việc rầm rộ đưa tin về cụ Rùa khi nỗi lo về cơn bão giá bắt đầu tăng trong dân chúng, nay sóng cơn gió đã qua thì ‘cụ’ sống chết ra sao chang ai hay) thiết nghĩ có đăng đến một trăm bức thư cảm động hơn những gì anh Thành kể, cũng chỉ làm chuyện vô ích mà thôi.

Nếu thật sự lo cho sự xuống cấp về nhân cách của xã hội VN hôm nay, thật sự muốn học tập tinh thần Nhật… xin đừng quá ‘xúc động’ trong chốc lát mà hãy nhìn kỹ vào số tuổi ít ỏi của cậu bé ấy để mà suy gẫm…

Ở tuổi lên chín chưa rành chữ nghĩa chắc chắn chú bé ấy không thể bị anh hưởng bởi bất cứ sự tuyên truyền văn hóa đạo đức từ báo đài nào hết. Mà những gì nó thể hiện, thiết nghĩ chính xác là sự trình diễn lại một cách rất bản năng những gì đã được rèn luyện cẩn thận trong nhà trường, nếu có muốn ‘đóng kịch’ cũng chẳng thể nào làm nổi trong hoàn cảnh mất mát cha me như vậy.

Thế còn VN ta, nhìn lại nền giáo dục đất nước mình chúng ta thấy gì?

Phải chăng chính việc ‘nhồi nhét’ vào đầu nhiều thế hệ những sự thù hằn, chết chóc từ ngay bé tập tễnh đi mẫu giáo, những sự giả dối như ‘đuốc sống’ Lê Văn Tám, hoặc sự tự mãn, kiêu ngạo kiểu như “O du kích nhỏ giương cao súng, thằng Mỹ lom khom bước cúi đầu” v.v… đã đẩy quan hệ giữa người với người trong xã hội VN hôm nay rơi vào tình trạng sẵn sàng gây hấn ‘chém giết’ chà đạp lên nhau không thương tiếc?

Tưởng cũng cần nhắc lại rằng ở miền Nam trước 1975 mặc dù cũng chiến tranh như miền Bắc, nhưng không bao giờ có chuyện học sinh chúng tôi bị nhà trường dạy lòng căm thù ‘vi-xi’ (tức Việt Công), tâng bốc chủ thuyết chủ thuyết này chê bai chủ thuyết nọ ‘đang giãy chết’ v.v… mà vẫn được học những điều tử tế rất đỗi đời thường. Như đi đường gặp đám tang phải đứng lại ngả nón chờ xe tang đi qua mới được đi tiếp, gặp người già hay em bé muốn qua đường phải giúp họ v.v…

Bởi vậy, chừng nào nền giáo dục VN còn chưa hết bị ‘chính trị hóa’, báo chí chưa hết thôi làm công cụ tuyên truyền cho đảng, ngày ấy ước mong về một xã hội ‘mình vì mọi người’ đúng như những gì chú bé 9 tuổi người Nhật kia thể hiện chứ không ‘sáo rỗng’ như hiện nay, một ‘Việt Nam – đất nước thật sự vĩ đại’… sẽ vẫn mãi là điều gì đó quá xa vời với chúng ta.

Sàigòn, 25/3/2011