Nếu có dịp đến đây chắc chắn chúng ta sẽ được chiêm ngắm Thánh Tượng MẸ LAVANG được thực hiện trển Gỗ “Pơ Mu” cao gần 4 thước. Đây là một tác phẩm có một không hai trên Đất Nước Việt Nam. Hiếm hoi không phải chỉ nói về kích thước nhưng người thực hiện tác phẩm này đã diễn tả được nét đẹp của Mẹ La Vang qua chân dung quen thuôc của Phụ Nữ Việt Nam.
Mẹ đẹp như hạt sương
Dưới mặt trời rực rỡ
Con nhìn trong bỡ ngỡ
Mẹ là cửa Thiên Đường
Mẹ là con suối yêu thương
Ngọt nào nối lại đoạn đường khổ đau
Những lời thơ này chưa nói hết được về vẻ kiều diễm của Mẹ. MẸ LA VANG đẹp lắm, chỉ đơn giản như hạt sương long lanh dưới nắng ban mai nhưng lại rực rỡ muôn màu. Hãy đến chiêm ngưỡng Thánh Tượng Mẹ để thấy nét tiểu thư, thanh tú và quý phái của Mẹ nhưng rất nhân bản, rất Việt Nam.
Vầng trán bao dung của Mẹ đã chịu đựng quá nhiểu đau khổ do con cái ngỗ nghịch làm Mẹ buồn lòng. Tóc Mẹ dường như đã điểm sương vì nhọc nhằn mưa nắng dù Mẹ vẫn mỉm cười nhìn đàn con khắp nơi trở lại LA VANG thăm Mẹ mỗi độ Xuân về hay mỗi Tháng Hoa. Vành Khăn Hoàng Hậu Mẹ đội trên đầu với những vì sao như khẳng định uy quyền của Mẹ vì Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, một trong những tước hiệu cao quý nhất của Mẹ. Đôi mắt Mẹ vương nét buồn phiền dù Mẹ là cửa Thiên Đàng cao quý. Môi miệng Mẹ xinh tươi như nụ hồng e ấp và Gió Đông như đang mơn man tà áo Mẹ, để rồi:
Con nhìn Mẹ say mê
Đôi môi hồng e ấp
Như vì sao xa tắp
Lấp lánh khi đêm về
Trần gian sao quá lê thê
Con mơ đến Mẹ tràn trề niềm vui.
Mẹ trần gian bú mớm
Mẹ trên trời ban ơn
Con bây giờ đã lớn
Suốt đời không quên ơn
Mẹ đừng đi đâu để con được gần Mẹ dù con đã lớn khôn, ngược xuôi đây đó. Trong quá khứ đau thương con đã chạy đến Mẹ. Trong hiện tại ê chề con vẫn đến với Mẹ. Trong tương lai dù thế nào đi nữa xin Mẹ vẫn ở bên con. Mẹ cứ ở lại LAVANG để mỗi lần về thăm Mẹ con được ngắm nhìn Mẹ tuyệt vời. Xin Mẹ vỗ về an ủi khi lòng con cô đơn, trống vắng, gặp bước gian nan.
Mẹ La Vang ánh mắt đầy nhân ái
Thương đàn con khôn lớn lúc loạn ly
Mẹ dẫn lối chỉ đường thời vụng dại
Đến bây giờ ơn Mẹ mãi khắc ghi
.......................................................
ĐÔI NÉT VỂ TÁC GIẢ VÀ TÁC PHẨM:
Vào một buổi sáng đầu tuần cuối của năm Phụng Vụ trước Chúa Nhật Thứ Nhất Mùa Vọng năm nay tôi đươc Cha Quản Nhiệm Trung Tâm La Vang Lê Sĩ Hiền cho coi tấm hình chụp Tác Phẩm Mẹ LA VANG được thực hiện trên Gỗ “Pơ Mu” vừa được BAN CHẤP HÀNH HIỆP HỘI LÀNG NGHỀ VIỆT NAM ban tặng DANH HIỆU SẢN PHẨM TINH HOA LÀNG NGHỀ NĂM 2009. Đây là Danh Hiệu để nói lên bàn tay tài hoa của Nghệ Nhân Nguyễn Hữu Thạo, người thực hiện Tác Phẩm Mẹ LA VANG này.
Vừa nhìn tấm hình tôi ngạc nhiên về nét đẹp của Mẹ LA VANG với dáng vóc gần gũi thiếu nữ Việt Nam. Tôi buột miệng góp ý trên tấm hình này với Cha Quản Nhiệm. Ngài cũng tâm đắc với nhận xét của tôi và Ngài gọi điện thoại ngay cho người thực hiện tác phẩm này để tôi được gặp. Qua vài câu xã giao tôi được anh vồn vã hỏi thăm. Dù chưa gặp mặt nhưng như đã thân quen. Chúng tôi đã nhận lời gặp nhau vào 6 giờ chiều cùng ngày để trao đổi thêm.
Đúng giờ hẹn, tác giả Thánh Tượng MẸ LA VANG đến đón tôi, anh giới thiệu và xin đưa tôi đi uống cà phê. Trên chiếc xe máy với phân khối lớn, tôi ngồi phía sau đến quán nước mà anh đã chọn làm nơi gặp gỡ. Mới rời nhà vài trăm thước trên đường Hoàng Văn Thụ vừa quẹo phải góc Phan Đình Phùng để lên phía Tân Định thì bị Công An chận lại vì chúng tôi đã vào đường ngược chiều. Tôi cảm thấy buồn vì chúng tôi đã không may mắn nhưng Anh đã nói: “Như thế này mới nhớ mãi lần đầu Chú Cháu gặp nhau”. Chắc chắn chúng tôi không thể quên tối đó sau khi nhận Giấy Phạt.
Chúng tôi phải thay đổi địa điểm để đến một Quán Cà Phê khác khá sang trọng và lớn trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Vào ghế ngồi, chúng tôi nhìn nhau và tự giới thiệu về bản thân mình. Anh đưa tôi tấm danh thiếp và giới thiệu tên lần nữa: “Cháu là Nguyễn Hữu Thạo”, lúc đó tôi mới biết Anh nhỏ hơn tôi hai mươi tuổi. Dáng Anh cao lớn, khỏe mạnh, tóc hớt cao biểu lộ sức sống mãnh liệt của tuổi thanh niên.
Anh đã nói về gia thế, nơi sinh quán là Tỉnh Hải Dương, tốt nghiệp xong đi làm việc hết chỗ này qua chỗ khác. Mỗi nơi Anh đều học được cái hay của những bậc Thầy của những người Chủ. Anh may mắn đuợc làm việc với nhiều Nghệ Nhân đã thành danh. Mỗi lần thay đổi chỗ làm là mỗi lần chật vật. Mỗi lần tìm được viêc làm mới là mỗi lần có được niềm vui. Cuộc sống cứ êm đềm trôi với nghề đã chọn.
Sau một thời gian làm thuê để mưu sinh, Anh đã quyết định mở xưởng để thực hiện những tác phẩm cho riêng mình. Anh đã làm nhiều Tác Phẩm Công Giáo như Tượng Chúa, Tượng Đức Mẹ và Tượng các Thánh... bằng gỗ. Anh hỏi tôi đã đến Trung Tâm Hành Hương Cha Phanxicô Trương Bửu Diệp ở Bạc Liêu chưa vì nơi đây hẩu như mỗi tác phẩm trên gỗ đều do Anh thực hiện. Tôi ngạc nhiên vì đã đến đó rồi và đã thấy rất nhiều tác phẩm Tôn Giáo bằng Gỗ ở đó mà không biết tất cả do bàn tay Anh. Chúng tôi say sưa nói về nghệ thuật về văn học tôn giáo vì đề tài này liên quan đến những tác phẩm Anh thực hiện mà quên rằng đã khuya. Trước khi ra về, Anh hẹn hai hôm sau sẽ đón tôi đến thăm xưởng và mời tôi ở lại dùng cơm trưa.
Hai hôm sau như đã hẹn, Anh đón tôi đến thăm xưởng. Đường phố Sài Gòn xe cô tấp nập không ngừng, ngồi phía sau lưng, tôi nói đuà: “Chú trao cả hồn lẫn xác cho cháu đó, chạy chầm chậm thôi, chạy nhanh chú sợ lắm”. Anh cứ trấn an tôi bằng cách nói chuyện cho tôi bớt lo. Khoảng nửa tiếng sau chúng tôi đã tới nhà.
Căn nhà để ở mà phòng khách dùng làm Showroom với đủ thứ Tượng Chúa, Tượng Đức Mẹ và Tượng các Thánh treo trên tường, để dưới sàn. Mọi tác phẩm có một nét đẹp riêng nhất là Tượng Chuá Chịu Nạn lớn với nhiều chi tiết mà Nghệ Nhân phải bỏ nhiều tâm huyết để thực hiện. Tượng Mẹ Pieta khá lớn rất sống động không thua gì bản chính ở Rôma. Sau khi coi những tác phẩm đã hoàn tất được trưng bày ở đây chúng tôi đã tham quan xưởng.
Gọi là xưởng nhưng đây chỉ là một nhà kho đơn sơ với ngổn ngang dụng cụ, buá, đục, khoan, dao … Trên sàn dăm ba khúc gỗ đã được phác thảo nhìn như những tảng đá, trong xưởng đủ thứ tượng nằm trên đất, treo trên khung. Có vài tác phẩm Bữa Tiệc Ly (Last Supper) với nhiều chi tiết được thực hiện khác nhau có lẽ tùy vào Khách Hàng muốn đặt. Có bức ở trên một khối gỗ, có bức được viền khung bằng những loại gỗ khác. Những khúc gỗ vô tri được những người thợ ở xưởng làm thành những tác phẩm sống động.
Qua những tác phẩm bằng gỗ nằm la liệt ở đây chúng tôi mới hiểu rằng: Nhiếp Ảnh Gia dùng ánh sáng để diễn tả tối sáng, ấm lạnh, vui buồn. Họa Sĩ dùng màu sắc đậm nhạt, tươi tắn hay ảm đạm để diễn tả tác phẩm, những Nhà Điêu Khắc Gỗ chỉ dung sự gọt dũa nông sâu để diễn tả nét duyên dáng, sự hồn nhiên hay khắc khổ. Chỉ gọt bớt, giũa đi chứ không thêm được như những người nặn tượng bằng thạch cao. Một cái lỡ tay đủ làm hỏng tác phẩm sắp hoàn thành. Cái khó là ở chỗ đó.
Tôi đang chăm chú coi những tác phẩm dở dang ở trong xưởng thì Nhà Thơ Lê Đình Bảng đến. Anh giới thiệu tôi với Nhà Thơ Lê Đình Bảng và hỏi tôi: “Chú có biết bác ấy không?”. Chúng tôi nhìn nhau tươi cười và tôi đã nói đùa: “Đây là lần đầu tiên chú gặp bác ấy” mặc dù chúng tôi đã biết nhau từ trước. Tôi đã hỏi thăm Nhà Thơ Lê Đình Bảng sau lần Nhà Thơ thoát chết ở Huế vì bị tai biến mạch máu khi ra đây tham dự buổi Hội Thảo Văn Học vào Mùa Hè vừa qua. Sau đó, Thạo mở những tấm nhựa bọc kín Tượng MẸ LAVANG để hai chúng tôi chiêm ngắm.
Chúng tôi đã ngắm nhìn tác phẩm này với tất cả tấm lòng ngưỡng phục: ngưỡng phục nét đẹp cuả Thánh Tượng MẸ LAVANG, ngưỡng phục Nghệ Nhân Nguyễn Hữu Thạo, người đã bỏ công sức, tiền cuả, thời gian để thực hiện tác phẩm này nhân dịp Lễ Bế Mạc Năm Thánh tại Trung Tâm Thánh Mẫu LAVANG vào đầu năm dương lịch 2011.
Một điều làm nhiều người ngạc nhiên, đó là Nguyễn Hữu Thạo không phải là người Công Giáo. Trước khi ăn trưa, tôi đã nói đùa với Thạo: “Cháu phải đọc nhiều Thơ về Mẹ Maria, khi Cháu hiểu Mẹ, yêu Mẹ nhiều Cháu làm Tượng Mẹ sẽ đẹp hơn nữa”.
Xin trân trọng giới thiệu Tượng MẸ LAVANG qua bàn tay khéo léo cuả Nhả Điêu Khắc Gỗ NGUYỄN HỮU THẠO. Cẩn biết thêm những tác phẩm khác cuả Nghệ Nhân này, xin Quý Vị vào trang web: www.tuonggoconggiao.com hoặc liên lạc qua email: dkhuuthao@gmail.com
Virginia – USA.
Lễ Thánh Gioan 27/12/2010