Cho đến nay, người ta chưa hiểu lý do tại sao vật dụng ngừa thai và ngừa truyền bệnh do việc làm tình gây ra được gọi là “condom”. Kruck, William E, trong bài "Looking for Dr Condom" đăng trên tờ Publication of the American Dialect Society năm 1981, từng kết luận rằng: “Về chữ condom, tôi chỉ cần nói rằng cho đến nay chưa ai rõ nguồn gốc của nó, do đó ta nên chấm dứt việc đi tìm một nguyên ngữ”. Cả lý do tại sao người Việt gọi đùa nó là “áo mưa” nữa, cũng không hẳn ai cũng rõ. Nhưng hai năm gần đây, chiếc áo mưa này đã gây nên hai trận bão lửa trên các hệ thống truyền thông thế giới và cả hai đều được người ta qui cho Đức Bênêđíctô XVI.

Châu Phi 2009

Trận bão lửa đầu tiên phát xuất từ Châu Phi hay đúng hơn trên chuyến máy bay đưa Đức Bênêđíctô XVI từ Rôma qua Youndé, thủ đô Cameroun. Hôm ấy, ngày 18 tháng Ba năm 2009, phóng viên Philippe Visseyrias của Đài France 2, đặt câu hỏi như sau với Đức Giáo Hoàng và yêu cầu ngài trả lời bằng tiếng Pháp: “Thưa Đức Thánh Cha, trong rất nhiều thảm họa đang giáng xuống Châu Phi, ta thấy có và nhất là có thảm họa do việc phát triển bệnh AIDS gây ra. Chủ trương của Giáo Hội Công Giáo trong đường lối chống lại thảm họa này thường bị coi là không thực tiễn và không hữu hiệu. Liệu ngài có đề cập đến chủ đề này trong chuyến tông du chăng?”

Và sau đây là nguyên văn câu trả lời bằng tiếng Pháp của Đức Bênêđíctô XVI: “Tôi dám nói là ngược lại. Tôi nghĩ rằng tác nhân có hiệu năng nhất, hiện diện đích thực nhất trong cuộc đấu tranh chống lại bệnh AIDS chính là Giáo Hội Công Giáo, nhờ các phong trào và nhiều tổ chức khác nhau của Giáo Hội. Tôi nghĩ tới cộng đồng Sant’Egidio đang làm rất nhiều trong cuộc đấu tranh chống bệnh AIDS kể cả công khai lẫn ở hậu trường. Tôi cũng nghĩ tới tu hội của Thánh Camillius thành Lellis, và nhiều tổ chức khác, và tất cả các Nữ Tu đang chăm sóc người bệnh.

Tôi xin nói rằng vấn đề bệnh AIDS này không thể khắc phục được duy nhất bằng tiền, dù tiền là điều cần thiết. Nếu không có chiều kích nhân bản, nếu người Châu Phi không chịu tự giúp mình (bằng tác phong có trách nhiệm), thì ta không thể khắc phục vấn đề ấy bằng việc phân phát đồ phòng ngừa: ngược lại, đồ phòng ngừa này chỉ càng làm nó gia tăng. Giải pháp (cho vấn đề này) phải có hai yếu tố: thứ nhất, làm rõ chiều kích nhân bản của tính dục, điều này muốn nói: việc canh tân thiêng liêng và nhân bản sẽ mang theo nó những phương thức mới trong việc đối xử với người khác. Thứ hai, trên hết, (phải có) tình bạn chân thực đối với những người đang đau khổ, một lòng sẵn sàng chịu hy sinh và thực hành việc hãm mình (self-denial), (để) đi với người đang đau khổ.

Và do đó, các nhân tố giúp và dẫn tới tiến bộ thực sự là đây: cố gắng kép nhằm canh tân con người của ta từ bên trong, đem lại sức mạnh thiêng liêng và nhân bản để ta có tác phong thích đáng đối với thân xác mình và thân xác người khác, và khả năng biết chịu khổ với những người đang đau khổ, luôn hiện diện với họ trong các tình thế chịu thử thách. Thiển nghĩ đó là giải pháp thích đáng, và Giáo Hội đang thực hành giải pháp này, nhờ đó, đang góp phần một cách lớn lao và quan yếu”.


Giáo Hội xác tín như thế và Giáo Hội đã dồn mọi nỗ lực của mình vào cuộc đấu tranh chống lại bệnh AIDS dựa trên xác tín này. Nếu nói rằng xác tín ấy thiếu thực tiễn và không hữu hiệu, thì điều trước nhất phải nói nó thiếu thực tiễn ở chỗ nào và nó không hữu hiệu ra sao. Bởi nếu dùng các phương tiện phòng ngừa như áo mưa chẳng hạn mà cứu được một số người, nhưng thực tế bệnh AIDS vẫn thống trị và con số những người mắc bệnh AIDS tại Châu Phi vẫn cứ gia tăng, thì người ta đâu có quyền coi là nó thực tiễn và hữu hiệu hơn phương thức của Giáo Hội, một phương thức cũng đã cứu được nhiều người, những người thực sự thực hành phương thức ấy (1). Thành thử, câu trả lời của Đức Bênêđíctô XVI phải được đọc trên bình diện hộ giáo, bình diện mà rõ ràng ngài đang được đặt vào trên chuyến máy bay tới Yaoundé, do lối đặt câu hỏi của đại diện Đài France 2.

Cơn bão lửa thứ nhất

BBC nhanh chóng trích dẫn câu của Đức Bênêđíctô XVI: phân phối áo mưa không phải là giải pháp cho cuộc đấu tranh chống HIV/AIDS; và việc này có khi còn gia tăng thảm họa AIDS. Trong bản tin này, họ cho hay theo thống kê năm 2007 của LHQ, tại vùng Hạ Sahara, 22 triệu người mắc HIV, chiếm 2/3 hoàn cầu. Và không bình luận gì thêm cả tiêu cực lẫn tích cực.

Nhưng ngày 23 tháng Ba năm 2009, hãng tin IPS từ Lisbon đánh đi một bản tin với hàng tít ngắn gọn: “Đức Giáo Hoàng nói về áo mưa - mặc xác anh (out in the cold)”, của ký giả Mario de Queiroz. Theo đó “Các nhà lãnh đạo chính trị, các nhà tranh đấu, các khoa học gia và ngay cả các giám mục Công Giáo thẩy đều đồng thanh chỉ trích chủ trương của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI liên quan tới việc dùng 'áo mưa' để chặn đứng tác động của bệnh HIV/AIDS tại Châu Phi”, một chứng bệnh mà hãng này cho là 70% những người mắc nó sống tại Châu Phi.

IPS cho hay các chính phủ Bỉ, Pháp, Đức, Lục Xâm Bảo, Hòa Lan, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha là những nước đầu tiên phản ứng dữ dội trước lời tuyên bố của Đức Giáo Hoàng để bênh vực cho quan điểm của các nhà lãnh đạo Chương Trình Hỗn Hợp Của Liên Hiệp Quốc Về HIV/AIDS (UNAIDS) và các nhóm dân sự, những người vốn chỉ trích các nhận định của ngài. Tây Ban Nha còn tiến xa đến độ đã tặng một triệu áo mưa cho Châu Phi vào dịp này, cố ý phản kháng lời tuyên bố của Đức Bênêđíctô XVI.

Theo IPS, UNAIDS, hầu hết các chính phủ thế giới và các cơ quan phi chính phủ (NGO) đều bênh vực việc sử dụng 'áo mưa' như một biện pháp hữu hiệu chống lại việc lan tràn vi khuẩn AIDS. Các cơ quan phi chính phủ, trong đó có cả các cơ quan Công Giáo, gọi nhận định của Đức Giáo Hoàng là “không thể chấp nhận được’, là “lầm lẫn, vô trách nhiệm và nguy hiểm” và cho biết họ “phẫn nộ” và “ngỡ ngàng”. IPS trích dẫn phê phán của John O’Brien, chủ tịch nhóm Công Giáo Phò Chọn Lựa của Mỹ để biện minh cho nhận định của mình. Ngoài ra, IPS còn cho rằng nhiều nhóm Công Giáo vẫn đang phân phối áo mưa cho các nạn nhân HIV. Việc này đã được thừa nhận trong hội nghị hồi tháng Năm 2008 tại Rôma của nhiều người đứng đầu các cơ quan Công Giáo, trong đó nhà truyền giáo người Ý là Maria Martinelli tuyên bố rằng: trong nhiều hoàn cảnh, 'áo mưa' là điều cần thiết, một nhận định được nhiều vị giám mục Châu Phi (?) ủng hộ.

Có điều bất “bình thường” là cũng trong bản tin này, IPS cho hay: chỉ trong năm vừa qua mà thôi, 1.9 triệu trường hợp đã được thêm vào cho số 22 triệu người hiện đang phải sống với HIV tại vùng Hạ Sahara của Châu Phi”.

Nói thế rồi, IPS vẫn trích dẫn lời của một viên chức Ba Tây tố cáo chủ trương của Đức Bênêđíctô XVI là “hoàn toàn có tội, và đi ngược hẳn lại các nghiên cứu khoa học của WHO và UNAIDS vốn được truyền bá rộng rãi” theo đó “việc sử dụng 'áo mưa' ngăn ngừa được 90% trường hợp lan truyền HIV”.

Nhưng nổi đình đám nhất là cặp vợ chồng Tony Blair, cựu thủ tướng Anh, người vừa gia nhập Giáo Hội Công Giáo (12/2007). Theo Hilary White của LifeSiteNews.com (8/4/2009), trong một cuộc phỏng vấn của tờ Attitude, một tập san của nhóm đồng tính, Tony Blair xếp nhận định của Đức Bênêđíctô XVI vào loại dị biệt “thế hệ” mà Giáo Hội Công Giáo cần phải thay đổi. Ông cho rằng: “vị Giáo Hoàng này đại biểu cho nhiều điều tuyệt diệu” nhưng quan điểm của ngài về tính dục không được đa số người Công Giáo ủng hộ. Không biết dựa vào đâu, ông bảo: “Nếu bạn đi vào bất cứ nhà thờ Công Giáo nào vào Chúa Nhật, nhất là những nhà thờ có nhiều người tham dự, và làm một cuộc thăm dò, bạn sẽ ngạc nhiên thấy người ta có tinh thần tự do như thế nào… Họ không có các thái độ định sẵn như thế đâu”.

Có điều, người phỏng vấn là Johann Hari có cho biết: trong sự nghiệp chính trị khá sóng gió của Tony Blair, một trong các yếu tố thành công của ông là chính sách bênh vực phong trào chính trị của người đồng tính tại Anh. Ngay lúc được Đức Hồng Y Cormac Murphy O’Connor tiếp nhận vào đạo, nhiều người Công Giáo nổi tiếng của Anh trong phong trào phò sự sống và phò gia đình lên tiếng yêu cầu ông rút lại sự chống đối của mình đối với giáo huấn Công Giáo về đồng tính luyến ái, gia đình, phá thai và dùng tế bào gốc để nghiên cứu, nhưng không thành công. Ông luôn kêu gọi “các nhà tôn giáo khắp nơi tái giải thích các bản văn tôn giáo của mình để coi chúng chỉ là ẩn dụ chứ không theo nghĩa chiểu tự” và như thế, họ sẽ chấp nhận “người đồng tính ngang hàng với mình”. Ông cho hay: không hề có mâu thuẫn giữa “người tôn giáo’ và “người đồng tính”.

Vợ ông là Cherie Blair, một người Công Giáo “ròng”, cũng không hơn gì. Bà nói với tờ Times of Malta rằng bà “khá buồn” khi nghe Đức Giáo Hoàng nói 'áo mưa' chỉ làm gia tăng vấn đề bệnh AIDS. Bà bảo: đã đành là phải lưu tâm đến vấn đề làm tình bừa bãi, nhưng cũng phải quan tâm đến việc cứu mạng sống người ta nữa. “Tôi tuyệt đối tin và chứng cớ khoa học đã chứng minh rằng 'áo mưa' quả có cứu mạng người. Cho nên, khi phải chọn giữa việc gây nguy hại hay không gây nguy hại cho sự sống, ta phải chọn sự sống”. Về việc bà từ khước không chịu tuân theo giáo huấn của Giáo Hội về ngừa thai, bà cho hay: “Xét cho cùng, tôi nghĩ đây là vấn đề lương tâm cá nhân. Tôi không cảm thấy tệ khi phải chọn lựa như thế và tôi không cảm thấy Giáo Hội Công Giáo cảm thấy tệ về việc tôi chọn lựa như vậy”. Cherie Blair vốn ủng hộ những nhóm phò phá thai như Planned Parenthood, nhất quán coi việc sử dụng các phương tiện ngừa thai nhân tạo là quyền của phụ nữ. Một thứ tự do lương tâm hoàn toàn dựa trên cảm giới chủ quan.

Thực tế

Edward C. Green, giám đốc Dự Án Nghiên Cứu Phòng Ngừa AIDS tại Trung Tâm Havard Nghiên Cứu Về Dân Số và Phát Triển, cho MercatorNet3 biết: lời phát biểu của Đức Giáo Hoàng đúng về phương diện thực nghiệm vì các cuộc nghiên cứu gần đây, kể cả các cuộc nghiên cứu được chính phủ Hoa Kỳ tài trợ gọi là “Điều Tra Sức Khỏe Theo Dân Số Học” (Demographic Health Surveys), đều cho thấy sự liên kết rõ rệt giữa việc sử dụng áo mưa và tỷ lệ gia tăng lây lan HIV. Ông cho rằng, một trong các lý do có thể là sự kiện gọi là “nguy cơ bù trừ” (risk compensation) nghĩa là khi ta sử dụng một kỹ thuật nhằm giảm nguy cơ (có thai hay lây lan bệnh) như 'áo mưa' chẳng hạn, thì ta có khuynh hướng phá hoại chính cái lợi đó bằng cách “bù trừ” qua việc “mạnh dạn” sống bừa bãi hơn. Green cũng cho hay chứng cớ thực nghiệm tốt nhất và mới nhất cho thấy càng bớt “bạn tình” thì tỷ lệ lây lan HIV càng giảm, cho thấy lời khuyên về đơn hôn và trung thành của Đức Giáo Hoàng là giải pháp hay nhất đối với thảm họa HIV của Châu Phi. Chính vì thế, theo Green, hai nước Châu Phi chịu hậu quả nặng nề nhất của HIV, Swaziland và Botswana, đã phát động chiến dịch đả đảo lối sống với nhiều “bạn tình” và cổ vũ lòng trung thành hôn nhân.

James Shelton thuộc Cơ Quan Phát Triển Quốc Tế của Hoa Kỳ cho hay ý niệm cho rằng 'áo mưa' là giải pháp cho AIDS chỉ là một huyền thoại. Tại Cameroon, nơi Đức Bênêđíctô XVI tới thăm, số lượng 'áo mưa' bán ra tăng từ 6 triệu lên 15 triệu, nhưng tỷ lệ gia tăng HIV cũng từ 3% lên 9% (2). Trái lại, Genevieve Pollack, tường trình từ Uganda (15/03/2009), cho biết việc tiết dục và lòng trung thành trong hôn nhân đã góp phần làm giảm tỷ lệ HIV tại Uganda từ 18% xuống còn 3% (3)

René Ecochard, giám đốc sở thống kê sinh học (biostatistics) tại Trung Tâm Bệnh Viện Đại Học Lyon cho tờ La Manche Libre hay hiện đang có sự thiếu thực tế trong việc sử dụng 'áo mưa', một việc sử dụng được ông gọi là “tù nhân của ý thức hệ”. Thực ra, theo Ecochard, Đức Giáo Hoàng không nói tới chính sự hữu hiệu của 'áo mưa' cho bằng nói tới chiến dịch quảng bá nó; hai việc này rất khác nhau. Ecochard cho rằng về phương diện kỹ thuật, 'áo mưa' quả có hiệu nghiệm. Nhưng tất cả các nhà dịch tễ học (epidemiologists) ngày nay đều nhất trí rằng các chiến dịch phân phối 'áo mưa' tại các nước có tỷ lệ HIV cao đã không thành công. Theo ông, Đức Giáo Hoàng đã được Hàn Lâm Viện Khoa Học tại Rôma cố vấn rất kỹ trước khi phát biểu như trên trong chuyến bay tới Yaoundé.

Cơn bão lửa số hai

Giáo huấn của các vị giáo hoàng được phổ biến dưới nhiều hình thức khác nhau. Long trọng nhất dĩ nhiên là các tuyên bố “ex cathedra” có tính tín điều, rất ít khi dùng tới, và nhẹ nhất là các bài giảng hay giáo lý, diễn văn. Mấy chục năm gần đây có thêm hình thức “họp báo” trên đường tông du và để một số ký giả phỏng vấn và công bố thành sách. Ai cũng biết tùy theo hình thức công bố mà các giáo huấn ấy mang nhiều sắc thái nhấn mạnh khác nhau và cũng tế vi hơn theo “tân sư phạm” của truyền thông đại chúng ngày nay. Cơn bão lửa thứ hai phát sinh do câu trả lời của Đức Bênêđíctô XVI trong cuộc phỏng vấn của ký giả Peter Seawald.

Ký giả này đặt câu hỏi về tình dục và “áo mưa” như sau: “Nhân dịp Đức Thánh Cha qua Châu Phi hồi tháng Ba năm 2009, chính sách của Vatican về AIDS lại một lần nữa trở thành mục tiêu cho các phương tiện truyền thông chỉ trích. Hai mươi lăm phần trăm tất cả các nạn nhân AIDS trên khắp thế giới ngày nay đang được điều trị trong các cơ sở Công Giáo. Tại một số quốc gia, như Lesotho chẳng hạn, số thống kê này là 40%. Tại Châu Phi, Đức Thánh Cha tuyên bố rằng giáo huấn truyền thống của Giáo Hội đã được chứng tỏ là đường lối chắc chắn duy nhất để chặn đứng việc truyền bá HIV. Các nhà phê bình, kể cả các nhà phê bình trong hàng ngũ riêng của Giáo Hội phản đối cho rằng quả là điên dại khi ngăn cấm một dân số mắc nguy cơ cao không được dùng ‘áo mưa’”.

Câu hỏi rõ ràng đặt ra để người được phỏng vấn giải thích chứ không hẳn “hộ giáo” như câu hỏi của France 2. Và sau đây là câu trả lời của Đức Bênêđíctô XVI: “Phúc trình của các phương tiện truyền thông đã hoàn toàn bỏ qua những phần khác của chuyến đi Châu Phi chỉ vì một câu tuyên bố duy nhất. Hồi ấy, có người hỏi tôi tại sao Giáo Hội Công Giáo lại đưa ra một chủ trương thiếu thực tế và không hữu hiệu chi về AIDS. Lúc ấy, tôi thực sự cảm thấy mình bị khiêu khích, vì Giáo Hội làm hơn bất cứ ai khác. Và tôi vẫn giữ một nhận định như thế. Vì Giáo Hội là định chế duy nhất trợ giúp người ta một cách tận tình và cụ thể qua việc phòng ngừa, giáo dục, nâng đỡ, huấn đạo, và đồng hành. Và vì Giáo Hội không thua ai trong việc chữa trị rất nhiều nạn nhân AIDS, nhất là trẻ em mắc AIDS.

Tôi đã có dịp được viếng một trong các khu chữa trị này và nói truyện với các bệnh nhân. Đấy mới là giải pháp thực sự: Giáo Hội làm hơn bất cứ ai khác, vì Giáo Hội không lớn tiếng từ tòa án truyền thông, nhưng giúp đỡ các anh chị em mình ở ngay chỗ họ đang đau đớn. Trong các nhận xét của tôi, tôi đã không nói một cách chung chung về vấn đề ‘áo mưa’, mà chỉ nói, và điều này đã gây ‘xúc phạm lớn’, rằng ta không thể giải quyết vấn đề bằng việc phân phối ‘áo mưa’. Còn nhiều việc hơn thế cần phải làm. Ta phải xát cánh với người ta, phải hướng dẫn và nâng đỡ họ; và phải làm thế cả trước và sau khi họ đã mắc bệnh.

Trên thực tế, như ông biết đó, dù sao người ta cũng kiếm được ‘áo mưa’ theo ý muốn. Nhưng điều đó chỉ để chứng tỏ rằng ‘áo mưa’ mà thôi không tự nó giải quyết được vấn đề. Nhiều điều khác cần phải xẩy ra. Cùng lúc đó, ngay trong lãnh vực thế tục thôi, người ta cũng đang khai triển điều tự gọi là Lý Thuyết ABC: Abstinence (Tiết dục), Be faithful (hãy trung thành) và Condom (túi cao xu, ‘áo mưa’), trong đó, ‘áo mưa’ là phương thế cuối cùng khi hai điểm kia thất bại. Như thế, chỉ khư khư xem sét tới ‘áo mưa’ là cố ý tầm thường hóa tính dục, một việc dù sao cũng là nguồn nguy hiểm gây ra thái độ không những không coi tính dục như là biểu thức của tình yêu nữa, mà chỉ còn là một thứ ma túy mà người ta tự bắt mình dùng. Đó chính là lý do tại sao cuộc chiến đấu chống lại việc tầm thường hóa tính dục cũng là một phần của cuộc chiến đấu để bảo đảm rằng tính dục phải được coi như một giá trị tích cực và phải giúp nó có tác dụng tích cực trên toàn bộ con người ta.

Có thể có một căn bản nào đó trong trường hợp của một số cá nhân, như trường hợp một nam mãi dâm sử dụng ‘áo mưa’ chẳng hạn, thì đây có thể là bước đầu tiên trong chiều hướng luân lý hóa, một hành vi nhận trách nhiệm đầu tiên, trên đường tiến tới việc phục hồi ý thức rằng không phải mọi sự đều được phép và người ta không thể làm bất cứ điều gì mình muốn. Nhưng đó thực sự không phải là đường lối đương đầu với thảm họa lây lan HIV. Việc này thực sự chỉ tùy thuộc vào việc nhân bản hóa tính dục”.

Phần lớn các nhà bình luận thế tục và những người Công Giáo ‘cấp tiến’ chỉ trích đoạn in nghiêng trên đây mà thôi. Đức Bênêđíctô XVI minh nhiên cho hay ‘áo mưa’ không phải là giải pháp cho vấn đề HIV/AIDS (tính thực tiễn và hữu hiệu); còn những người sử dụng ‘áo mưa’ trong lúc làm tình hay bán tình với ý hướng tránh lây lan HIV/AIDS thì đó là “bước đầu tiên trong chiều hướng luân lý hóa”, một chiều hướng được Đức Giáo Hoàng hàm ý là nếu đi đến bước thứ ba, thứ tư, hay thứ năm… có thể dẫn họ tới ý nghĩa hoàn toàn của việc nhân bản hóa tính dục mà theo định nghĩa của Humanae Vitae gồm hai chiều kích kết hợp và truyền sinh (unitive & procreative). Tự cái bước đầu tiên ấy, hành vi của họ chưa phải là luân lý đầy đủ và do đó, không thể có việc được Đức Giáo Hoàng “biện minh” như một số người lớn tiếng giải thích.

Peter Seawald hiểu rõ ý hướng của Đức Bênêđíctô XVI, nên ông muốn ngài nói rõ hơn và do đó, câu hỏi kế tiếp của ông như thế này: “Như thế phải chăng Đức Thánh Cha muốn nói rằng Giáo Hội Công Giáo thực sự không còn chống đối trên nguyên tắc việc sử dụng ‘áo mưa’? Đức Bênêđíctô XVI trả lời: “Dĩ nhiên, Giáo Hội không coi nó như một giải pháp thực sự hay hợp luân lý, nhưng trong trường hợp này hay trường hợp nọ, trong ý hướng giảm thiểu nguy cơ lây lan, thì có thể có cái bước đầu tiên trong diễn trình tiến tới một cách khác, một cách nhân bản hơn, trong việc sống tính dục của mình”.

Như thế, dùng túi cao xu hay ‘áo mưa’ vẫn bị Giáo Hội coi là không hợp luân lý mặc dù trong ý hướng giảm thiểu lây lan, việc ấy được coi là bước đầu trong diễn trình “nhân bản hóa” việc người ta sống tính dục của họ. Câu minh xác của Đức Bênêđíctô XVI vẫn không làm một số hãng tin và tờ báo trên thế giới ngần ngại tự ý giải thích lời của ngài một cách thiếu cơ sở. Hãng AP, ngày 23 tháng 11, ngày công bố cuộc phỏng vấn, đã chạy hàng tít lớn: “Vatican: Sử dụng ‘áo mưa’ ít tội hơn là truyền HIV” và gọi nhận định của Đức Bênêđíctô XVI là “một thay đổi gây địa chấn về một trong những giáo huấn sâu xa nhất, và cũng gây tranh cãi nhất, của Giáo Hội Công Giáo”. Cũng cùng ngày, Nicole Winfield thuộc cùng Hãng Tin cho chạy tít sau: “Vatican: mọi người được dùng ‘áo mưa’ để ngăn ngừa HIV”. Nhưng hình như thấy mình “mừng hụt”, hôm sau, ngày 24 tháng 11, AP cho chạy hàng tít mới: “Các nhận xét của Đức Giáo Hoàng gieo rắc mơ hồ khắp nơi”, cho hay: chẳng ai hiểu ngài muốn nói gì. BBC thì cho đăng một đóng góp của John Allen cho hay: quan điểm của Đức Bênêđíctô XVI không hẳn là một cuộc địa chấn trong Giáo Hội Công Giáo. Reuters đăng tin: Đức Giáo Hoàng nói: đôi khi được phép dùng ‘áo mưa’ để chặn đứng AIDS. Còn Laurie Goodstein của tờ New York Times mạnh bạo hơn, quả quyết rằng: “Đức Giáo Hoàng biện minh cho việc sử dụng ‘áo mưa’ trong một số trường hợp hãn hữu”. Hàng tít của Hãng AFP như sau: “Đức Giáo Hoàng bảo: hãy sử dụng ‘áo mưa’ để phòng ngừa HIV”. Chúng tôi còn nghe có người kể lại: đài phát thanh sắc tộc SBS tại Sydney, trong chương trình tiếng Việt, cho biết: người Công Giáo, trong một số trường hợp, được phép dùng túi cao su để ngừa thai!

Ngừa thai hay không ngừa thai

Thực ra, Đức Bênêđíctô XVI không hề bàn tới việc ngừa thai, ngài chỉ đề cập tới việc dùng túi cao su, ‘áo mưa’ hay phương tiện phòng ngừa nhân tạo nhằm tránh lây lan HIV/AIDS. Trong cuộc chiến đấu chống lây lan HIV/AIDS này, ngài cho hay những người, dù là làm hành vi bất chính như anh chàng mãi dâm, nhưng nếu với ý hướng tránh lây lan HIV/AIDS mà dùng túi cao xu, ‘áo mưa’, thì đã chứng tỏ thiện chí muốn ‘luân lý hóa” hay nhân bản hóa diễn trình tính dục. Còn tất cả các nhận xét hay nhận định khác về lời tuyên bố của ngài thì một là quá sớm hai là không hẳn đúng như lời tuyên bố của ngài trong lúc này.

Tờ America là một trong các tờ báo Công Giáo có tính đi quá sớm, ưa nói “tiên tri” cả trong phạm vi luân lý trong Giáo Hội Công Giáo. Về vấn đề này, Austen Ivereigh của tờ báo này có nhắc lại diễn trình theo dõi cuộc tranh luận ‘áo mưa’ trong Giáo Hội Công Giáo từ lâu. Ông vốn biết Giáo Hội chống đối việc ngừa thai nhân tạo nhưng không chống đối ‘áo mưa’ per se (chống áo mưa vì là áo mưa). Có ai đi chống ‘áo mưa’ per se bao giờ? Có chăng chỉ chống việc dùng ‘áo mưa’ trong lúc làm tình với ý định tránh ngừa thai. Nhân cơ hội chương trình Panorama của BBC năm 2004 bàn về vấn đề ‘áo mưa’, Ivereigh vì thấy một số người Công Giáo bảo thủ cho rằng giáo huấn của Giáo Hội không cho phép những người có nguy cơ truyền bệnh hay đang mang bệnh AIDS được dùng túi cao su vì nó “có tính ngừa thai ngay trong nó và do đó xấu xa”, nên đã nhờ một linh mục thuộc hội Opus Dei, lúc đó đang làm việc tại Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin và rất thân cận với Đức Hồng Y Bộ Trưởng Joseph Ratzinger, viết một bài để soi sáng vấn đề. Vì thế vị linh mục này, Cha Martin Rhonheimer, đã có bài nói lên “sự nhất trí của các nhà thần học luân lý”. Tờ The Tablet đặt tựa đề cho bài viết là “Sự thật về ‘áo mưa’” với lời giới thiệu cho rằng giáo huấn của Giáo Hội không hẳn dạy rằng ngay những người mắc HIV cũng phải tránh ‘áo mưa’.

Ngay phần đầu, cha Rhonheimer đã cho rằng bất cứ người ta nghĩ sao về lối sống chung chạ bừa bãi của người đồng tính hay mãi dâm thì người ấy nếu cố gắng tránh truyền bệnh cho người khác đều được coi là có ý thức trách nhiệm. Cha cho rằng nhiều người, kể cả người Công Giáo, nghĩ đấy không phải là quan điểm của Giáo Hội Công Giáo mà nghĩ rằng Giáo Hội ngăn cấm cả những người ấy không được sử dụng ‘áo mưa’ vì ‘áo mưa’ tự nó xấu. Cha quả quyết đó không phải là giáo huấn của Giáo Hội. Giáo Hội chỉ cấm ngừa thai. Ngừa thai, theo định nghĩa, bao gồm hai yếu tố: ý muốn giao hợp tính dục và ý định biến việc thụ thai thành bất khả thể. Hành vi ngừa thai vì thế bao hàm một quyết định ngừa thai mà quyết định ngừa thai là một hành vi nhằm ngăn cản trước việc làm tình đã được ưng thuận một cách tự do không đem lại hậu quả sinh sản. Đó là một hành vi “xấu từ bên trong”. Căn cứ vào định nghĩa này, hành vi ngừa thai không áp dụng cho trường hợp ngăn ngừa hậu quả sinh sản do hành vi hiếp dâm gây ra. Và theo cha Rhonheimer, một nữ vận động viên đang tham gia Thế Vận Hội sử dụng thuốc viên chống rụng trứng để tránh kinh nguyệt cũng không phạm một quyết định ngừa thai vì cô không hề có ý định giao hợp ngay lúc đó.

Ngoài ra, giáo huấn của Giáo Hội không nhằm nói về ‘áo mưa’ hay bất cứ dụng cụ vật lý hay hóa học nào nhưng nói về tình yêu vợ chồng và ý nghĩa chủ yếu có tính vợ chồng của tính dục nhân bản. Giáo huấn ấy dạy rằng nếu có những lý do nghiêm chỉnh khiến họ chưa muốn có con, thì họ nên điều chỉnh tác phong tính dục của họ bằng phương pháp tiết dục định kỳ.

Nhưng còn những người chung chạ bừa bãi, những người đồng tính và đĩ điếm thì sao? Điều Giáo Hội muốn nhắn nhủ họ chỉ là: họ đừng chung chạ bừa bãi nữa, nhưng hãy trung thành với một người bạn tình duy nhất; đĩ điếm là một tác phong vi phạm nhân phẩm một cách trầm trọng, nhất là nhân phẩm phụ nữ, và do đó không nên can dự vào; còn những người đồng tính, cũng như mọi người, họ là con cái Thiên Chúa, được Người yêu thương, nhưng họ nên sống tiết dục như mọi người không lập gia đình khác.

Còn nếu họ làm ngơ giáo huấn trên và có nguy cơ mắc HIV, thì họ có nên dùng ‘áo mưa’ để ngăn ngừa lây lan không? Cha Rhonheimer cho hay: qui định luân lý ngăn cấm ngừa thai không áp dụng cho họ. Mà cũng không thể có một giáo huấn của Giáo Hội cho họ được; bởi không có gì vô nghĩa bằng việc lập ra các qui định luân lý cho những loại tác phong vô luân ngay trong nội tại. Giáo Hội có nên dạy rằng một người hiếp dâm không được dùng ‘áo mưa’ kẻo anh ta phạm thêm tội không tôn kính ‘việc trao hiến trọn vẹn bản thân cho nhau’ và do đó phạm điều răn thứ sáu chăng? Dĩ nhiên là không nên.

Cha Rhonheimer tự hỏi: trong tư cách một linh mục Công Giáo, ngài sẽ phải nói gì với một người chung chạ bừa bãi mắc bệnh AIDS và sử dụng ‘áo mưa’? Dĩ nhiên, ngài sẽ cố gắng giúp họ sống một cuộc sống tính dục ngay thẳng, có trật tự, chứ đâu ngài có bảo họ đừng sử dụng ‘áo mưa’. Ngài sẽ không nói với họ về điều ấy và chỉ dám cho rằng nếu họ chọn làm tình thì ít nhất cũng nên giữ một chút ý thức trách nhiệm. “Với thái độ ấy, tôi hoàn toàn tôn trọng giáo huấn của Giáo Hội Công Giáo về ngừa thai”. Cha cũng cho hay đây không phải là biện hộ cho một luật trừ. Vì luật về ngừa thai áp dụng cho mọi trường hợp, không có ngoại lệ. Quyết định ngừa thai tự nó xấu xa, nhưng chỉ áp dụng cho hành vi ngừa thai, như đã được Humanae Vitae xác định. Có điều không phải mọi hành vi trong đó có việc sử dụng một dụng cụ xét về mặt hoàn toàn vật lý có tính ngừa thai, nhưng xét theo phương diện luân lý lại là một hành vi ngừa thai như Humanae Vitae truyền dạy.

Thiển nghĩ, quan điểm của Cha Rhonheimer đến đây phản ảnh hoàn toàn câu trả lời Peter Seawald của Đức Giáo Hoàng. Nhưng sau đó, ngài viết thêm: một người đàn ông có vợ mang HIV và sử dụng ‘áo mưa’ để bảo vệ vợ mình khỏi lây lan HIV đã không hành động theo nghĩa biến việc sinh sản thành bất khả thể, mà chỉ là để tránh lây lan. Nếu việc thụ thai bị ngăn cản, thì đó chỉ là một hậu quả “không cố ý” và do đó không bị xếp vào hành vi ngừa thai. Có thể có những lý do khác để khuyên ông ta không nên dùng ‘áo mưa’ hay nên tiết dục, nhưng không phải dựa trên giáo huấn về ngừa thai nhưng dựa trên mục vụ hay lý do khôn ngoan nào khác, như nguy cơ có thể ‘áo mưa’ không hữu hiệu.

Quan điểm trên thực sự vẫn còn trong vòng tranh cãi giữa các thần học gia. Người gần đây nhất là E. Christian Brugger, một chuyên viên kỳ cựu về Đạo Đức Sinh Học thuộc Quĩ Văn Hóa và Sự Sống, giáo sư thần học luân lý tại Chủng Viện Thánh Gioan Vianney ở Denver, Colorado cho hay có những thần học gia cho rằng hành vi làm tình có sử dụng ‘áo mưa’ vì bất cứ lý do hay ý định nào, cho dù là trong trường hợp ông già 80 mắc HIV làm tình có ‘áo mưa’ để tránh lây lan cho bà vợ 77 tuổi, những người mà dù làm tình không có ‘áo mưa’ vẫn không thể có khả năng sinh sản được, thì hành vi làm tình ấy vẫn không thể hiện được sự kết hợp thực sự nên một thân xác giữa hai vợ chồng: ngăn cản không cho tinh trùng đi vào vợ mình và do đó, không phải là hành vi vợ chồng đúng nghĩa.

Brugger cũng cho rằng Đức Bênêđíctô XVI không có ý định hợp thức hóa việc sử dụng túi cao su. Bởi nếu ngài có ý định đó, ngài đã chọn một ngữ cảnh khác để công bố chứ không dùng một cuộc phỏng vấn báo chí để làm việc đó.

Trở lại cuộc đấu tranh chống thảm họa HIV/AIDS, linh mục Rhonheimer cho rằng đó không phải là vấn đề luân lý tính của việc sử dụng ‘áo mưa’, mà là làm cách nào để ngăn cản người ta khỏi gây ra các hậu quả thảm hại do tác phong tính dục của mình tạo nên. Tại Châu Phi, các chiến dịch sử dụng ‘áo mưa’ chống AIDS nói chung không hữu hiệu, một phần có lẽ tại người đàn ông Châu Phi muốn biểu hiện nam tính của mình bằng cách càng có nhiều con càng tốt. Đối với họ, ‘áo mưa’ biến việc làm tình thành vô nghĩa. Cha Rhonheimer cho rằng về phương diện này quan điểm của Đức Gioan Phaolô II (và dĩ nhiên của Đức Bênêđíctô XVI) rất đúng. Cha cũng trưng trường hợp Uganda: không loại trừ việc dùng ‘áo mưa’, nhưng nước này nhấn mạnh tới việc tích cực thay đổi tác phong làm tình (trung thành và tiết dục), nên cuộc đấu tranh chống HIV/AIDS khá thành công tại đây.

Hiểu lầm

Theo Austen Ivereigh, quan điểm của Cha Rhonheimer năm 2004 được nhiều người quan tâm, đến nỗi nhiều vị hồng y lên tiếng bênh vực việc dùng ‘áo mưa’ trong bối cảnh HIV/AIDS. Hiện tượng ấy đã đưa đến việc Đức Hồng Y Ratzinger, ngay trước khi lên ngôi giáo hoàng, quyết định cho thiết lập một uỷ ban các thần học gia luân lý để xem sét vấn đề này. Nhưng sau đó, không ai nghe gì thêm. Năm 2008, Ivereigh có gặp và hỏi một vị chức sắc cao cấp tại Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin về tiến trình của ủy ban trên, thì được vị này cho hay: về phương diện thần học, đã đến lúc cần phải minh xác vấn đề, nhưng không có cách chi công bố công khai mà không bị hiểu lầm… và làm tín hữu hoang mang thêm. Theo vị này, ngay khi công bố, báo chí sẽ nhao nhao chạy các hàng tít như: “Đức Giáo Hoàng ủng hộ ‘áo mưa’” hay “Giáo Hội đảo ngược giáo huấn về ngừa thai”.

Phản ứng của truyền thông trong mấy ngày liền sau khi cuộc phỏng vấn của Peter Seawald được công bố đã chứng thực lo ngại của vị chức sắc cao cấp tại Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin. Trang Blog của tạp chí America có cho hay: ngày 23 tháng 11 vừa qua, Kevin Clark có gửi điện thư cho Cha Rhonheimer và được cha cho hay: quan điểm năm 2004 của cha được công bố lúc Đức Hồng Y Ratzinger còn là bộ trưởng Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, nên chắc chắn ngài biết rõ quan điểm ấy. Nhưng còn vấn đề tại sao Đức Giáo Hoàng chọn lúc này để nói lên quan điểm ấy, thì cha không rõ. Nhưng theo cha, “Điều được Đức Giáo Hoàng nói tới rất rõ ràng và người ta không thể diễn dịch câu nói ấy theo chiều làm yếu đi giáo huấn của Đức Phaolô VI trong ‘Humanae Vitae’ liên quan tới việc ngừa thai hay theo chiều cổ vũ việc dùng ‘áo mưa’ có hệ thống làm phương tiện chống lại cơn dịch AIDS”.

Ghi chú

(1) Theo Đức Hồng Y George Pell, trên thực tế, nhiều nghiên cứu đã quả quyết rằng thay đổi tác phong là điều có thể làm được và đang xẩy ra. Theo phúc trình năm 2008 của Liên Hiệp Quốc, tại Cameroon, phần trăm những người trẻ làm tình trước tuổi 15 đã giảm từ 35 % xuống còn 14%. Theo tạp chí Science năm 2004, từ thập niên 1990 đến nay, số lượng HIV tại Uganda giảm tới 70% và việc này được liên kết với việc giảm 60% các vụ làm tình bừa bãi. Xem http://www.smh.com.au/opinion/choice-not-condoms-make-the-difference-with-aids-20090417-aa4u.html

(2) Norman Heart và Sanny Chen. “Condom promotion for AIDS prevention in the developing world: is it working?” Studies in Family Planning. March, 2004. pp. 39-47.

(3) Permalink: http://www.zenit.org/article-25480?1=english