LỄ KÍNH TÔNG TÒA THÁNH PHÊRÔ

Đặt viên đá đầu tiên xây dựng nhà thờ Phú Mỹ, giáo xứ Kỳ Tân, Quảng Ngãi

Ngày 22 tháng 02 năm 2011

(Is 56,1-7; 1Cr 3,9-13.16-17; Mt 16,13-19)


Hôm nay chúng ta cùng nhau qui tụ về đây để tham dự thánh lễ kính nhớ việc thiết lập Tông tòa thánh Phêrô, trong đó có nghi thức làm phép và đặt viên đá đầu tiên để khởi công xây dựng nhà thờ Phú Mỹ, giáo xứ Kỳ Tân, giáo hạt Quảng Ngãi.

Chúa Giêsu đã sinh ra và lớn lên tại xứ Do-thái. Ngài thi hành sứ vụ rao giảng Tin Mừng và hoàn tất cuộc đời trần thế cũng tại đó. Tuy nhiên, trước khi về trời, Ngài đã truyền cho các môn đệ hãy đi khắp tứ phương thiên hạ rao giảng Tin Mừng của Ngài. Đạo Chúa đã bắt đầu được thiết lập tại Giêrusalem, để rồi sau đó theo sự thúc đẩy và hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, bước chân các tông đồ đã vượt biên giới xứ Palestina để đến với những vùng đất xa hơn, cho đến tận Roma là thủ đô của đế quốc. Chính thánh Phêrô, vị tông đồ trưởng, sau thời gian hoạt động truyền giáo cho người bản xứ, cũng đã đến tận Roma để từ đó lãnh đạo Hội Thánh đang bành trướng khắp các tỉnh thành trong toàn đế quốc. Tại đây, ngài trở thành vị Giáo Hoàng tiên khởi trong lịch sử Kitô giáo và Roma trở thành nơi đặt ngai tòa của ngài.

Lễ kính Tông tòa thánh Phêrô nhắc chúng ta nhớ lại sứ mạng Chúa Kitô đã trao phó cho vị thủ lãnh các tông đồ. Nhờ đặc ân không sai lầm, thánh Phêrô là người bảo đảm đức tin của các anh em. Lòng tin của thánh Phêrô là đá tảng, trên đó Chúa Kitô đã xây dựng Hội Thánh của Ngài.

Thánh Phêrô là vị tông đồ có niềm tin vững mạnh đã được chính Đức Giêsu đặt làm người đại diện cho Chúa để chăn dắt đàn chiên của Ngài ở trần gian. Trong đoạn Tin Mừng chúng ta vừa nghe hôm nay, chính Phêrô là người đại diện cộng đoàn các môn đệ để thưa với Chúa Giêsu: “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”. Lời tuyên xưng ấy không phải tự ngài nghĩ ra, nhưng là do Chúa Cha soi sáng. Một người đã được Chúa Cha ban cho ơn soi sáng và niềm tin mạnh mẽ như thế thì chắc chắn đáng được giao trọng trách lãnh đạo Hội Thánh. Vì vậy, Chúa Giêsu đã nói với Phêrô: “Này anh Simon con ông Giôna, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mạc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: anh là Phêrô, nghĩa là tảng đá, trên tảng đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. Thầy sẽ trao cho anh chìa khóa Nước Trời: dưới đất anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cới như vậy” (Mt 16,17-19).

Thực ra, chính Chúa Giêsu mới thực sự là Đá Tảng, vì Ngài là Thiên Chúa, như người Israel vẫn thường gọi Thiên Chúa là Đá Tảng của họ, nơi Ngài họ tìm được sự ẩn náu vững chắc. Chính Chúa Giêsu cũng đã tự ví mình như tảng đá góc tường, trên đó xây dựng tòa nhà kiên cố. Tòa nhà ấy chính là Hội Thánh, vững vàng qua muôn thế hệ, trước mọi phong ba bão táp hay sức tàn phá của trần gian. Chính Ngài là Đấng Bầu Chữa, là nơi các kitô hữu nương thân. Chính Chúa Giêsu là Đá Tảng không thể lay chuyển được, là nền tảng. Không ai có thể đặt nền tảng nào khác ngoài nền tảng đã đặt sẵn là Đức Kitô, như lời thánh Phaolô đã khẳng định trong bức thư thứ I gửi giáo đoàn Côrintô ở bài đọc II.

Thế nhưng, qua lời tuyên xưng niềm tin sắt đá của Phêrô, Đức Kitô đã chính thức đặt Phêrô làm người đại diện cho Ngài ở trần gian và ban cho Phêrô được tham dự vào cương vị Đá Tảng của Ngài, để Phêrô được nên vững chắc nhờ sức mạnh của chính Đức Kitô, để những gì Đức Kitô có được do quyền năng riêng thì Phêrô cũng có chung với Ngài nhờ được chia sẻ quyền năng ấy. Vì thế Ngài đã đổi tên Simon thành Phêrô, nghĩa là Đá. Đá là vật cứng rắn, tồn tại và không thay đổi qua thời gian. Xét trên phương diện tự nhiên, Phêrô cũng chỉ là một con người xác phàm yếu đuối và dễ thay đổi như bao người khác. Tuy nhiên, ơn Chúa và sứ mạng được giao phó đã khiến Phêrô trở nên vững vàng chắc chắn, nên điểm tựa cho mọi người trong đức tin trước mọi cơn sóng gió. Như một ngôi nhà được xây trên đá, gió bão có thổi đến, nước lũ có ùa vào, nhà ấy vẫn đứng vững không sập, thì Hội Thánh Chúa Kitô cũng thế, ngay cả quyền lực tử thần cũng không thắng nổi. Suốt thời kỳ bách hại của các hoàng đế Roma, bóng tử thần lảng vảng trên từng ngôi nhà của các kitô hữu, nhưng tất cả họ đều không hề sợ chết, vẫn một mực tuyên xưng niềm tin của mình, nhờ sự gìn giữ của Chúa, nhờ sự chăn dắt dũng cảm, sự nhiệt thành tận tụy và gương sáng đức tin của thánh Phêrô, cũng như của những đấng kế vị ngài và các vị chủ chăn khác.

Kính thưa cộng đoàn,

Nhà thờ Phú Mỹ giáo xứ Kỳ Tân của chúng ta sắp được khởi công xây dựng làm nơi qui tụ cộng đoàn các kitô hữu để lắng nghe Lời Chúa, cầu nguyện, cử hành các bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể, qua đó thể hiện hình ảnh Hội Thánh tại địa phương. Nhà thờ cũng là biểu tượng niềm tin của dân thánh Chúa, trải qua bao cơn bão tố phũ phàng của những biến động lịch sử, niềm tin ấy vẫn nguyên vẹn và ngày càng lớn mạnh, để đến hôm nay một ngôi nhà thờ đồ sộ kiên cố sắp mọc lên như một bằng chứng hùng hồn của niềm tin bất khuất ấy.

Để khởi đầu công trình xây dựng này, hôm nay viên đá đầu tiên của ngôi nhà thờ sẽ được làm phép cùng với diện tích khu đất làm nơi tọa lạc của ngôi nhà thờ. Viên đá này tượng trưng cho Đức Kitô là đá tảng góc tường, trên đó tòa nhà Hội Thánh được xây dựng. Viên đá đầu tiên này sẽ nối kết các viên đá khác để trở thành ngôi đền thánh, cũng như Đức Kitô và vị đại diện của Ngài là Đức Giáo Hoàng nối kết các kitô hữu thành ngôi nhà Hội Thánh, một Hội Thánh duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền.

Tính chất của đá là cứng rắn, tượng trưng cho tình yêu trung thành không thay đổi của Thiên Chúa đối với dân Ngài và đồng thời cũng nói lên lòng tin vững vàng không lay chuyển của cộng đoàn tín hữu đối với Ngài. Mỗi người tín hữu là một viên đá sống động và rắn chắc được xây trên nền tảng là chính Đức Kitô và trên đức tin của Hội Thánh dưới quyền lãnh đạo của đấng kế vị thánh Phêrô, đại diện Chúa Kitô ở trần gian.

Một ngôi nhà thờ kiên cố mọc lên cùng với một cộng đoàn tín hữu ngày càng lớn mạnh giữa một vùng đất thân thương, giữa những anh chị em đồng bào bên lương, phải là một tín hiệu đáng mừng của một mùa xuân tràn trề hy vọng, báo hiệu một mùa lúa dồi dào. Trong đoạn sách ngôn sứ Isaia mà chúng ta vừa nghe trong bài đọc I, đền thờ Thiên Chúa được gọi là nhà cầu nguyện của muôn dân, tại đó ngay cả những của lễ hy sinh và lễ toàn thiêu của dân ngoại cũng được Ngài đoái nhận, và mọi người không phân biệt đều có thể tìm thấy niềm hoan hỉ nơi nhà cầu nguyện này.

Ngôi nhà thờ bằng gỗ đá mà cha sở Grêgôriô Lê Văn Hiếu và toàn thể cộng đồng dân Chúa giáo xứ Kỳ Tân đang nỗ lực xây dựng, không những để các tín hữu có nơi thờ phượng Chúa và thể hiện tình hiệp thông huynh đệ với nhau, mà còn là một cơ sở truyền giáo, là nơi đón nhận các anh chị em bên lương đến tìm gặp Chúa, để được Ngài chỉ dạy con đường sự thật và sự sống, để được Ngài an ủi nâng đỡ những lúc gặp đau khổ phiền muộn hoặc thất vọng. Để nhà thờ Phú Mỹ trở nên “giàu đẹp” đúng với tên gọi và có sức lôi cuốn đối với anh chị em lương dân, mỗi người tín hữu trong giáo xứ Kỳ Tân hãy cố gắng canh tân chính mình mỗi ngày, để trở thành “mới mẻ diệu kỳ” trước mặt mọi người chung quanh. Hằng ngày anh chị em hãy để tâm suy niệm lời thánh Phaolô trong bài đọc II của thánh lễ hôm nay: “Đền thờ Thiên Chúa là nơi thánh, và đền thờ ấy chính là anh chị em” (1Cr 3,17).