SỨ ĐIỆP HÒA BÌNH VÀ GIẢI NOBEL HÒA BÌNH.

Ngày đầu năm mới, Giáo Hội mừng lễ Mẹ Thiên Chúa cũng là ngày cầu nguyện cho hòa bình thế giới. Mẹ Maria là Nữ Vương Hòa Bình. Mẹ đã cưu mang và sinh hạ Chúa Giêsu vị Vua Thái Bình, Hoàng Tử Bình An.

Ngôn sứ Isaia loan báo “Một trẻ thơ đã chào đời để cứu ta. Một người Con đã được ban tặng cho ta. Người gánh vác quyền bính trên vai. Danh hiệu của Người là Cố Vấn kỳ diệu, Thần Linh dũng mãnh, người Cha muôn thuở, Thủ Lãnh hòa bình. Người sẽ mở rộng quyền bính, và lập nên hòa bình vô tận…”(Is 9,5-6). Chúa Giêsu, vị thủ lãnh có đầy “dũng mãnh” và “quyền bính trên vai”. Vị thủ đó “đã chào đời để cứu ta”, đã đối xử với dân chúng như “người Cha muôn thuở”. Đó là vị “thủ lãnh hòa bình”, “là bình an của chúng ta” và “đã hy sinh thân mình để phá đổ bức tường ngăn cách là sự thù ghét. Nhờ thập giá, Người đã làm cho đôi bên được hòa giải với Thiên Chúa trong một thân thể duy nhất; trên thập giá, Người đã tiêu diệt sự thù ghét. Người đã đến loan Tin Mừng bình an: bình an cho anh em là những kẻ ở xa, và bình an cho những kẻ ở gần” (Ep 2,14-16). Chính vị thủ lãnh hòa bình đó đã giao hòa loài người với Thiên Chúa “vì Thiên Chúa đã muốn làm cho tất cả sự viên mãn hiện diện ở nơi Người mà làm cho muôn vật được hòa giải với mình. Nhờ máu Người đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa đã đem lại bình an cho mọi loài dưới đất và muôn vật trên trời” (Cl 1,19-20).

Tiếp nối sứ vụ hòa bình của Chúa Giêsu Kitô, Giáo Hội Công Giáo miệt mài tìm kiếm nền hòa bình đích thực cho nhân loại. Năm 1920, Đức Bênêđitô XV ban hành thông điệp “Hòa Bình của Thiên Chúa”. Từ năm 1939 đến 1957, qua các sứ điệp giáng sinh, Đức Piô XII luôn kêu mời các nhà lãnh đạo các quốc gia trên thế giới hãy kiến tạo một nền hòa bình đích thực trên hành tinh này và cùng nhau xây dựng một thế giới liên đới công bằng. Năm 1963, Đức Gioan XXIII ra thông điệp “Hòa bình trên thế giới” gửi đến tất cả những người thành tâm thiện chí trên thế giới để kêu gọi các quốc gia xây dựng một nền hòa bình chống lại chiến tranh. Năm 1967, Đức Phaolô VI thiết lập Hội đồng Giáo Hoàng “Công lý và Hòa bình”, và từ năm 1968, lập ra ngày “Hòa bình thế giới” cử hành vào ngày 1/1 hằng năm. Đức Gioan Phaolô II đã tổ chức những buổi “Cầu nguyện liên tôn” cho hòa bình tại Assisi và đưa ra sáng kiến “Ăn chay vì hòa bình”. Năm 1986, ăn chay để kêu gọi giải trừ vũ khí nguyên tử. Năm 1993 và 1994, ăn chay cho hòa bình tại Bosnia. Năm 2001, ăn chay để cầu nguyện cho hòa bình thế giới sau biến cố 11/09 tại Hoa Kỳ.

Muốn có được một nền hòa bình đích thực, con người không chỉ dừng lại ở việc chấm dứt chiến tranh, giải trừ quân bị, thực thi công lý, nhưng còn phải đi xa hơn, vươn tới tận nguồn của bình an là tình yêu thương. Hòa bình đích thực là kết quả của tiến trình thanh tẩy và nâng cao về văn hóa, đạo đức, tinh thần, một tiến trình trong đó phẩm giá con người được tôn trọng trọn vẹn.

Sứ Điệp Hòa Bình Năm 2011

Sứ Điệp Hòa Bình năm 2011 của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đề cập đến đề tài quan trọng: Tự do tôn giáo, đường dẫn đến hòa bình. ĐGM Phêrô Nguyễn Văn Khảm đã giải thích sứ điệp trong bài viết “Nét chính yếu của Sứ điệp Ngày Hòa bình Thế giới lần thứ 44”.

Đã hẳn, đây là một sứ điệp sâu sắc và súc tích nhưng khá dài. Chỉ sợ rằng vì khá dài nên nhiều người bỏ lỡ. Bài viết này mong ghi lại những nét chính yếu để người đọc có thể dễ tiếp cận hơn với sứ điệp quan trọng của Đức Thánh Cha.

Khởi đi từ nhận định khá bi quan nhưng rất sát thực tế, Đức Thánh Cha cho thấy, bước sang thế kỷ 21, tự do tôn giáo vẫn bị vi phạm trầm trọng tại nhiều nơi trên thế giới. Một nhận định có thể gây ngỡ ngàng: chính các Kitô hữu là nhóm tín hữu phải chịu bách hại nhiều nhất vì niềm tin tôn giáo của mình (số 1). Tình trạng bách hại tôn giáo có thể diễn ra dưới nhiều hình thức. Có thể là bạo lực đổ máu như ở Iraq vào tháng 10 năm 2010, nhưng cũng có thể dưới những hình thức tinh tế và tinh vi hơn ngay tại các quốc gia tự hào là tự do và tiến bộ. Cùng với những bách hại là sự xáo trộn trong đời sống xã hội. Chính thực tế đó thúc đẩy vị cha chung của Hội Thánh Công giáo lên tiếng kêu gọi.

Có thể tập trung vào hai câu hỏi: (1) Tại sao tự do tôn giáo lại là đường dẫn đến hòa bình? và (2) Đâu là lộ trình thực hiện lý tưởng trên?

1. Tại sao tự do tôn giáo lại là đường dẫn đến hòa bình?

Trước hết, tự do tôn giáo là đòi hỏi gắn liền với phẩm giá con người. Được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa, linh ư vạn vật, con người ở tự bản tính mở ra với chân trời siêu việt và tìm được ở đó ý nghĩa và mục đích đời sống của mình (số 2). Tôn trọng tự do tôn giáo là tôn trọng quyền căn bản của con người và phẩm giá đích thực của họ. Chối từ quyền tự do này sẽ dẫn đến sự vi phạm công lý và tạo nên bất ổn xã hội thay vì củng cố hòa bình.

Đồng thời, tôn giáo giúp con người vượt lên trên thế giới vật chất để kiếm tìm chân lý và sự thiện phổ quát vốn là nền tảng cho đạo đức xã hội (số 3). Niềm tin tôn giáo vừa mang tính cá nhân vừa mang tính xã hội vì con người tôn giáo cũng là con người sống trong xã hội, và niềm tin tôn giáo định hình những tương quan của họ trong đời sống xã hội (số 6). Cách cụ thể, trong lịch sử nhân loại và cả ngày nay, các tôn giáo đóng góp rất nhiều vào đời sống xã hội không những qua các việc bác ái, từ thiện, nhưng còn trong việc giáo dục đạo đức làm người, góp phần tích cực vào công trình xây nền văn minh tình thương, liên đới, phát triển con người toàn diện. Vì thế, tôn trọng tự do tôn giáo là củng cố nền móng đạo đức của xã hội và phục vụ công lý hòa bình.

Tự do đích thực luôn hàm nghĩa tôn trọng. Không thể nói tự do mà lại đàn áp, không tôn trọng niềm tin của người khác. Cũng không thể nhân danh chủ nghĩa tương đối về đạo đức mà loại trừ niềm tin tôn giáo của tha nhân vì tự do tôn giáo là quyền căn bản trong các quyền con người (số 5).

2. Lộ trình thực hiện

Để thực hiện lý tưởng trên, cần có những nỗ lực từ nhiều phía. Trước hết là sự đối thoại lành mạnh giữa tôn giáo và chính quyền dân sự. Sự thật hiển nhiên là Nhà nước không tạo nên tôn giáo (số 8). Tôn giáo đã có mặt từ rất lâu trước khi các hình thái tổ chức nhà nước xuất hiện. Đã thế, Nhà nước không có quyền và cũng không thể biến tôn giáo thành công cụ của mình, nhưng phải nhìn nhận và tôn trọng các tôn giáo với những nét đặc thù của họ. Chỉ có cuộc đối thoại lành mạnh giữa tôn giáo và chính quyền mới là điều kiện cho sự phát triển tòan diện. Chính quyền nên trân trọng gia sản đạo đức và tinh thần nơi các tôn giáo để nhận ra những sự thật, nguyên lý và giá trị phổ quát gắn liền với phẩm giá con người (số 12). Hiến chương Liên Hiệp Quốc năm 1945 đã theo hướng đi này để nêu ra những giá trị phổ quát và nguyên tắc đạo đức làm điểm quy chiếu cho các thể chế và luật pháp quốc tế nhằm bảo đảm đời sống chung hòa bình.

Đồng thời, cần có cuộc đối thoại giữa các tín hữu thuộc các tôn giáo khác nhau (số 11). Trong thế giới toàn cầu hóa với đặc tính đa văn hóa và đa tôn giáo, đối thoại là phương thế quan trọng để hướng đến ích chung. Hơn ai hết, các tôn giáo ý thức rằng tự do tôn giáo là điều kiện để theo đuổi chân lý, mà “chân lý không thể đạt đến bằng bạo lực nhưng bằng sức mạnh của chính chân lý”. Cần nêu cao những yếu tố thúc đẩy đời sống chung và loại trừ tất cả những gì đi ngược với phẩm giá đích thực của con người.

Ngoài ra, các tôn giáo phải quan tâm đến giáo dục tôn giáo cho các tín hữu của mình để họ biết tôn trọng nhau và hòa hợp với nhau trong đời sống chung (số 10). Ở đây, vai trò của các gia đình được đề cao cách đặc biệt (số 4). Gia đình chính là ngôi trường đầu tiên và là nền móng cho những tương quan sống của con người sau này ở mọi bình diện. Cha mẹ phải có quyền tự do thông truyền cho con cái di sản văn hóa và tôn giáo của họ. Các tôn giáo cũng cần cảnh giác để tôn giáo không bị biến thành công cụ cho những mục đích khác về chính trị hay kinh tế của các phe nhóm (số 7).

Với các Kitô hữu, dù phải đối diện với những khó khăn, người môn đệ Chúa Kitô không nản lòng vì biết rằng làm chứng cho Tin Mừng luôn luôn là trở thành dấu chỉ chống đối. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, phải ý thức rằng bạo lực không thể vượt qua bằng bạo lực, nhưng chỉ có thể vượt qua bằng tình yêu và tha thứ (số 14). Vì thế, ngay trong tiếng kêu than vì khổ đau và bắt bớ, vẫn ánh lên niềm tin và hi vọng, vẫn vững tâm trong chứng tá tình yêu của Tin Mừng.

Kết luận

Hòa bình vừa là hồng ân của Thiên Chúa vừa là trách nhiệm của con người. Hòa bình đích thực không chỉ đơn thuần là vắng bóng chiến tranh nhưng là kết quả của tiến trình thanh tẩy và nâng cao về văn hóa, đạo đức, tinh thần, một tiến trình trong đó phẩm giá con người được tôn trọng trọn vẹn. Nói theo ngôn ngữ của Đức Phaolô VI, vị giáo hoàng có sáng kiến thiết lập Ngày Hòa Bình thế giới: “Điều tiên quyết là phải xây dựng hòa bình bằng những thứ vũ khí khác – không phải thứ vũ khí giết chết và hủy diệt nhân loại. Vũ khí cần thiết cho hòa bình là vũ khí đạo đức…” Tự do tôn giáo chính là vũ khí đích thực của hòa bình. (nguồn:WHD).

Giải Noel Hòa Bình 2010

Hai mươi thế kỷ qua, chiến tranh luôn diễn ra khắp nơi. Chưa một ngày nào thế giới hoàn toàn im tiếng súng. Trong thế kỷ XX, hai cuộc thế chiến đã hủy diệt hơn 50 triệu sinh mạng. Sau thế chiến II, hơn 20 triệu người đã bị chết thảm khóc trong 150 cuộc chiến. Những cuộc chiến ngày càng bùng nổ với mức độ tàn phá ghê gớm và thảm khóc hơn bởi những vũ khí tinh vi hủy diệt hàng loạt do chính con người chế tạo ra để hủy diệt con người.

Tổ chức Liên Hiệp Quốc ra đời với nổ lực xây dựng nền hòa bình trên hành tinh này với lời cam kết: “Chúng tôi, các quốc gia thành viên của Liên Hiệp Quốc kiên quyết tránh cho các dân tộc thảm họa chiến tranh”. Thế nhưng từ đó đến nay, súng vẫn nổ, đạn vẫn rơi, và máu vẫn chảy. Thế giới đang lo sợ cuộc chiến tranh nguyên tử giữa hai miền Nam – Bắc Triều Tiên mà hậu quả thật khôn lường. Hiểm họa chiến tranh hạt nhân luôn ám ảnh và đe dọa sự sống còn của nhân loại. Hòa bình vẫn là mơ ước ngoài tầm tay với, vì nổ lực của các quốc gia giải quyết những tranh chấp và xung đột bằng đối thoại và bất bạo động dường như phải lùi bước trước bạo lực và lý lẻ của kể mạnh. Hòa Bình ơi! (x. Hòa bình và lòng thương xót, Lm.Giuse Trần Đình Long, Dòng Thánh Thể, Bài giảng Chúa nhật Tổng Giáo phận TPHCM, số 01.2011).

Giải Noel hòa bình được thiết lập theo nguyện vọng ghi trong di chúc của Alfred Nobel, giải Nobel hoà bình nên được trao “cho người đã có đóng góp to lớn trong việc đẩy mạnh tình đoàn kết giữa các quốc gia, trong việc giải trừ hoặc hạn chế các lực lượng vũ trang và trong việc tổ chức hay xúc tiến các hội nghị hoà bình”. Tuy nhiên quan niệm “hoà bình” được hiểu khá rộng. Các giải Nobel hòa bình trong 5 năm gần đây phản ánh các khía cạnh khác nhau của định nghĩa “hòa bình”.

Năm 2009, Tổng thống Mỹ Barack Obama, được trao giải, chỉ 9 tháng sau khi nhậm chức. Điều này làm dấy lên những cuộc tranh luận gay gắt. Phe ủng hộ cho rằng giải thưởng cho Obama là xứng đáng và sẽ cổ vũ ông trên con đường hành động vì một thế giới phi hạt nhân. Phe phản đối lập luận rằng giải Nobel là để dành cho những người đạt được thành tựu cụ thể sau một quá trình. Ngoài ra, việc ông là tổng thống của một quốc gia đang tiến hành hai cuộc chiến tranh cũng khiến những người hoài nghi đánh giá là giải chưa xứng đáng.

Năm 2008, Martti Ahtisaari, cựu tổng thống Phần Lan, đặc sứ của Liên Hợp Quốc được nhận giải vì vai trò làm trung gian hòa giải cho các cuộc xung đột Namibia, Aceh, Kosovo và Iraq.

Năm 2007, cựu phó tổng thống Mỹ Al Gore được vinh danh cho các thành tích trong việc chống lại biến đổi khí hậu toàn cầu.

Năm 2006, Muhammad Yunus, người Bangladesh nhận giải Nobel Hòa bình vì “những nổ lực phát triển kinh tế xã hội cho người nghèo”. Ông đã lập ngân hàng Grameen giúp người nghèo các khoản vay 50-100 USD mà không cần thế chấp. Ông cũng nổi tiếng với câu nói “sẽ đem đói nghèo vào viện bảo tàng”.

Năm 2005, giải thường này được trao cho Cơ quan năng lượng nguyên tử Quốc tế IAEA và người đứng đầu cơ quan này, Giám đốc Mohamed El Baradei vì đã góp phần “ngăn chặn việc đưa các năng lượng nguyên tử hạt nhân vào sử dụng trong mục đích chiến tranh, đảm bảo các năng lượng nguyên tử chỉ được sử dụng với sứ mạng hòa bình và có độ an toàn cao”.

Chính cách hiểu thế nào là “hoà bình” đã là một trong những nguyên nhân làm Trung Quốc cay cú và phản ứng quyết liệt, dẫn đến bất đồng, chia rẽ và thậm chí “chiến tranh” giữa Trung Quốc và cộng đồng quốc tế. Trung Quốc cứ bám sát nghĩa đen theo tờ di chúc của Alfred Nobel, do đó cho rằng trao giải cho ông Lưu “là một sự sỉ nhục đối với chính giải thưởng” và “đang dàn dựng một màn rối ren chống lại Trung Quốc”.

Ngày 8/10/2010, ngay sau khi Uỷ ban Hoà bình công bố tên người sẽ được trao giải năm nay, thì chiến tranh đã nổ ra. Trung Quốc vô cùng tức giận và thẳng thừng công kích quyết định của Uỷ ban này. Thật ra thì cuộc chiến đã bắt đầu từ nhiều tháng trước đó. Từ tháng hai, một phát ngôn viên của Bộ ngoại Trung Quốc, bà Khương Du, đã nói rằng, sẽ “hoàn toàn sai lầm” nếu “một người như thế” được giải Nobel hoà bình. Trung Quốc dùng mọi cách, từ thuyết phục đến đe doạ, nhắm đến không những Uỷ ban Hoà bình mà cả đến các quốc gia nhằm tẩy chay giải Nobel hoà bình năm nay. Như thế giải Nobel hoà bình năm nay đã là nguyên nhân và khởi đầu cho một cuộc chiến trên nhiều mặt trận.

Phản ứng của Trung Quốc

Trước hết, Trung Quốc triệu tập đại sứ Nauy tại Bắc Kinh đến để phản đối, và tuyên bố việc trao giải đã vi phạm các ý nghĩa của giải thưởng và có thể tổn hại đến quan hệ song phương giữa Na Uy và Trung Quốc. Không chỉ đe doạ, từ ngày 8/10, Trung Quốc đã huỷ bỏ nhiều cuộc gặp gỡ cấp bộ trưởng, những hoạt động văn hoá và những thoả ước mậu dịch với Nauy để phản đối việc trao giải này.

Đây là lần đầu tiên trong lịch sử giải Nobel hoà bình, một quốc gia, Trung Quốc, can thiệp trực tiếp với các quốc gia khác để thuyết phục họ không đến tham dự buổi lễ trao giải. Đại sứ quán Trung Quốc tại Oslo, Nauy đã gởi công văn đến tất cả đại diện ngoại giao có mặt tại Nauy, để lưu ý đến những “hậu quả” nếu tham dự buổi lễ trao giải này.

Bà Khương Du, phát ngôn viên của Bộ ngoại giao Trung Quốc cay cú nói rằng “Những người ở Ủy ban Nobel đang dàn dựng một màn rối ren chống lại Trung Quốc” và “hơn 100 quốc gia và tổ chức quốc tế đã bày tỏ sự ủng hộ công khai đối với lập trường của Trung Quốc chống lại giải Nobel hòa bình năm nay”

Với tầm ảnh hưởng hiện tại của Trung Quốc, đặc biệt về mặt kinh tế, sự đe doạ của Trung Quốc không phải là không có tác dụng. Ba ngày trước lễ trao giải, có 19 trên 65 đại sứ quán được mời nói sẽ không đến buổi lễ trọng đại này.

Trong ngày lễ trao giải, tại Trung Quốc, (10/12) hệ thống truyền hình trực tiếp của Mỹ CNN, của Anh BBC và của Pháp TV5, chỉ hiện lên duy một màu đen chết chóc!

Trong một động thái khác, ngày 9/12, một ngày trước ngày trao giải Nobel hoà bình tại Oslo, Trung Quốc đã trao giải hoà bình Khổng Tử (theo Reuters dẫn thông cáo của ban tổ chức nói giải hoà bình đầu tiên của Trung Quốc, vốn lập ra nhằm “đáp trả Nobel hoà bình 2010”), trị giá 100 nghìn nhân dân tệ (tương đương 15 nghìn đô la mỹ), cho ông Liên Chiến, cựu phó tổng thống Đài loan, “vì đóng góp của ông cho hoà bình giữa hai bờ eo biển Đài loan”. Tuy nhiên theo hãng tin AP, chính văn phòng của ông Liên Chiến tại Đài Bắc nói ông không hề biết về giải thưởng này và cũng không muốn tới Bắc Kinh để nhận. Cuối cùng giải Khổng Tử đã được trao tượng trưng cho một bé gái!

Lý do phản ứng của Trung Quốc

Ông Lưu Hiểu Ba, 54 tuổi, đang ngồi tù ở Trung Quốc, bị Trung quốc kết án 11 năm tù vì tội “kích động lật đổ chính phủ”. Ông Lưu chịu án 11 năm tù vì đã soạn thảo Hiến chương 08, (công bố vào dịp kỉ niệm 60 năm Tuyên Ngôn Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc), kêu gọi dân chủ đa đảng và tôn trọng nhân quyền ở Trung Quốc. Ông đã tham gia các cuộc biểu tình bị đàn áp đẫm máu tại Thiên An Môn năm 1989.

Trung quốc luôn coi ông Lưu Hiểu Ba là “tên tội phạm” và do đó xem việc trao giải Nobel hoà bình cho ông Lưu là “can thiệp vào hệ thống luật pháp của Trung Quốc”, và khẳng định “Trung Quốc sẽ không thay đổi vì sự can thiệp của một số thằng hề”.

Một khi đã coi mình là nắm trọn chân lí, cho mình là đúng, cho mình quyền quyết định đâu là sự thật, thì tất cả tiếng nói đối lập đều bị quy kết là “chống đối”, là “âm mưu lật đổ” là điều tất yếu. Ông Lưu dám đụng đến quyền độc tôn lãnh của Đảng, đụng đến quyền lợi của tổ chức này, khi kêu gọi đa đảng, dám nói khác những “chân lí” đã được Đảng tuyên truyền, thì việc ông bị bắt, bị kết án cũng là điều tất yếu. Và như thế, việc Trung Quốc phản đối Uỷ ban hoà bình trao giải cho ông Lưu, tuy trơ trẽn, nhưng là điều thật dễ hiểu.

Phản ứng của thế giới

Trước thái độ phản ứng gay gắt của Trung Quốc, thế giới đã bày tỏ quan điểm của mình. Ngoài một số quốc gia có liên hệ “đặc biệt” hoặc e ngại Trung Quốc đã hưởng ứng lời kêu gọi không đến lễ trao giải, còn hầu hết đều ủng hộ quyết định của Uỷ ban hoà bình và đã đến dự lễ trao giải này vào ngày 10/12 tại Oslo, Nauy. Đáng chú ý nhất là trường hợp cộng hoà Séc và Uraina, trước đó đã tuyên bố không đến dự, nhưng cuối cùng đã thay đổi thái độ và đến dự vào giờ chót.

Trong 1.000 khách mời đến Oslo có đại diện cao nhất của nước Na Uy đăng cai trao giải Nobel là vợ chồng vua Harald V. và hoàng hậu Sonja ngồi chủ tọa giữa đại sảnh. Từ Hoa Kỳ người có quyền lực đứng thứ ba của Mỹ, Chủ tịch Hạ viện Mỹ bà Nancy Pelosi được tháp tùng bởi Đại sứ Mỹ Barry White. Hầu như toàn khối Liên Hiệp Âu Châu bao gồm đại diện và đại sứ có mặt trong buổi trao giải thưởng.

Trước đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã kêu gọi Trung Quốc thả ông Lưu Hiểu Ba ngay lập tức và nói thêm rằng: “Trong 30 năm qua, Trung Quốc đã có những phát triển mạnh mẽ trong cải cách kinh tế, kéo hàng trăm triệu người ra khỏi nghèo đói. Tuy nhiên, giải thưởng này nhắc nhở chúng ta rằng cải cách chính trị vẫn chưa theo kịp và rằng quyền con người cơ bản của mỗi người đều phải được tôn trọng”.

Thông cáo của Quỹ Nobel ghi rõ Lưu Hiểu Ba được trao Nobel hòa bình vì “cuộc đấu tranh trường kỳ bất bạo động vì quyền con người”.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-Moon cho rằng giải thưởng dành cho Lưu Hiểu Ba là “sự công nhận rằng thế giới ngày càng đồng thuận trong việc cải thiện quyền con người”.

Phát ngôn viên của chính phủ Đức, Steffen Seibert tuyên bố Trung Quốc nên thả Lưu Hiểu Ba để ông ta có thể tham gia lễ nhận giải. Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Bernard Kouchner cũng hoan nghênh giải thưởng và cũng kêu gọi Trung Quốc thả ông Lưu.

Trong khi Thông cáo của Quỹ Nobel ghi rõ rằng, Lưu Hiểu Ba được trao Nobel hòa bình vì “cuộc đấu tranh trường kỳ bất bạo động vì quyền con người ở Trung Quốc”. Trong buổi lễ, diễn viên điện ảnh Liv Ullmann đọc lại tuyên bố mà ông Lưu đã đọc trước toà tháng 12/2009: “Không ai có thể dập tắt ngọn lửa tranh đấu cho tự do. Với nỗ lực của mọi người, hy vọng cuối cùng Trung Quốc sẽ trở thành quốc gia pháp trị, nơi nhân quyền được tôn trọng”. Ông Jagland, chủ tịch Uỷ ban hoà bình khẳng định rằng: “Đây không phải là hành động phản đối, đây là tín hiệu cho Trung Quốc thấy rằng trong tương lai, phát triển kinh tế phải đi đôi với cải cách chính trị, hậu thuẫn những người tranh đấu cho nhân quyền. […] Giải Nobel hoà bình thuộc về giá trị nhân quyền phổ quát, không phải là tiêu chuẩn của Tây Phương”.

Như vậy hoà bình không phải là một khái niệm hay một thực tại sẵn có. Nó phải được xây dựng, được thanh luyện và thử thách. Nhiều khi phải chấp nhận chia rẽ, đấu tranh, kể cả chiến tranh để có hoà bình. Hình dáng chiếc ghế màu xanh để trống ở Oslo nhìn rất bình thường như những chiếc ghế khác vẫn có 4 chân, 2 chỗ dựa tay và một chỗ dựa lưng, nhưng hôm nay chiếc ghế này chuyển tải cho thế giới một sức nặng vô biên về quyền tự do con người, quyền đấu tranh ngôn luận cho dân tộc được thăng tiến.(x.Nobel Hoà Bình 2010, hoà bình và chiến tranh, Manga, Dựng lều 32, Nội san Kinh viện Thánh Gia).

Hòa bình đích thực

Muốn có được một nền hòa bình đích thực, nhân loại còn phải đi xa hơn, vươn tới tận nguồn của bình an là tình yêu công lý và sự thật.

Muốn có được một nền hòa bình đích thực thì lời “Kinh Hòa Bình” của Thánh Phanxicô Assisi, giáo huấn của Đức Kitô, nhất là “Bài Giảng Trên Núi” phải trở thành kim chỉ nam, thành hiến chương cho cuộc sống của những người đi xây dựng hoà bình theo chân vị “Thủ lãnh hòa bình” là Đức Kitô.

Ngày đầu năm mới, Giáo Hội mừng kính Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa. Xin hiệp ý với Nữ Vương Hoà Bình cầu nguyện cho hoà bình thế giới. Cầu nguyện cho mọi người biết sống yêu thương tha thứ, hài hoà với nhau trong vâng phục Thiên Chúa, trong quên mình vì người khác để có một nền hoà bình thực sự trường cửu.